HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 

Nam Cực Tinh Huy

Chương 11

Lưu-Cung cố ý đoạt Giao-Châu,
Kiết-Lợi ỷ tài thất Lục-quận.

Đây nói về Lưu-Cung từ ngày lên nối nghiệp cho anh là Nam-bình-vương Lưu-An, kiêm chức Tiết-đạt-sứ Quảng-châu và Tịnh-Hải[1], thì không chịu thần phục nhà Hậu-Lương, tự xưng là Nam Hán Hoàng-đế, có ý muốn chiếm luôn đất Giao-Châu đặng cho có đủ thế lực mà chống cự với nhà Lương.

May đến năm đinh-sửu (năm 917) Tiết-đạt-sứ Giao-Châu là Khúc-Hạo mất, truyền nghiệp lại cho con là Khúc-thừa-Mỹ. Thừa-Mỹ không noi theo ý cha mà lo giao hảo với Lưu-Cung, lại cầu phong với nhà Lương. Lưu-Cung lấy cớ ấy mà hờn Khúc-thừa-Mỹ nên đến năm quý-mùi (năm 923) sai tướng Lý-khắc-Chánh đem binh qua đánh bắt được Khúc-thừa-Mỹ giải về Phiên-Ngung, rồi lại sai Lý-Tấn với Lý-khắc-Chánh về Tàu rồi tự xưng là Tiết-đạt-sứ Giao-Châu, từ ấy Lưu-Cung hờn càng sâu oán càng nặng, thường có ý muốn cử binh thâu đoạt bờ cõi, nhưng vì sợ Dương-diên-Nghệ trí cao tài giỏi nên không dám dấy động can qua. Chừng nghe Kiều-công-Tiện đã giết Dương-diên-Nghệ mà cướp quyền thì vỗ tay cười ngất mà nói rằng: “Đất Giao-Châu nay mai gì ắt sẽ về tay ta nữa rồi”. Lưu-Cung liền lo chỉnh tướng binh mã, đặng thừa dịp qua đánh lấy Giao-Châu. Chẳng dè cách vài tháng sau lại nghe Ngô-Quyền khởi binh đánh Kiều-công-Tiện mà báo thù cho Dương-diên-Nghệ. Lưu-Cung muốn thừa dịp lưỡng bạng tương trì kéo binh liền qua Giao-Châu làm ngư ông mà thủ lợi. Nhưng vì có quân thần can gián nói rằng: đường qua Giao-Châu sơn xuyên cách trở, nếu muốn động binh thì phải sắp đặt lương thảo toàn bị rồi sẽ đi, chớ không nên hốt tốc.

Lưu-Cung nghe lời bèn dạy chư tướng vận lương đem tích trữ dọc theo đường qua Lục-châu, đặng chừng dấy binh hễ đi tới đâu đều có sẵn lương đó, việc vận lương vừa mới xong, thì Kiều-công-Hãn qua trao thơ cầu cứu. Xem thơ lấy làm đắc ý liền hội quần thần rồi định ngày xuất chinh. Công-Hãn thấy Lưu-Cung sốt sắng thì trong bụng mừng thầm tưởng Lưu-Cung vị tình mình mà xuất binh cứu viện, chớ không dè Lưu-Cung đã có ý muốn lấy đất Giao-Châu đã lâu nay nhơn dịp Công-Tiện cầu cứu, xuất binh hữu danh, nên mới sốt sắng như vậy.

Lưu-Cung muốn lấy oai mà thâu phục Giao-Châu, rồi liệu kế gìn giữ đời đời, nên nhứt định ngự giá thân chinh. Lưu-Cung hạ chỉ sai thái-tử là Hoằng-Tháo làm chánh tướng, Lý-khắc-Chánh làm phó tướng. Lý-Khôi, là con trai Lý-Tấn làm tiên phuông, dẫn 10 vị danh tướng với ba vạn quân đi trước còn mình sắp đặt chọn người nhiếp-chánh tại triều rồi sẽ dẫn năm vạn binh làm đại đội hậu tập. Lưu-Cung lại cầm Công-Hãn ở lại đặng làm hướng đạo cho đội hậu tập, chớ không cho đi tiền đạo với thái-tử Hoằng-Tháo.

Thái-tử Hoằng-Tháo đắc lịnh liền hiệp với Lý-khắc-Chánh và Lý-Khôi mà kiểm điểm binh mã, chỉnh bị khí giái rồi dắt nhau vào bái biệt Nam-Hán chúa mà khởi hành. Lưu-Cung kêu Hoằng-Tháo mà dặn rằng: “Đường qua Giao-Châu hiểm lắm, mà dân Giao-Châu phản phúc không chừng; Lý-khắc-Chánh đã có cầm binh đi đánh một lần, rồi lại còn ở đó mà chế trị sáu bảy năm, nên lào thuộc địa đồ, mà lại thấu hiểu nhơn vật. Vậy đi đường hay giao chiến con đều phải hỏi ý Lý-tướng-quân, chớ đừng có hốt tốc làm bướng mà hư việc. Ví như có điều chi trắc trở, con phải lập tức sai người trở lại hậu đội mà báo tin cho cha hay, rồi đợi đại binh của cha đến rồi cha sẽ liệu lượng”.

Hoằng-Tháo còn nhỏ tuổi nên tánh khí tự cao, nghe Nam-Hán chúa dạy như vậy lại tâu rằng: “Xin phụ vương để mặc con, đừng có lo lắng mà nhọc long-nhan. Con nguyện chiếm hết đất Giao-Châu không để cho phụ vương mệt tính”. Dặn dò xong rồi cha con tôi chúa từ biệt nhau mà đi. Hoằng-Tháo dẫn tiền đạo đi được 20 ngày thì kế Lưu-Cung dẫn đại binh theo sau. Kiều-công-Hãn theo Lưu-Cung mà làm hướng-đạo cho đại đội, thấy binh Tàu thinh thế lẫy lừng, quân đông tướng mạnh, trong lòng mừng không xiết kể, thầm tính rằng hễ Lưu-Cung diệt Ngô-Quyền, giúp ta mà bình định Giao-Châu rồi, thì ta cũng nên thần phục Nam-Hán để cậy oai thế mà trấn thủ Giao-Châu, phụ truyền tử kế, an-hưởng vinh hoa phú quí. Thiệt là:

Tiểu nhơn chỉ biết đồ tư lợi,

Chi sá quê hương với giống nòi.

Cầm gương kim cổ mà soi,

Những điều trông thấy nghĩ thôi ngán ngầm.

Họ Kiều tán tận lương tâm!

Đường đi bộ từ Quảng-châu qua Giao-Châu duy có khúc thuộc địa phận Lục-châu là hiểm trở hơn hết; có chỗ phải vòng qua chơn núi chớ không có đường băng ngang, còn có chỗ thì phải trèo núi mà qua chớ không đi vòng được. Tuy núi không cao cho lắm, nhưng mà qua đèo khó nhọc nguy-hiểm không biết chừng nào, khi thì phải lách mình đi dựa bên miệng hố sâu, nếu sảy bước chắc tan xương nát thịt; khi thì phải vịnh mà leo qua mấy ngọn núi chặn giữa đường, hễ sút tay thì chắc dập đầu bể óc.

Dương-diên-Nghệ từ khi đánh đuổi bọn Lý-khắc-Chánh và Lý-Tấn về Quảng-châu rồi tự xưng Tiết-đạt-sứ thì sợ người Tàu đem binh qua xâm lấn bờ cõi nữa, nên sai hổ tướng là Dương-kiết-Lợi lên trấn thủ Lục-châu, lập ải xây đồn mà ngăn ngừa binh giặc, Dương-kiết-Lợi vốn là em đồng tông của Dương-diên-Nghệ, người tánh tình cang trực, lòng dạ anh hùng, nhưng tiếc vì người có sức mạnh mà thôi, chớ không có học chữ. Diên-Nghệ thấy Kiết-Lợi táo bạo, bởi vậy sai đi trấn Lục-châu lại có cấp theo cho một người văn-sĩ tên là Trần-Khánh để bình thường thì coi sóc việc công văn, còn lúc chinh chiến thì vận trù kế-sách.

Vả thổ nhơn ở Lục-châu thì tụ nhau đoàn ba lũ bảy ở trong rừng núi hoặc săn bắn mà độ nhựt, hoặc đón hành nhơn mà giựt đồ, chớ không chịu làm ruộng hay là buôn bán như dân ở mấy châu khác. Dương-kiết-Lợi đã dốt mà lại nóng nảy, bởi vậy trấn Lục-châu 8 năm trường không tính giáo hóa thổ nhơn, cứ lấy sức mạnh làm oai rồi dùng oai mà trị dân chúng, thổ-nhơn tuy sợ nên không dám phá tán gần mấy chỗ có quân của Kiết-Lợi đóng, song chúng nó sợ là sợ bề ngoài mà thôi, chớ trong lòng chúng nó không phục chút nào hết.

Khi Dương-kiết-Lợi được thơ của Ngô-Quyền cho hay rằng: “Dương-diên-Nghệ đã bị Kiều-công-Tiện thích tử và khuyên phải lo trấn thủ Lục-châu mà ngừa binh Tàu, để cho mình khởi binh báo oán, thì anh ta tức giận muốn bỏ Lục-châu, kéo binh về Đại-La thành mà đánh Công-Tiện, chớ không chịu nghe lời Ngô-Quyền. Trần-Khánh theo can gián, cắt nghĩa việc lợi hại hết sức, anh ta mới chịu ở lại Lục-châu mà trấn thủ. Tuy Kiết-Lợi ở lại mặc dầu, song vì anh ta thương Diên-Nghệ thác oan, bởi vậy ngày như đêm cứ vào ra trước cửa ải mà khóc hoài, khóc đã thèm thì uống rượu cho say rồi gầm hét mắng chửi Kiều-công-Tiện om sòm. Trần-Khánh thấy trong nước biến loạn, sợ Lưu-Cung thừa thế đem binh qua mà thâu đoạt đất Giao-Châu nữa, còn Kiết-Lợi vô trấn chỗ yếu địa mà không lo tính chi hết, cứ ồ-ào than khóc hoài, thì anh ta lấy làm lo sợ lắm. Anh ta thầm nghĩ nếu Lưu-Cung khởi binh chinh-phục Giao-Châu thì nó dắt binh đến năm ba vạn, còn binh của mình ở bên Lục-châu không đầy 5 ngàn người, thế thì sao cự địch cho nổi, bởi vậy anh ta mới khuyên Dương-kiết-Lợi phải chiêu mộ thổ-nhơn mà giúp đỡ. Kiết-Lợi nghe lời sai người đi các mán mà khuyên dụ, nhưng vì thổ-nhơn không cảm-đức quan trấn, bởi vậy khuyên dụ hết sức mà chúng nó cũng không chịu ra đầu quân. Kiết-Lợi thấy vậy nổi giận mới sai quân đi khắp trong châu đặng hễ gặp đàn ông tráng-kiện thì phải bắt hết thảy mà đem về làm lính, ai không chịu thì chém đầu. Thổ-nhơn sợ chết cực chẳng đã họ phải đầu quân, kể hết thảy được 5 ngàn người, cọng với số binh Giao-Châu dẫn lên cũng gần một vạn.

Trần-Khánh đã lo mộ binh thêm lại còn lo thám thính tình hình của giặc nữa, nên lén Kiết-Lợi mà sai người tâm phúc giả dạng con buôn đi qua Phiên-Ngung đặng dọ coi động tĩnh thể nào rồi về báo cho mình phòng-bị. Bữa nọ người đi thám về báo tin rằng Lưu-Cung sai lính vận lương tích-tụ dọc theo đường từ Phiên-Ngung qua Lục-châu chẳng biết có ý gì. Trần-Khánh nghe nói cả kinh, lật đật vào trướng tỏ lại cho Dương-kiết-Lợi nghe. Kiết-Lợi đương ngồi uống rượu, nghe Trần-Khánh nói thì cười ngất mà đáp rằng: “Ông sợ thằng Lưu-Cung hay sao mà ông lo lắm vậy? Binh tướng nó đã bị ta đánh một lần thất kinh kéo nhau chạy về Tàu như chuột, đâu dám léo qua nữa mà sợ, mà ví dầu chúng nó có qua đây nữa thì ta đánh một lần nữa chơi đặng cho chúng nó biết sức ta”.

-   Việc giặc giã mà ngài nói như chuyện chơi. Tôi nghi hễ người Tàu qua chuyến nầy nữa thì chắc sao cũng binh đông tướng giỏi, nếu ngài không lo đề phòng tôi sợ e ngày sau nước tới trôn rồi nhảy không kịp.

-   Hứ! Chúng nó thế lực bao nhiêu mà phải lo, ông khá an tâm, để đó mặc ta.

Trần-Khánh thấy Kiết-Lợi nói cứng hoài, chớ không định kế chi mà trừ giặc, nghĩ nói nữa cũng không ích gì, nên lui về dinh nằm dàu dàu ăn ngủ không được. Cách chừng một tháng sau, người tâm phúc đi mật thám bên Phiên-Ngung lại về nói nữa rằng có Kiều-công-Tiện sai con là Công-Hãn qua cầu cứu với Lưu-Cung, nên Lưu-Cung sai thái-tử Hoằng-Tháo cử 3 vạn đi trước qua Giao-Châu rồi Nam-Hán chúa sẽ dẫn đại binh theo sau; trong năm ba bữa nữa đạo binh của Hoằng-Tháo sẽ tới quan ải. Trần-Khánh nghe nói lật đật chạy vào trướng mà tỏ lại cho Kiết-Lợi nghe nữa. Kiết-Lợi chẳng có chút chi lo sợ, cứ rót rượu uống rồi nói huỡn đãi rằng: “Nếu chúng nó muốn nạp mình thì qua đây. Dẫu binh chúng nó có 10 vạn ta cũng không sợ chẳng luận là 3 vạn”.

Sáng bữa sau Kiết-Lợi cho đòi Trần-Khánh đến bàn tính rồi phân ra Trần-Khánh thì lãnh 5 ngàn binh qua Mậu-Lâm sơn mai phục đặng chờ giặc mà đánh. Vả đường qua Lục-châu đến khúc Mậu-Lâm sơn thì hiểm trở lắm; bên tay mặt thì hố sâu thâm thẩm còn bên tay trái thì đá dựng đứng sững; đã vậy mà đường eo hẹp phải lách mình mà đi, nếu rủi sẩy chơn ắt sẽ té xuống hố tan xương nát thịt. Kiết-Lợi dẫn quân lên núi rồi dạy đốn cây chặt khúc chất dài trên đường đi ấy, chờ binh Hoằng-Tháo kéo tới thì quăng gỗ xuống đặng cho binh giặc rớt xuống dưới hố.

Kiết-Lợi sắp đặt xong rồi cách một ngày thì thiệt quả có binh của Hoằng-Tháo kéo tới. Tướng tiên phuông là Lý-Khôi dẫn một đạo binh đi trước chừng 5 ngàn người, khi tới Mậu-Lâm sơn thấy đường hiểm trở thì cười mà nói rằng: “Nghe nói tướng trấn thủ Lục-châu là tay hào kiệt, mà chỗ nầy nó không phục binh đặng chặn đường, thế thì tướng ấy không có trí lược cho lắm”. Nói vừa dứt lời thì nghe trên núi binh ó vang rân rồi gỗ ở trên thình lình lăn xuống coi rất gớm ghiếc.

Binh của Lý-Khôi kinh tâm tán đỡm, ùng ùng xô nhau dành đường mà chạy lộn trở lại, lớp thì bị gỗ lăn, lớp thì lấn nhau, nên té nhào xuống hố la khóc nghe rất thảm thiết. Lý-Khôi đi giữa trở lại không kịp, nên cũng bị gỗ lăn rớt xuống hố như quân lính vậy.

Những quân thoát khỏi, kể lối 500 người, lật đật dắt nhau trở lại mà báo tin cho Hoằng-Tháo hay. Hoằng-Tháo với Lý-khắc-Chánh nghe báo cả kinh; không dám đi tới nữa liền đóng binh lại rồi sai người đi dọ thám. Quân thám về báo rằng: Dương-kiết-Lợi đóng binh trên núi Mậu-Lâm, nhiều ít không biết, song mỗi khúc đường chẹt đều có treo gỗ, hễ giặc đi ngang thì dứt gỗ cho lăn xuống đè chết, bởi vậy phải đánh đường khác mà đi, chớ không thể nào binh qua đường Mậu-Lâm sơn được.

Lý-khắc-Chánh nghe nói ngồi suy nghĩ một hồi lâu, rồi bàn tính với Hoằng-Tháo mà viết một tờ hịch gởi lên cho Kiết-Lợi, nói rằng bởi Kiều-công-Tiện vô đạo thích tử quan Tiết-đạt-sứ mà cướp quyền, nên Nam-Hán chúa phải cử binh vấn tội Công-Tiện, rồi sẽ lập con Dương-diên-Nghệ lên làm Tiết-đạt-sứ, chớ không có ý đoạt đất Giao-Châu, và khuyên Dương-kiết-Lợi chẳng nên chống cự, hãy dẫn binh ra nghinh tiếp rồi hiệp nhau mà công phá Kiều-công-Tiện. Dương-kiết-Lợi tiếp được tờ hịch của Hoằng-Tháo bèn hỏi trong quân coi ai hay chữ mới dạy đọc rồi cắc nghĩa cho mình nghe. Chừng hiểu rõ tờ hịch rồi thì trong lòng thấy bối rối, không biết liệu lẽ nào. Anh ta có nhớ rằng Ngô-Quyền có gởi hai ba bức thơ mà căn dặn phải giữ gìn quan ải cho chặt, đừng để binh Tàu nhập giới, đặng cho Ngô-Quyền thong thả mà trừ Kiều-công-Tiện. Nay thái-tử Hoằng-Tháo lại nói mình cử binh qua Giao-Châu là vì Dương-diên-Nghệ mà báo thù, chớ không phải có ý chiếm đoạt bờ cõi; hai người nói hai thế vậy nay phải nghe theo Ngô-Quyền, hay là phải nghe theo Hoằng-Tháo? Nếu nghe lời Ngô-Quyền cứ ngăn quan bế ải thì binh Tàu không thể nào qua được; nhưng mà nếu như Hoằng-Tháo thiệt có ý tốt, quyết qua Giao-Châu đặng giúp với ta mà trừ Kiều-công-Tiện, nếu ta chống cự thì chẳng những là ta phụ thạnh-tình của chúa Nam-Hán mà thôi, mà ta lại còn làm mất tay chơn của ta nữa.

Dương-kiết-Lợi suy đi nghĩ lại nửa muốn nghe lời Ngô-Quyền mà chống cự, nửa lại muốn kéo binh xuống núi mà hội-diện với Hoằng-Tháo. Chiều bữa ấy anh ta mới sai một tên quân cầm tờ hịch trở về thành Lục-châu đưa cho Trần-Khánh xem rồi hỏi ý Trần-Khánh coi phải liệu lẽ nào. Trần-Khánh xem tờ hịch rồi, muốn viết thơ mà khuyên Kiết-Lợi phải cự địch, song nhớ lại Kiết-Lợi không biết chữ, nên không viết thơ, mới kêu một tên quân tâm phúc mà dạy phải lập tức đến Mậu-Lâm sơn tỏ cho Kiết-Lợi biết rằng những lời trong tờ hịch đó là lời giả dối, bởi vì khi trước Dương-diên-Nghệ chiêu-mộ nghĩa binh đánh đổ binh tướng của Nam-Hán chúa về Tàu, cái thù ấy mấy năm nay Lưu-Cung chưa trả được, chẳng có lý nào ngày nay nó cử binh đi đánh Kiều-công-Tiện mà báo thù giùm cho Dương-diên-Nghệ. Huống chi ta có được tin báo rằng Kiều-công-Hãn đi qua Phiên-Ngung cầu cứu, thế thì chắc Hoằng-Tháo muốn dùng mưu gạt ta đặng nhập biên cương cho dễ, rồi trước nó đánh binh ta, sau nó đánh luôn Công-Tiện mà thâu đoạt cõi bờ. Vậy phải giữ-gìn cho chặt, chớ nên nghe lời giả dối mà lầm. Dương-kiết-Lợi nghe lời Trần-Khánh nói nhắn rõ ràng như vậy mới hết nghi ngại nữa, nên đốc quân canh giữ nghiêm nhặt, không để cho binh Tàu qua đèo được.

Lý-khắc-Chánh thấy kế không thành mới bàn tính với Hoằng-Tháo rồi nhứt định công-kích Dương-kiết-Lợi. Anh ta sai quân đi vòng theo núi Mậu-Lâm xem địa thế coi có đường nào đi lên núi được hay không. Một toán quân đi dọ đường luôn hai ngày rồi mới về báo rằng sau núi Mậu-Lâm chẳng có đường nào khác đi qua đi thành Lục-châu được, nhưng mà ở phía tây cách chỗ binh đóng chừng một dậm thì có một đường lên núi, nếu do theo đường ấy kéo binh lên đánh Dương-kiết-Lợi thì có lẽ qua được.

Lý-khắc-Chánh nghe nói mừng rỡ hết sức, mới thương nghị vơi Hoằng-Tháo rồi dẫn một đạo binh do đường ấy mà lên núi, dặn Hoằng-Tháo hễ nghe binh mình thắng thì cứ kéo đại binh qua đường có treo gỗ ấy mà thẳng tới vây thành Lục-châu.

Lý-khắc-Chánh dẫn binh đi, tuy đường gay go, song không thấy phòng bị chi hết, thì trong bụng mừng thầm. Chừng Lý-khắc-Chánh lên gần đến chỗ Kiết-Lợi đóng binh, Kiết-Lợi mới hay, nên mới lật đật rút binh phía trước đem qua mà chống cự. Tuy Kiết-Lợi ở trên cao, có thế hơn, dạy quân hoặc khiên đá lấp đường hoặc đốn cây mà quăn xuống, nên Khắc-Chánh kéo binh lên không nổi, nhưng vì Kiết-Lợi có 5 ngàn binh mà thôi, mà phải chia ra, lớp thì ngăn giữ mặt tiền, lớp thì chống cự phía tả, thế lực phân tán, nên ngăn Lý-khắc-Chánh không thì được mà thôi, chớ chẳng có thể nào kéo binh xuống núi mà đánh thối binh Khắc-Chánh được. Kiết-Lợi lại thấy những thổ-nhơn mới theo đầu quân đánh giặc không được sốt sắn, còn phía mặt tiền coi thế an tịnh, binh giặc không tính kéo qua đường đó nữa, mới rút hết bốn ngàn rưỡi binh Giao-Châu đem qua cự với Khắc-Chánh, còn để 500 thổ-nhơn ở phía mặt tiền giữ cầm chừng đó mà thôi.

Lý-khắc-Chánh thấy binh Kiết-Lợi càng ngày càng thêm đông, nghi Kiết-Lợi đã bỏ trống phía trước, mới truyền lịnh cho quân sĩ phải ráng sức chống cự, rồi sai người đem thơ về đại trại khuyên Hoằng-Tháo thừa lúc ban đêm lén dẫn quân núp mà qua núi đặng kéo tới đánh lấy thành Lục châu. Hoằng-Tháo nghe lời ban đêm nhổ trại kéo binh đi tới. Năm trăm thổ-nhơn ở trên núi coi giữ đường ấy, tuy có lịnh của Dương-kiết-Lợi dặn hễ thấy binh giặc kéo qua thì phải dứt gổ cho lăn xuống, song chúng nó không phục Kiết-Lợi, nên không thèm canh giữ, ban đêm cứ bỏ ngủ hết, bởi vậy cho nên Hoằng-Tháo kéo binh đi an tịnh, như qua chỗ không người, chẳng có đều chi ngăn trở hết.

Hoằng-Tháo kéo đại binh thẳng riết qua Lục-châu. Trần-Khánh với 5 ngàn thổ-nhơn ở giữ thành, nghe tin Hoằng-Tháo tới thì kinh tâm tán đởm, tưởng là Dương-kiết-Lợi đã bị giặc giết rồi, nên bế thành môn cố thủ không dám đối địch. Hoằng-Tháo kéo tới vây thành rồi bắn thơ vào mà nói rằng Dương-kiết-Lợi giữ Mậu-Lâm sơn không chịu hàng đầu nên bị phân thây muôn đoạn; vậy tướng trong thành lập tức mở cửa thành ra nghinh tiếp binh trời, nếu nghịch mạng ắt sẽ đạp thành nát như bình địa. Trần-Khánh liền viết thơ sai người tâm phúc lén đem về Giao-Châu kiếm Ngô-Quyền mà báo tin Dương-kiết-Lợi đã tử trận, và xin giúp binh đặng ngăn cự Hoằng-Tháo, rồi nhứt định thủ thành, chớ không chịu hàng đầu.

Trần-Khánh căn dặn quân sĩ phải ráng mà gìn giữ quan ải đặng chờ binh của Ngô-Quyền ứng tiếp, chẳng dè thổ-nhơn tùng quân không có lòng trung thành, đêm ấy lén Trần-Khánh mở bắc môn cho binh giặc vào. Chừng Trần-Khánh hay thì binh của Hoằng-Tháo đã vào trong thành đông rồi. Trần-Khánh ngồi trong trướng nghe báo thì tức giận nói không ra tiếng. Anh ta dòm thấy Hoằng-Tháo dẫn quân xông vào dinh, nghĩ mình là văn sĩ không thể đối địch cho được, song không chịu hàng đầu, mà cũng không chịu để cho giặc giết, nên rút gươm ra rồi cắt cổ mà chết. Hoằng-Tháo lấy thành rồi liền chiêu tập binh mới hàng đầu, hỏi ai muốn theo hay là về xứ cũng được. Mấy ngàn binh thổ-nhơn đều xin cho về nhà chớ không ai chịu theo Hoằng-Tháo hết.

Hoằng-Tháo lại sai tướng là Lâm-Quảng dẫn ba ngàn binh trở lại Mậu-Lâm sơn tìm đường lên núi ứng tiếp với Lý-khắc-Chánh. Dương-kiết-Lợi cứ lo đánh với Lý-khắc-Chánh không dè Hoằng-Tháo đã lấy thành Lục-châu rồi, chừng ngó thấy Lâm-Quảng dẫn binh Tàu đi theo đường mà mình đi hôm trước lên núi, không hiểu binh ở đâu mà đến đó được, trong lòng lấy làm bối rối, nghĩ nếu mình trì hưỡn ở cự với Khắc-Chánh thì chắc chẳng khỏi bị vây, nên rút binh đem qua đánh với Lâm-Quảng, tính vẹt đường mà trở về Lục-châu. Lâm-Quảng đốc quân cản lộ, hai bên hổn chiến với nhau trên triền núi rất kịch liệt. Kiết-Lợi thấy binh mình không qua khỏi mà sau lưng Lý-khắc-Chánh lại kéo binh gần tới nữa, nên nổi giận, hét lên một tiếng rồi cầm gươm xông vào đạo binh Tàu, gặp ai giết nấy, không tên quân nào dám chống cự. Lâm-Quảng thấy Kiết-Lợi hùng hào liền xốc tới mà đánh nhau một hồi, Kiết-Lợi đưa gươm vừa muốn chém, Lâm-Quảng né mình mà tránh lưỡi gươm, rủi trượt chơn té nhằm một hòn đá lớn bể đầu chết tốt.

Binh Tàu tán loạn, Kiết-Lợi đốc quân rượt chém may nhờ đạo binh của Lý-khắc-Chánh đuổi theo kịp xông vào giải cứu Kiết-Lợi thấy thế giặc mạnh lắm, nên không dám địch, mới rút binh xuống núi mà chạy về thành Lục-châu. Về tới cửa thành thấy trên thành treo cờ Nam-Hán, Dương-kiết-Lợi cả kinh, lật đật rút mà chạy nữa.

Vừa mới thối lui, bỗng nghe trên thành trống dóng inh-ỏi, rồi binh kéo ra mà rượt. Kiết-Lợi chạy được một khúc đường, lại thấy hai bên phục binh xông ra mà đánh, Kiết-Lợi ráng sức xông đột vẹt đường mà chạy, nhờ đường rừng rậm rợp, mà binh Tàu không thuộc, nên Kiết-Lợi mới thoát khỏi được.

Lý-khắc-Chánh thâu lặt tàn quân của Lâm-Quảng, nghe nói Hoằng-Tháo đã hạ thành Lục-châu rồi nên mới cho binh ứng tiếp, thì mừng không xiết kể, bèn nhập binh của Lâm-Quảng lại với binh của mình rồi dắt hết qua Lục-châu vào ra mắt thái-tử Hoằng-Tháo.

Hoằng-Tháo nhứt diện sai người đem thơ vào thành Đại-La mà báo tin cho Kiều-công-Tiện hay rằng mình đã đuổi Dương-kiết-Lợi chạy mất và đã lấy thành Lục-châu rồi, nhứt diện chọn tướng ở trấn Lục-châu rồi mới thương nghị với Lý-khắc-Chánh mà kéo đại binh thâm nhập đất Giao-châu.



[1] Quảng-châu với Tịnh-hải thuộc tỉnh Quảng-Đông bên Tàu bây giờ.