HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

 
Một Ðời Tài Sắc
Chương 7

 Ngày qua tháng lại, chẳng bao lâu Xuân Hương tới ngày nở nhụy khai hoa. Cô sanh một đứa con trai, nhờ Đốc tơ Triệu Như Hổ săn sóc, nên mẹ mạnh giỏi, con cứng cát. Hoàng Kiết mừng rỡ, đặt tên là Hoàng Hải và đánh dây thép về Rạch Giá báo tin cho cha mẹ hay.

Vợ chồng ông Huyện Trương Hà nghe dâu sanh được cho mình một đứa cháu nội đích tôn thì mừng quýnh đi khoe cùng chợ, nhứt định phải lên Sài Gòn mà thăm dâu hun cháu. Thuở nay ông ít hay đi đâu; bởi vậy ông tính đi Sài Gòn thì ông sắp đặt việc nhà sửa soạn hành lý trót một tuần lễ ông mới đi được. Ông biểu sớp phơ chùi lau cái xe lớn mui kiếng, dọn bộ đồ hút đem theo xe, rồi ông với bà giao nhà cho người tâm phúc gìn giữ; xong đâu đấy mới lên xe đi Sài Gòn.

Lên tới nhà Hoàng Kiết thì gặp ông Hội đồng Nghiệp cũng đã lên đó thăm con. Sui gia gặp nhau mừng rỡ. Bà Huyện bồng cháu nội mà hun, ông Huyện theo rờ rẫm, rồi móc bóp lấy ra một ngàn đồng bạc mà đưa cho Xuân Hương mà nói rằng: „Ba thưởng con đó. Con cất riêng mà xài, muốn mua sắm vật gì tùy ý con, đừng có đưa cho chồng con“

Vì nhà Hoàng Kiết đã có vợ chồng ông Hội đồng Nghiệp ở rồi, nên vợ chồng Triệu Như Hổ mời ông Huyện lên nhà mình mà ở cho rộng.

Bà Huyện mừng cháu nội chưa phỉ, nên bà không chịu đi. Ông Huyện có bịnh hút, ông muốn ăn nằm cho thong thả, nên ông đi một mình lên nhà rể mà ở.

 Trương Thị Lang thừa dịp nầy, cô mới to nhỏ mà học lại cho cha hay Hoàng Kiết lấy bạc muôn lên mà lập nhà hàng bán rượu đặng nhảy đầm chơi, chàng lại tư tình với một khiêu vũ có danh, mướn nhà nuôi cô, sắm xe hơi cho cô đi, xài bạc tiền như nước, bỏ vợ ở nhà tiu hiu.

Ông Huyện thiệt có lòng cưng dâu, mà ông lại nghĩ con hư nữa, bởi vậy ông nổi giận, ông quở trách Hoàng Kiết, rồi nhứt định đem con và dâu về Rạch Gía, không cho ở Sài Gòn nữa. Hoàng Kiết không đành lìa cô Jeanne, nên chàng dục dặc nói về Rạch Gía bỏ nhà hàng không ai quản xuất. Ông Huyện nói hẳn rằng: “Bỏ, không cần gì. Thà mất 10 ngàn đồng bạc đó, là ít hại hơn là con hư. Nếu con không nghe lời ba thì ba từ con, rồi từ rày về sau không biết cha con gì nữa”.

Xuân Hương sanh sản được 15 ngày, cứng cát rồi. Ông Huyện định ngày đem con dâu, cháu về Rạch Giá. Ông biểu mẹ con Xuân Hương đi xe mui kiếng với bà Huyện cho khỏi gió, còn ông đi xe nhỏ với Hoàng Kiết và chở hành lý mà đem về, còn cái nhà mướn đó thì trả lại cho chủ.

Hoàng Kiết sợ cha giận không cho tiền mà xài, nên phải riu ríu theo cha, song bước lên xe về Rạch Giá mặt chàng buồn hiu.

Ở chốn kinh thành gần một năm, sớm mơi hoặc đi dạo đường Catinat, hoặc đi vòng chợ Bến Thành mà khoe giày khoe áo, buổi chiều ngồi xe hơi, khi chạy vòng qua Bà Chiểu khi chạy qua Lăng Tô mà xem nữ tú nam thanh; ban đêm hoặc vô nhà xét hút á phiện rồi đánh bài, hoặc ngồi nhà hàng uống sâm banh rồi khiêu vũ; chúa nhựt khi thì đi trường đua đánh cá ngựa, khi thì ra Nước Ngọt hứng mát thanh phong. Hoàng Kiết hưởng cái thú sung sướng theo hạng thượng lưu đời nầy như vậy, mà lại trong nhà sẵn có người vợ hiền, dầu chàng chơi bời cách nào vợ cũng để cho thong thả, chẳng bao giờ nghe nói một tiếng mích lòng, còn ra ngoài sẵn có cô Jeanne, cô hiệp ý đồng tình luôn luôn, cô giúp mà cho chàng hưởng cái thú vui trên trần thế.

Nay Hoàng Kiết về Rạch Gía, tuy cha mẹ giao hết cái từng trên lầu cho vợ chồng chàng thong thả, tuy chàng muốn ăn vật gì cũng có, muốn chơi cách gì cũng được, tuy chàng khỏi chịu cảnh khổ của người bình dân, là khổ không gạo cho vợ con ăn, khổ không tiền may áo cho vợ con bận, khổ đau không thuốc uống, khổ nghèo nợ kéo lưng, nhưng chàng không biết vui, ra vô mặt dàu dàu, hôm sớm lòng ngơ ngẩn. Chàng mang chứng bịnh buồn đây là vì thiếu khúc đường Catinat, thiếu Chợ Bến Thành, thiếu vòng Bà Chiểu rộn rưc, thiếu góc Lăng Tô im lìm, thiếu nhà xét đánh bài, thiếu sơn thủy dạo chơi, nhứt là thiếu một chuyện quan hệ hơn hết là cô Jeanne, cặp mắt lóng lánh, hàm răng khít rịt, miệng cười như hoa nỡ, khiêu vũ như tiên sa.

Vợ, Xuân Hương hết sức bải buôi, con Hoàng Hải nên ngộ nghỉnh nhưng không trị bịnh buồn của chàng được. Ở mới mấy ngày, một bữa ông Huyện Hàm bỏ quên chìa khóa, chàng lén mở tủ sắt, thộp năm ngàn đồng bạc rồi dối với vợ rằng mình lấy xe hơi mà đi chơi một vòng, chàng tuốt lên Sài Gòn đặng ăn xài với cô Jeanne cho phỉ chí.

Vợ chồng ông Huyện thấy con đi chơi sao tối rồi chưa về, hai ông bà coi tủ lại, hay mất bạc thì giận hết sức. Ông Huyện mới nói với Xuân Hương rằng: „Ba biết rồi, thằng Hoàng Kiết lấy một con nào trên Sài Gòn đó nó mê, nên nó ăn cắp bạc trốn theo con đó, chớ không có đi chơi bời gì hết. Hứ! Không dè có một đứa con trai mà nó lại hư chớ! Thôi, con đừng có buồn gì hết, chồng con nó hư thì nó chịu. Con ráng mà nuôi thằng Hoàng Hải, đừng thèm kể nó là chồng nữa. Ba cũng từ nó cho khỏi cực lòng. Từ rày sắp lên ba không cho nó đồng xu nào, coi nó giỏi nó làm sao biết“.

Cô Xuân Hương ứa nước mắt, không nói tiếng chi hết.

Bà Huyện hỏi dâu rằng:

- Sao chồng con nó bày lập nhà hàng, nhảy đầm con không cản nó, để nó làm rồi sanh chuyện như vầy?

- Thưa, hồi ảnh tính đó, ảnh giấu nên con không hay. Chừng ảnh sắp đặt xong rồi, ảnh mới khai trương, anh Hai chị Hai rầy quá, mà ảnh không kể. Con thấy vậy nên con không dám nói.

- Còn sao đó nó có mèo có chó, con cũng không rầy nó?

- Thưa việc đó con không hay. Con có thai nghén nên lục đục ở trong nhà hoài, ảnh đi chơi rồi ảnh làm việc gì con có hay đâu.

- Má giận má muốn dắt con lên Sài Gòn kiếm bắt nó về đây đặng ba con đánh cho nó biết chừng. Vợ con như vậy mà nó bỏ, để mê theo đồ khốn nạn chớ.

Ông Huyện can rằng: „Thôi kiếm tìm làm chi. Tôi nhứt định bỏ nó, tôi không biết tới nó nữa. Con Ba còn non ngày non tháng, bày đi đâu? Bày đi rồi thằng nhỏ bị gió máy nó đau đây mới làm sao?“

Từ ấy vợ chồng ông Huyện càng cưng Xuân Hương bội phần. Hai ông bà sợ dâu nuôi con cực nhọc, nên kiếm một người mới sanh con so, sữa nhiều mà lại tốt, mướn ở nuôi vú đặng cho Hoàng Hải bú.

Tuy Xuân Hương khỏi cho con bú nữa, song chẳng hề bao giờ cô chịu rời con. Ban đêm người vú phải để giường mà nằm gần một bên cô, đặng cô coi chừng săn sóc Hoàng Hải. Ban ngày cô cũng xẩn bẩn một bên con hoài, lo thêu vớ cho con mang, lo thêu nón cho con đội.

Vợ chồng ông Huyện thấy Xuân Hương bị chồng bạc bẽo mà cô không phiền, cứ lo nuôi con, thì càng thương nhiều hơn nữa.

Hoàng Kiết đi được một tuần lễ thì ông Huyện tiếp được thơ của rể là Đốc tơ Triệu Như Hổ gởi về nói rằng Hoàng Kiết mới mướn một căn phố lầu dọn ở với cô Jeanne, ngày như đêm cứ dắt nhau đi đánh bài bạc, hoặc đi nhảy đầm, ăn xài coi ngỏa nguê lắm. Ông Huyện nghe tin ông càng thêm giận, ông không thèm nói chuyện ấy lại cho vợ hay dâu trong nhà biết.

Cách ba tháng sau, một buổi sớm mơi, ông Huyện Trương Hà đương nằm hút cầm chừng mà chờ cơm. Có một người lính trạm sở Điện Tín đem giao cho ông một cái dây thép viết như vầy:

« Hoàng Kiết décede. Venez immediatement“

Triệu Như Hổ

Ông Huyện không hiểu chữ Tây, nên sai trẻ ở đi lên lầu kêu Xuân Hương xuống đọc và cắt nghĩa cho ông nghe.

Cô Xuân Hương cầm lá dây thép mà coi thì cô biến sắc và la lớn rằng: „Trời ơi! Chồng của con chết rồi! Anh Hai đánh dây thép biểu lên mau!“

Bà Huyện ở nhà sau đi lên nghe như vậy thì bà khóc ré. Cô Xuân Hương cũng khóc. Ông Huyện ngồi khoanh tay ngó ra cửa, ông không nói một tiếng chi hết.

Bà Huyện khóc một hồi rồi hỏi ông rằng:

- Bây giờ ông tính làm sao?

- Có tính việc gì đâu.

- Thằng Đốc tơ Hai nó biểu lên lập tức. Vậy phải tính đi Sài Gòn hỏi coi con nó đau bịnh gì nó chết rồi lo chôn cất nó cho tử tế chớ.

- Bà thương nó lắm hay sao?

- Khéo hỏi! Con tôi đẻ sao lại không thương!

- Thứ con hư mà thương nỗi gì! Tôi đã nhứt định bỏ nó thì nó sống chết cũng mặc kệ, tôi không đi đâu hết.

- Con chết rồi mà còn giận nỗi gì!

- Nó không kể cha mẹ vợ con, bỏ hết mà theo đĩ. Không biết chừng nó lấy vợ chúng bị đâm chết đó. Lên đó mà mang xấu chớ lên đó làm giống gì. Bà thương nó thì đi đi. Tôi mắc cỡ lắm, tôi không đi.

- Ông không đi thì tôi đi.

Bà Huyện liền bảo sớp phơ sửa soạn cho bà đi Sài Gòn.

Cô Xuân Hương vừa khóc vừa lạy ông Huyện mà nói rằng: „Cha của Hoàng Hải dầu không thương con đi nữa cũng là chồng của con. Lúc còn sống mà con chưa dám phiền trách thay, nay rủi mất rồi, dầu quấy dầu phải con cũng phải quên hết chuyện cũ. Để lòng lo đáp nghĩa cho chồng con. Vậy cúi xin ba rộng lòng cho phép con đem Hoàng Hải lên Sài Gòn đặng mẹ con con cư tang và lo chôn cất chồng con cho trọn niềm chồng vợ“.

Ông Huyện châu mày nói rằng:

- Hoàng Hải còn nhỏ quá, đi đường xa sao tiện.

- Thưa, dầu thế nào cũng phải cho nó đi đặng nó để tang cha nó. Đi xe mui kiếng dù có mưa gió cũng không sao.

Ông Huyện ngồi suy nghĩ một hồi lầu rồi nói rằng: „Đi thì đi. Tuy giận mà nói vậy, chớ ba cũng đi nữa chớ ở nhà sao được“.

Ông sai một người tâm phúc trong nhà mướn một cái xe hơi chạy liền qua Long Mỹ mà báo tin cho thầy Ban biện Hưng hay rồi đi luôn qua Cái Tắc mà cho ông sui hay nữa. Ông sắp đặt người coi nhà rồi lên xe hơi lớn của ông mà đi Sài Gòn với bà Huyện, Xuân Hương, Hoàng Hải và con vú.

Đến xế xe lên tới Sài Gòn. Ông Huyện biểu sớp phơ chạy thẳng tới nhà Như Hổ rồi vợ chồng Như Hổ mới dắt lại căn phố lầu chỗ Hoàng Kiết ở.

 Bà Huyện bước vô thấy thây con nằm cứng ngắt, mặt xanh dờn thì bà nhào mà khóc. Xuân Hương và cô Trương Thị Lang cũng khóc rống lên, nghe rất thảm thiết.

Ông Huyện hỏi Như Hổ vậy chớ Hoàng Kiết đau bịnh gì, đau bao lâu mà chết. Như Hổ bèn thuật lại như vầy:

„Đêm hồi hôm nầy lối 2 giờ khuya, có thằng bồi của cậu Ba chạy lại nhà con nhận chuông mà nói rằng cậu Ba đi chơi về, cậu vô nhà tắm cậu tắm, cậu mới xối một lon nước thì cậu té nhào, bất tỉnh nhơn sự. Vợ chồng con lật đật chạy lại, thì cậu Ba còn nằm trong nhà tắm. Con coi mạch thì té ra cậu đau trái tim, máu lừng lên óc nhiều quá, làm bể gân máu. Con biết bịnh nguy rồi bèn phụ bồng cậu lên giường, rồi con cắt mạch lấy bớt máu. Con làm đủ cách mà cậu không tỉnh lại, đến gần năm giờ rưởi sáng cậu tắt hơi.

Ông Huyện lắc đầu nói rằng: “Chơi bời quá thì phải chết như vậy chớ gì“

Đến chiều, thầy Ban biện Hưng với vợ chồng thầy Hội đồng Nghiệp lên tới.

Nhờ có Triệu Như Hổ, thông thạo lo mua hòm, rước nhà giàng, nên tối lại tẩn liệm Hoàng Kiết rồi trưa bữa sau tống táng tại đất thổ mộ của chủ nhà giàng ở trên Phú Nhuận.

Việc tống táng xong rồi, thầy Ban biện với vợ chồng ông Hội đồng ra về. Ông Huyện với bà Huyện cũng đem Hoàng Hải về trước. Cô Xuân Hương phải ở lại dẹp đồ trả phố rồi cô sẽ lấy cái xe hơi nhỏ của chồng mà về sau. Cô ở đậu nhà chị chồng. Tối lại, chị em nằm nói với nhau, cô mới hỏi cô Trương Thị Lang rằng:

- Nghe nói nhà em có tư tình với cô Jeanne nào đó, mà sao đám ma, không thấy người ấy  vậy chị?

- Tôi rầy, tôi đuổi nó đi mất, đâu dám léo lại nữa. Đêm mà bồi lại kêu cậu ba bịnh đó, vợ chồng tôi chạy lại thì con đó ở trong nhà. Tôi nóng ruột, tôi mắng, tôi đuổi nó, nó ríu ríu đi mất từ hôm đó đến nay.

- Chị có nghi tại cô đó mà nhà em chết hay không?

- Không phải vậy đâu. Anh đốc tơ coi mạch kỹ lắm mà. Thằng Ba chết tại đau trái tim thiệt, mà cũng tại con đó nên chơi bời, rượu chè, thức khuya, rồi mới đứt gân máu đó.

-  Còn chị có nghe nói nhà hàng nhảy đầm bây giờ khá hay không?

-  Khá giống gì được! Đóng cửa hơn một tháng nay rồi.

-  Sao vậy? Hôm mới lập coi khách đông lắm mà.

-  Bữa khai trương, in thiệp mời cùng hết, nên mới đông, sau lon lỏn lần lần, rồi lỗ phải dẹp chớ để rồi tiền đâu mà trả tiền nhà tiền bồi.

Cô Xuân Hương ở lại hai bữa dẹp nhà cửa của chồng xong rồi, cô mới lên xe hơi mà về Rạch Giá.