Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12

Toàn bộ với dạng PDF

Sống Thác Với Tình

10 - TRỞ VỀ.

Thu Thủy hay cô Lê viết thơ biểu Xuân Sơn phải trở về cho mau, thì hy vọng tái hiệp phưởng phức trong trí. Chừng nghe ông Hai cường đi chợ về nói quan Quận chịu lãnh gởi giùm thơ đi liền và có trễ lắm là một tuần lễ sẽ vô tới Sài Gòn thì trong bụng có hơi vui vui.

Nàng thầm tính nếu Xuân Sơn còn yêu nàng, nghe nàng bịnh chàng lật đật đi về liền thì có lẽ trong năm bữa chàng sẽ tới như ông ngoại về hồi năm ngoái. Dầu mắc sửa soạn mất thì giờ hết một hai ngày, hoặc tới Hà Tiên phải chờ đợi mới có ghe, thì bất quá thêm một tuần nữa chàng sẽ về tới.

Mà tâm hồn lạc quan của tuổi trẻ trải qua đau khổ trông ngóng chờ đợi trót gần một năm, nó đã biến chuyển ra tâm hồn bi quan, không tin hạnh phúc ở lối nào, thấy chỗ nào cũng mịt mù đen tối, bởi vậy Thu Thủy bớt buồn chớ chưa dám mừng.

Cô Thiên Hương biểu Diệp nấu nước sôi rồi cô khui hộp sữa bò khuấy một chén cho con uống.

Cô Lê thấy con ngồi dậy, cô lấy khăn nhúng nước rồi biểu con lau mặt cho mát.

Diệp lại vén mái tóc mà bới đầu giùm cho Thu Thủy.

Ông Hai tuy lo sợ, song ông phải làm vui mà nói: „Con uống sữa đi con, uống nóng đặng đổ mồ hôi cho khỏe. Quan Quận nói sữa bò cũng bổ như cơm cháo vậy. Con phải rán ăn uống mà lấy sức lại đặng bữa Xuân Sơn về mình kéo nhau đi hết ra bến mà rước nó cho vui chớ”.

Thu Thủy nhích mép cười, rồi bưng chén sữa vừa thổi vừa húp, rán uống hết. Cô Lê thấy con đổ mồ hôi, cô cầm cái khăn ướt mà lau mặt cho con.

Thu Thủy bước xuống đất vịn vách đi lại ngồi cái ghế dựa cửa mà ngó ra vườn; bữa nay bộ tỉnh mỉnh chớ không phải nhàu nhè như mấy bữa trước. Cả nhà đều vui mừng biết Thu Thủy bịnh là tại nhớ Xuân Sơn, nên ai cũng đem chuyện Xuân Sơn về mà nói cho nàng vui.

Thấy Thu Thủy thơ thới ngồi chơi, ông Hai cường mới đi ra ngoài vườn. Ông thầm tiếc chớ chi hôm được cái thơ sau của Khải Quang hay bên nội bên ngoại đều không thèm nhìn Thu Thủy, ông đưa hết về Sài Gòn không cần kéo dài cuộc phân rẽ thêm nữa, lúc ấy Thu Thủy ốm chớ chưa bịnh nên đi được, làm như vậy bây giờ Xuân Sơn khỏi trở về, mà cả nhà cũng khỏi lo. Nhưng vốn sanh trưởng trong hạng bình dân, ông đã mang cái tâm hồn lạc thiên an mạng, bởi vậy ông tiếc mà ông không buồn, phú may rủi cho thợ trời sắp đặt.

Thấy Thu Thủy mấy bữa sau bớt ủ ê buồn bực, ra vô trong nhà được, hai mẹ lo cơm cháo cho con ăn, lại biểu Diệp đi chợ kiếm coi có sữa bò mua thêm vài hộp để dành, đặng cho uống dậm với cơm cháo, trưa cho uống một chén, tối trước khi đi ngủ cho uống một chén nữa.

Thơ gởi đã đúng một tuần rồi. Đương ngồi ăn cơm chiều, ông Hai nói bữa nay thơ chắc tới Sài Gòn.

Thu Thủy châu mày mà nói: “Mà anh Xuân Sơn chịu về hay không chớ. Lại còn ông nội và ba ảnh có đành thả cho ảnh trở ra đây nữa không?”

Thấy Thu Thủy chưa đổi hẳn tâm hồn bi quan, ông Hai mới nói cứng cỏi: “Không cho về sao được. Nếu đợi Hai ba tuần mà chưa có ai đưa Xuân Sơn về thì ngoại vô ngoại bắt nó về cho con chớ”.

Thu Thủy chúm chím cười.

Chưa đủ Hai tuần, thơ đi mới 12 bữa thì quan Quận đích thân vô thăm Thu Thủy, có nhơn viên của làng đã có mấy lần rồi dẫn đường, lại có chú cai và xã trưởng hộ tống.

Cả nhà đều ra cửa chào mừng. Thu Thủy cũng theo đứng một bên Hai mẹ mà xá quan Quận.

Quan Quận thấy liền hỏi Thu Thủy bữa nay thiệt mạnh hay chưa. Cô thiên hương rước mà trả lời nhờ có hộp sữa của quan gởi cho, uống coi bộ nó chịu. Cô thấy vậy cô mua thêm được vài hộp nữa để dành cho nó uống hổm nay mới ngoắc ngoải ra vô được song cũng còn yếu lắm.

Ông Hai tiếp nói: „Tôi chắc nó nhớ Xuân Sơn, nó trông đợi không được nên sanh bịnh. Nghe viết thơ biểu thằng nọ về, nó vui nên ăn ngủ được. Hễ Xuân Sơn về tới nó mừn, tự nhiên nó mạnh”.

Quan Quận cười và móc túi lấy ra một phong thơ đưa cho Thu Thủy mà nói: „Tôi mới tiếp được thơ Sài Gòn gởi cậy tôi trao giùm vô trong nầy đây. Nhơn dịp tôi vô thăm chơi cho biết chỗ mấy bà con ở. Đâu cháu đọc thơ coi nói chừng nào Xuân Sơn về hay là ông Hai phải đưa bà con vô đặng tôi biết, tôi sắp đặt giùm cho”.

Ông Hai cường lau bàn, nhắc ghế mời quan Quận ngồi. Ông mời ông xã với chú cai ngồi bên ván với ông.

Thu Thủy đưa phong thơ cho mẹ. cô thiên hương xé bao thơ ra đứng trước mặt quan Quận mà đọc như vậy:

Thưa chú Hai,

Tôi mới tiếp được thơ của má Xuân Sơn gởi nói Thu Thủy bịnh nhiều và biểu phải đưa Xuân Sơn trở ra phú quốc cho mau, đặng Thu Thủy vui lòng mới hết bịnh.

Tôi liền cậy ông Phán Cao đưa Xuân Sơn đi, nhưng có thầy ký, người ở Hà Tiên, cho tôi hay mùa nầy nhằm mùa nghịch gió, ghe ở Hà Tiên ra hòn rất khó khăn lại thêm nguy hiểm nữa, vậy nên đi tàu mau lại tiện hơn.

Tôi xuống hãng tàu mà hỏi thỉ thiệt mấy tháng nay có tàu chạy đường Sài Gòn qua Vọng Các, mỗi tháng Hai chuyến, hễ có hàng hóa hoặc hành khách thì tàu ghé bến Dương Đông. Hãng nói 15 tây tới đây có tàu đi, lại chuyến nầy có hàng chở ra Phú Quốc, nên tàu ghé đó. Tôi đã mua truớc hai giấy tàu sẵn rồi. Vậy 15 tây, đúng 3 giờ chiều tàu mở dây chạy thì buổi sớm mơi 16 tây sẽ tới Dương Đông.

Hễ Xuân Sơn với ông Phán ra tới, nếu chú Hai liệu coi Thu Thủy đi được thì cho nó với hai má nó theo ông Phán  với Xuân Sơn vô Sài Gòn gấp đặng có bác sĩ và thuốc men mà trị bịnh cho nó mới mau mạnh, ở ngoài hòn vô Hà Tiên xuôi gió nên dễ đi. Nếu có việc chi trắc trở thì cậy quan Quận giúp cho.

Tôi sẽ dặn ông Phán như vô Hà Tiên mà Thu Thủy yếu quá, sợ đi xe đò mệt nhọc, thì đánh dây thép cho tôi hay rồi ở tạm lại đó đợi tôi gởi xe hơi nhà vô rước.

Tôi với ông thân tôi lo lắng và trông đợi lung lắm Xuân Sơn hay Thu Thủy bịnh nó cũng bứt rứt muốn về cho mau mà rước hết vô Sài Gòn.

Thôi để gặp nhau rồi sẽ nói chuyện dài. Tôi chỉ nhắc cho bà con nhớ sớm mơi 16 tây, Xuân Sơn với ông Phán sẽ ra tới và tôi kính chúc chú Hai cùng hết thẩy bà con trong nhà được an vui và khoẻ mạnh.

LÊ KHẢI QUANG

Ông Hai Cường nói: „thơ nói 15 tây tàu chạy, sáng 16 tàu tới đây. Mình có biết bữa nào đâu?”

Quan Quận nói: „bữa nay chủ nhựt 13 tây. Vậy thì thứ ba tàu chạy sáng thứ tư tàu tới, nghĩa là bỏ ngày mai với ngày mốt, qua buổi sớm mơi mai, bữa kia đó thì Xuân Sơn sẽ về tới”.

Ông hai ngó Thu Thủy mà dặn: „Con nhớ nghe hôn con. Bữa kia dậy sớm nấu cơm cho ngoại ăn đặng ngoại đi đón tàu”.

Cô Lê mừng nói: „Đi về tàu thì ít lo. Mà không biết tàu có vô sát mé bờ mà đậu hay không?”.

Quan quận nói: „Mấy tháng nay tàu đi Xiêm có ghé đây vài lần. Vì không có cầu tàu ra xa, lại bãi lài vô gần bị cạn nên tàu ngừng ngoài xa thổi xúp lê rồi ghe biển chèo ra chở hàng và rước khách vô”.

Cô Thiên Hương hỏi: „không biết theo ngày của mình, bữa nay ngày mấy?”

Ông xã trưởng nói ngày mình bữa nay là 11. Cô thiên hương nói vậy tàu ở sài gòn chạy bữa 23, nhằm ngày Tam Nương.

Quan quận cười mà nói ngày nào cũng như ngày nấy, có ngày nào tốt hơn ngày nào đâu. ông an ủi Thu Thủy rán ăn cơm cháo cho mau mạnh đặng xuân sơn về ruớc vô sài gòn chơi. Ông biểu ông hai dắt ông đi xem vườn chơi một lát rồi ông từ mà về.

Mấy người trong nhà mừng rỡ, cười nói không ngớt.

Cô lê hết giận chồng trách con nữa.

Cô thiên hương thấy sự phân ly hai trẻ sanh nguy hại, cô tởn rồi nên mong cho Thu Thủy mạnh đặng Xuân Sơn có rước đi thì rước, cô không dám ngăn cản nữa.

Ông Hai đưa quan Quận đi rồi, ông trở vô ông cũng hớn hở vui mừng, tính chuyện đón rước Xuân Sơn, biểu Thu Thủy tiếp dưỡng cho mạnh mà đi Sài Gòn, ông cũng không tính cầm ở ngoài hòn nữa.

Thu Thủy lấy bức thơ ngồi đọc lại, đọc nhữ câu: „Vô tới Hà Tiên đánh dây thép đặng cho xe hơi nhà vô rước“ và câu: „Tôi với ông thân tôi lo lắng và trông đợi lung lắm“ thì nàng rất cảm tình. Còn câu: „Xuân Sơn hay Thu Thủy bịnh nó cũng bứt rứt muốn về cho mau mà ruớc hết vô sài gòn“ thì mới làm tin chắc Xuân Sơn không có tính bỏ nàng, nên nàng cảm xúc ướm nước mắt.

Trong hai ngày kế đó thu thủy vui vẻ, sớm mơi đi chơi cùng trong vườn, chiều mát ra viên đá dưới tàn cây mà ngồi và lấy tấm hình chụp của Xuân Sơn ra mà xem.

Khuya thứ tư, 16 tây, Dệp dậy sớm nấu cơm đặng bà con ăn rồi ra mé biển đón rước Xuân Sơn. Cả nhà đều thức dậy; Thu Thủy cũng dậy thay áo sửa soạn. cô Lê nói Thu Thủy còn yếu quá thì ở nhà coi nhà, để cho ngoại, hai má và dì Diệp đi. Thu Thủy không chịu. Nàng nói đã mạnh rồi, thủng thẳng đi được, nhà bỏ đó không có trộm cắp gì đâu mà sợ.

Hai mẹ không nỡ ép con ở nhà nên ăn cơm rồi, trời đã sáng, cả nhà đi hết; ông Hai hăng hái đi trước, còn Diệp thủng thẳng dìu dắt Thu Thủy đi sau chót.

Bốn cô ra tới biển thì mặt trời đã lên cao rồi. Ngoài khơi ngọn gió thổi mạnh vô bờ, đưa sóng đập lên bãi ồ ào làm cho mấy cô phải ngồi trong xa mới khỏi ướt.

Ông hai ra tới trước, ông đi luôn ra Dinh Cậu đứng mà ngóng. Ông thấy mấy cô ngồi trên bãi, ông mới trở vô mà nói: „Chú đứng ngoài nầy nãy giờ chưa thấy dạng chiếc tàu, chỉ thấy trên mặt nước có một lằn khói đen chắc là khói tàu. Cha cả, còn xa lắm, sợ mình còn phải đợi lâu, mà trời bữa nay sao coi xấu quá, có mây khói đen cùng hết, sợ dông lớn biển động”.

Mấy cô ngó lên trời thì thiệt quả mây xám xám như màu tro bao giăng khắp hết, án tối mặt trời ui ui chớ không gịoi nắng như hồi sớm mai, trên mặt biển thì sóng bủa có giồng, lượn sau tiếp lượn trước mà bủa vô bãi vô gành, thấy phát sợ.

Một người đàn ông, tuổi tác sồn sồn, ở trong chợ đi ra thấy mấy người đương chòm nhom nói chuyện thì hỏi phải mấy người đón tàu hay không? Ông hai cường nói phải. Người ấy nói người cũng đón tàu đặng lấy hàng. Người hỏi ngó thấy tàu hay chưa? Ông Hai nói hồi nãy thấy khói nhưng còn xa lắm.

Người ấy than bữa nay gió dông nên biển động, bởi vậy chừng tàu tới sợ ghe khó ra mà cặp tàu.

Mấy cô nghe như vậy càng thêm lo sợ.

Người ấy rủ ông Hai ra Dinh Cậu coi chừng tàu.Vì Dinh Cậu là một hòn nhỏ nằm trước vịnh Dương Đông, ló ra xa nên đứng đó mới ngó phía trên, phía dưới, đều thấy hết. Hòn lại dính với đất liền ở trong. Cách nhau chỉ có một cái trũng, nước ròng thì qua lại thong thả, duy nước lớn đầy thì nước ngập tới lưng quần.

Ông Hai nghe người ấy rủ ra Dinh Cậu thì ông đi theo. Thu Thủy muốn thấy tàu cho mau nên nàng đứng dậy đi nữa. Ông Hai không cho, nói ra ngoài đó gió mạnh lắm, lại chừng nước lớn ướt quần. Thu Thủy không chịu nghe lời, nàng cứ việc đi, làm cho hai bà mẹ với Diệp phải đi theo luôn.

Thiệt ngoài Dinh Cậu gió thổi mạnh quá, sóng đập vô đá dựng, dội tiếng nghe ầm ầm. Mấy cô đứng ngó, ông Hai đưa tay chỉ mà nói bây giờ thấy chiếc tàu rõ ràng rồi và biểu mấy cô ngồi xuống mà coi.

Mấy cô thấy tàu rồi mới chịu ngồi bẹp trên đá mà ngó chừng. Thu Thủy ngồi giữa, hai mẹ ngồi kềm hai bên, Diệp ngồi riêng ra, gần chỗ ông Hai đứng với người hồi nãy.

 Ngọn gió càng thêm mạnh, lượn sóng càng thêm cao. Chiếc tàu còn xa xa, nhưng trồi lên hụp xuống theo lượn sóng, thấy ghê quá.

Thu Thủy cũng như mẹ, lo sợ nên mặt mày tái lét, ngồi êm ru mà ngó mà không dám hó hé.

Trong vịnh Dương Đông tuy êm ấm, song những ghe lớn nhỏ đậu trong đó cũng bị sóng dồi lên lăn lộn không yên, có nhiều chiếc nhỏ bị sóng đùa vuột sào văng trên bãi cát.

Mấy người ở trong chợ hay tàu gần tới nên túa ra mé biển mà coi rất đông, có lính tráng đủ hết, lại có ít người ra Dinh Cậu đặng thấy cho rõ.

Người đón lấy hàng hồi nãy nói chuyện đó, người thấy có một chiếc ghe lớn, thủy thủ đương xôn xao sửa soạn ra biển đặng cặp tàu. Người bèn trở vô bờ tính đi theo ghe ấy đặng lãnh hàng của mình coi đủ thiếu.

Thu Thủy cứ ngồi chong mắt ngó chiếc tàu lăn lộn với sóng mà chạy tới. Nàng lo sợ quá, không biết Xuân Sơn ở trong tàu có yên hay không.

Tàu gần tới súp lê vang rền, có ý kêu ghe ra. Chiếc ghe lớn sửa soạn hồi nãy đó, mở dây bung ra, dường như có người đi lấy hàng đứng trong ghe nữa. Ông Hai Cường thấy sóng gió lớn quá, ông muốn theo ghe ra tàu mà rước Xuân Sơn cho chàng vững bụng, mà ông dợm đi thì chiếc ghe đã mở đỏi rồi, ông liệu vô không kịp nên đành đứng mà ngó.

Tàu thổi súp lê ù ù, sóng đánh ầm ầm, gió đùa vụt vụt, chiếc thuyền trồi hụp, năm người chèo chống cự với sóng hết lượn nầy đến lượn khác, nước phủ lên ghe, thủy thủ ướt loi ngoi. Vì đã từng quen với sóng gió nên cả năm người cứ mạnh dạn chèo ra khơi, không nao núng.

Thu Thủy với hai mẹ sợ quá, ngồi chết điếng trong lòng. Ông Hai với Diệp đứng xăn văn xéo véo không yên, không biết ghe ra tới tàu hay không, mà dầu có tới Xuân Sơn làm sao qua ghe cho được.

Mấy cô lo sợ nên hồi hộp ngồi không yên, đứng không được, cứ lóng nhóng ngó chiếc ghe, nhìn chiếc tàu, mặt mày tái xanh.

Ghe gần xáp được với tàu rồi lại bị sóng đẩy phải dang ra xa. Thủy thủ cong lưng chèo tới nữa, xáp vô dang ra như vậy tới ba lần, trên tàu mới quăng đỏi qua ghe được mà kéo vô.

Bên tàu có hai người chờn vờn nhảy qua ghe, hai người đều mặc âu phục, nhưng người trước thì nhảy qua tay không. Ông Hai Cường la lớn: “Xuân Sơn qua bên ghe được rồi “, Thu Thủy đứng dậy ngó, miệng chúm chím cười. Cô Lê Thiên Hương với Diệp cũng đứng dậy hết.

Người sau liệng đồ qua ghe rồi nhảy theo. Ông Hai la nữa: „Ông Phán cũng qua được rồi nữa, thôi khỏe rồi !”

Bây giờ trên hòn Dinh Cậu có tới muời mấy người chen nhau đứng coi, còn trong vịnh thì thiên hạ chòm nhom trên mé đông lắm.

Bên tàu có nhiều người bưng thùng đưa qua ghe cho thủy thủ rước lấy, đưa năm sáu thùng rồi lật đật mở đỏi vì ngọn gió đổi hướng, thổi càng mạnh hơn, làm cho sóng bạc chiếc tàu day ngang muốn lật.

Chiếc ghe vừa mới bung ra khỏi chiếc tàu thì một lượn sóng lớn và cao ào tới đẩy chiếc ghe đi thiệt xa, đẩy thêm ra khơi, cách chiếc tàu biệt mù. Đà công bẻ tay bánh ghe day lại vô bờ, chẳng nhè một lượn sóng khác còn cao hơn nữa ào tới phủ mất chiếc ghe.

Cả thiên hạ từ ngoài Dinh Cậu vô trong vịnh ầm lên mà la: „Trời đất ơi ! Ghe chìm rồi chết hết gió ngược, sóng ngược, làm sao mà lội vô cho nổi !”

Thu Thửy tối tăm mày mặt, nàng xỉu. hai mẹ với Diệp mắc ngó ngoài chỗ ghe chìm, bủn rủn, đở Thu Thủy không kịp, nên nàng té nằm dài, đập dầu vô đá nghe một cái bốp.

Hai mẹ ngồi xuống xốc đỡ nàng dậy. Diệp đỡ cái đầu. Ông Hai Cường với mấy người đứng gần xúm lại phụ đỡ. Thu Thủy mắt nhắm khít, tay chơn dịu oặt. Hai mẹ khóc kêu nàng không ừ hử, hơi còn thở hoi hóp mà cũng như người đã chết rồi.

Ông Hai biểu thôi cõng em về nhà.

Diệp vội vã ngồi xuống đưa lưng mà cõng. Vì Thu Thủy xuôi xị, không đeo cổ nên không thể cõng được. Diệp mới đưa hai tay mà bồng đi. Thiên Hương một bên đỡ đầu. Lê một bên đỡ hai chưn vừa đi theo vừa khóc, nước mắt chàm ngoàm.

Ông Hai Cường cũng đi theo, ông ngó ngoái ra biển thì sóng gió vẫn còn ầm ầm. Vậy mà trong vịnh có ghe khác đem ra lớn nhỏ kể có đến sáu bảy chục chiếc, có lẽ tính ra vớt những người bị nạn.

Vô tới bờ thì quan Quận đứng đó, vì nghe tàu tới ông ra bến đứng rước Xuân Sơn với ông Phán, thấy ghe chìm ông tổ chức cuộc tiếp cứu may có vớt được ít ngưới. Ông thấy Diệp bồng Thu Thủy thì ông hỏi sao vậy. Ông Hai Cường thuật sơ rằng Thu Thủy thấy ghe chìm, nó xỉu té đập đầu vào đá bất tỉnh.

Quan Quận biểu Diệp bồng em theo ông vô cái nhà ở gần đó. Ông dạy để em nằm trên ván ngay thẳng cho em nghỉ. Ông sai chú Cai đi kiếm mua hai ve dầu lập tức đặng thoa cho em. Thấy có Xã trưởng lạI, ông cậy đi kiếm một cái võng với hai người dân làng mượn họ võng dùm em về nhà.

Có dầu rồi, cô Lê với cô Thiên Hương, mỗi cô ngồi mà thoa mặt, htoa ngực, thoa lưng  thoa cả hai chưn, mà Thu Thủy cũng cứ nằm im lìm, không cựa quậy, không tỉnh lại.

Cô Lê ngó ông Hai vừa khóc vừa nói: „Tuy Thu Thủy bịnh song về trong nhà có mấy chị em con lo cho nó. Chú làm ơn ở ráng ngoài nầy kiếm vớt dùm thây của Xuân Sơn đặng chôn em, kẻo cá ăn tội nghiệp“.

Cô Thiên Hương tiếp nói: „Xuân Sơn chết thì chắc Thu Thủy cũng không sống được đâu mà lo. Vậy chú cần mướn người ta ráng tìm vớt cho được thây Xuân Sơn mà chôn, đặng Thu Thủy chết mình chôn cặp một bên cho hai đứa nó tròn chung thủy, hết lo sự phân rẽ nữa. Tại con nên hai đứa nó mới chết !”

Nghe mấy lời than thở hai con như vậy, ông Hai Cường chịu không nổi, ông chảy nước mắt, nên bỏ đi ra ngoài.

Quan Quận cũng xúc động cực điểm, ông vừa muốn nói hai trẻ đương sống giữa thân yêu nhàn lạc, tại Trời khiến ông tìm kỹ quá nên mới gặp mà sanh chuyện, chớ không phải lỗi tại ai hết, muốn nói mà chưa kịp nói, kế xã trưởng dắt hai người dân làng lại, có võng có đòn, đủ hết. Quan Quận dạy hai người ngán cái võng ra, đem lại sát bộ ván. Diệp bồng Thu Thủy để lên võng, rồi hai người để đòn lên vai mà đi. Lê với Thiên Hương đi theo hai bên, Diệp theo sau, cả ba đều khóc hết, ai thấy cũng động lòng.

Quan Quận dắt ông Hai Cường trở lại mé biển. Ngoài khơi, chiếc tàu sắt to tát mà sợ sóng gió, nên xả hết tốc lực chạy xa rồi, bỏ mấy chiếc ghe cây nhỏ xíu lăn lộn trên lượn thủy triều mà tìm đặng cứu vớt mấy nạn nhơn, chắc trong đám đó có người sẽ được thiên oai dung chế.

Đứng nhìn một lát, ai cũng thấy một chiếc ghe nhỏ ba người chèo đương xông lướt sóng gió rẻ về bến. Người ta đoán chiếc thuyền đó có vớt được ai rồi nên mới bương bả về. Họ áp xuống bãi đứng tại mé nước mà chờ. Quan Quận với ông Hai Cường nóng nảy nên cũng theo họ mà xuống dưới đó.

Thuyền vô gần tới, trên bờ kêu hỏi có vớt được ai không. Dưới thuyền trả lời có vớt được một cậu trai mặc đồ tây. Quan Quận với Hai Cường chắc cứu được Xuân Sơn Rồi nên kêu biểu chèo riết vô. Thiệt quả Xuân Sơn nằm thiêm thiếp giữa thuyền, mặc quần tây, áo sơ mi, có mang vớ mà không có giày.

Quan Quận hô biểu ai làm ơn xuống thuyền bồng dùm lại nhà công sở của làng. Ông Hai Cường leo lên ghe trước, muốn bồng. Có hai người mạnh khỏe theo cản ông, biểu để cho họ vác mà xốc nước rồi sẽ đem lại công sở.

Dân chày lưới họ thạo việc cứu những kẻ chìm ghe. Họ đặt tay vào ngực Xuân Sơn mà nói còn ấm ấm, có lẽ cứu được, rồi một người phụ đỡ lên vai cho một người kia vác mà chạy.

Quan Quận biểu chú Hai chạy lại công sở mượn nhúm sẵn một bếp lửa đặng hơ, rồi chạy luôn về quận lấy một bộ đồ mát đem lại đặng xốc nước rồi thay đồ khô cho bận và hơ lửa cho ấm.

Người vác Xuân Sơn Chạy mấy vòng đã mệt nên sang cho người khác vác chạy thêm một hồi nữa.

Quan Quận biểu ông Hai lại công sở mà chờ. Hương chức làng với nhiều người đi theo coi, nhưng phần đông thì đứng tại bến mà chờ mấy chiếc ghe khác, nhứt là vợ con của năm thủy thủ ra rước tàu của người ta lấy hàng và thân nhơn của người liều chết xông ra tiếp cứu.

Bây giờ người ta nói xốc nước cho Xuân Sơn đủ rồi, nên đem chàng vô công sở để nằm trên ván, rồi ngưới ta lo cởi quần áo ướt mà bận đồ khô cho chàng và đem lò lửa mà hơ mặt mày, bụng dạ, tay chưn cho ấm, mấy người săn sóc một hồi, ông Hai Cường ngồi một bên cháu, ông đưa tay gần lỗ mũi thì có hơi thở, rờ ngực ấm hiểm, ông có ý mừng. Một ông già bước lại rờ coi rồ nói không sao đâu mà sợ, có lẽ đêm nay sẽ tỉnh lại.

Ông Hai càng thêm vững bụng, ông mới cậy chú nhơn viên của làng, thường vô nhà ông, chú làm ơn cho mẹ Xuân Sơn hay đặng mừng con. Quan Quận tiếp dặn hỏi thăm coi Thu Thủy đã tỉnh lại hay chưa.

Cách một lát ghe chở người đà công với hai thủy thủ của ghe ra đón tàu. Mấy người nầy từng quen sóng gió nên khi ghe chìm, họ ôm ván sạp mỗi người một tấm rồi để cho sóng đưa đẩy mà chờ ghe khác cứu vớt. Vì vậy nên ba người được vô bờ thì bể nghể, thân nhơn dìu dắt về nhà săn sóc vậy thôi.

Cách một hồi nữa ghe vớt về thêm hai người, ấy là anh theo ghe ra tàu lãnh hàng với một người lạ mặc đồ tây, không ai quen. Hai người uống nước nhiều nên người ta đương lo xốc nước mnà cứu. Quan Quận nghe nói vớt được một người lạ mặc đồ tây thì chắc ông Phán Cao nên lật đật đi lại bến mà xem, té ra không phải, người nầy còn trai trẻ, cao lớn, vậm vỡ. Nhờ hai người đều có sức mạnh nên xốc nước một lát thì mở mắt tỉnh lại, chỉ còn mệt mỏi uể oải, chưa nói đưọc. Quan Quận dạy đem người lạ lại công sở cho làng săn sóc, còn người kia thì vợ con đưa về nhà. Ông Hai thấy người lạ, ông nghi là bồi của Khãi Quang.

Cô Lê theo chú nhơn viên của làng ra tới công sở. Cô thấy Xuân Sơn nằn thiêm thiếp thì cô hào hển a lại ôm con mà khóc.

Ông Hai Cường hỏi thăm Thu Thủy tỉnh lại hay chưa. Cô Lê nói hồi nãy nghe tin vớt được Xuân Sơn xóc nước, chắc khỏi chết thì mấy chị em cô mừng, cô kêu Thu Thủy mà nói cho nó hay. Thu Thủy có nhướng mắt lên rồi nhắm lại, không nói chi hết. Thiên Hương biểu ra săn sóc cho Xuân Sơn, để Thu Thủy cho Thiên Hương với Diệp lo. Quan Quận kêu ông Hai Cường ra ngoài mà nói chuyện rằng Thu Thủy té đập đầu vô đá, không biết cái sọ có sao hay không. Chớ chi ở Sài gòn có bác sĩ coi mới biết. Ông lại nói để ông về viết thơ cho Khải Quang hay.

Ông Hai trở vô ngồi bên Xuân Sơn với cô Lê. Người ta đương thay đồ cho người lạ nằm trên ván bên trái và hơ lửa cho ấm. Ông biết người đó không lạ, nhưng không nhớ ở đâu.

Cô Lê nắm tay con mà kêu coi nó tỉnh lại hay chưa. Xuân Sơn nhướng mắt ngó mẹ rồi lắc đầu mà nhắm lại. Ông Hai nói chắc đêm nay Xuân Sơn sẽ tỉnh. Ông chỉ lo cho Thu Thủy nhiều hơn.

Chiều quan Quận trở lại thăm thì người lạ đó đã tỉnh. Ông hỏi người lạ là ai, tại sao đi tàu mà ghé lại Phú Quáôc làm chi. Người đó mới nói rằng người tên Sáu Thiện, vốn là gia dịch của ông Khải Quang ở trong Sài Gòn. Tại phần rủi của người nên bị họa, tưởng đã chết với cậu Xuân Sơn rồi. Số là chú của người cậy ông Phán Cao đưa giùm cậu Xuân Sơn về Phú Quấc đặng rước hết bà con vô Sài Gòn. Còn một bữa nữa tàu chạy, ông Phán Cao nóng lạnh nằm mê man, không đi được, cậu Xuân Sơn cứ đòi đi một mình. Ông Khải Quang không biết làm sao nên phải sai người thế cho ông Phán mà đi. Tới Phú Quốc mà lại chìm ghe, làm cho hai hoa ly đựng áo quần, tiền bạc trôi mất hết. Đồ của ông Khải Quang mua gởi đựng trong đó với thơ của ông cũng mất luôn.

Quan Quận an ủi, hứa sẽ viết thơ cho Khải Quang hay, còn đồ đạc mất thì thôi, miễn sống được đấy là phước lớn.

Bây giờ ông Hai nhớ Sáu Thiện rồi, ông nói ông rối trí còn anh ta thì nhàu nhè quá, nãy giờ ông nhìn không ra, ông nghi nhưng ông không nhớ. Ông khuyên Sáu Thiện nghỉ cho khỏe. Ông biểu cô Lê ở đóó với em, để ông chạy về thăm Thu Thủy môt chút và thông tin Xuân Sơn có lẽ sống được cho Thiên Hương mừng, rồi sẽ trở ra lo cơm nước cho Lê và Thiện ăn.

Ông Xã biểu ông về cho trong nhà hay đi, còn cơm nước thì ngoài làng sẽ sắp đặt giùm cho, ông khỏi lo việc đó.

Ông Hai cám ơn rồi ông đi liền.

Đến chiều Xuân Sơn tỉnh lại. Mở mắt thấy mẹ thì kêu: „Má “. Cô Lê mừng quá, chụp nắm tay con mà nói: „Ừ, má đây con. Con Tỉnh rồi hả ?”

Xuân Sơn nói nhỏ nhỏ từ tiếng:

-         Con rêm cả mình mẫy… cựa quậy không nổi …Thu Thủy đâu ?

-         Nó ở trong nhà với má Hai và dì Diệp. Ngoại con mới chạy về thăm trỏng.

-         Đây là nhà ai ?

-         Công sở của làng.

-         Con tưởng chết mà không thấy mặt ai hết … Thu Thủy thiệt còn sống hay sao má ! Xin má đừng dấu con.

-         Không. Má nói thiệt chớ dấu con làm chi. Hôm trước nó thương nhớ con quá ăn ngủ không được, ốm như tàu lá. Má sợ nó chết nên viết thơ biểu con về. Được thơ của cha con nói ngày về, nó mừng nên ăn uống đặng lấy sức lại. Hồi sáng cả nhà ra mé biển đón con. Nó cũng ráng đi theo, không chịu ở nhà. Chừng thấy sóng nhận ghe chìm, nó té xỉu trên đá bất tỉnh nhơn sự. Quan Quận biểu thoa dầu rồi võng nó về. Hồi nãy nghe tin vớt được con, má mừng má kêu mà nói cho nó hay. Nó có mở mắt song cũng còn mê, chưa nói được.

-         Nếu cứu con sống được mà ThuThủy chết thì con sống làm chi.

-         Nó không chết đâu. Con về nó mừng chắc chắc nó mạnh. Để má mua sữa bò khuấy cho con uống. Con nghỉ cho khỏe rồi má đem con về đặng gặp Thu Thủy.

-         Con muốn gặp nó liền bây giờ.

-         Khoan đã ! Con còn yếu quá đi sao nổi.

-         Vì yêu nó con mới đi Sài Gòn Đặng tìm cha giàu sang cho nó sống với cảnh đời sung sướng. Cũng vì yêu nó nên con về đây rước nó với hai má. Nếu con về mà nó chết thì con chết theo nó cho rồi …

-         Con đừng nói vậy...không nên …Để vài bữa con với nó mạnh rồi hai má đưa con với nó trở vô Sài Gòn chớ.

-         Xuân Sơn khóc.

Ôn gXã với mấy người trong công sở đứng nghe mẹ con Xuân Sơn nói chuyện nãy giờ, biết Xuân Sơn đã tỉnh lại thiệt chớ không phải mê sảng, nên ông Xã tiếp an ủi, nó không chết đâu mà lo.

Sáu Thiện nằm đằng chái cũng gượng ngồi dậy kêu và nói: „Cậu tỉnh lại rồi thì có gì nữa đâu mà nói chết. Hồi trưa mới ghê chớ. Tôi tưởng cậu cháu mình làm mồi cho cá rồi. Thuở nay tôi mới sợ lần thứ nhứt. Sóng lớn bằng cái nhà nó chụp rồi lôi mình đi, không sợ sao được. Nãy giờ tôi nghĩ tôi kính phục mấy anh chài lưới quá. Sóng như vậy mà dám chèo nghe nhỏ ra cứu vớt, Thiệt anh hùng quá. Mà hai hoa ly trôi mất cậu à. Cậu cháu mình bây giờ không còn gì hết !”

Xuân Sơn nói xuôi xị: „Mất thì thôi …Tại đồ đó nên Thu Thủy mới bịnh …Anh Sáu mất đồ gì thì chừng về trỏng xin tiền của ba tôi mà sắm đồ khác “.

Có người ở dằng quận bưng lại một mâm cơm, lại có một hộp sữa bò mà nói như Xuân Sơn với Sáu Thiện chưa ăn cơm được thì khuấy sữa cho uống. Sáu Thiện xin cho uống sữa. Sẵn có nước sôi, cô Lê mới khuấy hai ly sữa cho Sáu Thiện một ly, còn Xuân Sơn còn bể nghể chưa ngồi dậy được thì cô lấy muỗng đút cho con uống.

Từ hồi xế gió êm bể lặng, nhưng gầm trời u ám, mây nhiều.

Ông Hai Cường trở ra thấy cô Lê đương ngồi ăn cơm, ông hỏi Sáu Thiện với Xuân Sơn chưa ăn được hay sao.Cô Lê nói Xuân Sơn và Sáu Thiện tỉnh rồi nhưng còn yếu, nên khuấy sữa cho hai người uống. Ông Xã mời ông Hai ăn cơm. Ông Hai nói ông mới ăn ba hột rồi đi đây. Ông bước lại thăm cháu.

Xuân Sơn hỏi Thu Thủy hết mê hay chưa. Ông Hai mừng nói: „Ngoại về ngoại kêu nó mà nói người ta vớt con rồi, nhưng con mệt nên còn nằm ngoài nầy mà nghỉ đợi sáng mai khỏe rồi sẽ về. Nó nghe nói vậy thì nó mở mắt nhích môi cười. Chắc đêm nay nữa nó sẽ tỉnh. Diệp đương nấu cháo lấy nước đổ cho nó uống “.

Xuân Sơn nói: „Con muốn về liền bây giờ.“

Ông Hai nói: „Không được đâu con. Trời chuyển mưa dữ lắm “.

Ông vừa nói thì mưa ào tới. Xuân Sơn hết đòi đi. Ông bước qua bên kia thăm Sáu Thiện.

Đến tối mưa còn lâm râm. Ông Hai mượn dù che đi lại quận cám ơn quan Quận chiếu cố đến con cháu ông. Nhơn dịp ông tỏ ý lo sợ cho Thu Thủy và tính Xuân Sơn cò yếu nhưng đã tỉnh rồi, vậy sáng mai ông sẽ đem Xuân Sơn về hoặc Thu Thủy mừng mới tỉnh lại được. Quan Quận chịu cho hai trẻ gặp nhau thử coi.

Ông Hai Cường trở về công sở ngồi một hồi, ông nghĩ bỏ Thiên Hương với Diệp ở nhà ông không yên lòng, ông nói với Xuân Sơn để mẹ nó ở đây với nó, ông về lo săn sóc Thu Thủy rồi khuya ông sẽ trở ra ông rước.

Mẹ con Xuân Sơn chịu. Ông Hai trả cây dù rồi kiếm một cây gậy cầm tay ra đi, giọt mưa vẫn lâm râm, trời tối tăm mù mịt.

Đêm đó trong nhà Thu Thủy vẫn nằm mê man, nhưng đổ được ít muỗng nước cháo. Còn ngoài công sở thì Xuân Sơn ngủ thẳng giấc, khuya thức dậy biết đói. Sáu Thiện thì hết mỏi mệt, đi đứng được rồi. Cô Lê nấu nước sôi khuấy sữa cho mỗi người một ly. Xuân Sơn ngồi dậy bưng uống được. Uống ly sữa no lại ấm bụng, chàng mới lần đi ra ngoài. Sáu Thiện sợ chàng té nên đi theo một bên.

Trời mới hửng sáng mà ông Hai Cường đã ra tới. Cô Lê hỏi thăm Thu Thủy thì ông Hai nói hồi hôm nuốt được ít muỗng nước cháo.

Xuân Sơn nóng nảy đòi về. Ông Hai nói để sáng rồi ông mượn võng ông võng. Xuân Sơn nói chàng đi được rồi, đi chậm chậm hễ mỏi thì ngồi nghỉ. Sáu Thiện nói có anh theo dìu dắt không sao đâu mà sợ.

Mấy bà con bèn sửa soạn, rồi từ giã nhơn viên trong công sở mà đi. Trời sáng bét. Ông Hai với Sáu Thiện kềm hai bên cho Xuân Sơn vịn vai mà đi. Cô Lê cầm hộp sữa đi theo sau.Vì Xuân Sơn còn yếu nên không cho chàng đi mau và đi một khúc cho chàng ngồi nghỉ, bởi vậy đi gần nửa buổi mới về tới nhà.

Gần tới thì cô Lê đi riết về trước đặng cho trong nhà hay. Thiên Hưoơng và Diệp ra sân đón mà mừng.

Xuân Sơn thấy cô Thiên Hương liền buông ông Hai với Sáu Thiện ra rồi sốc sốc đi lại và hỏi: „Má Hai ! Thu Thủy đâu ?’

Thiên Hương xúc động nên chảy nước mắt, cô nắm cánh tay con mà dắt vô cửa, ngẹn ngào nói không được.

Xuân Sơn vừa thấy Thu Thủy nằm thiếp thiếp trên ván, hình vóc ốm xếp ve, thì chàng a lại nắm chưn mà kêu: „Thu Thủy ! Qua về đây em“. Thu Thủy nằm trơ trơ, Mấy người đều áp lại đứng chung quanh.

Chàng lên ván ngồi một bên nàng, một tay ôm ngang mình, một tay lúc lắc mặt nàng mà kêu: „Thu Thủy ! Thu Thủy ! Dậy em. Qua về đây. Dậy mừng qua chớ “.

Thu Thủy ư một tiếng, mở moắt ngó Xuân Sơn trân trân. Xuân Sơn đưa hai tay ra lắc mặt nàng mà kêu nữa. Thu Thủy nhích miệng cười, mặt mày hớn hở và nói nhỏ xíu: „Cám ơn“ rồi trực thị tắt hơi.

Thiên Hương với Lê hoảng hốt, leo lên ván lắc kêu Thu Thủy, vừa kêu vừa khóc. Ông Hai bước lại đặt tay gần lỗ mũi Thu Thủy rồi lắc đầu nói: „Nó nuối mà đợi Xuân Sơn về cho nó thấy mặt rồi chết ! Còn gì đâu mà kêu !”

Xuân Sơn nghe nói chết thì khóc ré lên, xóc ôm ngang mình Thu Thủy để nằm trên hai bắp vế chàng mà kêu nữa, kêu hoài. Nhưng Thu Thủy cứ mở mắt trao tráo mà ngó Xuân Sơn. Ba cô khóc rùm nghe rất thảm thiết.

Ông Hai Cường lại cửa ngồi ngó ra vườn, đau đớn quá, không nói gì được hết. Sáu Thiện lại ngồi một bên ông. Anh ta cũng buồn hiu.

Xuân Sơn than khóc với ba cô một hồi rồi cúi mặt xuống đỡ mặt Thu Thủy lên mà hun. Cặp mắt Thu Thủy lần lần nhắm khít lại, chết thiệt rồi nhưng mặt nàng tươi rói như nằm ngủ.

| trang đầu | đầu trang | tiểu thuyết | Chương: 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12