Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 22
Chương 23
Chương 24
Chương 25
Chương 26

dạng PDF

Tơ Hồng Vương Vấn

(8) III

Chị Hai Tỷ đương ngồi ăn cơm chiều với chồng là chú tài phú Sấm phía sau. Chị nghe có tiếng giày lộp cộp ở ngoài trước, chị bước ra cửa buồng mà dòm. Chị thấy Vĩnh Xuân đang bợ ngợ ngoài cửa thì chị la lớn:

-         Ủa ! Em Xuân, Em về bao giờ ?

-         Em mới về tới hồi bốn giờ chiều đây.

-         Cha chả, con Tư mất rồi em à !

-         Em hay.

-         Thím Hương văn nói phải hồn ?.

-         Phải.

-         Nó mất chị thương quá, chị chết điếng trong bụng. Chị muốn cho em hay, mà không biết làm sao. Em có nói tháng chạp bãi trường. Gần hết tháng 11 rồi, nên hổm nay chị có ý trông em. Thôi, em ngồi đó chơi, chờ chị ăn cơm một chút rồi chị nói chuyện cho nghe. Chuyện dài lắm. Kéo ghế đó mà ngồi em.

Vĩnh Xuân để nón trên bàn ngồi ngó ra lộ, nghe vợ chồng chị Tỷ ăn cơm và nói chuyện nho nhỏ với nhau ở phía sau. Cậu dòm trong nhà, cậu nhớ lại hôm gần khai trường, Cúc Hương ngồi trong nhà nầy mà nói chuyện với cậu rất lâu, cô ngồi cái ghế để phía sau cánh cửa đó, cậu ngồi chỗ nầy đây, chị Tỷ ngồi tại đầu ván kia. Có lẽ cô cảm tưởng sắp có cái buồn vĩnh biệt hay sao mà cô trầm tĩnh nhu mì, chớ không cười nói tía lia như hồi trước. Có lẽ cô biết trước lần gặp gỡ đó là lần chót hay sao, mà chừng cáo từ đặng đi về, cô bịn rịn không muốn đi, chừng ra ngoài cửa rồi cô còn đứng lại nhìn cậu và dặn phải nhớ mấy điều cô nói. Có lẽ cô muốn thấy mặt nhau một lần cuối cùng rồi sẽ rẽ phân âm dương hai ngả hay sao, nên cô nài cậu bữa xuống đò mà đi học, cậu phải đi ngả chợ, đi ngang gian hàng của cô đặng cô thấy mặt cậu một lần chót cho vui lòng. Cậu nhớ bữa đó Cúc Hương với Hai Tỷ đứng dậy mà ngó cậu. Cúc Hương mặc áo dài hàng đen, cô thấy cậu dở nón lên mà chào thì cô chúm chím cười, trong nụ cười ấy có duyên dáng, có thân yêu, có nồng nhiệt ái tình, có tràn trề hy vọng.

Vĩnh Xuân nhớ hình dạng của Cúc Hương, cậu nghĩ hình dạng ấy từ đây không còn thấy được nữa, thì cậu đau đớn, tức tủi nên chảy nước mắt. Cậu đương lấy khăn trong túi ra lau giọt lụy, thì tài phú Sấm ăn cơm uống nước rồi, chú ở phía sau đi ra. Thấy Vĩnh Xuân ngồi, chú hỏi:

-         Em học chữ pháp trên trường Mỹ Tho phải hôn ?

-         Phải.

-         Nghe nói em học chữ tàu giỏi rồi, bây giờ em học được chữ Pháp nữa thì quí lắm. Người các chú mà biết được hai thứ chữ như vậy, thì ăn tiền nhiều lắm. Người Y Nam (Viện Nam, phát âm theo tiếng Triều Châu) biết chữ Pháp giỏi thì làm thầy thông, thầy ký cũng no lắm.

Câu chuyện của tài phú sấm ở ngoài xa tư tưởng của Vĩnh Xuân trong lúc nầy, bởi vậy Vĩnh Xuân làm lơ không muốn đáp.

Tài phú Sấm móc gói thuốc trong túi ra, lấy một điếu mà ngậm, rồi quẹt hộp quet đốt hút. Chú nói: “Thôi, em ngồi đó chơi. Tôi mắc đi ra tiệm, ra tính sổ đặng mai đi bổ hàng”.

Tài phú Sấm đi rồi thì chị Hai Tỷ bưng cái giỏ trầu cau ra để trên bàn. Chị ngồi tại đầu ván têm trầu mà ăn. Chị biểu Vĩnh Xuân kéo ghế lại ngồi gần rồi chị nói:

-         Con Tư nó chết tức quá em ơi ! Thiệt chị không dè chút nào hết.

-         Má em nói người ta đồn cha mẹ cô ép gả cô cho con nhà giàu nào đó. Cô không chịu mà cha mẹ cứ rúng ép, nên cô tức giận, cô tự tử, phải vậy hay không chị Hai ?

-         Phải. Để rồi qua nói có đầu có đuôi cho em nghe.

-         Khoan ! Xin chị cho em biết coi Cúc Hương tự vận cách nào ?

-         Nó uống á phiện, giấm.

-         Chị có nhớ Cúc Hương chết bữa nào, hồi giờ nào hay không ?

-         Sao lại không nhớ. Nó chết trên tay chị rằm tháng 11 nhóm họ đặng 16 đưa dâu. Đêm rằm đó nó lén vô buồng uống giấm với á phiện, uống hồi giờ nào không biết. Đến 10 giờ tối bà con trong nhà mới hay rồi hô hoảng lên, chạy đi kiếm thuốc mà giải, làm vở lỡ cả chợ. Chị hay, chị chạy ra thì nó nằm nhắm mắt mà thở dốc. Chị nhảy lên giường, chị ôm chị kêu nó. Nó diu oặt, nhưng không biết gì hết, qua một giờ khuya nó thở yếu lần lần, rồi tắt hơi luôn. Chị ra ngoài chị ngó đồng hồ thì là 2 giờ rưỡi.

-         Nếu vậy thì phải rồi. Em không có đồng hồ nên em không biết hồi Cúc Hương kêu em đó là mấy giờ. Mà em ngồi chờ lâu quá mới sáng, em định hồi cô kêu em đó lốI 2 hay 3 giờ khuya.

-         Nó có kêu em hay sao? Kêu nói giống gì ?

-         Để em nói chị nghe. Từ mùng 10 tháng 11, em hay em có sách phần thưởng nhiều, nên em vui mừng hết sức. Không biết tại sao qua ngày rằm em lại bứt rứt trong lòng, hết vui nữa, mà lại muốn về cho mau. Tố lại, tới giờ ngủ, em cứ nằm thổn thức lâu lắm mới ngủ được. Đến khuya em chiêm bao thấy Cúc Hương đứng trên đầu giường em, vỗ mặt em mà nói cô đã chết nên cô lên cho em hay.

-         Úy ! Linh dữ vậy hay sao ? Nó chết rồi hồn nó xuất mà báo tin cho em hay liền ! Vì nó thương em quá, mà lại chết oan, nên nó hiện hình cho em thấy. Nó nói gì nữa hay không ?

-         Cô không có nói tại sao cô chết. Cô biểu em bãi trường về hỏi chị thì biết. Cô nói cô có sắp đặt để giữ vẹn lời hứa hẹn với em. Cô căn dặn em đừng buồn rầu, đừng thối chí, cứ tiếp tục học cho đến cùng đặng rạng rỡ thân danh. Cô sẽ âm thầm theo ủng hộ luôn luôn và cô sẽ thưa kiện tới Diêm đình, đặng căn duyên khỏi vỡ tan, vợ chồng được sum hiệp.

-         Trời ơi ! Nó chết mà hồn nó khôn quá, hiện về kêu em cho em hay liền, lại còn dặn đủ điều hết. Nó tính thưa kiện phải lắm. Oan ức quá mà !

-         Mà cha mẹ cô ép gả cô cho ai ? Tại sao cô không thú thiệt cô đã thề nguyền với em, lại giận lẫy tự tử mà chết? Chị Hai làm ơn thuật rõ đầu đuôi cho em biết một chút.

-         Mà em ăn cơm rồi hay chưa ? Như chưa ăn thì để chị sai đi mua mì cho em ăn.

-         Đừng, đừng. Em ăn cơm rồi. Em về hồi nửa chiều. Em nghe má em nói, em bủn rủn tay chưn. Tuy chiêm bao thấy như vậy em buồn, muốn về cho mau, song em tưởng mộng mị, nên không tin cho lắm. Chừng về tới nhà, hay Cúc Hương chết thiệt, em muốn chạy ra hỏi thăm chỉ liền. Ngặt đau đớn quá, em cứ ngồi mà khóc. Phần thì má em lại lo nấu cơm dọn cho em ăn. Em mới tính dằn lòng mà chịu, đợi tối rồi em sẽ đi ra đây. Té ra đau lòng quá, ăn uống gì được. Má em ép quá, em phải rán ăn cho hết chén cơm rồi đi đây, không cần đợi tối .

-         Vậy thì để chị nói rõ công chuyện ở nhà cho em nghe. Bãi trường trước em về em không có gần gũi với con Tư cho lắm. Mới về tới, em ra chợ đứng bên gian hàng của chị mà thăm chi và thăm nó có một chút. Chị sợ tiếng thị phi, chị biểu em ra nhà chị mà nói chuyện. Chị dặn em đừng léo hánh đặng gặp nhau giữa chợ nữa. Chừng gần khai trường, con Tư cậy chị mời em ta đây đặng nó nói chuyện một lát. Thiệt nó ngồi có một chút rồi lật đật từ giã nhau. Không biết ai ngó thấy nên thêu dệt sao đó mà em đi học được ít bữa rồi vợ chồng Hia Mỹ rầy con Tư, nói sao nó dám núp lén trai gái với em. Nó chối, nó nói không có. Nó thuật chuyện đó cho chị nghe. Chị khuyên nó cứ chối và về sau phải dè dặt, bãi trường em có về thì chẳng nên gặp thau thường, hai đàng muốn nói chuyện gì, với nhau thì nói với chị, rồi chị trao lời lại giùm cho. Cách hơn một tháng, con Tư cho chị hay cha mẹ nó bàn soạn gả nó lấy chồng phứt cho rồi, đặng khỏi mang tiếng. Nó hỏi chị như cha mẹ ép gả nó lấy chồng thì nó phải làm sao ? Chị khuyên nó nếu cha mẹ ép gả thì nó phải nói thiệt nó thương em từ hồi nhỏ, hai đàng có đến trước mặt ông Quan Đế mà thề nguyền với nhau. Nếu nó bỏ em mà ưng chồng khấc thì ông Quan Đế sẽ vặn họng nó chết. Chị nghĩ hia Mỹ là con cháu người khách tự nhiên kính trọng ông Quan Đế, nói như vậy chắc hia không dám ép gả cho người khác.

-         Chị khuyên như vậy thì phải lắm. Thà nói thiệt phứt cho rồi đặng yên ổn mà chờ nhau.

-         Té ra cách ít ngày con Tư cho chị hay vợ chồng Thôn Khoa, trong Vĩnh Hựu, cậy mai nói cưới nó cho con. Thôn Khoa giàu lớn ruộng vườn nhiều, có tới bốn đứa con gái, mà chỉ có một thằng con trai đó mà thôi. Theo lời bà mai nói thì thằng con trai muốn cưới con Tư đó 20 tuổi, tên Tiền. Vợ chồng Hia Mỹ nghe Thôn Khoa giàu thì mê, nên tính gả con Tư cho rồi, không cần dọ ý nó ưng hay là không ưng. Chị xúi nó chống cự đừng chịu lấy chồng, dầu gả cho con Thôn Khoa hay là cho người nào khác cũng vậy. Nó nghe lời chị, ban đầu nó chê con Thôn Khoa dốt nát, không có học. Vợ chồng Hia Mỹ nói người ta không có học, mà người ta có tiền, có ruộng vườn có nhà cửa. Người ta chỉ có một con trai, mình ưng con trai ấy thì ngày sau mình hưởng phân nửa gia tài. Mỗi buổi sớm mơi ra chợ ngồi bán, nếu trong nhà có bàn tính việc gì thì nó học lại với chị hết. Chị xúi nó nói đã có thề nguyền với em. Nó cùng thế rồi nó mới nghe lời chị mà tỏ thiệt nó đã có hứa hẹn với em. Vợ chồng Hia Mỹ nổi giận rầy la nó, nói không thế nào gả nó cho em được. Nếu nó cãi lời thì sẽ đánh nó chết rồi thả trôi sông.

Vĩnh Xuân bực tức quá, dằn lòng không được, nên chận mà nói: “Em biết trước sẽ có sự trắc trở đó, nên em đã nói với Cúc Hương. Tại cô cứ xem học thức quí hơn tiền bạc, nên bây giờ em phải bị người ta nhục mạ”.

Hai Tỷ thấy trong nhà đã tối rồi nên lấy đèn tọa đăng để trên bàn mà đốt, rồi lại mở tủ lấy ra một gói cũng để trên bàn. Chị ngồi lại vừa têm trầu, vừa nói tiếp:

-         Chi hay họ khinh khi em, chị giận hết sức. Chị đốc nó cứ kháng cự; cha mẹ nó giận nói như vậy chớ không dám đập chết đâu mà sợ. Thiệt nó kháng cự hẳn hòi, cứ nói có thề thốt với em, nếu nó ưng người khác thì ông Quan Đế vặn họng nó chết. Vợ chồng Hia Mỹ mê giàu nên ám muội quá. Con nói như vậy mà không kể, cứ chịu gả nó cho con Thôn Khoa. Lại muốn gả cho mau, nên cho đi lễ hỏi rồi định ngày 16 tháng 11 thì làm lễ cưới.

-         Cha mẹ áp bức quá như vậy sao Cúc Hương không đến làng thưa, hoặc bỏ nhà trốn đi chỗ khác ở ?

-         Chị có bày cho nó nhiều cách mà nó thối thoát. Nó khóc mà nói làm con lẽ nào dám tố cáo cha mẹ. Còn phận gái bỏ nhà đi thì người ta còn coi ra gì.

-         Thiệt quả tại Cúc Hương có học, mà lại học giỏi nên mới chết ! Tam tùng, tứ đức giết Cúc Hương rõ ràng.

-         Chị không dè nó tự vận chút nào hết em. Nếu chị biết thì chị khuyên giải nó chớ. Cha me định ngày cưới rồi, mỗi bữa ra chợ ngồi bán, nó khóc với chị hoài. Nó nói đạo cha con với đạo vợ chồng đều trọng hết cả hai. Mà phải có cha con rồi mới có vợ chồng được. Vậy muốn trọn đạo cha con thì phải lỗi đạo vợ chồng, chớ biết làm sao. Thôi, kiếp nầy nó không trọn nghĩa với em, thì nó hẹn kiếp sau sẽ đền đáp.

Vĩnh Xuân tức tủi, nước mắt tuôn dầm dề.

Hai Tỷ xúc động nên ngừng lại, có ý chờ Vĩnh Xuân bình tĩnh lại rồi sẽ nói tiếp.

Vĩnh Xuân nói:

-         Chị cứ nói tiếp đi chị Hai. Cúc Hương nói như vậy thì ý cô nói cha trọng hơn chồng, nên thà lỗi với chồng, chớ không nên lỗi với cha. Nói như vậy mà sao lại tự vận.

-         Chị cũng hiểu như vậy. Chị tưởng nó nghe lời cha mẹ mà ưng con Thôn Khoa chớ, bởi vậy chị không đám xúi nó cừ ngạnh nữa. Bữa mùng 5 nó nói má nó biểu nghỉ, đừng dọn hàng ra chợ ngồi bán nữa, ở nhà dặng sửa soạn đám cưới. Nó xin để cho nó rán bán tới mùng 10 đặng tẩy cho hết đồ. Bữa mùng 8 nó ra chợ nó đưa cho chị cái gói nầy đây. Nó cậy chị cất giùm chừng bãi trường em về chị trao lại cho em. Nó nói nó muốn viết thơ mà xin lỗi với em, nhưng nó không biết chữ quốc ngữ, lại câu chuyện thắc mắc quá, không thể nào viết cho hết ý được. Vì chị biết rõ đầu dây mối nhợ hết, nên nó cậy chị thay thế cho nó, chừng em về, chị thuật chuyện lại cho em nghe. Nó nói trong cái gói nó có viết ít chữ để cho em đặng nhớ bút tích của nó. Có 50 đồng bạc để cho em ăn học ba năm nữa cho khỏi bỏ dở nửa chừng, vì nó hứa bao cho em học đủ bốn năm, nên dầu nó không được làm vợ em, nó cũng phải giữ lời hứa. Lại có một vóc xuyến với một quần lãnh nó xin em trao dùm cho thím Hương văn và thưa với thím rằng dầu nó không có phước mà phụng sự thím, nó cũng kỉnh tặng thím lột vóc áo, một vóc quần để tỏ tấm lòng hiếu kỉnh của con đâu xấu số.

Hai Tỷ cầm cái gói đưa cho Vĩnh Xuân, gói có buộc dây gai kỹ lưỡng.

Vĩnh Xuân vừa khóc, vừa mở gói ra, thấy ở trên hết có một miếng lụa trắng, bề dài chừng một gang còn bề ngang bằng ba ngón tay, có viết một hàng 5 chữ nho lớn “xá sanh nhi thủ nghĩa” ở dưới có viết hàng ngang 2 chữ “Cúc Hương”,

Vĩnh Xuân vừa thấy miếng lụa ấy thì la lớn: “Trời ơi ? Cúc Hương viết câu như vầy thì biết cô đã quyết định tự tử rồi ! Vậy chớ chị không mở gói ra coi hay sao ?”.

Hai Tỷ ngạc nhiên đáp:

-         Không. Nó đã kể mấy món trong đó cho chị nghe rồi, còn mở ra làm chi. Mà chị không biết chữ, dầu mở ra chị cũng không hiểu.

-         Chú tài phú coi chú hiểu chớ.

-         Mà nó viết nó nói làm sao nên em biết nó quyết định tự tử ?

-         Cúc Hương học sách Mạnh Tử một lượt với em. Thầy cắt nghĩa câu xá sanh nhi thủ nghĩa rành lắm. Nay cô viết 5 chữ đó mà gởi lại cho em, tức thị cô muốn nói cho em biết: một bên là đời sống, còn một bên là đại nghĩa. Thà bỏ đời sống mà giữ đại nghĩa. Ý cô nói cô phải chết cho trọn nghĩa với em, chớ có gì đâu. Vì em mà Cúc Hương phải chết ! Em sống làm sao được chị Hai ?

Vĩnh Xuân buông miếng lụa, hai tay bụm mặt mà khóc.

Hai Tỷ lấy miếng lụa cầm coi rồi nói: “Á, hôm con Tư tắt hơi rồi, má nó móc khăn với tiền bạc trong túi nó ra thì cũng có một miếng lụa viết chữ y như vầy”.

Vĩnh Xuân hỏi:

-         Bà con trong nhà coi rồi họ có bàn luận lẽ nào hay không ?

-         Họ có hiểu gì đâu mà bàn luận.

-         Bữa nhóm họ có chị ở đó hay không ?

-         Có chớ. Bữa mùng 10 nó thôi bán. Nó căn dặn chị thế nào chiều rằm nhóm họ chị cũng phải lại chơi với nó đặng nó về nhà chồng. Xế chị lại. Con Tư thấy chị thì mừng rỡ. Nó vô ra nói chuyện vui vẻ như thường. Gần tối chị muốn từ mà về thì nó mời chị vô buồng rồi nó khóc mà dặn chị chừng em về thì chị đưa giùm gói đồ nầy cho em, thuật rõ tại sao mà nó phải xa em…

-         Đó ! Cô nói “xa” chớ không phải “phụ bạc” hay là “lấy chồng khác”. Chị thấy chưa ? Cô muốn chết rõ ràng quá.

-         Chị không dè. Nó căn dặn chị rán an ủi biểu em đừng buồn rầu, phải chí công học cho thành danh, rồi sau vợ chồng sẽ sum hiệp.

-         Em còn đầu óc gì nữa mà học, chị Hai.

-         Em đừng có thất chí chớ. Làm trai phải học đặng lập thân. Huống chi em ở trong cảnh nhà nghèo, lại còn phải nuôi mẹ già, em cần phải học hỏi hơn người ta đặng trước hiển đạt thân danh cho họ hết khinh khi, sau giúp đỡ mẹ già mà báo bổ công sanh thành, dưỡng dục. Con Tư nó lo việc ấy lắm. Nó cứ căn dặn thế nào em cũng phải tiếp tục học cho đủ bốn năm, đừng có buồn rầu mà bỏ. Nó thương em lắm, nó muốn cho em nên danh, nó mới căn dặn như vậy, mà nó còn gởi tiền lại cho em ăn học nữa. Nó không phụ lời nó hứa với em. Nó chết rồi, có lẽ nào em đành làm trái ý tốt của nó. Em phải suy nghĩ lại.

Vĩnh Xuân ngồi trầm ngâm một hồi, lấy miếng lụa có bút tích của Cúc Hương để vào túi và đưa 50 đồng bạc cho chị Hai Tỷ mà nói: “Em xin chị Hai cất giùm số bạc nầy lại. Để ít bữa bớt buồn rầu, em suy nghĩ coi nên học nữa hay không rồi sẽ hay. Chị cất tiền bạc giùm cho em. Còn xuyến, lãnh đây thì em xin đem về trao cho má em, đặng má em thấy lòng thảo của cô Cúc Hương, tuy chưa được làm dâu chánh thức song quyết tự vận mà cô cũng không thiếu sót đạo dâu con, đã lo cho chồng mà cũng không quên mẹ chồng, Con người đủ hiếu, đủ nghĩa, đủ tình như vậy mà chết mất, thì tôi học cho giỏi đặng ngồi cho cao, rồi vui hưởng phú quí với ai mà phải cần lo học nữa !”.

Vĩnh Xuân gói vóc lãnh với vóc xuyến lại rồi hỏi Hai Tỷ:

-         Chị Hai biết mồ mả của Cúc hương nằm chỗ nào hay không ?

-         Biết chớ. Chị có đưa đám ma, chị đi tới chỗ. Chị ở tới hạ khoán xong rồi mới về. Chôn trong đất chùa, dựa bên đường vô Long Hựu.

-         Xa hay gần chị ?

-         Không xa gì lắm. Đi một chút thì tới.

-         Em hỏi xa hay gần, ý em muốn cậy chị dắt giùm em đặng chỉ mộ cho em viếng một chút. Nếu xa thì em mướn xe cho chị đi.

-         Đi bộ cũng được. Gần mà. Mướn xe làm chi. Như em muốn đi thì xế mai chị đi với em. Xế mát em thay đồ rồi chị vô chị kêu đi. Từ nhà em đi vô một chút, hết xóm rồi thì thấy. Để chị mua nhang, đèn và giấy tiền vàng bạc giùm cho em cúng. Em khỏi mua.

-         Đám ma làm tử tế hay không chị Hai ?

-         Khá. Làm coi cũng được. Chừng con Tư chết rồi, vợ chồng Hia Mỹ mới sáng con mắt. Cha chả, vợ chồng khóc dữ. Thằng con thứ Hai cằn rằn, nó nói con Tư đã có thề thốt với em thì thôi, giàu nghèo nó chịu. Ép gả nó chỗ khác làm chi cho nó bực tức đến tự vận. Nội chợ nầy ai cũng chê Hia Mỹ dại đột, ham giàu làm chi cho chết con. Họ biết em học giỏi. Họ nói sao không để sau gả cho em, lại gả chi cho công tử bột.

-         Em nói thiệt với chị, ngày trước em yêu Cúc Hương một phần. Cái chết của Cúc Hương, chết vì tình vì nghĩa, làm xúc động tâm hồn em quá, nên bây giờ em tưởng nhớ cô đến mười phần. Thôi, Trời khiến em không được Cúc Hương làm vợ chắc em ở độc thân tới già, em không cưới vợ nào khác. Làm sao em kiếm được một người như Cúc Hương vậy nữa mà cưới.

-         Em buồn, em nói như vậy, thủng thẳng nguôi ngoại rồi em cũng sẽ có vợ như người ta. Con Tư chết rồi thì thôi, tuy tưởng nhớ nó thì tưởng nhớ, song tìm người như nó làm sao cho được.

-         Thôi, để em về cho chị nghỉ. Chị cất giùm 50 đồng bạc đó .

Vĩnh Xuân ôm gói hàng, cáo từ rồi độI nón bước ra cửa. Hai Tỷ đi theo nói: “Xế mai lối 4 giờ chị sẽ vô đặng đắt em đi viếng mộ con Tư”.

Vô tới nhà, Vĩnh Xuân thấy mẹ đương ngồi xếp lá gói bánh chưng, cậu để gói hàng dựa bên mẹ mà nói: “Trước khi Cúc Hương uống giấm với á phiện mà tự vận, cô có mua một vóc lãnh với một vóc xuyến gởi cho chị Hai Tỷ, cô dặn chị đợi con về trao lại cho con đặng may áo quần cho má. Chết mà lo việc về sau đủ hết, mua áo quần cho má, gởi tiền bạc cho con ăn học đủ bốn năm, sắp đặt rành rẽ lắm”.

Bà Hương văn nói: “Tội nghiệp dữ hôn”. Bà xô xấp lá chuối ra xa đặng mở gói hàng mà coi.

Vĩnh Xuân đi vô buồng thay đồ mà bận đồ mát. Chừng cậu trở ra, bà Hương văn nói: “Nó mua đồ tốt dữ. Sắp đặt đặng tự vận mà nó không quên má, thiệt nó làm cho má cảm quá Nếu nó sống mà làm dâu má, chắc nó thương má lung lắm. Con Hai Tỷ nói chuyện nó chết làm sao đâu, con ngồi nói lại cho má nghe coi”.

Vĩnh Xuân ngồi trước mặt mẹ, thủng thẳng thuật đầu đuôi câu chuyện lại cho mẹ nghe. Bà Hương văn ngồi gói bánh chưng, nhiều lúc bà nghe rồi động lòng đến rơi nước mắt. Mà Vĩnh Xuân nhắc lại nhiều đoạn cậu cũng ấm ức rồi khóc dầm, nói không được.