Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương mười

Toàn bộ dạng PDF

Tân Phong Nữ Si

VIII

Một đêm, trời mưa râm râm nên ngoài đường ướt át, làm cho nam thanh nữ tú đều rúc ở trong nhà, không ai muốn đi chơi.

Lối 8 giờ, cô Tân Phong ăn cơm rồi, cô đương ngồi tại bàn viết vừa uống nước trà vừa đọc sách. Bồi bếp đều lo dọn dẹp phía sau, nên phía trước im lìm song đèn trước cửa và trong salon đều đốt sáng hoắc.

Thình lình nghe tiếng xe hơi ngừng ngoài ngõ rồi lại nghe có tiếng người kêu bồi. Anh bồi chạy ra một lát rồi trở vô thưa cho cô Tân Phong hay rằng có ông đốc tơ Vĩnh Xuân lại xin phép vô thăm cô. Cô suy nghĩ một chút rồi biểu anh bồi ra mời khách vô.

Cô xếp sách lại rồi thủng thẳng đi ra cửa mà tiếp khách. Cô vừa tới cửa thì Vĩnh Xuân cũng vừa vô tới. Cô bắt tay chào hỏi rất vui vẻ và mời khách vô salon mà ngồi. Cô ngồi ngang Vĩnh Xuân và hỏi: “Ông đến thăm em, vậy mà ông có cần em về việc chi không?”

-         Có người rước tôi coi mạch phía trên Đakao. Tôi về ngang đây thấy đèn đốt sáng lòa, tôi chắc cô có ở nhà, nên tôi ghé thăm cô, chớ không có việc chi hết. Ban đêm tôi đến thăm cô như vầy, chắc tôi làm cô phiền lòng lắm, xin cô tha lỗi.

-         Không. Em có phiền lòng đâu. Trời mưa ướt át mà ông đến thăm em, thì sự thăm ấy càng thêm giá làm cho em càng thêm vinh hạnh nữa chớ. Sao ông biết nhà em ở đây mà ông ghé?

-         Tôi nhờ cô Thanh Lệ chỉ hôm trước nên tôi mới biết.

-         Ông cố tâm hỏi đặng đến tận nhà thăm em, thiệt em cám ơn ông lắm.

-         Tôi bạo gan đến đây là vì trước cô có cho phép nên tôi mới làm.

-         Em nhớ là hôm trước ông xin cho ông đến báo quán mà thăm em nữa, chớ không phải là xin cho ông đến nhà riêng.

-         Phải hôm trước tôi xin phép lại báo quán, nhưng mà tôi thấy ở báo quán cô bận việc quá nên tôi tính tới nhà riêng của cô mà nói chuyện có lẽ tiện hơn, vì câu chuyện của chúng ta còn dài, bữa hổm tôi nói chưa hết, mà cô vui lòng tiếp chuyện với tôi hay không? Nếu cô không vui, xin cô cho tôi biết đặng tôi về liền.

-         Không, không. Được hầu chuyện với một nhà bác học như ông thì em vui lắm chớ. Em là gái độc thân nên trong nhà không có thuốc điếu mà cũng không có rượu để đãi khách. Xin ông miễn lễ.

-         Không, tôi không biết hút thuốc mà cũng ít uống rượu.

-         Vậy em xin phép ông để cho em đãi ông một ly cà phê.

-         Được lắm, uống cà phê mà đàm luận thì phải hơn.

-         Cô Tân Phong kêu bồi biểu làm hai ly cà phê đậm.

Vĩnh Xuân ngồi ngó vào cùng[1] trong nhà rồi hỏi:

-         Hồi nãy cô nói cô độc thân thiệt vậy hay sao?

-         Em đâu dám nói dối ông.

-         Cô còn trẻ tuổi mà hôm trước cô đàm luận với tôi thì tôi thấy cô là người có học thức rộng. Tôi không hiểu tại sao cô không lấy chồng mà lại ở một mình như vậy?

-         Làm thân con gái hễ có chồng rồi thì phải lo chăm sóc cho chồng, rồi khi có con thì phỉa lo nuôi dưỡng con. Em đã hy sanh cái đời của em đặng lo giải phóng cho phụ nữ. Nếu em lấy chồng thì sợ em không tròn đạo làm vợ, vì vậy mà em thệ tâm cô độc suốt đời để theo đuổi mục đích của em.

Vĩnh Xuân  ngó cô Tân Phong trân trân, coi bộ ông lấy làm ngạc nhiên về những lời cô nói. Ông suy nghĩ rồi hỏi nữa:

-         Cô còn cha mẹ đủ hết hay không?

-         Còn đủ hết.

-         Sao ông bà không ở chung với cô?

-         Cha mẹ em có gia sản ở dưới quê, nên không thể bỏ mà lên trên nầy ở với em cho được.

-         Ông bà cũng vui lòng để cho cô tự do độc lập như vậy hay sao?

-         Em lớn tuổi rồi, em không thèm lấy chồng, để lo giải phóng phụ nữ. Em có làm điều chi quấy đâu mà không vui lòng?

-         Thiệt tôi không ngờ gái An Nam có người lập tâm như cô vậy.

-         Ông nói như vậy là khen em hay là ông chê?

-         Tôi khen lắm chớ.

-         Em có tài gì đặc biệt đâu mà ông khen. Đời nay gái có học thiếu gì người như em vậy. Tại ông mắc lo khảo cứu y khoa, ông ít đi chơi, nên ông không gặp chớ!

-         Tôi không dè… Thiệt tôi không dè chút nào hết. Tôi xin thú thiệt với cô, từ ngày tôi ở bên Tây về, tôi thấy gái kim thời tôi sợ quá. Tôi thấy nết na cử chỉ của mấy cô như đầm, mà tôi e là đầm giả, rồi không phải đầm mà cũng không phải là gái An Nam , nên tôi sợ.

-         Em tưởng ông sợ lầm. Hôm trước, em đã có nói với ông: hư hay không cũng đều tại cái óc, tại cái lòng ở trong, chớ không phải tại cái nết na, cái cử chỉ bên ngoài. Gái đời nay, vì lo học thức ung đúc, hoặc vì sóng tân hóa lôi kéo, nên họ đổi cử chỉ nhu nhược ra cử chỉ hùng tráng, ăn nói quả quyết, đi đứng tự do, nhưng cái óc của họ cũng còn là óc An Nam, làm sao mà họ bỏ cái chủ nghĩa gia tộc, làm sao mà họ thoát được những thành kiến của xã hội An Nam cho được mà ông sợ. Em xin ông suy nghĩ lại  coi mấy lời mà em nói đó phải hay quấy.

Vĩnh Xuân thở dài mà nói: ”Hôm trước cô luận việc hôn nhơn, cô làm cho tôi về nhà suy nghĩ hoài, ngủ không được. Bữa nay cô luận về gái kim thời nữa, thiệt cô càng làm thêm rối trí cho tôi không biết chừng nào.”

Cô Tân Phong  cười mà đáp:

-         Em không dè nói chuyện chơi mà em làm ông cực lòng đến thế. Em xin ông tha lỗi.

Vĩnh Xuân ngượng ngập rồi nói tiếp nho nhỏ rằng: “Tôi tưởng nếu tôi có một người … một người bạn như cô, thì chẳng những là cái óc tôi thơ thới, cái đời tôi vui vẻ mà thôi, mà có lẽ tôi sẽ làm có ích cho nhơn quần được nữa”.

Cô Tân Phong làm bộ như không nghe mấy lới nói sau đó. Cô ngó ra ngoài sân mà nói lảng rằng: “Trời bây giờ lại mưa lớn nữa chớ”.

Bồi bưng ra một mâm cà phê với đường mà để trên bàn. Cô Tân Phong đứng dậy hỏi Vĩnh Xuân dùng mấy cục đường. Vĩnh Xuân nói hai cục là đủ. Cô bỏ đường vô ly cà phê rồi bưng một ly để ngay trước mặt Vĩnh Xuân mà mời ông uống.

Vĩnh Xuân với tay lấy cái muỗng đặng khuấy cho tan đường. Cô Tân Phong đứng dậy và nói: “Ông để em khuấy cho” Cô đứng khuấy ly cà phê, ngón tay dịu nhỉn. Ông ngồi ngó tay cô, ngó mặt cô, ngó cả mình cô rồi ông thở dài mà nói: “Ở nhà tôi buồn quá. tôi được đến đây bàn luận với cô, thiệt tôi vui không biết chừng nào”.

Cô Tân Phong cười mà đáp rằng:

-         Em nghe nói ông lập nhà Thương một bên nhà để nuôi bịnh. Ông đi ra đi vô ông thấy bịnh nhân hoài, tự nhiên ông phải buồn, chớ vui sao được.

-         Thiệt cũng có như vậy, mà thăm bịnh hay coi mạch đều có giờ. Hễ làm phận sự xong rồi, thì tôi cũng là một người như các người khác, tôi cũng cần phải nói chuyện chơi cho giải  trí, tôi cũng cần phải tỏ việc vui, than việc tôi buồn. Tôi bực mình là không biết nói chuyện với ai, không ai chung vui chia buồn với tôi hết.

-         Xin ông uống cà phê, kẻo nguội… Vậy mà em tưởng ông có vợ chớ. Sao ông không cưới vợ, đặng có người ở trong nhà làm vui cho ông?

-         Vợ! Vợ! – Cô nhắc tới vợ tôi càng thêm buồn. Tôi có vợ rồi. Tại có vợ nên không vui mà lại buồn quá.

-         Ông nói em không hiểu được. Vợ là một người để xem xét món ăn chỗ ngủ cho ông, để khi ông lo phận sự mệt nhọc thì kiếm thế mà giải trí cho ông, để khi ông có việc buồn rầu thì kiếm lời an ủi cho ông khỏi ngã lòng thối chí. Em tưởng vợ giúp ích cho ông lắm. Sao ông lại nói vợ làm buồn cho ông? Chắc là tánh ý ông khó lắm hay sao chớ?

-         Việc nhà của tôi khó nói ra cho được. Nếu vợ tôi ăn ở theo cách như cô mới nói đó, thì tôi là tiên, tôi vui lắm, có cớ gì mà tôi buồn.

-         Em tưởng đờn bà ai cũng vậy, hễ có chồng thì đối với chồng tự nhiên phải làm như vậy chớ sao?

-         Cô tưởng chớ cô chưa thấy. Cô tưởng như vậy còn tôi thấy rõ đờn bà lấy chồng quyết báo hại chồng, quyết làm cho nhục nhã, làm cho rối trí chồng mới thôi.

-         Em không lấy chồng, nên em không tính phải ăn ở với chồng như thế nào. Nhưng em sợ e mấy lời ông bình phẩm đờn bà có lẽ quá đáng chăng?

Vĩnh Xuân châu mày ngẫm nghĩ rồi ngó cô Tân Phong mà nói:

-         Ðàm luận với cô, nếu tôi đem chuyện riêng của tôi ra mà nói, thì e khiếm nhã một chút. Nếu cô cho phép thì tôi tỏ tâm sự của tôi ra cho cô nghe, rồi cô sẽ hiểu lời bình phẩm đờn bà đó không phải là quá đáng.

-         Xin ông chớ ngại, ông muốn nói chi, em vui lòng mà nghe hết.

-         Có vậy tôi mới dám nói. Khi tôi còn học bên Tây, cha mẹ tôi có hứa làm sui với một ông ở trong Chợ Quán đây. Chừng tôi về xứ, cha mẹ tôi có dắt tôi đến giáp mặt với một cô đã hứa hôn cùng tôi. Tôi thấy cô là một người gái tân thời quá, nết na cử chỉ không phải là gái An Nam như tôi tưởng tượng. Tôi cưới vợ là tính kiếm một người nhu mì lễ nghĩa để lo tề gia nội trợ, đặng cho tôi khỏe trí mà trau dồi y khoa. Cô hứa hôn với tôi đó nói năng lia lịa, đi đứng tự do, tôi thấy thì tôi thất vọng, bởi vậy mà tôi từ hôn liền.

-         Ông sợ phải hôn?

-         Phải. Tôi sợ quá.

-         Hồi nãy em đã cắt nghĩa tư cách của gái đương thời rồi, bây giờ ông còn sợ nữa không?

-         Gái đương thời như cô thì tôi kính, tôi trọng lắm, tôi có sợ chi đâu.

-         Thôi, ông nói tiếp chuyện của ông coi ông chê gái tân thời rồi ông cưới vợ về hạng nào mà ông lại buồn?

-         Tôi nhứt định chọn một người vợ ở nhà quê, có học chút đỉnh, song biết giữ nề nếp theo lễ nghĩa An Nam. Người ta làm mai cho tôi cưới con gái của một bà điền chủ ở trong tỉnh Tân An. Người ta hứa chắc cô gái ấy tánh tình y như ý tôi muốn. Té ra khi cưới về rồi thì tôi thấy vợ tôi thiệt cử chỉ theo gái xưa, chớ không phải như gái tân thời, nhưng mà tánh nết vị kỷ quá, không hạp với tánh nết của tôi chút nào hết. Chuyện tôi vui vợ tôi lại buồn, chuyện tôi buồn vợ tôi lại vui, tôi nói chuyện vợ tôi không hiểu, còn vợ tôi nói chuyện thì tôi nghe bắt nhức đầu. Đã vậy mà vợ tôi ở trong nhà còn làm nhiều điều cực lòng, nhọc trí, nhục nhã cho tôi, không lẽ tôi nói ra. Tôi chê gái tân thời, tôi cưới con gái giữ nề nếp xưa, rồi tôi mang một cái họa lớn như vậy đó, cô nghĩ coi sao mà tôi không phiền trách đờn bà cho được.

-         Em nhớ hôm trước em luận hôn nhơn với ông, em có nói vợ chồng phải đồng chí hướng, đồng trình độ học thức với nhau, thì mới hiểu nhau, mới hòa thuận với nhau được. Gia đình ông không đần ấm có lẽ là tại ông với bà học thức bất đồng chớ gì?

-         Phải, chắc là tại như vậy. Tôi lập gia thất là tính kiếm hạnh phúc, té ra hạnh phúc không thấy mà tôi lại thấy cảnh địa ngục ở trong nhà. Tôi xin tỏ thiệt với cô, tôi chán vợ rồi. Tôi nhứt định lìa cái vòng khốn khổ ấy, nên tôi đã vào đơn mà xin phá hôn thú.

-         Cha chả! Ông hốp tốp quá như vậy, em sợ sau ông ăn năn.

-         Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Thà li dị phức cho rồi, chớ để dây dưa sanh con, thì càng thêm rối. 

-         Ông quyết ly dị rồi ông kiếm người khác mà cưới đặng lập gia thất lại hay sao?

Vĩnh Xuân ngồi lặng thinh một hồi rất lâu, rồi mới đáp:

-         Việc đó tôi chưa tính. Mà cưới ai bây giờ? Tôi sợ chạy ô mồ rồi mắc ô mả cũng vậy nữa.

-         Em tưởng ông chẳng nên thối chí. Đờn bà có người dữ, mà cũng có người hiền, chớ chẳng lẽ hết thảy đều dữ. Ông chọn gái xưa mà cưới, ông bị thất vọng. Thôi, bây giờ ông thử cưới gái kim thời coi?

-         Cái đời tôi nếu để mà thử các loại đờn bà, thì không vui sướng gì cho tôi, mà cũng không lợi ích cho ai hết.

-         Có lợi ích chớ. Ông sẽ có được cái kinh nghiệm về hôn nhơn, rồi ông chỉ đường giùm cho bọn thanh niên tân học biết mà đi cho khỏi lầm.

-         Cha chả, nếu tôi phải liều thân mà thí nghiệm thì khổ cho tôi lắm.

-         Làm người muốn giúp ích cho đời thì phải hy sanh cái bản thân mình chớ. Mà thí nghiệm có lẽ nào bị khổ hoài hay sao? Nếu ông gặp được một người hạp ý với ông thì ông cũng được hưởng hạnh phúc vậy chớ.

-         Chọn gái tân thời bây giờ tôi biết ai đâu mà chọn. Chừng tôi ly dị vợ xong rồi, nếu tôi tính lập gia thất lại, thì có lẽ tôi sẽ cậy cô kiếm dùm cho tôi.

Cô Tân Phong cười. Cô liếc mắt ngó Vĩnh Xuân mà đáp:

-         Em còn trẻ tuổi quá, em đâu dám lãnh vai tuồng mai dong. Ông nói hồi trước ông có hứa hôn với một cô gái tân thời nào ở trong Chợ Quán đó, vậy thôi bây giờ ông xin cưới cổ thì tiện hơn.

-         Có lẽ nào cổ ở vậy mà chờ tôi. Mà dầu cổ chưa lấy chồng đi nữa, tôi đã chê cổ rồi, bây giờ tôi có mặt mũi nào dám trở lại mà cưới cổ.

-         Thiệt đó chớ! Bây giờ ông cầu người ông đã chê thì hổ thẹn nhiều lắm; lại không chắc người ta quên cái nhục trước mà ưng ông. Mà đời nầy thiên hạ họ mê những bằng cấp cao đẳng lắm, họ không kể vinh nhục là gì. Có lẽ cô ấy cũng theo thường tình, cổ quên chuyện xưa mà chắp nối mối tóc tơ với ông lại.

-         Nếu thái độ của cô ấy như vậy, thì cổ không đáng người bạn trăm năm của tôi.

-         Ông quan niệm việc đời còn theo xưa nhiều quá. Ông kể phẩm giá, mà ông không kể ái tình. Sóng tình mãnh liệt lắm, nó có thể đánh đổ luân lý, danh dự, gia đình hết thảy. Nếu cô ấy thiệt thương ông, thì chắc cô không lấy chồng khác, mà cổ cũng không oán thù ông đâu.

Vĩnh Xuân ngồi suy nghĩ. Cô Tân Phong rót thêm cà phê mà mời ông uống. Ông uống một hớp rồi mới nói chậm rãi:

-         Nếu cô ấy đối với tôi mà có cái ái tình mãnh liệt như là cô nói đó, thì tôi đối với cổ, tôi càng hổ thẹn nhiều hơn nữa… Tôi coi cái đời của tôi hỏng rồi. Tôi không phép ước mơ lập gia thất nữa. Chỉ ước mong gặp một người bạn tâm tánh giống tôi, hiểu ý tứ tôi, để nắm tay nhau mà đi trong đương thời, cho tôi vui vẻ đặng trau dồi y khoa mà cứu chữa bịnh của thiên hạ mà thôi.

Vĩnh Xuân mới nói tới đó rồi ông ứa  nước mắt.

Cô Tân Phong thấy ông ảo não thì cô lại nghiêm nết mặt mà nói:

-         Ông nói chuyện nãy giờ, ông làm em thấy rõ ông là một người yếu trí thế quá. Đứng nam nhi thì phải có tánh hùng tráng, quả quyết mới được. Ông ở bên Tây về, ông thấy người hứa hôn của ông không hạp tánh ý với ông, ông chê, ông từ hôn liền. Ông cương quyết như vậy thì phải lắm. Em khen ông chỗ đó. Sau ông cưới vợ khác, vợ ông không đồng tâm hiệp ý, cứ làm cực chí ông, ông làm đơn xin phá hôn thú. Ông cương quyết một lần thứ nhì nữa. Em khen ông chỗ nầy nữa. Như cuộc gia thất trước đã phá rồi, thì ông lo lập gia thất khác. Ông đã cương quyết được hai lần rồi, thì ông cương quyết nữa đi, vậy mới phải tâm tánh của bực nam nhi, cớ sao ông lại thối chí ngã lòng mà coi cái đời ông đã hỏng. Nếu ông thất chí, thì em chê ông lắm.

-         Cô chê tôi chỗ đó là đúng lắm. Phải, đứng nam nhi thì phải có tánh hùng tâm cương quyết. Về gia đình thì tôi cương quyết đã hai lần rồi, bây giờ nghị lực của tôi dường như đã mòn mỏi, nên tôi thất chí. Ấy vậy, tôi không cần lập gia thất khác, mà tôi cần có một người bạn cho cao thượng, để trưởng dùm cái chí của tôi.

-         Người bạn mà ông cần dùng đó phải là đờn ông hay là đờn bà?

-         Đờn ông hay là đờn bà nghĩ không quan hệ gì. Mà nếu được một người bạn đờn bà thì chắc quí hơn, bởi vì đờn bà họ biết cách an ủi, họ có thể làm cho tôi hết thất chí được.

-         Theo lễ nghĩa An Nam thì nam nữ thọ thọ bất thân. Đờn bà biết giữ lễ phép xưa, thì có ai khứng làm bạn với ông. Ông kiếm bạn như vậy thì chắc ông phải kiếm trong đám gái tân thời. Mà ông đã chê gái tân thời, thì có thể nào ông gặp bạn đờn bà cho được.

-         Nếu gái tân thời mà như cô thì tôi có dám chê đâu.

-         Lời ông nói đó là lời thiệt, hay là ông đến nhà em, ông phải vị em nên ông mới nói như vậy?

-         Tôi nói thiệt chớ. Tuy cô thuộc về hạng gái tân thời, song tôi được hầu chuyện với cô đã hai lần rồi, tôi biết rõ cử chỉ của cô thì mới, mà tánh tình của cô đứng đắn lắm. Tôi kính, tôi phục, tôi trọng cô không biết chừng nào. Tôi chẳng dám ước ao có một người vợ như cô, mà nếu tôi được một người bạn như cô mà thôi, thì cái đời tôi chắc sẽ đẹp đẽ vui vẻ lắm vậy.

Cô Tân Phong châu mày ngó ra sân, nhìn hạt mưa dứt nối, lá cây lúc lắc, khiến cho cô cảm trong lòng, nên cô muốn tỏ thiệt cho Vĩnh Xuân biết cô là ai đặng ông hổ thẹn chơi, mà cô không nỡ, nên cô day vô mà nói:

-         Em là gái tân thời mà ông không chê, ông lại trọng em, thiệt em cám ơn ông lắm. Tuy ông chưa dám nói rõ ràng, nhưng mà em hiểu ý ông muốn em làm vợ ông, ví như không được thì kết làm bằng hữu với ông, phải như vậy hay không?

-         Thiệt cô là một người sáng trí lạ lùng. Tôi mới mở hơi, mà cô đã thấu đáo lòng dạ của tôi. Thiệt, tôi muốn như vậy lắm. Tôi được giáp mặt với cô hôm trước, tôi được nghe cô đàm luận, thì về nhà mấy bữa nay tôi hoài vọng cô đêm ngày. Tôi ôm ấp sự hoài vọng ấy trong lòng chẳng khác nào như tôi ôm một cục đá nặng. Tuy lòng tôi nặng nề mà trí tôi lại sáng suốt. Chẳng có giờ nào mà hình dạng cô không phảng phất trước mặt tôi, tiếng nói của cô không văng vẳng bên tai tôi; mà hễ nhớ hình dạng, nhớ giọng nói thì trí tôi được thơ thới, rồi tôi thấy cái tiền trình của tôi lúc trước nó mịt mù buồn thảm, bây giờ nó mở rộng sáng lòa. Tôi xin thú thiệt với cô, tôi chắc nếu tôi được gần gũi với cô, thì cái đời của tôi đã thấy hỏng rồi, nó sẽ gượng lại làm cho tôi vui với sự sống đặng lo trau dồi nghề thuốc. Hôm nay tôi bạo  gan đến đây là tôi quyết đến đặng yêu cầu cô hứa với tôi: hễ tôi thôi vợ tôi xong rồi, thì cô ưng tôi đặng tôi cưới. Mà đến đây nãy giờ, tôi thấy mặt cô, tôi nghe cô nói thì tôi kính cô quá, rồi sự cương quyết nó hóa ra mềm mỏng, nên muốn mà không dám nói thiệt ra. Bây giờ cô hiểu ý tứ tôi rồi, vậy tôi xin cô làm ơn cho tôi biết coi sự ước mơ của tôi có chút hy vọng gì hay không?

-         Ông yêu em, mà ông biết trọng em, thiệt em cảm tình lắm. Phải người có học thức cao mới có thái độ cao như vậy. Em không dám lấy thái độ thấp mà đối với ông, nghĩa là em không dám phỉnh phờ gạt gẫm ông. Đã vậy mà em lại là gái tân thời, hễ nghĩ thế nào thì cứ nói ngay ra, chớ không ưa nói quanh quẹo. Ông hỏi như vậy, em xin trả lời rằng: “Em cảm tình ông lắm, nhưng mà em không thể làm vợ ông được ”.

Vĩnh Xuân biến sắc; ông ngó cô rồi rưng rưng nước mắt mà nói giọng buồn thảm rằng:

-         Tôi vẫn biết tôi vô phước về  chuyện gia đình! Cái mạng số tôi như vậy, thì tôi phải chịu, không nên cưỡng. Tôi không dám nài nhưng tôi xin cô cho tôi biết coi cô không ưng tôi, vậy mà cô có chê tôi hay không?

-         Em không dám chê ông, mà em cũng không dám chê ai hết. Nếu phải nói cho hết ý, thì em xin tỏ thiệt em chê hết thảy đờn ông.

-         Tôi hiểu. Bởi cô chê hết thảy đờn ông, nên cô mới nhứt định độc thân. Tôi vẫn biết cô cũng bị một việc uất nào đó, nên cô mới quyết định như vậy. Mà đó là tâm sự cùa cô, tôi không dám nói tới. Tôi chỉ xin hỏi cô: cô bị uất nên cô mới quyết thờ chủ nghĩa độc thân, không thèm lấy chồng. Tôi cũng bị uất nên nếu tôi không cưới được cô, thì tôi cũng không cưới vợ nào khác. Vậy thì cô với tôi không làm vợ chồng được, mà có thể kết nghĩa làm bằng hữu với nhau được hay không?

-         Thưa ông, hễ kết bằng hữu thì phải tới lui chuyện vãn với nhau. Phận em đa đoan công việc quá, em không thể giao thiệp, nên em cũng không dám nhận lời ông.

Vĩnh Xuân lắc đầu rồi đứng dậy ngó ra sân mà nói:

-         Lúc bây giờ tôi như là người đương chơi vơi giữa dòng. Tôi cầu cứu, tôi xin cho tôi một cây sào đặng tôi vịn mà lội. Cô cầm sào sẵn trong tay, mà cô dành lòng đề cho tôi chết chìm, cô không thèm cứu hay sao?

-         Xin lỗi ông, ông là nam nhi, ông phải dùng sức riêng của ông mà thoát nạn, ông chẳng nên cầu ai cứu làm chi, nhứt là chẳng nên cầu đờn bà.

Nói như vậy mà Vĩnh Xuân buồn quá nên không biết hổ, lại ngó cô mà trách:

-         Té ra gái tân thời ác quá.

-         Thưa ông, không phải là ác, muốn để ông tập tành tự cường đó chớ. Em khuyên ông hãy ráng mà lội. Lội một mình mà khỏi chìm mới giỏi.

-         Cám ơn cô!

Vĩnh Xuân lấy nón, bắt tay từ giã cô Tân Phong rồi nghoe ngoẩy dầm mưa mà đi ra xe.

Cô Tân Phong đứng trong cửa mà ngó theo, miệng chúm chím cười.

 


[1] khắp nơi


| trang đầu |đầu trang | tiểu thuyết | Chương: 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10