Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26

dạng PDF

Tơ Hồng Vương Vấn

(24) IV

Luôn hai chúa nhựt quan Phủ Vĩnh Xuân lên nhà Hương hào Thi hai lần, là lần sau lại có qua nhà Hương nhì Tồn rnà chơi nữa. Hương hào muốn để một mình anh thân cận với quan mà thôi, nên không cho Hương chức biết việc đó, song lần trước anh có đưa ra tới chợ Rạch Cam, rồi lần sau anh lại ra tới chợ đón tiếp, sự ấy có nhiều người dòm thấy, rồi cả xóm, cả làng đều hay.

Có người hỏi Hương hào có bà con với quan Phủ hay sao nên quan Phủ đến thăm chơi vậy. Hương hào muốn lên mặt với người trong làng, nhứt là muốn được Hương chức lớn kiêng nể, nên anh giữ bí mật, ai hỏi thì anh chúm chím cười rồi nói theo điệu úp mở, không chịu bà con, mà để cho người ta tưởng bà con, không khoe thân thiết mà làm cho người ta nghi thân thiết.

Có người khác hỏi Hương nhì Tồn có việc chi mà quan Phủ đến nhà thì Hương nhì thiệt thà nên nói ngay ra tại cô Hưởng giống cháu của bà cụ mất hồi trước nên quan Phủ dắt bà cụ đến xem, chớ không có việc chi hết.

Trên Bình Thủy người ta hỏi đon ren như vậy mà quan Phủ Vĩnh Xuân về rồi êm ru, dường như không để ý đến việc cô Hưởng nữa. Mỗi ngày đi làm việc hăng hái như thường. Trưa về ăn rồi ông vào thơ phòng nằm đọc sách một chút đặng tìm giấc ngủ. Ban đêm ông lại thức khuya, khi ngồi ngó bút tích của Cúc Hương trót giờ, khi nằn đờn rỉ rả như than, như khóc.

Đã trót vài tuần, bà Hương văn không nghe con nhắc tới cô Hưởng. Đương lúc ăn cơm tối, bà mới hỏi con: “Việc cô Hưởng con đã tính lẽ nào hay chưa ?”.

Vĩnh Xuân thở dài, dụ dự nuột chút, rồi mới đáp:

-         Việc khó tính quá. Con không biết tính làm sao cho phải.

-         Có gì khó đâu. Con Cúc Hương cho con hay nó đi đầu thai, rồi nó sanh trong nhà Hương nhì Tồn đó chớ gì. Con Hưởng kiếp trước nó là Cúc Hương. Hổm nay má suy nghĩ kỹ rồi, má chắc như vậy. Nếu con thương Cúc Hương thì con cậy mai mối cưới con Hưởng cho duyên nợ vuông tròn, thủy chung vẹn vẻ.

-         Đã biết đọ ngày giờ con chiêm bao với ngày cô Hưởng sanh thì ăn rập với nhau lắm, lại cô Hưởng giống hệt cô Cúc Hương ngày trước, nên mình đoán Cúc Hương kiếp trước hoán thân làm cô Hưởng kiếp nầy. Mà mình đoán đó do cái thuyết luân hồi của nhà Phật, không có căn cứ khoa học mà dám tin chắc. Ví như mình do thuyết huyền bí dị đoan mà đoán lầm rồi mới làm sao ? Khổ cho con lắm, đã hổ với vong linh của Cúc Hương, vì không biết “thủ tiết” đặng đến đáp với “thủ nghĩa”, mà còn hổ với người đời, vì lớn tuổi rồi mà bày chuyện đặng cưới con gái nhỏ.

-         Má nhớ Cúc Hương có dặn con phải cưới vợ đặng có người nuôi má và lo cơm rước áo quần cho con; đợi kiếp sau rồi vợ chồng sẽ phối hiệp, vì Diêm chúa có nói thiệt, hai đàng có duyên nợ với nhau. Nếu con cưới con Hưởng mà có lầm đi nữa, con không trái ý của Cúc Hương thì có chi đâu mà hổ. Còn đối với người đời, con làm quan lại chưa già, con muốn cưới vợ giàu hay là vợ trẻ, hễ người ta ưng thì con cưới, có lỗi với ai đâu mà sợ hổ. Huống chi Cúc Hương có nói con với nó có duyên nợ, kiếp sau sẽ được sum hiệp. Nếu thiệt nó đầu thai làm con Hưởng đây là kiếp sau của nó chớ gì. Bởi có duyên nợ nên Trời Phật mới xui khiến cho con đi chơi mà gặp đó.

Vĩnh Xuân ngồi lơ lửng rồi nói:

-         Khoan đã má, thủng thẳng để con suy nghĩ lại coi.

-         Mình biết mặt mày, hình dạng và tiếng nói của Hưởng đều giống Cúc Hương rồi, bây giờ má còn muốn biết tánh nết của con Hưởng coi thể nào. Hồi trước con học chung với Cúc Hương tới mấy năm, con biết tánh nết nó sao đâu, con nói cho má nghe một chút.

-         Cúc Hương có tánh nóng nảy thẳng ngay, cang cường, quyết đoán, gặp việc phải dám làm, không kiêng không sợ chi hết.

-         Tánh như vậy nên cha mẹ áp bức nó mới tự tử đặng trọn nghĩa với con. Được, để má dọ coi con Hưởng có giống tánh nết đó hay không. Nếu tánh nết cũng vậy thì thiệt nó là hậu kiếp của Cúc Hương rõ ràng. Mốt nhằm thứ năm, Tân nghỉ học, má muốn đem nó lên Bình Thủy chơi.

-         Được lắm. Má kêu xe kéo rồi bà cháu đi với nhau đặng hứng gió. Má biểu thằng Ca kiếm kêu một chiếc xe đã có đi rồi bữa hổm. Má đừng đi xe ngựa, vì rủi gặp ngựa có chứng thì nguy hiểm.

Sáng thứ năm bà Hương văn với Vĩnh Tân ngồi xe kéo đi lên Bình Thủy thăm cô Hưởng. Đến 11 giờ tan hầu Vĩnh Xuân về thay đồ rồi, hai bà cháu mới tới.

Vĩnh Tân xuống xe chạy riết vô nhà, hai tay có cầm hai gói. Vĩnh Xuân chận lại mà hỏi:

-         Con cầm hai gói gì đo ?

-         Thưa, một gói chuối phơi khô với một gói trái lu cu ma.

-         Con mua ở đâu vậy ?

-         Cô Hưởng cho con chớ không có mua.

Bà Hương văn bước vô tiếp nói: “Lên trển con Hưởng lấy chuối khô mời nó ăn. Nó khen ngon. Con nọ gói cho nó một gói đó. Bữa nay Tân đi theo Hưởng ra vườn chơi, coi bộ nó vui dữ. Nó thấy lu cu ma có trái nó tầm trồ. Con nọ lựa ít trái chín hái cho nó. Nó mừng quá, ca cụm nói đem về cho ba nó”.

Vĩnh Xuân chúm chím cười.

Bà Hương văn với Vĩnh Tân lên lầu thay đồ rồi xuống ăn cơm.

-         Bữa nay má lên có hai vợ chồng ông Hương nhì ở nhà hay không ?

-         Có đủ hết. Vợ chồng chơn chất thiệt thà dữ. Thấy má lên mừng quá. Con Hưởng cững vậy. Con nhỏ dạn dĩ. Nó dắt má với Tân đi ra sau vườn. Vườn không lớn nhưng sạch sẽ lắm. Nó nói huê lợi cau với dừa ăn xài không hết.

-         Má coi tánh nết cô Hưởng thế nào ?

-         Chưa biết được. Phải lâu lâu cho nó quen rồi mới thấy chơn tánh chớ. Má coi đi coi lại thiệt nó giống Cúc Hương quá.

-         Má có qua nhà anh Hương hào hay không ?

-         Không. Nghe Hương nhì nói thấy Hương hào đạp xe máy đi ra ngoài nhà việc hồi sớm mơi, nên má không qua.

Vĩnh Tân tiếp nói: “Hai bên nhà ông Hương nhì có mấy cây mận lớn hết sức ba à. Cô Hưởng nói mận đó ngọt lắm, lúc nầy đương trổ bông, chớ chưa có trái. Cô Hưởng hứa chừng nào có trái ăn được cô sẽ hái đem xuống cho con”.

Bà Hương văn nói: “Tân đã quen với Hưởng rồi, dắt nhau đi chơi cùng vườn, coi bộ thân thiện nhau dữ”.

Vĩnh tân nói: “Cô Hưởng biểu con chúa nhựt nghỉ học thì lên trển chơi. Lên vườn mát mẻ, chớ ở chợ nực nội lắm”.

Cách mười bữa Vĩnh Tân nhắc bà nội đi lên vườn chơi. Bà Hương văn sẵn lòng muốn đi, nên chúa nhựt hai bà cháu tới Bình Thủy nữa và cũng ở chơi cả buổi, mà chuyến nầy lại có mua bánh đem theo mà cho cô Hưởng.

Bà cháu về có chở một quày chuối cau với một quày dừa xiêm, mà lần nầy coi bộ vui vẻ hơn lần trước nữa. Tối lại bà Hương văn to nhỏ với con rằng bà có nói chuyện dài dài với Hưởng, bà nhận thấy cô nọ có tánh nóng nảy, lại cứng cỏi. Hai điểm đó đã lộ ra rồi, còn mấy điểm khác chưa thấy được. Tuy không nói hẳn, song bà nói xa gần làm cho con hiểu bà muốn cưới phứt cô Hưởng cho rồi, vì bà tin chắc cô nọ là hậu kiếp của Cúc Hương, mà Cúc Hương đã nói kiếp sau sẽ sum hiệp thì không còn cớ gì mà sợ lầm nữa.

Vĩnh Xuân không dám cãi với mẹ, song ông cứ lưỡng lự không xuôi thuận mà cũng không chối từ.

Cách ít ngày, bà Hương nhì Tồn nghĩ bà Hương văn đã lên thăm nấy lần rồi, mà lần nào cũng có mời mẹ con bà xuống nhà chơi, tuy bà thiệt thà, tới nhà quan Phủ bà có ý ái ngại, song nếu không đi thăm lại thì có tội vô lễ. Bà than thở với chồng thì ông Hương nhì thôi thúc bà phải đi thăm không nên thất lễ với người trên trước. Sẵn có mấy trái lu cu ma vừa chín, lại có một quày chuối cau đã chín bói, hai mẹ con nấu cơm ăn sớm, kêu lột chiếc xe ngựa rồi đốn chuối hái lu cu ma đi Cần Thơ thăm bà cụ mà trả lễ.

Mẹ con bà Hương nhì xuống tới thì đã gần 10 giờ rồi. Bà Hương văn niềm nỡ vui mừng, thấy cô Hưởng xách quày chuối với mấy trái lu cu ma vô thì bà nói: “Cha chả, thằng Tân tôi đi học về nó thấy mấy trái lu cu ma đây nó mừng lắm. Mười giờ rồi, nó gần về đa”.

Bà Hương nhì đứng dậy chấp tay nói: “Xuống thăm cụ bà mà vườn không có vật chi quí, nên đem quày chuối xuống cho cụ bà đề tỏ lòng thảo của em cháu và cho cậu Tân ít trái lu cu ma để cậu ăn chơi”.

Bà Hương văn cám ơn, nói rằng quí tại lòng, không phải tại lễ vật, bà coi quày chuối với mấy trái lu cu ma đó là quí lắm vậy.

Bà biểu thằng Ca đem quày chuối vô trong mà treo cho nó chín khỏi bầm giập rồi lấy đĩa sắp mấy trái lu cu ma để dành cho Tân.

Mời uống nước ăn trầu rồi bà mới dắt mẹ con bà Hương nhì lên lầu đặng coi chỗ bà ngủ và chỗ Vĩnh Tân học. Chủ khách còn nói chuyện trên lầu thì Vĩnh Tân đi học về. Cậu thấy mấy trái lu cu ma thì cậu mừng quá nên nói om. Nghe Ca nói trên Bình Thủy nới đem xuống cho, khách còn chơi trên lầu, thì cậu ôm cặp tuốt lên chào bà Hương nhì và mừng cô Hưởng. Cậu dắt cô Hưởng mà chỉ phòng cậu ngủ và chỉ bàn cậu ngồi học cho cô Hưỏng biết, hai trẻ trò chuyện vui vẻ với nhau như đã thân thiết lâu ngày rồi.

Bà Hương văn mời khách trở xuống xem từng dưới. Tân nắm tay Hưởng mà đi theo chỉ phòng cha ngủ, chỉ phòng cha đọc sách, chỉ tủ sách, rồi chỉ cây đờn kìm mà khoe: “Ba em đờn hay lắm, ai cũng khen. Ban đêm hễ buồn thì ba em đờn, đến 11, 12 giờ mới nghỉ”.

Cô Hưởng cười.

Vĩnh Tân dắt cô ra ngoài cửa đặng xem bông hoa trồng ngoài sân. Cậu nói không ngớt, vì không mấy khi có người quen đến chơi nên cậu nói hoài không biết mệt.

Bà Hương nhì kêu cô Hưởng vô đặng sửa soạn về. Bà Hương văn cản ngay. Bà nói không mấy khi xuống, phải ở ăn cơm với bà, không được phép về như vậy. Gần tới bữa cơm rồi, chờ một chút quan Phủ về rồi ăn cơm. Bề nào cũng phải chờ quan Phủ cho ổng thăm một chút.

Bà Hương nhì nói hai mẹ con ăn cơm rồi mới đi, nên không thể ăn nữa được. Bà Hương văn nói ăn sớm mơi là ăn lót lòng, nào phải ăn cơm trưa.

Hai bà đương nói dang ca thì quan Phủ Vĩnh Xuân về tới. Ông mừng bà Hương nhì với cô Hưởng, hỏi thăm ông Hương nhì mạnh khỏe thể nào, tỏ lời cám ơn mẹ con bà Hương nhì xuống thăm. Ông nói bà cụ mới lại đây không biết ai, cứ ở nhà hoài nên buồn lắm. Ông xin bà Hương nhì hễ rảnh thì xuống nói chuyện chơi cho bà cụ vui.

Nghe mẹ nói có mời mẹ con bà Hương nhì ở ăn cơm rồi về, mà bà cứ từ chối nói ăn cơm rồi. Vĩnh Xuân tiếp với mẹ mà mời nữa, cương quyết không cho về. Ông nói dầu có no cũng phải ăn với ông một chén rồi mới về được. Bà Hương nhì đã kiêng nể quan Phủ, mà lại thiệt thà, kiếm không ra lời mà cáo từ, nên phải vâng chịu, không dám cãi.

Vĩnh Xuân thay đồ mát đặng ăn cơm; ông ngồi ngoài đầu bàn rồi mời bà Hương nhì ngồi bên tay trái, đối diện với bà Hương văn bên tay mặt, tiếp theo đó thì cô Hưởng đối diện với Vĩnh Tân.

Vì bổn tánh thiệt thà, thấy đâu nói đó, nên bà Hương nhì vừa ngồi thì bà hỏi liền: “Bẩm quan lớn, bà lớn đi đâu vắng, mà nãy giờ tôi không được chào, rồi ăn cơm cũng không được thấy ?”

Vĩnh Xuân, cười mà đáp: “Tôi không có bà lởn, bà nhỏ nào hết. Tôi có một bà mẹ già với một thằng con nhỏ đây mà thôi”.

Bà Hương văn thấy bà Hương nhì day ngó Vĩnh Tân, thì bà tiếp mà nói thêm: “Hồi nó thi đậu làm việc tại Mỹ Tho được năm năm, tôi có lo vợ cho nó. Vợ chồng sanh được thằng Tân cho tôi đây rồi vợ chồng không hợp ý với nhau, nên vào đơn xin với Tòa cho phá hôn thú. Lúc ấy Tân mới được 3 tuổi. Vợ chồng nó để bỏ xong rồi, thì tôi nuôi cháu nội tôi chớ không có mẹ. Bỏi vậy nó tríu tôi với cha nó lăm, đi đâu nó cũng theo, không chịu rời xa”.

Bà Hương nhì hỏi: “Má của cậu Tân còn mạnh khỏe ? Thưa bà đã lấy chồng khác hay là ở vậy ?”

-         Ở với mẹ bên Mỹ Tho. Không nghe nói có chồng khác. Chín năm hay tôi không có gặp dâu cũ, mà Tân cũng không thấy mặt mẹ nó. Lúc con tôi đổi qua bên nây, nó đi trước rồi hai bà cháu tôi ở lại sau mới gặp được. Mà Tân lơ lãng như gặp người dưng. Nó không có tình mẹ con chút nào hết.

-         Quan Phủ năm nay được bao nhiêu tuổi ?

-         Bốn mươi rồi.

-         Vậy mà bên Bình Thủy họ nói quan lớn chưa với 35 tuổi.

Vĩnh Xuân cười mà nói: “Nhờ cha tôi hồi trước đặt tên là Vĩnh Xuân nên tôi lâu già. Tên của cha mẹ đặt nó có ảnh hưởng với cảnh đời của mình nhiều lắm, bởi vậy đặt tên con phải lựa chữ, không nên đặt tên xấu, vì tên xấu có thể làm suy đời sống của con. Ông bà có một người con gái mà đặt tên Hưởng, chắc là có ý mong con ngày sau được hưởng hạnh phúc gì đó”.

Bà Hương nhì cũng cười mà nói: “Cha nó đặt bất tử chớ có hiểu gì đâu.

Vĩnh Xuân ngó cô Hưởng rồi hỏi:

-         Nghe anh Hương hào nói cô Hưởng học giỏi lắm. Phải vậy hay không cô Hưởng ?

-         Dạ, con lọc cọt quẹt ít năm, có giỏi chi đâu.

-         Nghe nói cô thi đậu bằng sơ học.

-         Dạ, có.

-         Cô biết chữ nho hay không ?

-         Bẩm, không. Trường con học thì dạy chữ quốc ngữ rồi dạy chút đỉnh chữ Pháp chớ không có dạy chữ nho.

-         Phải. Vài mươi năm nay trường nhà nước không có dạy chữ nho nữa. Mà ở đây cũng như bên Mỹ Tho, tôi không thấy trường tư dạy chữ nho. Văn hoá nước nhà đã bắt đầu xây hướng.

-         Con thấy dầu xây hướng cũng không lợi gì. Hồi xưa học nho thì được nằn ngủ êm một chỗ. Bây giờ theo tân học thì biết hoạt động nhưng hoạt động như cái máy hát, người ta quây thì ca hát om sòm, chừng người ta ngừng thì im lìm, lặng lẽ.

Vĩnh Xuân nghe mấy lời ấy thì ngạc nhiên, châu mày ngó cô Hưởng. Ông thử trí thức của cô nên nói: “Cô nói học nho thì nằm ngủ êm một chỗ. Hiểu đạo nho như vậy là hiểu lầm. Đạo nho dạy: “Cẩu nhựt tấn, nhựt nhựt tấn, hựu nhựt tấn”. Thế thì học nho cho hoạt bát, ắt tấn hoá lắm, duy có mấy chú hủ nho mới nằm ngủ êm đươc. Lớp xưa ông bà ta cứ theo nho học, có biết âu học là gì đâu, nhưng cũng tấn bộ theo đời, cũng tổ chức quốc gia rỡ ràng, cũng chống cự xâm lăng rất hùng dõng vậy”.

Cô Hưởng cười mà nói: “Bẩm quan lớn theo đời bây giờ học nho có dùng vào đâu. Ai cũng phải đổi theo âu học mới có cơm mà ăn, có áo mà mặc”.

Vĩnh Xuân lộ sắc thẹn thùa, nhưng giặc đầu mà khen: “Cô biết tới như vây thì giỏi lắm. Anh Hương hào nói đúng, chớ không phải nói quá đáng đâu”.

Ăn cơm rồi, bà Hương văn mời bà Hương nhì lại ván ngồi uống nước ăn trầu.

Vĩnh Xuân muốn thử cô Hưởng nên ông vào thơ phòng rồi kêu Tân biểu ra mời cô Hưởng vào đặng cho ông hỏi thăm một việc. Ông đứng tại bàn viết mà chờ. Chừng thấy cô Hưởng vào, ông đưa tay chỉ khuôn kiếng lộng tấm lụa di bút của Cúc Hương, vừa nhìn cô Hưởng, vừa hỏi: “Cô biết đọc mấy chữ nầy hay không ?”

Cô Hưởng nhếch miệng cười mà đáp: “Bẩm con không biết chữ nho”.

Vĩnh Xuân cứ nhìn mặt cô mà nói: “Thôi, để tôi đọc cho cô nghc, rồi cắt nghĩa. Hàng chữ lớn đó là “Xả sanh nhi thủ nghĩa” còn hàng chữ nhỏ ở dưới đó là chữ ký tên “Cúc Hương”. Ông đọc hàng chữ “Xả sanh nhi thủ nghĩa” ông thấy nhãn quan của cô Hưởng dường như hựt sáng, rồi nghc tới hai tiếng “Cúc Hương” lại càng sáng thêm nữa. Ông nín êm để coi có phản ứng gì khác nữa hay không thì thấy cô Hưởng đứng ngó trân cái khuôn kiếng rồi day qua ngó ông, ngó như vậy đến ba bận, nhãn quan lưu lại lần lần rồi cô nói: “Theo con hiểu thì “Xả sanh nhi thủ nghĩa” ý nói một bên là sự sống còn một bên là cái nghĩa, thà bỏ sự sống mà giữ lấy nghĩa, bẩm quan lớn, phảỉ vậy hay không ?”

Vĩnh Xuân châu mày gặc đầu mà đáp: “Phải. Giỏi lắm. Thôi ra ngoài nầy chơi”.

Ông trở ra phòng khách. Tân nắm tay Hưởng đi theo sau.

Bà Hương nhì thấy Hưởng thì kêu cô lại rồi đứng dậy xin phép bà cụ mà về đặng cho quan lớn nghỉ. Bà cụ không cầm nữa, nên đưa khách ra cửa. Chừng mẹ con bà Hương nhì ra tới phòng khách thì Vĩnh Xuân đứng dậy nói: “Bà già tôi ở nhà có một mình buồn quá, vậy lâu lâu bà với cô xuống nói chuyện chơi cho bà già tôi vui. Xuống ở một ngày rồi chiều sẽ về”.

Vĩnh Xuân đưa khách ra tới cửa mà thôi, để cho bà Hương văn với Vĩnh Tân đi theo tới ngoài lộ.

Khách về rồi, ông vô thơ phòng mà nằm. Ông suy nghĩ cách ông thử cô Hưởng hồi nãy. Cô không có học chử nho trong kiếp nầy, nên cô không biết chữ nho thì đã đành. Mà sao ông đọc di bút của Cúc Hương cho cô nghe rồi, dường như cô giựt mình, mắt đổ hào quang muốn nhớ chuyện xưa mà rồi nhớ không nổi, lơ lửng ngó tấm lụa với hàng chữ, ngó qua ông, ngó đến mấy lần như vậy ? Không biết chữ nho mà sao cô lại cắt nghĩa câu “Xả sanh nhi thủ nghĩa” được rành mạch vậy ?

Mấy cái kỳ quái nầy đã chứng cho mình phải tin cô Cúc Hương đầu thai vào nhà bà Hương nhì Tồn đặng bà sanh cô Hưởng đây hay không ? Thiệt có phải Cúc Hương có căn duyên với mình nên khi cô Hưởng vừa đến tuổi có chồng được, Trời Phật khiến cho mình đổi qua Cần Thơ, lại tình cờ khiến cho mình gặp cô đặng tính cuộc trăm năm tơ tóc hay không ? Nếu tiền kiếp của cô Hưởng không phải là Cúc Hương sao cô giống Cúc Hương như khuôn đúc, giống hình dạng, giống mặt mày, giống đứng đi, giống tới tiếng nói ? Nếu không phải nhơn duyên sao găp mình giữa chợ cô ngó mình cô cười, rồi mình đi theo cô ới Rạch Cam mình kêu Cúc Hương mà cô day lại và biểu nếu có thương cô thì xin với cha mẹ cô mà cưới ?

Người có tánh dễ dàng mau mắn như bà Hương văn, thì nội hình sắc giống hệt với ngày giờ sanh phù hạp cũng đủ tin cô Hưởng là hậu kiếp của Cúc Hương. Tại Vĩnh Xuân quen trầm tịnh và thận trọng nên có nhiều điểm khác nữa mà ông cứ ngài ngại hoài, không dám quyết định. Có phải tại ông thường nói với vợ chồng ông Kinh Lương, rồi sau ông còn nói với bà Chủ Thiệu nửa, ông cứ tuyên bố ông không tính cưới vợ nên bây giờ ông ngỡ ngàng không dám bước tới chăng ? Hay là tại ông nhiễm đạo nho, ông không thích đạo Phật, nên ông không tin thuyết nhơn duyên với thuyết luân hồi mà ông lơ lãng đó chăng ?

Ở Cần Thơ, Vĩnh Xuân chưa gặp bạn tri kỷ, nên ông không tỏ tâm sự của ông với ai được, bởi vậy không ai hiểu thâm ý của ông.

Trót mấy tháng, bà Hương văn thôi thúc ông cậy mai nói với vợ chồng Hương nhì Tồn mà xin cưới cô Hưởng, thì ông cứ lặng thinh. Mà nhớ tới Cúc Hương tự nhiên ông nhớ cô Hưởng. Trong lòng ông bồi hồi, ông buông cây đờn đi lại bàn viết ngồi viết thơ thăm ông Kinh Lương. Trong thơ ông thuật rõ đầu đuôi sự ông gặp gỡ cô Hưởng, ông chỉ đủ các cớ làm cho bà Hương văn đoán chắc cô Hưởng là hậu kiếp của Cúc Hương nên cứ thôi thúc biểu ông phải cưới, nhưng vì ông sợ lầm rồi ông không thương mà làm đau khổ cho cô Hưởng nữa, nên ông dục dặc không dám bước tới.

Cách chừng một tuần, Vĩnh Xuân tiếp được thơ ông Kinh Lương khuyên cưới cô Hưởng, trước cho bà Hương văn vui lòng, sau khỏi lỗi hẹn về căn duyên. Ông Kinh lại nói nếu Hưởng mà giống hệt Cúc Hương thì không thể lầm mà ngại, nên cưới rồi dắt về Gò Công cho thấy lại cảnh cũ, gặp lại người quen hoặc may bựt trí sáng ra mà nhớ lại đời sống về kiếp trước. Mà dầu người đó không thể nhớ tiền kiếp đi nữa, thì hình dáng, mặt mày, tiếng nói, thảy đều là Cúc Hương thì làm sao không yêu được mà ngại.

Bức thơ của ông Kinh xúc động tâm hồn của Vĩnh Xuân lại thêm rọi sáng chỗ u ám cho ông thấy nữa.

Vĩnh Xuân đương tính coi bây giờ phải làm sao mà nói với vợ chồng Hương nhì Tồn đặng xin cưới cô Hưởng và nếu người ta chịu gả thì phải làm đám cưới cách nào.

Ông còn đương tính thì tới bãi trường nửa năm. Bà Hương văn muốn nói chuyện cô Hưởng cho vợ chồng ông Kinh nghe, nên bà đòi đi Mỹ Tho đặng bà thăm vợ chồng ông Kinh, còn Vĩnh Tân thăm bà ngoại.

Cần Thơ qua Mỹ Tho có tàu vững vàng, lại đường đi thuận tiện, nên Vĩnh Xuân bằng lòng để cho mẹ đem Vĩnh Tân đi chơi.

Qua Mỹ Tho, bà Hương văn thuật rõ việc cô Hưởng cho vợ chồng ông Kinh nghe nữa.

Bà Chủ Thiệu lấy làm vui mà được chị sui với cháu ngoại trở qua thăm. Ba Khai với Cẩm Nhung mừng quá, theo năn nỉ xin bà Hương văn ở bên nhà chơi ít bữa cho Vĩnh Tân quen bên ngoại. Vì tình, vì nghĩa, bà Hương văn không nỡ từ chối nên chịu ở.

Cẩm Nhung quyến luyến với con, dắt con vô buồng, mẹ con ru rì nói chuyện. Cô lấy hình cô mới chụp mà đưa cho con coi và nói chừng con về cô cho một tấm đặng con cất để dành cho nhớ mặt mẹ. Cô lại dặn con nếu có chụp hình thì gởi cho cô một tấm để lúc nhớ con cô lấy ra mà nhìn.

Tối lại Cẩm Nhung dọn bộ ván nhỏ trong phòng cô, rồi giăng mùng cho Vĩnh Tân ngủ đặng mẹ con gần nhau ít bữa.

Đêm ấy Ba Khai ra ngồi nói chuyện với bà Hương văn, hỏi thăm dân tình, hỏi cách làm việc. Bà Chủ thì hỏi Vĩnh Xuân đã có tính chấp tơ nối tóc hay không. Bà Hương văn đương uất về việc đó, nên nghe hỏi thì bà không thể giấu được. Bà mới ngồi kể sơ cho bà Chủ với ba Khai nghe chuyện Cúc Hương thệ ước rồi tự vận mà chết hồi trước. Bà kể luôn chuyện xuống Cần Thơ, đi xem chợ Bình Thủy tình cờ gặp cô Hưởng giống hệt Cúc Hương hồi trước. Xem xét khai sanh của cô Hưởng thì ngày giờ sanh đúng y ngày giờ Cúc Hương cho Vĩnh Xuân chiêm bao thấy cô về từ giã đặng đi đầu thai. Mấy tháng nay bà có khuyên con cậy mai mối mà cưới cô Hưởng là hậu kiếp của Cúc Hương, mà Vĩnh Xuân cứ dục dặc hoài không chịu cưới.

Bà Chủ, Ba Khai đều nói đã có duyên nợ, lại có lời thệ ước không nên làm lơ, thế nào cũng phải cưới. Hai người xin bà Hương văn rán khuyên quan Phủ phải làm cho tình nghĩa vuông tròn. Bà Hương văn nói bà đã khuyên hết sức mà không được. Bà đã có Cháu nội rồi vậy con muốn cưới vợ nữa hay là không cưới bà cũng không cần.

Bà Chủ biểu Ba Khai viết một bức thơ cho quan Phủ, nói bà hiệp ý với chị sui mà khuyên phải cưới cô Hưởng cho khỏi lỗi thệ ước, khỏi lỡ căn duyên, viết thơ rồi chừng chị sui về thì gởi cho chị cầm về. Bà dặn trong thơ phải nói cho gắt và hứa giúp nữ trang cho quan Phủ đi lễ cưới.

Ba Khai nói hễ quan Phủ chịu cưới và định ngày rồi thì biểu Vĩnh Tân viết thơ cho cậu hay đặng cậu xuống trước mà giúp sắp đặt đám cưới.

Bà Hương văn ở chơi với sui gia cũ đến ba bữa rồi mới cáo từ đi qua chợ chơi với bà Kinh một bữa nữa đặng có về Cần Thơ cho Vĩnh Xuân khỏi trông.

Ba Khai đưa một phong thơ cho bà Hương văn, cậy bà đem về cho quan Phủ. Cậu căn dặn bà, nếu quan Phủ chịu cưới vợ thì biểu Vĩnh Tân viết thơ cho cậu hay đặng cậu qua.

Bà Chủ cho Vĩnh, Tân 200$00 để ăn bánh mà đi học. Bà nói năm nay bà già yếu, nên dầu đám cưới thì có lẽ bà phải sai Ba Khai đi thế, chớ bà đi không được.

Cẩm Nhung gói một tấm hình mà giao cho con để kỷ niệm. Vĩnh Tân bây giờ lớn rồi, biết mẹ, biết cậu, biết bà ngoại, nên nói chuyên vui vẻ chớ không phải lợt lạt như hồi trước nữa, bởi vậy Cẩm Nhung bớt đau khổ nỗi lòng, nhận thầy người chồng cũ đại độ nên tha thứ, cô mới gây tình mẫu tử lại được.

Bà Hương văn dắt cháu nội trở qua ở chơi với bà Kinh một bữa nữa. Chừng bà sửa soạn xuống tàu về Cần Thơ, thì ông Kinh đưa cho bà một phong thơ cậy đem về cho quan Phủ. Ông nói thơ ấy khuyên quan Phủ cưới cô Hưởng nữa, để thí nghiệm thuyết nhơn duyên với thuyết luân hồi của nhà Phật.

Bà Kinh đưa bà cháu bà Hương văn xuống tàu, cứ căn dặn nếu quan Phủ chịu cưới vợ thì phải cho hay đặng ông Kinh qua, như ông đi không được thì bà đi thế.

Bà Hương văn về đưa hết hai phong thơ cho quan Phủ. Vĩnh Xuân đọc rồi thì cười mà nói: “Ai cũng muốn tôi cưới cô Hưởng để thí nghiệm mấy thuyết của đạo phật giáo; vậy tôi sẽ làm, mà tôi làm đây là vì trong giấc chiêm bao Cúc Hương có nói: “Kiếp sau sẽ sum hiệp” nên tôi phải tận tâm với nàng, như nàng đã tận tâm với tôi, chớ không phải tôi muốn thí nghiệm thuyết nào hết”.

Cách vài bữa, quan Phủ Vĩnh Xuân viết thơ mời Hương hào Thi chúa nhựt xuống nhà ông cho ông nói chuyện riêng. Ông tỏ thiệt với Hương hào rằng lúc còn đi học ông có thệ ước trăm năm với một thiếu nữ bên Gò Công tên Cúc Hương. Ông còn học thì ở nhà cha mẹ nàng ép gả nàng cho con của một vị điền chủ giàu. Nàng không chịu nên uống thuốc độc mà chết; lại hiện hồn lên nhà trường báo tin cho ông hay, hứa vong hồn sẽ theo phò hộ cho ông học thành công. Khi ông thi đậu rồi, nàng cho ông trong giấc chiêm bao thấy nàng đến từ giã đặng đi đầu thai, lại nói vì có d uyên nợ với nhau nên hẹn kiếp sau sum hiệp. Tình cờ đến chợ Bình Thủy ông gặp cô Hưởng giống hệt nàng Cúc Hương hồi trước. Xem xét khai sanh thì nhận thấy ngày giờ cô Hưởng sanh trong nhà ông Hương nhì Tồn phù hiệp với ngày giờ nàng Cúc Hương từ biệt đặng đi đầu thai. Mấy tháng nay bà Hương văn với mấy bà con thân thiết cứ theo thôi thúc cưới cô Hưởng là hậu kiếp của nàng Cúc Hương, phải cưới đặng khỏi phụ lời thệ ước và cho hiệp với duyên nợ nữa. Vậy ông cậy Hương hào về thuật chuyện của ông như vậy cho vợ chồng Hương nhì Tồn nghe và ướm thử coi nếu ông cậy mai nói xin cưới cô Hưởng thì vợ chồng Hương nhì bằng lòng gả hay không.

Hương hào Thi về rồi bữa sau trở xuống bẩm rằng vợ chồng Hương nhì đợi ít bữa đặng bàn tính với con coi ý con thế nào mới trả lời được. Té ra bữa chiều Hương hào xuống cho hay liền cô Hưởng ưng và vợ chồng Hương nhì cũng bằng lòng gả rồi.

Quan Phủ Vĩnh Xuân dắt Hương hào về nhà thưa việc đó cho mẹ hay. Bà Hương văn vui mừng, bà biểu phải cậy người tuổi tác đứng làm mai dong, để Hương hào làm mai tay trong. Vĩnh Xuân kêu xe kéo đi lên Bình Thủy cậy Hương cả Long Tuyền đứng làm mai. Hương cả chịu liền.

Làm quan mà cưới con dân thì dễ lắm, muốn thế nào cũng được hết. Vĩnh Xuân xin gộp một lễ cho tiện và định lễ cưới làm lễ thân mật trong gia đình, không nhóm họ, không mời khách rình rang. Mâm trầu xây đàng gái. Họ đàng trai đi năm ba người lên làm lễ rồi uống nước mà rước dâu về bên đàng trai sẽ đãi ăn. Họ đàng gái đưa dâu cũng đi năm bảy người cho đủ lễ vậy thôi.

Vợ chồng Hương nhì chấp thuận làm theo ý quan Phủ muốn.

Ngày cưới định chắc rồi.

Bà Hương văn biểu Vĩnh Tân viết hai bức thơ, để tên bà ký, đặng cho bà Chủ với Ba Khai và cho vợ chồng ông Kinh hay, mời hai nhà qua dự lễ cưới.

Vĩnh Tân biết cậu ba sắp qua đám cưới nên đi chụp hình đặng gởi cậu đem về cho bà ngoại.

Trước lễ cưới hai bữa, Ba Khai qua tới. Cậu nói bà Chủ không được khỏe nên biểu cậu thay mặt qua giúp quan Phủ.

Cậu đưa cho bà Hương văn một đôi bông nhận xoàn với một đôi vàng chạm, nói của mẹ gởi phụ cho quan Phủ đi lễ cưới.

Bữa sau bà Kinh Lương qua tới nữa, nói ông Kinh yếu chưn đi không tiện, nên sai bà đi môt mình đặng mừng cho quan Phủ gương bể lại lành, tơ đứt nối lại.

Đàng gái thiệt là dễ, không đòi nữ trang, áo mới, hoặc lễ vật chi hết, lại dành xây mâm trầu nữa. Nhưng cô dâu buộc gắt một điều là bên trai phải dọn phòng kín và trong phòng đặt bàn thờ tơ hồng đặng về hiệpcẩn dâu rể cúng mâm tơ hồng rồi mới bái yết từ đường.

Đám cưới thiệt thân mật. Họ đàng trai chỉ có bà Hương văn, bà Kinh Lương, Ba Khai với vợ chồng Cai Tổng sở tại mà thôi. Tuy đàng gái không đòi, song bà Hương văn cũng đi bốn mâm bánh trái, trà rượu đặng cúng ông bà và cho dâu môt đôi bông tai xoàn, một đôi vàng chạm với một mớ áo.

Bây giờ ở Cần Thơ đã có xe hơi cho mướn nhiều rồi, nên Vĩnh Xuân mướn ba chiếc đi rước dâu; hai chiếc để cho họ đi, còn một chiếc để cho dâu rể.

Họ đàng gái thì chỉ có ông sui, bà sui gái, vợ chồng hương cả với vợ chồng Hương hào, nên mướn hai xe hơi mà thôi.

Rước dâu về tới nhà, dâu rể đi thẳng vào phòng kín đặng cúng mâm Tơ hồng. Hương Cả Long Tuyền là người tuổi tác, lại làm mai dong nên ông đi theo vô phòng kín đặng lên đèn cho dâu rể lạy rồi ông trở ra ngoài liền.

Cô Hưởng lạy chậm mà chờ Vĩnh Xuân. Chừng vợ chồng đứng dậy xá bàn thờ Tơ Hồng, một lượt, thì cô Hưởng thấy ông đã ra ngoài rồi cô mới hỏi: “Bây giờ anh tin có ông Tơ, có duyên nợ hay chưa ?”.

Vĩnh Xuân ngạc nhiên, nhìn cô trân trân, tinh thần tán loạn, không nói được.

Cô Hưởng chúm chím cười rồi hỏi tiếp: “Sao anh không lấy cái khuôn kiếng lộng hàng chữ nho “Xả sanh nhi thủ nghĩa” mà treo trong phòng nầy ?”

Tới câu hỏi đó thì Vĩnh Xuân mừng quá, hết nghi ngờ gì nữa, nên lại ôm cô Hưởng mà nói: “Em Cúc Hương ? Té ra thiệt em mà qua có dè đâu mà được hạnh phúc như vầy ?”

Cô Hưởng cười mà nói: “Thôi, đi ra ngoài đặng làm lễ từ đường kẻo người ta chờ”.

Vĩnh Xuân vén màn, mở cửa rồi vợ chồng bước ra, cả hai đều có nét vui vẻ tươi cười trên mặt. Bà Hương văn dắt dâu rể lên lầu lạy bàn thờ. Ba Khai với vợ chồng Hương nhì đi theo sau.

Làm lễ xong rồi dâu rể vô phòng cởi áo rộng. Ba Khai đi coi khách trú dọn tiệc. Có đặt cao lầu nấu ba cỗ nên khi mời nhập tiệc thì mấy bà ngồi một bàn, còn mấy ông chia ngồi hai bàn rộng rãi.

Gần 2 giờ chiều tiệc mới mãn. Họ đàng gái về. Vợ chồng thầy Cai Tổng cũng về.

Ba Khai coi cho họ dọn dẹp bàn ghế lại như cũ.

Cô Hưởng xẩn bẩn chung quanh bộ ván, chỗ bà Hương văn với bà Kinh ngồi đặng coi trầu nước. Bà Kinh cứ ngó cô hoài. Bà Hương văn nói nhỏ: “Con kia hồi đó cũng bây lớn vậy, giống hệt, giống tới liếng nói nữa. Bởi vậy hôm tôi mới thấy lần đầu tôi tưởng con kia hiện hình về chớ”.

Vĩnh Xuân thay đồ mát rồi qua thơ phòng gỡ lấy khuôn kiếng có bút tích của Cúc Hương mà đem qua phòng ngủ, dựng đứng lên bàn thờ Tơ Hồng, rồi ông trở ra kéo một cái ghế ngồi gần mẹ mà uống nước. Thấy Ba Khai đi ngang ông kêu mà mời uống trà.

Ba Khai cũng kéo ghế mà ngồi. Bà Hương văn kêu thằng Ca biểu chế bình trà cho hai anh em uống.

Bà Kinh hỏi Ba Khai chừng nào về. Khai nói công việc xong hết rồi nên tính sáng bữa sau về, vì ở nhà không có ai. bà nói bà cũng về. Bà hỏi Vĩnh Xuân có nhắn chuyện chi với ông Kinh hay không.

Vĩnh Xuân suy nghĩ rồi đáp: “Bà về thưa với ông Kinh rằng tôi hết sợ lầm, bà nói như vậy thì ông hiểu”.

Bà Kinh với bà Hương văn ngó nhau mà cười.

Vĩnh Xuân nói tiếp: “Còn anh Ba thưa với má rằng tôi lấy làm cảm động mà được má nghĩ tình nên gởi nữ trang cho tôi cưới vợ. Cử chỉ ẩy không phải có thường được. Thuở nay tôi không thọ tiền bạc của ai. Nhưng đã của má gởi, tôi không dám từ. Vợ chồng tôi giữ để kỹ niệm tình nghĩa mẹ con. Sở dĩ hôm nay tôi cưới vợ đây là tại hai má với ông Kinh, bà Kinh tin tưởng giáo lý của nhà Phật rồi hiệp nhau thôi thúc tôi, nên tôi mới thí nghiệm. Nếu không ai đốc thì chắc tôi bỏ vuột. Sự thí nghiệm đã bắt đầu có hiệu quả. Trong 10 phần thôi đi trúng đường đã 8 hoặc 9 phần rồi. Nhưng phải đợi một thời gian ít tháng rồi mới dám quả quyết.

Mấy người đều vui.

Đến tối Vĩnh Tân lấy hai tấm hình của cậu mới chụp mà bỏ vào bao thơ rồi gởi cho Ba Khai đem về cho mẹ với bà ngoại.

Sáng bữa sau, vợ chồng Vĩnh Xuân với bà Hương văn và Vĩnh Tân đưa bà Kinh với Ba Khai xuống tàu mà về.