Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu

Toàn bộ dạng PDF

Nợ tình

CHƯƠNG BA: TÌNH CỜ MÀ GẶP

Bốn năm sau.  

Nước Việt nam được hoàn toàn độc lập với chánh thể Cộng Hoà.  

Ngày 26 tháng 10 năm ấy là năm 1955, nhằm năm Ất Mùi, Đô thành Sài gòn trần thiết lễ tuyên bố Việt nam Cộng Hoà Độc lập tưng bừng. Nhà phố đều thượng quốc kỳ rực rỡ tốt tươi, để mừng non nước Việt nam trở về với dân tộc Việt nam, sau một thời gian dài đến 96 năm đau khổ dưới ách ngoại bang đô hộ. Trót ngày ấy nhơn dân nam nữ trẻ già hớn hở kéo nhau đi đầy đường, chào mừng độc lập quốc gia hoan hô Tổng Thống sáng suốt.  

Đến 3 giờ chiều mà thiên hạ cũng còn đi chơi chật đường chật phố, xe phải đi rề rề chớ không thể chạy mau như ngày thường.  

Cậu Thứ Tiên làm phóng sự viên nên từ hồi tảng sáng cậu rảo bước khắp nẻo đường. Đến giờ nầy cậu còn đương lẩn thẩn trên lề đường Gia long, theo lượn sóng người đưa đẩy. Dưới lòng tàu lộ thì xe hơi chiếc lại chiếc qua không ngớt.  

Tình cờ một chiếc xe hơi đương rề rề đi gần tới Thứ Tiên, rồi một thiếu phụ ngồi trong xe miệng kêu tên cậu, tay lại đưa ra mà ngoắc cậu. Thứ Tiên thấy thiếu phụ giống Bạch Yến, lại có một cậu trai lạ ngồi một bên không biết là ai.  Chiếc xe ngừng sát lề đường và cửa mở ra. Thứ Tiên tránh kẻ qua người lại mà đi lại đó coi ai kêu và muốn nói chuyện chi. Thiệt quả cô Bạch Yến xuống xe, rồi tiếp theo cô có một thanh niên mặc bộ đồ nỉ đen, cũng xuống xe nữa. Thứ Tiên đi tới, cậu cúi đầu chào cô Bạch Yến.  

Bạch Yến cũng cúi đầu đáp lễ rồi cô đưa tay chỉ người đi với cô vừa cười vừa nói:

-          Em xin phép giới thiệu cho ông biết người đi với em đây là vị hôn phu của em, tên là Châu Tất Đắc ở bên Pháp đi máy bay mới về tới hồi 11 giờ rưỡi trưa nầy.  

Thứ Tiên ngạc nhiên đứng ngơ ngáo.  

Bạch Yến day lại nói với Tất Đắc:

-          Em cũng xin giới thiệu cho anh biết ông đây là một phóng sự viên của báo chí, với bút hiệu Thứ Tiên. Nhờ ngòi viết cứng cỏi nhưng thanh tao nên ông có tên tuổi trong làng văn tân tiến. Ông thờ chủ nghĩa "nâng cao Ái tình" nên ông ra công trót bảy tám tháng và dùng đủ cách mà tìm kiếm anh đặng khuyên giải cho anh trở về. Ông là người ân của mình. Má cũng quí trọng ông lắm.  

Tất Đắc bước tới đưa tay ra nắm tay Thứ Tiên siết chặt mà nói:

-          Tôi ra đi tôi tưởng để buồn cho em Bạch Yến và để phiền cho chị Cẩm Hương mà thôi. Tôi không dè tôi còn làm thất công và nhọc trí cho ông bạn nữa. Tôi xin ông bạn tha tội cho tôi, vì ông bạn mong ước nâng cao Ái tình, vậy tôi sẽ gắng sức tiếp tay ông bạn cho ông bạn khỏi thất vọng mà tôi cũng trọn ân đức.  

Thứ Tiên hỏi:

-          Té ra ông đi qua bên Pháp lận hay sao?  

-          Phải. Tôi đi qua bên Pháp.  

-          Hai ông Tự Cao và Võ Lộ biết hay không?  

-          Không. Khi ra đi tôi có nói cho hai bạn tôi biết tôi đi đâu. Mà thiệt ngày đó tôi cũng không biết tôi phải đi đâu mà nói.  

Nếu vậy thì hai ông đó nói thiệt mà, vậy mà tôi tưởng hai ổng muốn phá tôi nên cứ giấu mà nói không biết ông đi đâu. Ông về đây mà hai ông đó hay rồi chưa?  

-          Chưa. Bây giờ đi thăm hai ảnh đây.  

-          Còn cô Cẩm Hương cổ hay chưa?  

-          Chị Cẩm Hương hay rồi. Tôi về tới thì bà già tôi sai người xuống cho chị hay. Chị lên liền. Chị gặp tôi rồi.  

-          Chắc cổ mừng dữ hả?  

-          Người mắc nợ trốn mấy năm. Tình cờ gặp lại, tự nhiên chủ nợ mừng lắm. Đó là lẽ thường.  

Cô Bạch Yến nói:

-          Hồi gần 2 giờ cô Cẩm Hương về trước dưới nhà cô, nói về đặng cho ông hay và dọn tiệc trà đặng chừng 4 giờ chúng tôi đi thăm anh Võ Lộ với anh Tự Cao rồi rước hết xuống nhà cô Cẩm Hương uống trà nói chuyện chơi. May gặp ông đây em xin mời ông đây lên xe đi gom anh em xuống Cầu Kho rồi sẽ nói chuyện.  

-          Thứ Tiên hăng hái lên xe, không từ chối.  Cô Bạch Yến dặn anh sớp phơ chạy vô chợ Thái Bình.  

Thứ Tiên nói:

-          Đi kiếm mà hỏi thăm chuyện ông Tất Đắc, tôi gặp ông Tự Cao với ông Võ Lộ thiệt tôi chạy ngay. Hai ông nói chuyện gì đâu không thèm nói chuyện mình muốn biết, giải chủ nghĩa thì phải rồi, mà còn bắt qua giảng học thuyết của Lão Tử nữa, làm cho tôi muốn điên đầu loạn óc. Cách mấy tháng sau tôi trở lại hỏi coi có nghe tin tức ông Tất Đắc ở đâu hay không. Hai ông nói không nghe rồi bắt tôi ngồi đặng giảng giải đạo Lão Tử. Tôi chạy, tôi kiếm cớ cáo từ mà đi liền.  

Tất Đắc cười mà nói:

-          Tại ông chưa quen nên ông khó chịu. Hai ông đó vui lắm. Nếu ông tới lui thường, ông quen tánh ý rồi, ông sẽ thấy lời nghị luận của hai ổng có nhiều thú vị lạ lùng. Vì vậy nên hồi trước ba anh em tôi mới vui mà ở chung một nhà với nhau chớ.  

Xe vô tới Thái Bình. Tất Đắc chỉ chỗ cho anh sớp phơ ngừng. Trong nhà Võ Lộ với Tự Cao bận đồ đàng hoàng dường như sửa soạn đi chơi. Hai cậu nghe xe ngừng ngừng thì ngó ra, thấy Tất Đắc đương mở cửa xe bước ra thì la lớn:

-          Ê ! Anh Tất Đắc trở về kia kìa !. . . Vậy mà nói đến chết cũng không trở về Sàigòn chớ !.  

Tất Đắc vừa xăng xớm đi vô vừa nói:

-          Phải tôi về đây. Hai anh mạnh giỏi hả?  

Võ Lộ với Tự Cao đi ra cửa mà tiếp bạn. Võ Lộ thấy có hai người đi theo sau Tất Đắc thì nói:

-          Ủa ! Có cô Bạch Yến với ông Thứ Tiên nữa mà. Kiếm ở đâu mà giỏi vậy?  

Thứ Tiên cười mà nói:

-          Hai ông thấy nghề của tôi hay chưa hử? Hai ông cứ giấu tôi mà tôi cũng tìm được vậy.  

Tự Cao nói:

-          Thiệt chúng tôi không biết đi đâu mà chỉ chớ giấu làm chi.  

Tự Cao lại vỗ vai Tất Đắc mà hỏi:

-          Khi ra đi anh nói anh không thèm ở đất Sài gòn nữa, mà đến chết anh cũng không trở về đây. Sao bây giờ anh trở về? Tại anh không thờ chủ nghĩa "Tự cao" nên anh không biết tự trọng.  

Tất Đắc cười mà nói:

-          Tôi trở về đây là tại nợ tình, biết hôn? . . . Đêm nào cũng vậy tôi nằm nghe nợ tình kêu réo chèo chẹo, đòi phải trả cho dứt. Tôi chịu không nổi nên phải trở về chớ sao; Tôi nhớ lời cụ Nguyễn Du nói:

”Nợ tình chưa trả cho ai,  

Khối tình mang xuống Tuyền đài chưa tan.“

Tôi nhớ hai câu đó thì tôi giựt mình. Mắc nợ tình không lo trả cho dứt, để chết phải mang theo xuống âm phủ một túi kè kè. Mấy cha Quỉ sứ gác cửa Diêm chúa họ xét gặp, họ sần sượng, rồi họ phạt nặng chớ phải chơi sao.  

Thứ Tiên cười mà nói:

-          Anh nầy ảnh thờ chung một chủ nghĩa với tôi mà. Vậy mà anh Võ Lộ với anh Tự Cao bày chuyện nói ảnh thờ chủ nghĩa "Vô vi". Anh hữu vi quá, chớ đâu phải vô vi, ảnh tư lự quá, chớ đâu phải vô tư lự.  

Bạch Yến vịnh vai Tất Đắc mà nói:

-          Đúng 4 giờ rồi, vậy mời hết mấy anh xuống nhà cô Cẩm Hương rồi sẽ nói chuyện tiếp. Bày cãi chủ nghĩa rồi xuống trễ cô Cẩm Hương trông.  

Tất Đắc biểu Võ Lộ với Tự Cao khoá cửa đặng lên xe đi xuống nhà cô Cẩm Hương ăn bánh uống trà rồi sẽ nói chuyện tiếp.  

Võ Lộ khép cửa đặng khóa lại.  

Tự Cao nói:

-          Cô Cẩm Hương không có mời, mà tôi đến nhà cô thì trái với chủ nghĩa của tôi quá.  

Bạch Yến nói:

-          Em mời đây. Em thay mặt cho cô Cẩm Hương đem xe mời và rước khách chớ phải khi không mà anh đến hay sao nên ái ngại.  

-          Tự Cao nói :

-          Cô mời thì được. Tôi khỏi trái với chủ nghĩa.  

Võ Lộ khóa cửa rồi mấy người lên xe đi hết xuống Cầu Kho.  

Cô Cẩm Hương tổ chức tiệc trà mà tiếp khách đã xong lâu rồi. Cô biết số chủ khách cả thảy là 6 người; hai cô ngồi ghế canabê ở trong, còn bốn cậu thì ngồi bốn ghế phô tơi, chẳng cần phải kiếm thêm ghế nhỏ. Trên cái bàn chính giữa thì để hai dĩa bánh mặn, hai dĩa bánh ngọt với 6 cái ly. Còn nước cam, la ve, cỏ nhác, sô đa thì để trên cái bàn riêng dựa vách, ai muốn dùng thứ gì nào thì lại đó lấy mà rót.  

Cô dặn chị bếp hễ thấy khách ngồi thì chị chặt nước đá bưng ra, mà phải nấu nước sôi cho sẳn đặng ai có đòi uống trà thì chế bình trà đem ra mà đãi.  

Cô rửa mặt thay đồ cũng rồi. Nghe đồng hồ gõ 4 giờ mà khách chưa đến nên cô ra vô mà ngó chừng. Hồi ở trên Tân Định mới về cô có sai đứa nhỏ qua Vĩnh hội mời Thứ Tiên mà người nhà nói cậu đi từ tảng sáng chưa về, nên cô chắc thiếu cậu, cô tính để tối rồi sẽ cho người qua nữa mà báo tin Tất Đắc về cho cậu hay.  

Cô vừa nghĩ tới khỏan đó thì xe ngừng. Thứ Tiên ngồi trên xe kêu cô om sòm mà khoe đã rước được anh Tất Đắc về cho cô đây. Cô Cẩm Hương thấy có đủ mặt hết thì cô vui mừng nên cô cười ngất.  

Khách mở cửa xe bước ra, rồi mạnh ai nấy nói om sòm, làm cho quang cảnh náo nhiệt, tiếng cười pha lộn với lời giễu. Thiệt là vui.  

Bạch Yến vui nhiều hơn hết, cô vui đến nỗi đeo theo một bên Tất Đắc luôn luôn không chịu rời xa mà lại khi nắm tay khi níu áo chàng, dường như sợ chàng vuột đi mất nữa. Phận gái mà đối với người trai chưa cưới lại từ hôn bỏ đi biệt mấy năm, nhưng vừa mới tái ngộ cô biểu lộ cái cử chỉ dan díu gần như lả lơi mà cô không thẹn thùa ái ngại chút nào hết, thiệt là kỳ.  

Mà cô Cẩm Hương cũng như bốn cậu trai ai cũng mắc vui mừng, ai cũng lo kiếm lời pha lửng, nên không ai để ý bình phẩm thái độ của ai, ai cũng quên cả dè dặt, quên cả hiềm nghi, cũng như Bạch Yến quên thói ảm đạm của Võ Lộ và Tự Cao đối với cô, khi cô hay Tất Đắc trốn đi, cô đến nhà khóc mà hỏi đặng tìm kiếm, bây giờ cô lại thân thiện, không phiền không giận.  

Giữa lúc tưng bừng chộn rộn đó, may có cô Cẩm Hương lớn tuổi hơn hết, nên cô bình tĩnh lại mau hơn, cô nói lớn:

-          Thôi chớ, tôi mời dự tiệc trà thì phải ngồi lại ăn uống mà nói chuyện chớ đừng giễu cợt hoài bánh nó thiu, rượu nó lạt hết còn gì.  

Ai nấy mới rà lại bàn mà ngồi. Bạch Yến kéo Tất Đắc biểu ngồi chung cái ghế ca na bê phía trong với cô đặng day mặt ra nói chuyện với mọi người cho tiện. Bạch Yến làm xáo trộn chương trình của cô Cẩm Hương đã sắp trước, nhưng cô Cẩm Hương liền lẹ trí cô liền sắp lại cô mời Võ Lộ với Tự Cao ngồi một bên còn bên nầy cô ngồi với Thứ Tiên thành thử cô cũng ngồi gần Tất Đắc được.  

Cô Cẩm Hương kêu chị bếp biểu đem nước đá. Cô nói có bánh mặn bánh ngọt, có cỏ-nhác mạnh có nước cam nhẹ, khách muốn dùng thứ nào thì tự ý mà tự liệu, cô không dám ép.  

Võ Lộ nói:

-          Tôi trung thành với chủ nghĩa của tôi, tôi vô khả vô bất khả, nên thứ nào cũng được hết.  

Cậu nói vậy rồi bưng ly lại bàn dựa vách mà rót cỏ nhác và pha sô đa;

Thứ Tiên nói:

-          Theo chủ nghĩa của tôi thì làm việc gì cũng phải giữ trật tự, xa rồi mới gần, quen rồi mới yêu, yêu rồi phải hiệp. Người ta nói "ăn uống " chớ không ai nói "uống ăn ". Vậy tôi ăn trước rồi uống sau. Huống chi tôi đi xem lễ từ hồi tảng sáng đến giờ, hồi trưa tiệm nào quán nào người ta cũng ăn uống chật nứt, đông không có chỗ trống. Tôi phải ngồi trên lề đường nít đỡ một tô hủ tiếu dằn bao tử vậy thôi. Bây giờ gặp săn uých với ba tê đây, tôi phải lo cho cái bao tử êm rồi sẽ uống. Cậu vừa nói vừa ăn săn uých.  

Cô Cẩm Hương thấy Tự Cao ngồi tỉnh queo, cô bèn hỏi:

-          Cậu muốn dùng rượu nào?  

-          Tự Cao tề chỉnh đáp:

-          Chủ nhà muốn đãi rượu nào thì tuỳ ý chủ nhà, chớ tôi muốn sao được. Nếu tôi muốn uống sâm banh hay uých ki mà chủ nhà không có rồi làm sao.  

Tất Đắc cười mà nói:

-          Anh Tự Cao cứ đeo chặt chủ nghĩa nên ảnh khó lắm. Anh đợi mời. Thôi tôi mời anh uống la ve với tôi.  

Cậu cậy Bạch Yến đưa giùm một chai la ve.  Cẩm Hương bưng một dĩa bánh mời Tự Cao, cậu mới chịu lấy một cái mà ăn, chớ không phải như Võ Lộ ăn uống tha hồ, không đợi mời ép.  

Bạch Yến khui một chai la ve đem lại, cô rót một ly mà mời Tự Cao rồi mới rót cho Tất Đắc.  

Thứ Tiên ăn hai ba cái săn uých, chêm thêm một cái ba tê nữa, rồi vuốt bụng mà nói:

-          Bao tử thỏa mãn rồi, bây giờ phải đổ nước cam vô cho mát đặng dễ tiêu.  
Cậu lấy một chai nước cam khui mà uống.  

Bạch Yến cũng rót nước cam cho Cẩm Hương với cô.  

Bây giờ Cẩm Hương mới hỏi Thứ Tiên gặp Tất Đắc ở đâu mà lên xe đi lại đây.  
Thứ Tiên nói:

-          Nhờ thần Ái tình mách bảo cho tôi hay bữa nay nhơn lễ Độc lập anh Tất Đắc sẽ về đặng phu thê sum hiệp nên tôi mới biết mà đón chớ.  

Ai nấy đều cười.

Cẩm Hương nói:

-          Năm trước tôi xin xâm trong Lăng Ông Thượng, xâm nói năm Ất Mùi sẽ có tin tức, rồi trong tháng Dậu, tháng Hợi sẽ hiệp hoà. Năm nay là năm Ất Mùi tháng 10 đây là tháng Hợi, vậy thì xâm nói trúng ngay thấy hôn các cậu?  

Bạch Yến nói:

-          Năm đó em đi coi một cô xác trên Phú nhuận, rồi sau có coi một cô xác khác ở đâu bên Thị Nghè. Mà hai cô xác cũng nói như nhau, nói em là duyên nợ của anh Tất Đắc, tuy ban đầu phân rẽ, người ở Đông chờ đợi, người ở Tây bôn ba, nhưng thế nào ngày sau cũng phải hòa hiệp. Lúc đó em không dám nói ra, nhưng em nghi ảnh đi qua Pháp mà học thêm nữa. Vì vậy nên em cương quyết chờ ảnh, thiệt quả không sai.  

Tất Đắc nói:

-          Tôi cũng bị nợ tình đó nên tôi mới đi qua Pháp. Hôm tháng 8 tôi thi đậu rồi, tôi muốn về liền. Bị ông Đại sứ Việt nam cầm tôi ở lại đặng bàn tính công việc kiến thiết quốc gia, nên tới tháng 10 đây tôi mới về được;

Cô Cẩm Hương nói:

-          Tháng 8 là tháng Dậu còn tháng 10 là tháng Hợi. Hồi tháng Dậu cậu đã tính về, rõ ràng xâm đã nói trúng quá, thấy hôn?  

Võ Lộ hỏi Tất Đắc:

-          Hồi nãy bạn nói hôm tháng 8 bạn thi đậu về ngành nào?  

Tất Đắc nói:

-          Đậu Bác vật về khoán sản.  

Tự Cao hỏi:

-          Thiệt hay chơi? Nầy, anh gạt phụ nữ lên ruột một lần rồi, đừng có báo hại lên ruột một lần nữa, hết vui đa.  

Tất Đắc nói:

-          Lần nầy Bác vật thiệt chớ không phải Bác vật giả nữa đâu. Có văn bằng hẳn hòi. Tôi để trong hoa ly lớn. Để mai tôi ra trụ sở của hãng máy bay tôi lãnh hoa ly rồi tôi trình văn bằng Bác vật cho mà coi.  

Bạch Yến nói:

-          Bác vậy hay không Bác vật cũng vậy. Em không cần.  

Cô Cẩm Hương nói:

-          Hồi trưa ăn cơm, bà Huyện cũng nói như em vậy. Cậu Tất Đắc nói vì cậu lỡ xưng là Bác vật, nên cậu hổ thẹn, cậu phải từ hôn mà trốn. Vì nợ tình lôi kéo; lại cũng vì mạng trời xui khiến, nên cậu phải trở qua Pháp mà lấy cho được bằng cấp Bác vật hầm mỏ thiệt cậu mới chịu trở về. Cậu nói như vậy mà coi bộ bà Huyện không vui gì lắm. Bà chỉ mừng cậu về đặng cưới em Bạch Yến cho em hết trông hết đợi mà thôi. Mà có điều nầy ngộ quá, là hồi cậu Tất Đắc giả xưng Bác vật lại bày nói hội bên Tây mướn đi Lèo mà tìm mỏ vàng mỏ bạc, thì bà Huyện không bằng lòng, bà cứ biểu viết thơ mà xin hủy lời hứa, đừng có đi Lèo làm chi. Bây giờ cậu Tất Đắc có bằng Bác vật chánh thức chớ không phải giả dối như hồi trước. Cậu nói thi đậu rồi có hội của người Pháp cậy cậu giúp đi xuống Phi Châu mà tìm mỏ dầu lửa, hứa chịu cho lương bổng rất hậu, mà cậu từ chối, quyết trở về đặng nếu Bạch Yến chưa lấy chồng khác thì cậu xin cưới em cho vẹn thỉ chung. Lại thêm Đại sứ Việt nam mời cậu đến mà bàn về cuộc kiến thiết quốc gia, về sự khuyếch trương kinh tế cho nước nhà đã được độc lập, vì vậy nên cậu sốt sắng trở về, trước cho thỏa tình, sau có giúp nước. Cậu nói hễ cưới vợ rồi cậu phải đi ra miệt Trung phần Việt nam nhứt là lên vùng Cao nguyên mà tìm hầm mỏ cho nhà nước. Cậu Tất Đắc nói cậu sẽ đi xa, mà bà Huyện coi bộ không buồn rồi em Bạch Yến nói cậu đi em sẽ đi theo đặng biết đất nước thì bà Huyện cũng không cản. Cái đó mới lạ kỳ chớ.  

Bạch Yến nói:

-          Má em không buồn không cản nữa, là vì hồi trước dưới chế độ thực dân, mình làm tay sai cho họ, phải xông pha trong rừng trong núi chịu hiểm nguy cực khổ cho họ hốt tiền bạc mà làm triệu phú, nên má em không bằng lòng. Má em nói bây giờ Việt nam đã độc lập rồi, con dân nam nữ trẻ già đều phải nổ lực mà phụng sự quốc gia, không được thối thoát.  

Võ Lộ nói:

-          Bà Huyện có lòng ái quốc, nhà có cơm tiền nó đủ, lại có một chút gái, mà bà sẵn sàng hy sinh sự vui sướng riêng để giúp cho cuộc lợi ích chung, lợi ích cho nước cho dân. Tuy tôi mang chủ nghĩa "Vô khả vô bất khả", song tôi cũng phải kính phục ý chí của bà. Có lẽ chúng ta là bọn thanh niên tân tiến, chúng ta phải rửa gội đầu óc lại, phải bỏ các chủ nghĩa mơ mộng, lãng mạn vu vơ, kỳ quái, mà thờ một chủ nghĩa chung là chủ nghĩa "Phụng sự quốc gia, thương yêu chủng tộc" mới khỏi lỗi thời, mới xứng danh phận tu mi nam tử.  

Tự Cao nói:

-          Dầu đổi chủ nghĩa cũng đừng quên tập tánh tự trọng tự cao, chớ muốn giúp nước giúp dân mà cứ mang cái thói hèn hạ,  bợ đỡ ở trên, bóc lột ở dưới, như chế độ thực dân hồi trước, thì hại chớ không phải giúp.  

Thứ Tiên mới nói:

-          Nãy giờ tôi ngồi lóng nghe nói chuyện, nghe người nầy nói qua, người kia nói lại, tôi nhận cuộc tình duyên của anh Tất Đắc với cô Bạch Yến nó hàm xúc lắm việc ly kỳ, nó biến chuyển một cách bất ngờ quá. Việc quấy hoá ra phải, việc hư hoá ra nên, việc buồn hoá ra vui, việc giễu cợt hoá ra thành thiệt. Cuộc tình duyên nầy nó còn gây nhiều ảnh hưởng lạ lùng khác nữa. Nó đổi tâm hồn mơ mộng vu vơ ra tâm hồn thực tế hạp thời. Mà nó con chỉ cho chúng ta thấy mình làm trai gặp đời hư hỏng rồi, nếu mình biết kiên tâm trì chí, mình cũng có thể biến đổi đời sống mục thúi ra đời sống thanh cao, đổi hư hỏng ra đắc dụng được. Năm trước tôi nhờ cô Cẩm Hương than phiền với tôi về sự anh Tất Đắc từ hôn mà đi mất, anh để thất vọng cho cô Bạch Yến, anh gây buồn tức cho bà Huyện với cô Đốc. Tôi vì chủ nghĩa "Nâng cao Ái tình" nên lãnh đi tìm anh Tất Đắc đem về đặng tròn chủ nghĩa thiên nhiên kỳ cựu của Tạo hoá. Tôi cực nhọc đi kiếm đến bảy tám tháng, mà không có hiệu quả gì hết.  
Hôm nay tình cờ mà lại gặp gỡ, lại sum hiệp, gặp gỡ ly kỳ, mà hoà hiệp cũng ly kỳ. Tôi hết tiếc công tôi tìm kiếm khắp nơi hồi năm trước mà tôi lại mừng có dịp lượm lặt được nhiều tài liệu quí giá để dùng mà viết thành một thiên phóng sự ấy được đầy đủ, tôi cần còn phỏng vấn anh Tất Đắc cho biết rõ năm trước thiệt tại lý do nào mà anh từ hôn, gởi thơ cho cô Bạch Yến mà trần tình rồi anh đi đâu mất kiếm không được, ra đi sao anh không chịu nói cho anh em trong nhà biết, đã lặn hụp trong đời sống vất vả, không có nghiệp nghệ, không có bạc tiền, anh làm thế nào mà đi qua Pháp được và làm sao có cơm ăn mà học tiếp đặng lấy bằng Bác vật khoáng sản cho được, lúc ở Pháp mà học đó anh có cho cô Bạch Yến biết hay không, sao khi học thành công rồi anh không cho anh Võ Lộ với anh Tự Cao hay, nhứt là sao không cho cô Cẩm Hương biết và dọ hỏi coi cô Bạch Yến còn thủ tiết mà chờ anh hay không, tại sao anh biết cô Bạch Yến không chịu bỏ anh mà đi lấy chồng khác nên về tới Sài gòn anh đi ngay vô nhà bà Huyện? Đó là những điểm tôi cần phải hỏi anh Tất Đắc.

Tôi viết tốc ký lẹ làng. Anh cứ nói cho tôi biên đặng tôi chép ngay lời lẽ do miệng anh thốt ra mà ghi vào thiên phóng sự. Hỏi anh rồi tôi sẽ xin phép mà phỏng vấn luôn cô Bạch Yến nữa đặng tôi biết coi, tại sao cô với bà Huyện biết anh Tất Đắc dùng chước điếm đàng giả danh Bác vật mà đào mỏ, nhưng bà với cô cũng vẫn còn yêu ảnh, tại sao ảnh viết thơ nói dứt khoát mà từ hôn, nhưng cô cũng vẫn nong nã tìm kiếm, mà tìm không được, cô còn cương quyết chờ đợi mặc dầu anh Võ Lộ với anh Tự Cao có cho biết anh Tất Đắc nói đến chết anh cũng không trở về Sài gòn nữa, tại sao hồi trước bà Huyện không chịu cho anh lên Lèo, mà bây giờ bà lại bằng lòng cho anh đi ra vùng rừng núi Trung phần Việt nam và cô Bạch Yến đòi đi theo bà cũng không cấm cản. Đó là những điểm tôi sẽ cậy cô Bạch Yến nói cho tôi biên nữa. Phải có hai bài phỏng vấn do những đương sự nói ngay cho tôi chép thì thiên phóng sự của tôi mới có giá trị tốt đẹp.  

Tất Đắc nói:

-          Tôi về tới tôi ghé thăm bà gia tôi với em Bạch Yến một chút rồi tôi muốn xin đi Cầu kho thăm chị Đốc học và trở lên Thái bình thăm hai anh bạn tôi. Còn bề ăn ở tôi cần phải có chỗ ở yên mà làm việc liền. Tôi tính hoặc về Thái Bình mà ở nữa hoặc xin với chị Đốc mà ở đậu đỡ ít ngày. Bà gia tôi không cho, bà nói đi máy bay mấy ngày đã mệt tôi cần ở đó mà nghĩ ít giờ. Bà sai người xuống rước chị Đốc lên đặng chị em mừng nhau. Ăn cơm trưa rồi chị Đốc về trước mà lo dọn tiệc trà. Tôi nghỉ đến 3 giờ rồi hai đứa tôi kêu xe lô đi xuống chợ Thái Bình, rước hai bạn tôi xuống đây hội hiệp với nhau cho vui. Đi dọc đường em Bạch Yến may gặp anh Thứ Tiên nên ngừng mời anh đi luôn. Còn bề ăn ở thì bà gia tôi dạy như vầy, nếu tôi cần làm việc liền thì nhà ở trên Tân định rộng rãi lại yên tịnh. Tôi nên ở luôn trên đó mà làm việc, có người lo áo quần cơm nước cho. Bà để riêng cho tôi một cái phòng êm lắm. Đã biết vợ chồng chưa cưới mà ở chung một nhà thì trái mắt thiên hạ. Nhưng mình sống cho mình chớ không phải sống cho thiên hạ. Huống chi bà gia tôi đã biết tâm chí tôi nên bà không ái ngại đâu mà lo. Rồi đây hai đứa tôi phải rước bà mai trở lên Tân định ăn cơm với bà gia tôi và vài người trong thân tộc đặng bàn tính lễ cưới cho xong. Mới về tới công việc của tôi còn bận rộn lắm. Sáng mai tôi phải đi lãnh hành lý và giấy tờ.  
Buổi chiều tôi phải tiếp xúc với những nhà chức trách có thẩm quyền về ngành khai thác hầm mỏ đặng lãnh hồ sơ về nhà mà nghiên cứu. Vậy tôi sẵn lòng để cho anh Thứ Tiên phỏng vấn tôi, nhưng tôi xin anh chờ vài bữa cho tôi rảnh và anh lên Tân Định lúc ban đêm tôi mới có thì giờ mà tiếp chuyện với anh được.  

Bạch Yến nói:

-          Em cũng vui lòng để cho anh Thứ Tiên phỏng vấn. Hễ anh hỏi xong anh Tất Đắc rồi, anh muốn hỏi em điều chi em sẽ nói ngay cho anh biên, ý em thể nào em sẽ nói y cho anh viết, em không giấu giếm chi hết.

Thứ Tiên cám ơn và hẹn trong 3 ngày nữa buổi tối cậu sẽ bắt đầu lên Tân Định mà phỏng vấn.  

Tiệc trà đã mãn. Cuộc vui tái hội cũng đã vừa rồi. Trời sẫm tối, đèn điện ngoài đường đều bựt cháy. Thứ Tiên nói ngày nay đi mệt mỏi nên cáo từ về trước. Tất Đắc mời Võ Lộ với Tự Cao chờ cô Cẩm Hương sửa soạn đặng sẵn có xe hơi đưa hai bạn về chợ Thái Bình rồi xe sẽ rẽ về Tân Định.  

Thứ Tiên,  suy nghĩ mà viết trước mấy câu hỏi sẵn, rồi cách ba đêm sau cậu mới lên phỏng vấn Tất Đắc với Bạch Yến mà biên, hỏi riêng từng người và biên y theo lời đáp, không sửa đổi một câu hoặc một chữ nào hết.


| trang đầu |đầu trang | tiểu thuyết | Chương: 01 02 03 04 05 06