HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT
 
 
 

 
Khóc thầm
Chương 10- Cha Trách con

Một cô thiếu nữ, có sắc có hạnh, có học thức ít nhiều, có lòng thương nòi giống, mà cha mẹ lại giàu có nữa. Làm người mà được như vậy, thì sự vui sướng đã thấy trước mắt, có ai dám đoán một ngày kia phải chịu khổ não bao giờ.

Tội nghiệp cho Thu Hà! Cô thấy vui sướng mà rồi cô không được hưởng? Cô tưởng là khỏi khổ não, té ra bây giờ cô phải mang. Khi chồng mới đi nói, cô vui mừng không biết chừng nào. Chẳng những là cô vui mừng được lấy chồng học giỏi mà thôi, cô lại còn vui mừng được kết nghĩa trăm năm với một người biết thương nước thương dân, biết lo binh vực bọn yếu hèn, không chịu lòn cúi mà mua danh chác lợi. Hỡi ôi! Sự vui mừng của cô đó mau tan cũng như bọt nước, mau rã cũng như mù sương. Người chồng mà cô quyết kính trọng trọn đời đó, bây giờ cô mới hay nó là một đứa bợm bã rất độc ác, nó đã không biết thương ai, nó đã không biết binh ai, mà nó lại còn giả dối hung bạo hơn bọn tá điền của cô hết thảy. Mà người chồng ấy cô phải ăn ở với nó cho đến mãn đời, cô phải vưng theo ý nó luôn luôn, nếu cô bứt dây cang thường thì cô mang tiếng lộn chồng[1], nếu cô nặng lời phản đối thì cô mang tiếng vợ dữ! Tình cảnh như thế, còn gì mà mong vui sướng. Căn số như thế, làm sao mà không sầu não.

Người ta buồn, người ta còn có chị em để phân trần than thở, may cũng có thể mà khuây lảng được chút đỉnh. Thảm thay! Thu Hà không còn mẹ mà cũng không có chị em, cái khổ tâm nầy biết tỏ với ai, biết cùng ai mà than thân trách phận. Mà tỏ làm gì, than làm gì. Mình tỏ cử chỉ đê tiện của chồng cho người khác biết, thì mình lại tốt gì? Mình than thân mình vô duyên vô phước với người khác, rồi họ làm cho mình hết sầu hết thảm được hay sao?

Bởi Thu Hà nghĩ như vậy, nên cô ôm sầu ấp thảm ở trong lòng, chỉ ban đêm cô úp mặt trên gối mà khóc thầm đó thôi chớ không có nói một tiếng gì, hoặc làm việc gì để tỏ ý khinh bỉ chồng cho tôi tớ hoặc tá điền thấy được.

Từ nầy cô coi cái thân cô cũng như khúc cây, ăn ở với chồng mà không có tình nghĩa chi hết. Từ nầy cô coi chồng cô cũng như không có, cô muốn tính việc gì tự ý cô, chồng muốn làm việc gì tự ý chồng, cô không bàn luận, cô không khuyên giải chuyện gì hết. VĩnhThái thấy vợ không cãi lẽ về chuyện của chàng làm nữa, thì chàng phấn chí quyết sẽ thi hành cái chủ nghĩa chấn hưng kinh tế của chàng. Thu Hà không thèm nói tới, song cô dặn riêng tá điền tá thổ hễ ai bị Vĩnh Thái bó buộc hoặc hiếp đáp, thì tới nói cho cô hay.

Thu Hà hết trông mong cải lương xã hội, khai hoá đồng bào được nữa, thì cô lại quyết lấy sức riêng của cô mà giúp ích cho bà con nhà nghèo trong làng. Cô dọn cái nhà dưới cho trống, rồi cô để bàn để ghế làm cũng như một cái trường học. Cô biểu hết thảy những người trong xóm, ai có con đem đến đặng cô dạy cho chúng nó học. Mới bữa đầu mà con nít đã tựu đến đông nứt, và trai và gái kể hơn ba mươi đứa. Cô thấy có đứa quần áo rách tả tơi, cô chịu không được.

Chiều lại cô ngồi xe đi lên chợ, cô mua vần, mua giấy, mua viết, mua mực, mà cô lại còn mua vải đen vải trắng rất nhiều nữa.

Sáng bữa sau, con nít tựu tới cô phát cho mỗi đứa một cuốn vần. Cô lại kêu ít người vợ tá điền ở gần tựu tới rồi cô đưa vải ra biểu cắt mà may áo quần đặng cô cho mấy đứa nhỏ rách rưới đó bận. Cô ngồi mà dạy con nít học AB, tuy là mệt song cô quên hết sự buồn được, nên cô làm ơn con nít nhà nghèo, mà cô lại cám ơn chúng nó vô cùng.

Vĩnh Thái thấy công việc của vợ làm, tuy chàng không cản, song chàng rùn vai trề môi mà nói rằng:

-         Khéo làm chuyện ba láp[2].

Thu Hà mở trường dạy học mới được ít bữa, kế vợ chồng Bá Hỉ ở dưói Cần Thơ lên thăm. Thu Hà nghe xe hơi ngừng trước cửa, không biết là xe của ai. Cô sai thằng Tùng chạy ra coi rồi nó trở vô thưa rằng xe của vợ chồng Bá Hỉ. Cô lật đật lên trên nhà trên mà tiếp khách, chẳng dè cô vừa mới đứng dậy, thì vợ Bá Hỉ đã xuống tới chổ cô dạy học. Vợ Bá Hỉ thấy con nít ngồi vây xung quanh Thu Hà thì nàng cười ngất rồi nói rằng:

-         Cô làm cái gì đó. Dạy học trò hay sao?

Thu Hà cũng cười mà đáp rằng:

-         Thưa, em dạy học. Buồn quá nên dạy trẻ em của lối xóm chơi. Xưa rày anh Hai chị Hai mạnh hả? Có anh Hai lên không?

-         Có. Cha chả! Cô có chồng rồi cô rút ở trong nhà hoài, không chịu đi đâu hết. Sao không xuống Cần Thơ chơi vậy hử?

-         Thiệt xưa rày em không xuống thăm anh Hai chị Hai được, em lỗi lung quá. Song em xin chị Hai xét lại mà tha lỗi cho em. Ba em đi du lịch, giao hết việc nhà cho em, vì vậy em mới không đi đâu được chớ không phải em vô tình với chị.

-         Dữ hôn! Nhà có xe hơi, chạy đi chơi một ngày một buổi rồi về, ai bứng nhà đem đi đâu hay sao mà sợ nên bo bo ở nhà mà giữ hoài vậy.

-         Ðã biết như vậy đó chớ. Ngặt vì đi mà không yên trong lòng thì có vui vẻ mà đi... Ðâu để em lên nhà trên chào anh Hai.  Mời chị lên trên này.

Hai cô dắt nhau trở lên nhà trên. Thu Hà chào mừng Bá Hỉ rồi mời vợ Bá Hỉ lại ván ngồi uống nước.

Bá Hỉ với Vĩnh Thái nói chuyện và cười om sòm.

Cách một hồi hai chàng dắt nhau ra ngoài sân mà coi xe hơi. Vợ Bá Hỉ ngó mặt Thu Hà và hỏi rằng:

-         Cô làm giống gì, mà lúc nầy cô ốm dữ vậy?

-         Em buồn quá, nên phải ốm.

-         Sao mà buồn? Buồn việc gì? Vợ chồng có rầy là với nhau hay không?

Thu Hà nghe câu hỏi sau đó cô lấy làm cảm xúc. Cô ứa nước mắt, muốn nhơn dịp này mà bày tỏ tâm sự cho chị nghe. Mà rồi, cô nghĩ dầu vợ chồng Bá Hỉ biết được căn nguyên sự buồn của cô, thì cũng không sửa tánh tình, ý chí của Vĩnh Thái được, bởi vậy cô dằn lòng giả vui mà đáp rằng:

-         Từ khi má em mất đến bây giờ, em thương nhớ hoài, không nguôi trong lòng được. Em ngồi việc đó chớ có buồn việc chi nữa đâu.

-         Tại số trời định dì tới từng tuổi đó mà thôi, em chẳng nên buồn chi lắm. Em buồn rồi dì sống lại được hay sao?

-         Chị nói cũng phải. Ngặt vì hồi má em còn sanh tiền, em thương má em lắm, nên bây giờ em khó nguôi. Chớ chi má em còn sống...

Thu Hà mới nói nửa câu sau, rồi cô chảy nước mắt, nói không được nữa. Vợ Bá Hỉ thấy vậy, mới lựa lời khuyên dỗ, rồi kiếm chuyện vui mà nói cho Thu Hà quên nỗi buồn.

Bá Hỉ trở vô nhà rồi thẳng lại chỗ Thu Hà ngồi mà hỏi thăm tin tức của thầy Hội đồng Chánh. Chàng nói chuyện với Thu Hà vui vẻ vô cùng, lại người vợ cũng xen vô, vợ chồng pha lửng với nhau, coi bộ tâm đầu ý hiệp, tương thân tương ái lắm.

Thu Hà cầm khách ở lại ăn cơm chiều rồi sẽ về. Bá Hỉ nói mình đã có hẹn lỡ với người ta đặng nói chuyện hùn đưa xe hơi, bởi vậy đúng bốn giờ, chàng từ giã vợ chồng Vĩnh Thái rồi hối vợ lên xe mà về. Thu Hà đưa khách ra xe, vợ Bá Hỉ còn kêu mà nói vói rằng:

-         Bữa nào rảnh, hai ông bà xuống chơi nghe hôn. Tôi trông lắm đa.

Thu Hà gật đầu mà cô ứa nước mắt. Cô trở vô nhà ngồi dạy con nít, cô nhớ vợ chồng Bá Hỉ thân ái với nhau, rồi cô nghĩ đến phận cô thì cô lấy làm đau đớn trong lòng. Cô chống tay cúi mặt xuống bàn mà khóc. Sắp con nít dòm thấy, chắc là chúng nó buồn, nên ngồi lặng trang không học, không giỡn như hồi nãy nữa. Cô khóc một hồi, rồi cô lau nước mắt và hối sấp nhỏ học.

Cuối tháng ba, trời bắt đầu mưa một đám rất lớn, nông phu ai nấy đều lo sắm sửa phãng, cày, bừa, trục, đặng chờ ruộng có nước mà dọn đất gieo mạ.

Vĩnh Thái xuống nhà Hương hào Ðiều cbơi và biểu anh ta đi nhắc tá điền đặng họ đến vay bạc hoặc vay lúa. Tá điền ỷ có lời của Thu Hà dặn trước nên có vài người túng tiền, họ mới đến làm giấy mà lấy bạc, còn bao nhiêu, họ nín hết không thèm đến.

Thầy Hội đồng Chánh du lịch ngoài Trung kỳ rồi lần lần thầy đi thẳng ra Bắc kỳ. Mỗi tuần lễ thầy đều có gởi về cho con gái và rể một bức thơ, để cho chúng nó biết thầy đi tới đâu. Bức thơ chót thầy gởi tại Hải Phòng và thầy nói thầy sẽ đi xem Vịnh Hạ Long. Ðã hơn hai tuần rồi, Thu Hà không được tin của cha nữa.

Một buổi sớm mai, Vĩnh Thái đang rầy vài người tá điền ở nhà trên, về sự không chịu hỏi bạc, còn Thu Hà thì mắc dạy sắp con nít ở dưới nhà dưới cho chúng nó đọc vần, thình lình có một cái xe hơi chạy vô cửa, rồi thằng Tùng la om rằng:

-         Thầy về? Thầy về?

            Thu Hà lật đật đi lên nhà trên, thấy cha xuống xe rồi mà còn đương đứng ngoài cửa ngõ, thì cô mừng quýnh, cô chạy ra chào cha rồi coi thằng Tùng vác hành lý đem vô. Vĩnh Thái thôi rầy tá điền nữa, chàng cũng chạy ra cửa mà mừng thầy Hội đồng.

Thầy Hội đồng Chánh tắm rửa, thay áo đổi quần rồi thầy mới thuật lại cuộc hành trình cho con rể nghe, thầy đến chỗ nào, được thấy phong tục gì, được xem thấy cảnh gì, thầy thuật đủ hết. Sau rót thầy lại nói rằng:

-         Có đi chơi mới thấy rõ hiện trạng của nước nhà. Ba thấy ba buồn quá? Từ Nam chí Bắc quyền lợi về thương mãi và công nghệ thì người ngoại quốc họ choán mà hưởng hết.  Ðồng bào ta nếu không loi nhoi trong chốn ruộng rẫy, thì là làm mướn cho thiên hạ. Tình cảnh như vậy, biết chừng nào mới leo lên được mà ngồi cái địa vị chủ nhơn ông.

Thu Hà tuy mừng cha, nhưng mà nghe cha than mấy lời thì cô buồn hiu. Còn Vĩnh Thái, chàng hí hởn như thường, nghe sự đau đớn chung như vậy chàng đã không động lòng, mà chàng lại buông lời nói rằng:

-         Người mình còn ngu quá, sánh với Chệt, mình còn thua xa, chẳng luận người Âu châu.

Thu Hà châu mày đứng dậy đi liền, cô không muốn nghe chồng nói nữa.

Ðến bữa cơm thầy Hội đồng nói chuyện với con rể, thầy tỏ ý rằng trong vài tháng nữa thầy sẽ xin giấy thông hành đi du lịch mấy nước ở miền cực đông như: Trung quốc, Nhựt Bổn, Lữ Tống[3], Xiêm La. Thu Hà vừa nghe cha tính đi nữa thì cô nói rằng:

-         Ba ở nhà, ba đi chi nữa ba.

Lời cô nói nghe rất bi ai, bộ cô ngồi coi rất buồn thảm. Người có ý, ai nghe lời cô nói, ai thấy bộ cô ngồi thì cũng biết cô sợ cha đi chơi nữa lắm, nên xin cha ở nhà. Bởi vì thầy Hội đồng vô ý, lại thầy không dè ở nhà có chuyện chi nên thầy cười và nói rằng:

-         Có sao mà sợ, mình biết nước mình, mà mình cũng phải biết nước người nữa, rồi mình so sánh cái nào dở của mình mà chừa, cái này hay của họ mà học chớ.

Thầy Hội đồng nghỉ vài ngày khỏe rồi, thầy mới biểu sớp phơ đem xe ra cho thầy đi Bò Ót mà thăm người chú là Hương chủ Lung. Khi sửa soạn ra đi, thầy hỏi Thu Hà rằng:

-         Ủa? Thằng Mau đi đâu, mà mấy bữa rày ba về, ba không thấy mặt nó vậy con?

-         Thưa nó ở tù.

-         Sao vậy?

-          Nó nói lén anh Hai với thằng Cẩn sao đó, không biết, nên đánh nó rồi thưa nó với tòa bỏ tù nó.

-         Dữ hôn! Nó có nói lén thì rầy cho nó sợ mà thôi, sao lại làm cho nó ở tù lận?

Thu Hà day mặt chỗ khác, không muốn trả lời, mà cũng không dám ngó cha.

Thầy Hội đồng đi chơi, chẳng hiểu tên sớp phơ hay là Hương chủ Lung nói với thầy làm sao, mà chiều thầy về, sắc mặt buồn xo. Ngồi ăn cơm thầy không nói chuyện, lại chừng ăn cơm rồi, thầy kéo ghế xích đu ra trước hiên mà nằm, thầy cứ gác tay qua trán mà suy nghĩ, không nói tới ai hết.

Thầy chờ đến tối, thầy kêu con và rể ra đứng hai, bên, rồi thầy hỏi bông lông, không biết hỏi con hay là hỏi rể:

-         Ba đi khỏi, con ở nhà làm sao mà họ than van quá vậy hả?

Thu Hà cúi đầu lặng thinh, không trả lời.

Vĩnh Thái cười ngỏn ngoẻn và hỏi lại thầy Hội đồng rằng:

-         Thưa, ba đi khỏi, con ở nhà lo quản suất việc nhà. Con tính làm công chuyện bộn bộn. Con có định cải lương cách cho mướn ruộng đất lại. Mà con làm đâu thì trúng luật đó, có cái gì mà họ than van?

-         Phải. Theo lời người ta nói thì con cải lương cách cho muớn ruộng đất thiệt. Ngặt có một điều này: chớ chi con cải lương cho tá điền tá thổ người ta nhờ thì ba cũng cầu, cái nầy con cải lương đặng lột da người nghèo thì tội nghiệp cho người ta quá, sao con nỡ làm như vậy?

-         Thưa, con lột da ai đâu?

-         Hứ! Vậy mà còn cãi nữa sao? Ðể ba hỏi con: có phải ở nhà con bày hễ ai làm một trăm công ruộng thì phải vay năm chục giạ lúa, hoặc năm chục đồng bạc hay không?

-         Thưa, phải!

-         Lúa năm chục giạ tới kỳ phải trả tám chục giạ! Bạc cũng vậy, vay năm chục đồng tới ngày phải trả tám chục đồng!

-         Ý con muốn giúp cho tá điền làm ăn, họ khỏi đi vay đi hỏi người ngoài bị bó buộc dằn thúc. Ấy là con làm ơn cho họ chớ.

-         Cắt họng người ta mà ăn lời, làm ơn nỗi gì? Người ta không cần dùng, mà cũng ép người ta phải vay, thì là hiếp nguời ta quá!

-         Thưa ba nghĩ lại mà coi. Hết thảy chủ điền họ cho vay vốn một trăm họ ăn lời một trăm, con định số lời có sáu chục mà cắt họng cái gì?

-         Họ là xã tri[4], họ không biết thương nhà nghèo, họ không kể nòi giống, họ làm sao thây kệ họ, mình phân bì với bọn quấy như vậy mà làm gì?

-         Có đi tu thì mới làm phước, chớ hễ ra làm ăn thì phải tính lợi chớ. Ở bên Tây cũng vậy, hễ gặp cái gì có lợi thì phải làm, chớ ở nhơn nghĩa quá thì làm giàu sao được.

-         Thuở nay ba thương con nhà nghèo lắm, giết nhà nghèo đặng mà làm giàu, ba không thể làm được. Còn tá điền của mình, thì mình phải để đất cho người ta ở, con bày đặt thâu tiền đất người ta chi vậy?

-         Thưa, đất ba mua cũng bạc ngàn chớ! Lại nhà nước đánh thuế chớ có chuẩn miễn cho ba đâu. Nếu ba cho thiên hạ họ ở thí, rồi ba lấy tiền đâu mà đóng thuế.

-         Hứ! Ðóng thuế lại phải hết bao nhiêu đó mà phải cán cho tá điền chịu! Mình đóng thuế cho nhà nghèo họ được ở yên ổn lại hại gì hay sao!

-         Trời ôi! Ba ở như vậy thì gia tài của ba nhà nghèo họ ăn hết còn gì?

-         Theo lẽ tự nhiên, kẻ khôn thì phải thương kẻ dại, kẻ giàu phải giúp người nghèo chớ. Nếu không thương, không giúp nhau thì sao gọi là nghĩa đồng bào đồng loại cho được. Mà con buộc vay và con thâu thổ cư cũng chưa ác cho lắm. Con bày đào mồ cuốc mả đem chôn chỗ khác, bằng không thì phải đóng cho con mỗi cái mả mỗi năm một đồng bạc, cái đó bậy quá, người ta hờn con là tại cái đó đa. Gắt gao chi lắm vậy hử?

-         Thưa, không phải gắt. Mồ mả thì phải chôn theo nghĩa địa chớ để chôn bậy chôn bạ thì hư ruộng đất hết còn gì. Ruộng đất giá một ngày một thêm mắc, nếu không gìn giữ cho họ phá tán, thì mất giá còn gì.

-         Thà là ruộng của ba mất giá, chớ ba không nỡ đào mồ cuốc mả ông bà người ta đâu con.

Thầy Hội đồng nói rất nghiêm chỉnh, làm cho Vĩnh Thái không dám cãi nữa. Thầy lặng thinh suy nghĩ một hồi rồi thầy nói rằng:

-         Ba tưởng con là đứa biết lo bồi đắp quê hương, biết lo giáo hoá chủng tộc. Té ra con mới làm thử mà ba đã thấy chí con quyết giết nhà nghèo mà làm giàu, thế thì làm sao mà ba dám phú thác việc nhà cho con được. Con phải đổi tánh đi, con phải làm theo những lời con nói chuyện với ba hồi con đến thăm ba lần đầu đó. Vậy thì mới phải là thanh niên tân học, mới phải là con nhà Việt Nam, chớ nói một đường rồi làm một ngã thì uổng cái công con ăn học lắm.

Vĩnh Thái lấy làm hổ thẹn, nhưng mà chàng không muốn chịu thua, nên cất tiếng đáp rằng:

-         Thưa ba, con là bực thanh niên tân học, khai hoá quê hương là mục đích của con…

Chàng mới nói mấy tiếng thì thầy Hội đồng khoát tay nói rằng:

-         Thôi! Thôi! Con đừng nói gì nữa hết. Con phải xét mình mà sửa tánh trước đi đã. Ba muốn thấy con làm, chớ ba không muốn nghe con nói nữa đâu. Thôi, hai con vô ngủ đi.

Vĩnh Thái riu ríu đi vô. Thu Hà buồn hiu, cô cũng theo chồng mà vô nhà.

Sáng bữa sau, có mấy mươi tá điền kéo đến mà xin với thầy Hội đồng đặng khỏi vay bạc hoặc vay lúa.

            Thầy Hội đồng cười và nói rằng:

-         Thằng Hai nó nói chơi với bà con chớ nó có ép ai đâu. Ai cần dùng thì tôi giúp bằng không cần thì thôi. Tôi cũng không thâu thổ cư, không thâu mồ mả chi  hết. Bà con hãy yên tâm. Từ rày sấp lên tôi không đi chơi nữa đâu mà sợ.

Vĩnh Thái nghe cha vợ nói như vậy thì càng buồn mà lại có sắc giận nữa.



[1] bỏ, phản chồng

[2] bậy bạ

[3] đảo Luçon, tên đảo lớn nhứt của Phi Luật Tân. Thành phố Manille (Manila) nằm trên đảo nầy.

[4] gốc người Ấn, chuyên cho vay mượn, ăn lời.