HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 

Nam Cực Tinh Huy

Chương 16

Ngô-chúa thăng hà, Tam-Ca soán nghiệp,
Tử-hoàng tị nạn, Vương hậu xuất gia.

Dương-tam-Ca từ ngày được Ngô-vương thương yêu trọng dụng thì chuyên quyền, mà trong lòng lại muốn đoạt ngôi của cháu nữa, song bấy nay không có dịp nên cái ý quấy của anh ta không lộ ra ngoài cho ai thấy. Chừng thấy Ngô-vương bịnh nặng thì anh ta triệu tam mộ tứ đứng vào lo, tính coi phải dụng kế chi cho bá quan qui thuận. Sự ham muốn đương tràn trề trong bụng, bỗng đâu Ngô-vương lại tỏ ý muốn truyền ngôi; người có lương tâm ai nghe như vậy ái ngại hổ thầm, duy Tam-Ca không có lương tâm, nên không niệm nghĩa, không xét mình, vừa nghe nói thì đắc ý phỉ nguyền, tưởng tài mình như ông Châu-Công, đức mình như ông Y-Doãn. Ấy cũng là tại Ngô-vương không biết coi người, bình sanh lanh lợi dùng lời khôn khéo mà qui phục nhơn tâm, khi gần thăng hà muốn học đòi Lưu-Bị thát cô cho Khổng-Minh, chẳng dè Khổng-Minh không phải là Tam-Ca, mà Ngô-vương cũng không biết người bằng Lưu-Bị.

Tam-Ca nghe vua tính nhường ngôi đương mừng rỡ, bỗng đâu gặp chị, tưởng là chị ấy cũng mừng giùm cho mình nào dè chị đã không thuận tùng mà lại còn rầy la dức bẩn. Tam-Ca cãi lẫy với Vương-hậu rồi giận bỏ ra về, mà ra khỏi cung rồi không chịu về dinh mình, lại thẳng qua dinh Đỗ-cảnh-Thạc.

Lúc ấy trời đã tối rồi, Cảnh-Thạc đương ngồi tại trung đường xem sách bỗng nghe quân vào báo có An-trí-Công đến viếng. Cảnh-Thạc không biết có việc chi mà An-trí-Công đến dinh ban đêm, lật đật dẹp sách chạy ra nghinh tiếp. Cảnh-Thạc vừa thấy An-trí-Công liền hỏi rằng: “Thưa ngài, chẳng hay bệ-hạ bữa nay bịnh đã hết rồi chưa?” Tam-Ca lắc đầu thở ra rồi nói nhỏ rằng: “Không xong ngài ôi! Tôi có một sự, vậy hãy vào dinh rồi tôi tỏ cho ngài nghe”.

Cảnh-Thạc thấy bộ Tam-Ca buồn bực thì trong bụng đã lo thầm, chừng nghe Tam-Ca nói như vậy còn sợ nhiều nữa, nên lật đật dắt vào dinh phân tân chủ tọa. Tam-Ca dạy đuổi quân hầu rồi nói với Cảnh-Thạc rằng: “Bịnh Bệ-hạ nặng lắm, tôi sợ trong một vài ngày đây thì Bệ-hạ thăng hà chớ chẳng lâu. Bệ-hạ mới đòi tôi vào cung mà luận bàn việc nước. Bệ-hạ phán rằng hai Hoàng-tử khờ dại, sợ lo việc nước không kham, rồi Bê-hạ dạy tôi hễ Bệ-hạ thăng hà thì tôi phải nối ngôi mà an dân trị nước. Tôi nghĩ phận tôi tài sơ đức bạc nên tôi chối từ hết sức mà Bệ-hạ cũng không nghe, nhứt định tôi phải nối ngôi mà thôi chớ không cho tôn Thái-tử Xương-Cấp, túng thế tôi phải chịu. Vả ngài là bạn đồng thời thâm giao cũa tiên-nhơn tôi, tôi kính ngài là bực thúc bá, vậy nên tôi qua đây mà tỏ sự ấy cho ngài nghe coi ngài liệu lẽ nào”.

Mấy tháng nay Cảnh-Thạc thường nghe nói bịnh của vua một ngày một giảm lần, thình lình nghe vua bịnh nặng thì kinh hãi, rồi nghe vua định truyền ngôi cho Tam-Ca nữa thì ngơ ngẩn nên ngồi ngó sửng Tam-Ca không nói sao được. Tam-Ca bèn nói tiếp rằng:

-    Thưa ngài, Bệ-hạ đã di ngôn như vậy, mình là đạo làm tôi, mình đâu dám cãi.

-    Nếu có Bệ-hạ di-ngôn thì cãi sao được. Ngặc vì thuở nay phụ truyền tử kế, nên sợ ngài lên ngôi báu hàng bá quan nếu nhiều người không thuận tùng thì chẳng khỏi rối loạn.

-    Ngôi quốc vương nầy là ngôi của tiên-nhơn tôi, vì anh tôi có công báo thù nên ngày trước tôi nhượng cho anh tôi. Nay anh tôi thăng hà thì tôi kế vị, có lẽ nào mà bá quan không thuận tùng. Tôi xin ngài nghĩ tình tiên-nhơn tôi mà giúp đỡ cho tôi, hễ ngài thuận tôi thì không ai dám nghịch.

-    Tuy vậy mà binh quyền bây giờ ở trong tay Dương-kiết-Lợi; nếu ngài muốn khỏi rối loạn thì ngài phải an ủi Kiết-Lợi theo giúp ngài, chớ nếu Kiết-Lợi không thuận tùng thì sự hại ắt lớn lắm.

-    Sự ấy xin ngài chớ lo, Kiết-Lợi là chú đồng-tông của tôi, không lẽ nào không giúp tôi mà sợ.

-    Như ngài lên ngôi báu trong triều đã thuận tùng rồi, song tôi sợ ngài ngồi cũng không yên; bởi vì chư trấn anh hùng thảy đều là bộ hạ của họ Ngô, nếu hai Hoàng-tử còn đó mà ngài lên ngôi cửu ngũ, thì chẳng khỏi họ nói ngài soán ngôi, chớ họ không kể lời di-chúc của Bệ-hạ. Thoảng như họ đem binh về triều mà công-kích thì ngài liệu thế nào.

-    Việc đó để sau rồi sẽ tính. Nói cùng mà nghe, ví như chư trấn không tuân di-ngôn của vua, họ đem binh về đây mà làm phản, thì ngài với Kiết-Lợi lại không đủ sức mà cự với họ sao? Xin ngài giúp tôi cho tận tâm, ơn ngài dầu ngàn năm tôi cũng còn ghi tạc.

Chẳng hiểu Cảnh-Thạc vì tình riêng với Dương-diên-Nghệ thuở trước nên muốn cho Dương-tam-Ca lên ngôi quốc-vương, hay là vì tính làm ơn đặng hưởng lộc trọng quyền cao, mà nghe mấy lời của Tam-Ca như vậy không thèm xét coi thiệt vua có di-ngôn hay không, lại hứa giúp Tam-Ca không kể chi đến hoàng Thái-tử.

Tam-Ca được lời hứa của Cảnh-Thạc rồi liền sang qua dinh Dương-kiết-Lợi mà an ủi khuyên giúp nữa. Kiết-Lợi ngày trước thất Lục-Châu chạy về Đại-La thấy Ngô-vương lấy làm hổ thẹn, nhờ có Tam-Ca tâu giùm nên Ngô-vương mới trọng dụng, bởi vậy hằng có lòng cảm nghĩa Tam-Ca. Đã vậy mà Tam-Ca là cháu đồng tông, nên vừa nghe nói Ngô-vương truyền ngôi cho Tam-Ca thì sắc mừng lộ ra ngoài, tự-nguyện sẽ đem hết tài lực mà tá-trợ.

Sáng bữa sau Tam-Ca hay vua đả thăng-hà rồi, liền hội bá quan văn võ tại chánh điện mà báo tin buồn cho bá quan hay. Đỗ-cảnh-Thạc bước ra đứng giữa ngó các quan mà phân rằng: “Nước không có vua thì dân không an được. Bệ-hạ tài lành đức trọng, dẹp ở trong, đuổi giặc ở ngoài, sáng-tạo cơ đồ rực rỡ. Ngày nay chẳng may Bệ-hạ thăng-hà, bá quan văn võ từ trong triều ra đến ngoài trấn ai nghe tin buồn ấy đều đau lòng rơi lụy. Tuy chúng ta thương tiếc kính mến Bệ-hạ mặc dầu, song chúng ta phải gạt lụy dằn lòng mà lo cho nước nhà bền vững, ngoài khỏi nguy, trong khỏi loạn. Đã biết Bệ-hạ có lập Đông-cung Thái-tử, nhưng mà lúc Bệ-hạ gần thăng-hà, Bệ-hạ thấy Thái-tử thơ ấu, sợ lo việc nước không kham, nên Bệ-hạ di-ngôn dạy An-trí-Công phải lên nối ngôi mà sửa trị lê dân, giữ gìn cương thổ. Vậy bá-quan phải hiệp cùng lão mà làm lễ tôn An-trí-Công lên ngôi báu, trước cho hiệp ý Bệ-hạ, sau cho thỏa lòng lê dân”.

Đỗ-cảnh-Thạc nói dứt lời, bá quan nhìn nhau chưng-hửng, song không ai dám cãi lẽ chi hết. Tam-Ca thấy ý bá quan thuận tùng, trong lòng mừng rỡ, vừa toan bước lên ngai vàng cho bá quan làm lễ yết, bỗng đâu có một vị văn thần tên là Tôn-nhựt-Lệ tuổi đã quá sáu mươi mà sức hãy còn mạnh mẻ, bước ra trợn mắt ngó Tam-Ca mà nói rằng: “Đỗ-tướng-công là một vị trụ-quốc công thần, sao không xét lẽ chánh tà lại phân như vậy? Bệ-hạ lập Đông-cung Thái-tử thì minh bạch, triều đình thảy đều hay biết, còn Bệ-hạ di ngôn dạy An-trí-Công nối ngôi, ấy là việc âm-thầm chẳng có một người nào hay. Sao ngài lại phế sự minh bạch mà tin sự âm-thầm? Tôi nói thiệt nếu ngài muốn tôn An-trí-Công lên ngôi cữu ngũ thì ngài tôn, còn phận tôi thì tự nguyện phò Đông cung Thái-tử mà thôi, chớ tôi không khứng su-phụ kẻ gian soán vị”.

Tam-Ca nghe nói nổi giận cành hông bèn nạt lớn lên rằng: “Lão tặc vô lễ, không sợ đứt đầu hay sao?” Rồi lại ngó Dương-kiết-Lợi mà dạy rằng: “Xin Dương-tướng công chịu phiền giết loài phản tặc mà răn chúng”. Dương-kiết-Lợi hươi đao nhảy lại cắt đầu Tôn-nhựt-Lệ mà quăng trước điện. Bá quan xem thấy hồn phi phách tán, thảy đều cúi đầu đứng sụt ra không ai dám nói chi hết.

Bỗng đâu Hoàng-tử Xương-Văn núp trong tấm bình phong, nhảy ra mà nói lớn rằng: “Triều-đình anh hùng hào kiệt đành khoanh tay để cho loạn thần tặc tử nó giết người ngay mà chẳng biết động lòng hay sao?” Xương-Văn nói vừa dứt lời thì thấy có một tướng còn trẻ tuổi tên Hà-cảnh-Dực, hươi đao xốc tới hầm-hầm muốn giết Tam-Ca, Dương-kiết-Lợi thấy vậy nhảy ra cản lại rồi hai người đánh nhau; bá quan kinh hãi sợ hại đến mình nên tìm đường mà trốn.

Tam-Ca sợ loạn bèn truyền lính vây bắt nhị vị Hoàng-tử. Xương-Văn nghe lịnh truyền cả kinh tính lui vào cung báo cho Xương-Cấp hay đặng liệu kế thoát thân. Tướng-sĩ cũa Dương-kiết-Lợi thấy Xương-Văn rút chạy lật-đật rượt theo, chẳng dè Tổng binh Sầm-Bích đã núp sẵn gần đó, xông ra cản lại, đánh giết quân-sĩ cho Xương-Văn thoát nạn. Xương-Văn về đến cung thấy Xương-Cấp đương ngồi khóc với Giang-hoài-Nhơn, bèn đem mọi việc mà thuật lại cho Xương-Cấp nghe, rồi khuyên phải tức-tốc thoát thân, không nên trì huỡn. Xương-Cấp kinh hãi, bèn níu áo Giang-hoài-Nhơn mà cầu cứu. Giang-hoài-Nhơn bối rối, hai tay dắt hai Hoàng-tử mà chạy ra cửa, bỗng gặp Sầm-Bích liền nói rằng: “Tướng-quân hãy giúp tôi mà phò nhị vị Hoàng-tử”. Sầm-Bích đáp rằng: “Tôi đã có đặt sẵn mấy con ngựa ngoài Đông-môn rồi, vậy xin hai điện-hạ hãy theo tôi cho mau mà lánh nạn”. Giang-hoài-Nhơn lúc ban đêm đã có lén lấy ngọc-ấn đem về giấu bên Đông-cung, may gặp Sầm-Bích liền giao hai Hoàng-tử cho Sầm-Bích bảo hộ, còn mình thì trở vào cung mà lấy ngọc-ấn.

Tuy Tam-Ca truyền lịnh vây bắt hai Hoàng-tử, song lịnh ấy chưa ra tới cửa thành, Sầm-Bích ra tới Đông-môn dạy quân phải mở cửa thành lập tức; quân không dè có lịnh bắt hai Hoàng-tử nên lật đật mở cửa thành. Hoài-Nhơn ôm ngọc-ấn chạy theo tới đó gặp hai Hoàng-tử với Sầm-Bích liền hiệp nhau xuất thành, rồi mỗi người cỡi một con ngựa nhắm hướng Đông mà chạy.

Dương-kiết-Lợi đánh với Hà-cảnh-Dực một hồi, Cảnh-Dực một mình còn Kiết-Lợi có tướng-sĩ tiếp chiến, Cảnh-Dực cự không lại phải rút chạy. Kiết-Lợi rượt theo tới Đông-môn bắt giết Cảnh-Dực, rồi nghe nói nhị vị Hoàng-tử đã xuất thành thì thất kinh, muốn rượt theo nã tróc, song sợ bỏ thành sanh loạn nữa, nên dạy phó tướng là Lâm-Hổ dẫn ba ngàn binh truy tầm, còn mình ở lại thủ thành.

Kiết-Lợi trở vào chánh điện thấy Cảnh-Thạc đã đốc binh vây chặt không cho bá quan tẩu thoát, Tam-Ca đã ngồi trên ngai vàng, còn trước điện quần-thần đương quì mà tung hô vạn tuế. Kiết-Lợi vào phục-mạng tâu rằng đã giết Cảnh-Dực rồi, song nghe nói Sầm-Bích với Giang-hoài-Nhơn đã phò hai Hoàng-tử xuất Đông-môn nên phải sai phó-tướng Lâm-Hổ truy tróc. Tam-Ca nghe hai Hoàng-tử chạy mất thì lo sợ, liền sai Tổng binh Triệu-Hùng dẫn thêm 500 binh theo tiếp với Lâm-Hổ rồi tức vị xưng là Bình-Vương, phong cho Đỗ-cảnh-Thạc làm chức Quốc-công và phong cho Dương-kiết-Lợi làm chức Đại Nguyên-Nhung.

Bá quan kẻ sợ người lo, kẻ vui người giận, còn đương lặng lẽ mà chờ lịnh, bỗng thấy Dương Vương-hậu mình mặc tang phục, chơn mang giày gai, châu mày ủ mặt, bước ra đứng trước ngai vua rồi chỉ Tân-vương mà mắng rằng: “Mi làm con đã bất hiếu, cha chết không dám báo thù, bây giờ làm tôi lại bất trung, vua chết cướp ngôi soán nghiệp nữa; ta nghĩ ta lấy làm tức cho họ Dương vì mi mà phải mang tiếng nhục muôn đời. Ta nói cho mi biết, ví dầu triều thần khiếp nhược không dám giết mi, hoặc dua-bợ theo mi đặng cao quyền lớn tước đi nữa, hoàng thiên hữu nhãn cũng không để cho mi ngồi yên nơi ngôi quốc-vương nầy đâu.” Bình-vương giận đỏ mặt, song không nỡ đem chém chị, nên bỏ giận làm vui lấy lời dịu ngọt mà khuyên rằng: “Hoàng-tỉ đừng nóng nảy mà thất lễ triều-đình. Em lên ngôi nầy là vì có lịnh tiên hoàng di-chúc, lại em cũng muốn gìn giữ võ-trụ cho cháu, chớ nào phải em có lòng soán cơ nghiệp của cháu hay sao? Xin Hoàng-tỉ an-tâm, hễ ngày nào cháu lớn khôn rồi thì em sẽ nhường ngôi lại cho cháu không mất đâu mà Hoàng-tỉ sợ, hãy lui vào cung an nghỉ, để cho em với triều đình bàn tính đặng có lo làm lễ tống táng tiên-vương”.

Vương-hậu lại cười gằn mà đáp rằng: “Đứa gian-nịnh thường hay lợi khẩu. Cha chả! Mi tưởng tiếng lanh lợi của mi đó che được cái lòng phản-nghịch của mi sao? Thôi! Mi chớ nói nhiều lời, ta không muốn thấy mặt mi là đứa bất trung bất hiếu làm nhục họ Dương, mà ta cũng không muốn thấy mặt quần thần là bọn trọng tước lộc hơn nhơn nghĩa, ta ở đây chẳng khỏi nhục lây tới ta nửa. Vậy thì mi ngồi đó mà hưởng vinh-hoa, bá quan ở đó mà hưởng tước lộc, để cho ta đi cho khuất mắt.” Vương-hậu nói dứt lời lui vào cung, còn bá quan nhứt là Kiết-Lợi với Cảnh-thạc đứng gục mặt hổ thẹn không biết chừng nào.

Vương-hậu vào linh sàng lạy Ngô-vương, than khóc một hồi rồi dạy cung phi đẩy xe đưa lên chùa Thanh-Tâm tự mà tu. Bình-vương nghe chị tính đi tu, trong lòng lấy làm bứt rứt, nên đón xe năn-nỉ xin chị ở lại trong cung mà tu, hoặc đợi ít ngày sẽ cất chùa trong thành đặng chị tu cho tiện. Vương-hậu đã quyết định rồi, nên không thèm nghe lời can, cứ dạy đẩy xe đi tuốt.

Bình-vương can không đặng túng thế truyền lịnh cho hoạn quan là Triệu-Bình dẫn 50 quân sĩ theo hộ-giá và dặn hễ lên tới Thanh-Tâm-tự phải dạy Hòa-thượng ân cần tiếp đãi nếu có sơ thất đều chi thì cả chùa đều bị tội.

Phận Vương-hậu ra đi lấy làm thắm thiết: vua băng chưa kịp tống tang, con xiêu-lạc chưa hay còn mất thế nào, đã vậy mà nghĩ tới em càng hổ với chồng, nhớ tới con càng giận quần-thần khiếp nhược. Mà Vương-hậu đi tu tuy là buồn, song chẳng gian-nan lao khổ, cảm thương hai Hoàng-tử tìm đường tị nạn lao đao lận đận vô cùng. Khi ra khỏi Đông-môn rồi Sầm-Bích và Giang-hoài-Nhơn dắt hai Hoàng-tử quất ngựa nhắm hướng đông mà chạy, miễn là chạy cho khỏi binh truy tróc mà thôi, chớ không tính trước coi phải đi đâu.

Bốn người chạy đến chiều, mặt trời gần chen lặn, Thái-tử Xương-Cấp mệt mỏi, Sầm-Bích thấy vậy mới dừng ngựa lại rồi xúm xít ngồi dựa mé đường mà nghỉ. Thái-tử Xương-Cấp than rằng: “Ta nghĩ quốc-cựu thiệt là tệ! Đã giành ngôi làm vua rồi, còn ức-uất nỗi gì mà toan sát hại anh em ta nữa, khiến cho phụ-vương ta thăng-hà anh em ta không được báo hiếu cư-tang. Phụ-vương ta chẳng hề bạc đãi người, sao người lại nỡ bạc tình đến thế!” Thái-tử nói mấy lời rồi tủi thầm nên ngồi lấy tay che mặt khóc dầm. Sầm-Bích với Hoài-Nhơn động lòng cũng rơi lụy, duy Hoàng-tử Xương-Văn không khóc lại day qua ngó anh mà nói rằng: “Anh sao cứ khóc hoài! Việc đã đến nỗi nầy anh khóc rồi họ rước anh về mà tôn anh làm vua hay sao? Anh đừng khóc nữa, để lo tính cùng nhị-vị ân-sư phải dùng mưu nào mà tru-diệt loạn thần đặng khôi-phục cơ nghiệp chớ.”

Xương-Cấp đáp rằng: “Bây giờ anh có biết mưu gì mà tính”.

Bốn người ngồi lặng thinh một hồi rồi Hoài-Nhơn mới nói rằng: “Thưa nhị-vị Hoàng-tử, trong triều bây giờ có hai tướng hùng dõng là Cảnh-Thạc với Kiết-Lợi mà thôi. Ngặt hai tướng ấy đã phục tùng An-trí-Công, hàng bá quan còn ai dám đởm đương nữa. Bây giờ nhị-vị Hoàng-tử có trông cậy là trông cậy chư trấn ở ngoài cử binh giúp sức đặng phục-nghiệp mà thôi. Vậy chúng ta trước hết phải lo kiếm nơi an tịnh đặng cho nhị vị Hoàng-tử dung thân, rồi lần lần tôi sẽ đi đến các trấn, thuyết khách mà cậy binh, tôi tưởng có một kế đó mà thôi, chớ chẳng còn kế nào hay hơn nữa”.

Xương-Văn khen phải rồi bốn người đứng dậy lên ngựa mà đi. Vừa mới lên lưng ngựa, Sầm-Bích ngó ngoái lại thì thấy sau xa binh kéo đông dầy, bụi bay mù-mịt. Sầm-Bích chỉ cho ba người kia coi thì ai cũng lo sợ. Sầm-Bích đứng xem tứ hướng, thấy bên phía tay mặt, cách chừng một dậm có một giăng rừng cao, còn ba phía kia thì đồng trống, mới hối quất ngựa chạy vào giăng rừng ấy trốn đỡ. Bốn người nhắm phía ấy mà chạy, tưởng là thoát thân khỏi nào dè Lâm-Hổ dẫn 3 ngàn binh tiền đạo đã thấy dạng 4 người tẻ vào rừng, liền dắt một đội mã-kỵ rượt riết theo, quyết bắt cho được.

Khi 4 người chạy tới mé rừng, trời đã tối rồi, mà binh mã của Lâm-Hổ rượt theo cũng đã gần tới. Hoài-Nhơn thấy thế nguy-cấp, sợ binh ào tới vây bắt cả chùm, mới kêu Sầm-Bích mà nói rằng: “Tướng quân hãy phò Hoàng-thái-tử tìm đường chạy trước đi, còn đệ nhị Hoàng-tử thì để cho tôi bảo hộ”. Sầm-Bích nghe lời quất ngựa chun vào rừng vạch đường dắt Xương-Cấp chạy. Còn Hoài-Nhơn tay ôm ngọc-ấn, mắt ngó chừng ra sau, quất ngựa chạy dọc theo mé rừng với Xương-Văn, tính làm như vậy đặng binh rượt theo mình, cho Xương-Cấp với Sầm-Bích thoát khỏi, rồi thừa đêm tối sẽ kiếm chỗ ẩn mình. Thiệt quả Lâm-Hổ thấy dạng ngựa chạy dọc theo mé rừng mà vì trời tối không biết chắc là mấy người, tưởng bốn người cũng còn chạy với nhau, nên cứ đốc quân rượt theo Hoài-Nhơn, không dè Sầm-Bích với Xương-Cấp đã chun vào rừng.

Hoài-Nhơn với Xương-Văn chạy được một khúc xa xa, thấy chặng rừng ấy cây cao bụi rậm, có thể ẩn mình được, mới bỏ ngựa dắt nhau đi bộ chun vào rừng. Lâm-Hổ cầm binh chạy tới gặp ngựa bỏ đó, biết Hoàng-tử đã vào rừng, bèn dạy quân sĩ chun vào mà kiếm; song thấy có 2 con ngựa mà thôi, không biết hai người nữa đi đâu, mới cho một toán mã-kỵ chạy thẳng tới mà tìm dấu. Cách một hồi toán quân mã-kỵ trở lại báo rằng không thấy dấu ngựa chạy trước. Lâm-Hổ nghi toàn bốn người đều vào rừng, mới phân binh phủ vây. Lúc ấy Triệu-Hùng dẫn năm trăm binh tiếp ứng cũng đã tới. Lâm-Hổ liền dạy đốt đuốc càn rừng mà tìm cho kỹ lưỡng.

Xương-Văn với Hoài-Nhơn vạch lá tránh cây dắt nhau mà chạy, trước mặt rừng tối đen như mực, sau lưng quân rượt theo la ó vang vầy; gai móc áo, dây vướng chơn, lúc ngã nghiêng, khi té ngửa, chạy đến nửa đêm, phần thì bụng đói, phần thì mệt đuối, Xương-Văn chạy không nổi nửa, té xỉu dựa gốc cây. Hoài-Nhơn kinh hãi, không biết liệu thế nào mà cứu Hoàng-tử cho được. Sau lưng tiếng quân la nghe rất gần, Hoài-Nhơn lại càng sợ nhiều nữa, nên kề vai cõng Xương-Văn mà chạy.

Người ta thường nói: sức mạnh không bằng trí cao, mà sức mạnh thua trí cao là lúc nào kia, chớ lúc nầy sức mạnh thiệt là hữu dụng, chớ trí cao không ích chi hết. Hoài-Nhơn là văn sĩ có lẽ trí cao, nhưng mà sức không mạnh, lại chạy cũng mệt đuối rồi, bởi vậy cõng Hoàng-tử chạy không nổi, quì té xuống, lụi đụi chạy không bao xa, kế quân-sĩ rượt theo kịp bắt luôn hết hai người dẫn trở lại nạp cho Lâm-Hổ.

Lâm-Hổ nghe nói bắt được Hoàng-tử Xương-Văn với Hoài-Nhơn, lại có ngọc-ấn, thì mừng rỡ vô cùng, bởi vậy vừa thấy quân dắt Xương-Văn đến liền xuống ngựa cung tay thi lễ. Xương-Văn trợn mắt ngó ngay Lâm-Hổ mà mắng rằng: “Mi nhờ phụ vương ta nên mi mới được quyền cao tước trọng, chẳng dè phụ vương ta vừa mới thăng-hà thì mi đã vong ân bội nghĩa, xu-phụ theo loài phản tặc. Ta nói cho mi biết, dầu ta có thác thì chẳng thiếu anh hùng nghĩa sĩ báo thù cho ta, nên ta chẳng lo gì. Ta e cho mi bắt ta đây, tuy được tấn tước gia quyền song chẳng khỏi ô danh xủ tiết.”

Lâm-Hổ cười và đáp rằng: “Thưa Điện-hạ, làm tướng phải tuân soái lịnh. Kẻ ở trên đã dạy, tôi ở dưới đâu dám cãi lời. Nếu tôi tha Điện-hạ thì ắt tôi chẳng khỏi rụng đầu hoặc mất chức.” Hoài-Nhơn nghe nói tức cười nín không được, nên đáp rằng: “Thuở nay thiên hạ vì danh vì lợi mà quên ơn nghĩa kể số biết bao nhiêu! Tướng quân là người trong số ấy, hèn chi tướng quân không dè cũng có người vì nước quên nhà, liều thân báo nghĩa.”

Lâm-Hổ hổ thẹn, không trả lời được, song giả tuồng không nghe, dây lại dạy quân gìn giữ Xương-Văn với Hoài-Nhơn rồi đốc càn rừng mà tìm Xương-Cấp với Sầm-Bích nữa.

Quân sĩ vây tứ hướng, tìm sáng đêm không gặp Xương-Cấp. Lâm-Hổ mới để Tổng-binh Triệu-Hùng ở lại với 500 binh mà truy-tầm, còn anh ta thì thâu quân và dắt Xương-Văn với Hoài-Nhơn về triều mà nạp.

Hoài-Nhơn tưởng anh ta với Xương-Văn chẳng khỏi chết chém, nào dè về đến kinh-đô, Bình-vương lấy lời dịu ngọt mà khuyên Xương-Văn, còn phận anh ta thì vua đã quở trách, mà thâu ngọc-ấn rồi vua dạy anh ta cũng theo ở với Hoàng-tử Xương-Văn mà dạy học sử kinh như cũ.

Bình-vương sợ Xương-Cấp ở ngoài hiệp với chư trấn lo mưu khôi phục, bởi vậy làm lễ tang tiên vương xong rồi mới hạ chỉ rao cho các châu các quận ở theo đường Xương-Cấp chạy đó ai gặp Xương-Cấp hễ bắt giải về triều thì được trọng thưởng, còn như yêm ẩn thì toàn gia bị tru-lục.