HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

27-10-2012
 
Ðỗ Nương Báo Oán
Chương IX - TUẤN-KIỆT NHÌN THỜI-CUỘC

Trời mùa xuân xanh lè, gió bấc mát-mẻ. Buổi sớm mai ánh nắng giọi đầu nhành, ngọn cỏ sáng lòa, ngoài sông Tiền-Giang thuyền buôn lại qua trương buồm trắng nõa.

Minh-Giám đương ngồi tại cái bàn giữa nhà mà uống trà đối diện vời Thanh-Nhân và Võ-Nhàn. Hai vị chỉ-huy nầy nóng-nảy muốn nhơn dịp Nguyễn-Huệ còn ở Phan-Yên đem binh Đông-Sơn lên đánh cho Huệ biết tài lực, biết khí hùng của tường-sĩ Gia-Định. Minh-Giám gặc đầu, vừa chúm-chím cười, vừa nòi: “Mấy ông muốn thử sức với Huệ. Tôi cũng muốn lắm. Thuở nay nghe Huệ là kiện tướng, gồm đủ trí dõng lược thao, tôi cũng muốn thấy tài-năng của người rõ-ràng, để nhận xét coi đại danh ấy thiệt hay giả. Nhưng chiến với Huệ mà binh mình ít còn binh Huệ đông, một phải chống với mười, muốn thắng lợi thì phải cậy chước quỉ mưu thần, chớ theo cái chiến-thuảt dàn binh dã-chiến thì chắc-chắn mình sẽ thất-bại. Mà hễ thất-bại thì ngu lắm, vì Huệ có binh đông, nó dùng cái thuật sóng người, xua binh đè bẹp Đông-Sơn thì bên mình chết hết không còn một con đỏ”.

Đỗ Nương-nương, từ bữa dược nghe Minh-Giám cắt nghĩa chiến-lược, thì nàng cảm phục tài trí của ông, kính ông là bực siêu-đẳng anh-hùng, tối-thượng nhơn-vật của đất nước Gia-Định. Nay nghe ông nói muốn đánh bại Nguyễn-Huệ thì phải cậy mưu thần chước quỉ, nàng cứ xẩn-bẩn sau lưng cha, có ý lóng nghe mưu chước của ông Minh-Giám coi kỳ-quái thế nào đặng học thêm khoa chiến lược.

Minh-Giám chưa kịp bày tỏ ý kiến thì có hai chiến-sĩ thú đồn ngoài vàm vào báo rằng ông Hồ-Văn-Lân xưng là quan Hộ-giá của Chúa Định-Vương hồi trước, ngồi một chiếc thuyền nhỏ ghé đồn xin phép vào viếng Đỗ Chỉ-Huy với Trần Tham-Mưu.

Minh-Giám và Thanh-Nhân đều có thiện-cảm với Hồ-Văn-Lân, nên nghe nói có Lân đến kiếm thăm thì hớn-hở vui mừng, liền cậy Võ-Nhàn ra ngoài vàm rước Lân vào đặng hỏi thăm coi thiệt hai Chúa có tử-nạn hay không và các bộ-hạ ai còn ai mất.

Thanh-Nhân lại dạy Đỗ Nương-nương biểu người nhà bắt heo làm thịt đặng khoản đãi cố-giao, vì trong bốn vị Hộ-giá có Hồ-Văn-Lân với Lê-Đại-Chí hiểu biết trí ý của nghĩa-binh Đông-Sơn, có lẽ tại vậy nên được thoát nạn, Hồ-Văn-Lân mới đến đây xin hiệp-tác.

Chừng hay Võ-Nhàn rước Hồ-Văn-Lân vào gần tới bến, hai người mới bước ra sân nghinh tiếp cố nhơn. Cùng nhau mừng-rỡ xong rồi, Thanh-Nhân mời bạn vô nhà, kêu người nhà lấy rượu uống chấm-chút đặng đàm-đạo.

Minh-Giám khởi đầu nói: “Tuy chúng tôi về giồng giải giáp, song chúng tôi không hề quên cái mục-đích giúp nước cứu dân. Chúng tôi lóng nghe tin-tức xa gần, nhứt là tin-tức về thành Phan-Yên, vì đó là địa-đầu của đất Gia-Định, mặc dầu có binh tướng hùng-dõng của Đại Nguyên-Soái Lý-Tài oai trấn, nhưng chúng tôi cũng vẫn lo-ngại về mạng vận của hai Chúa, nên không an lòng. Năm ngoái chúng lôi nghe Nguyễn-Lữ với Nguyễn-Huệ sắp đem ba muôn binh phân thủy bộ vào đánh. Chúng tôi nóng lòng hết sức, nhưng vì không dám trái ý với đức Tân-Chánh Vương, chúng tôi đã giải tán nghĩa-binh Đông-Sơn, có còn Lực-Lượng gì đâu mà huy-động. Sau chúng tôi nghe Thái-Thượng Hoàng tránh trước rồi kế Tân-Chánh Vương cũng lui sau, chúng tôi mừng cho hai Chúa thấy hiểm-họa mà lánh trước, mong rằng Đại Nguyên-Soái Lý-Tài sẽ đánh phá Tây-Sơn đặng cứu Chúa thủ thành. Té ra cách đây chẳng bao lâu, chúng tôi lại liên-tiếp nghe những tin như sấm-sét, nghe Đại Nguyên-Soái Lý-Tài bỏ thành chạy lên Biên-Trấn mà trốn, bị giặc đón bắt giết sạch, không sót một tên quân, nghe Tân-Chánh Vương chạy xuống Ba Vát rồi thọ hại sau lại còn nghe Thái-Thượng Hoàng trốn xuống Cà-Mau mà cũng không thoát khỏi tay Tây-Sơn. Chúng tôi nghe như vậy thì hết sức đau đớn. Làm thần-dân mà để cho Chúa mắc nạn, không đưa tay nưng đỡ, thì hổ-thẹn vô cùng. Những tin chúng tôi nghe đó có quả thiệt như vậy hay là họ đồn huyển ? Xin Hồ-quân nói cho chúng tôi biết một chút”.

Hồ-Văn-Lâu ứa nước mắt mà đáp: “Tin ông nghe đó đều đúng sự thật. Chúa Thái-Tthượng Hoàng được chúng tôi phò đi trước, chúng tôi đưa thẳng vô tới Cà-Mau. Tưởng là trốn nơi hẻo-lánh như vậy Chúa sẽ được an thân, nào dè Nguyễn-Huệ rượt theo bắt Chúa mà hành-quyết ! Đau-đớn hết sức !

Thanh-Nhân bực-tức nên chận hỏi:

- Các quan Hộ-giá cũng bị giết với chúa chỉ sót có một minh Hồ-quân thoát khỏi nên về đây hay sao ?

- Không. Chúng tôi thoát khỏi được ba người với Hoàng-Tử Nguyễn-Phước-Ánh. Chỉ có một mình Lê-Đại-Chí chết với Chúa mà thôi.

Minh-Giám chắt lưỡi mà than: “Tội nghiệp cho ông bạn Đại-Chí quá ! Ngày chúng tôi vào tâu với Chúa xin để thành cho binh-tướng của Tân-Chánh Vương gìn-giữ, chúng tôi đem nghĩa-binh Đông-Sơn về Ba Giồng. Khi trở về tới sân, Đại-Chí níu tôi lại tỏ tình quyến luyến. Tôi biết người nhận thấy cái nguy sắp đến, người muốn đi theo chúng tôi, ngặt quân-thần là đạo-trọng, người không nỡ bỏ Chúa mà thoát nạn. Vì người ôm-ấp cái đạo ấy người mới chết với Chúa. Sát thân dĩ thành-nhân, xá sanh nhi thủ nghĩa, Đại-Chí là nhà nho-học, người giữ tròn đạo nhân với đạo nghĩa thì phải, nên cái chết của người không lạ gì”.

Thanh-Nhân giận nói lớn: “Ở đời có nhiều việc làm cho mình bực-tức hết sức. Người mù quáng họ làm bậy thì họ chết đã đành. Tức là tức người sáng-suốt mà bị nhân với nghĩa buộc ràng rồi phải chết với kẻ mù quáng. Khổ là tại chỗ đó. Về việc của mình đây, Tân-Chánh Vương không biết nhận xét thời-cuộc, cũng không hiểu nhơn-tình, gặp thằng Lý-Tài là thằng điếm trục lợi tham danh, nghe nó khoe-khoang tài trí thì mê rồi giao cả mạng vận nước nhà cho nó. Chừng hữu-sự thì mới hay nó là đồ vô dụng thì trễ rồi, Tân-Chánh Vương với Lý-Tài gieo họa thì phải chết với họa của mình là phải rồi. Tội-nghiệp cho Thái-Thượng Hoàng chỉ vì quen nhu-nhược mà thôi, nhứt là tội-nghiệp cho Đại-Chí sáng-suốt với đám mù-quáng, nghĩ tới chỗ đó thiệt đáng buồn. Hôm nay Hồ quân tưởng tình anh em nên đến thăm chúng tôi, chúng tôi muốn mời Hồ-quân ở luôn lại đây với chúng tôi. Tuy anh em Đông-Sơn của chúng tôi tài trí không có gì, lực-lượng không đáng kể, song chúng tôi có chí lớn, có lòng thành, chúng tôi đoàn kết thành một khối đồng sanh đồng tử. Hồ-quân ở đây tịnh-dưỡng tinh-thần, nếu có họa, chúng tôi chết hết rồi Hồ-quân mới chết sau, chúng tôi không như họ, bình thường thì khoe-khoang rùm beng, chừng hữu-sự thì chạy trốn trước, bỏ cho Hồ-qnân bị hại đâu”.

Hồ-Văn-Lân ngó ngay Thanh-Nhân mà đáp

- Tôi rất cám ơn Đỗ Chỉ-Huy, vì thương xót thân phận tôi nên mới cạn lời như vậy. Ngặt đạo làm người chẳng phải có cái thân mà thôi, còn có cái nghĩa nó quí hơn thân nữa, ông Đại-Chí vì cái nghĩa mà ổng hủy thân. Tuy tôi là võ-tướng, song có lẽ nào tôi vì an thân mà bỏ cái nghĩa cho được.

- Hai Chúa đã chết hết rồi, ông còn cái nghĩa đối với Chúa nữa đâu ?

- Hai Chúa mất mà Hoàng-tử Ánh còn.

- Nhiệm-vụ của ông là phò Chúa Định-Vương mà thôi, chớ có phải phò tất cả thân-quyến của Chúa đâu mà ông lo.

- Trong nước phải có một Chúa là tượng-trưng của quốc-gia. Chúa Định-Vương mất thì Chúa Tân-Chánh Vương thay. Chúa Tân-Chánh Vương mất nữa thì tự-nhiên Hoàng-tử Nguyễn-Phước-Ánh thay thế. Tôi là tướng của Triều-đình, tôi phải phò Hoàng-tử Ánh lo phục-nghiệp. Đó là nghĩa-vụ của tôi. Tôi không được phép trốn tránh.

- Nghĩa-binh Đông-Sơn chúng tôi không phải là tôi của Triều-đình. Chúng tôi không có mang cái nghĩa-vụ đó.

- Các ông không có làm quan, nhưng các ông là dân trong nước. Các ông cũng có cái nghĩa-vụ thần-dân đối với quân-vuơng chớ.

- Chúng tôi bị quân-vương bạc đãi thì có, chớ có chịu ân-huệ gì của quân-vương đâu mà có nghĩa-vụ ?

- Mấy ông nhờ cái gì mà ung-đúc được tinh-thần quốc gia, biết thương nước thương dân ? Không phải nhờ vua chúa hay sao ?

- Không. Không phải vậy. Chúng tôi sanh-trưởng trong đất Gia-Định, là vùng ông cha của chúng tôi liều xương máu mà chiếm cứ, rồi rưới mồ hôi nước mắt mà khai-thác. Chúng tôi nhờ hy-sinh với công-lao của tổ-tiên mà nung đúc tinh-thần quốc-gia, thương đất nước, thương giống-nòi, chớ có nhờ cái gì khác đâu. Chúng tôi nói thiệt, nếu Tây-Sơn quyết vào thâu đoạt đất nước của ông cha chúng tôi thì chúng tôi cũng quyết chống cự đến giọt máu cuối cùng, chừng nào chúng tôi chết hết rồi, Tây-Sơn mới làm chủ đất nước nầy được.

Minh-Giám ngồi nghe hai người cãi với nhau tới đây thì ông cười ngất rồi đưa tay vỗ vai Hồ-Văn-Lân mà hỏi:

- Bây giờ ông hiểu tâm hồn của người Gia-Định hay chưa ?

- Hiểu rồi.

- Ừ, ở đây mọi người đều như vậy hết thảy. Có cái gì trong bụng thì trụt ra hết, không thèm giấu-giếm vì ghét cái thói phách lối, láo-xược, giả-dối, bợ-đỡ. Mà kìa cơm đã dọn rồi, tôi đã đói bụng, vậy xin mời Hồ-quân đi dùng cơm với anh em tôi rồi sẽ nói chuyện tiếp.

Thanh-Nhân, Hồ-Văn-Lân, Minh-Giám với Võ-Nhàn đồng ngồi lại ăn uống. Minh-Giám thì vui-vẻ nói nói cười cuời không ngớt, Hồ-Văn-Lân thì trầm-tĩnh, sắc mặt có vẻ ưu-tư.

Ăn uống rồi, Minh-Giám mới hỏi Hồ-Văn-Lân:

- Hồi nãy Hồ-quân nói Định-Vương với Tân-Chánh Vương mất rồi nhưng còn Hoàng-tử Ánh. Hoàng-Tử bây giờ ở đâu ?

- Ở trong Cà-Mau.

- Ở với ai ? Có binh tướng phò tá hay không ?

- Hôm tôi từ biệt ra đi thi chỉ có hai ông Trương-Hậu với Hà-Khâm mà thôi, chớ không có ai nữa. Vẫn còn ẩn núp, nên chưa dám chiêu-mộ binh-sĩ.

- Ông đi bao giờ ?

- Đã một tháng rưỡi rồi.

- Ông đi đâu chớ không lẽ ở Cà-Mau lên đây mà ông đi tới một tháng rưỡi.

- Tôi đi tìm mấy ông, mà vì không thông đường đi nước bước, hỏi thăm Đông-Sơn không ai biết ở đâu mà chỉ. Tôi đi lẩn-quẩn bên Trà-Mơn, Lai-Vung, rồi đi qua Sa-Đéc, hỏi thăm lần lần mới biết mà đến đây.

- Còn Hoàng-Tử Ánh vất-vả trong lúc binh-tướng Tây-Sơn đương hoành-hành trong đất Gia-Định, sao ông không phò Hoàng-Tử lại bỏ mà đi ?

- Hoàng-Tử chơi-vơi không nơi nương dựa, không người phò-trì, ngài sai tôi đi tìm anh-hùng, nghĩa-sĩ Gia-Định mà cầu cứu. Ngài nhớ hùng-dõng của nghĩa-binh Đông-Sơn năm trước đã thành-thiệt tận-tâm cứu quốc cần vương, nên ngài căn dặn tôi phải rán tìm cho được mấy ông đặng yêu-cầu đưa tay cứu vớt. Hai quan Hộ-giá Hà-Khâm với Trương-Hậu cũng theo thôi-thúc tôi phải đi vì năm trước tôi có gây nhiều ít cảm-tình với mấy ông, bởi vậy có tôi mới có thể yêu cầu mấy ông được.

- Thiệt nghĩa-binh Đông-Sơn có cảm-tình với ông Đại-Chí và Hồ-quân nhiều lắm. Gặp được Hồ-quân, anh em chúng tôi hết sức vui-mừng. Nghe Đại-Chí mất, anh em chúng tôi hết sức thương tiếc. Trời khiến chúng ta còn được tái-hiệp hôm nay, nếu Hồ-quân không chê chúng tôi là đám thôn-phu quê dốt, Hồ-quân chịu ở đây mà dạy cho chúng tôi biết lễ-nghi triều-đình, được như vậy thì chúng tôi cảm tình kính đức vô hạn. Còn nếu Hồ-quân ép buộc chúng tôi phải trở ra giúp Chúa phò vua nữa, điều đó chúng tôi xin từ ngay, từ hẳn, vì chúng tôi đã chán rồi, liều chết mà không được ơn, lại còn khinh bạc, thì có cái gì khuyến-khích mà làm hoài cho được.

- Thật tôi nhìn nhận lãnh-đạm với mấy ông là Chúa Định-Vương, còn khinh-bạc mấy ông là Chúa Tân-Chánh Vương. Nay hai Chúa đã mất rồi, mấy ông không nên phiền trách nữa. Hoàng-tử Ánh tuy còn trẻ tuổi, song ngài biết cảm nghĩa cảm ân, ngài thường khen ngợi tài đức của mấy ông hoài, nhứt là nhắc-nhở Đỗ Nương-nương, vì năm trước dự xem Nương-nương diễn võ, ngài kính-phục tài xạ tiễn và phi kiếm của Nương-nương, ngài bái Nương-nương là thần tài Trời cho giáng-thế để an dân giúp nước.

Thanh-Nhân cười ngạo mà nói: “Con gái luyện tập chút đỉnh mà chơi, tài trí bao nhiêu mà an dân cứu quốc. Hồ-quân nên lấy thành-thiệt mà đãi nhau, chẳng nên dùng chước mà phỉnh-phờ. Tôi nói thiệt, nghĩa-binh Đông-Sơn bị khinh-bạc nhưng không lem-luốc, thối-bộ để dưỡng tinh-thần, chớ không nản chí mà tan rã. Nghĩa-binh Đông-Sơn đứng tránh một bên mà dòm thiên-hạ, chờ thời rồi sẽ tái xuất mà tung-hoành. Chánh lúc nầy là lúc hợp thời, Hồ-quân chờ trong ít ngày rồi sẽ thấy Đông-Sơn xuất-hiện, mà xuất-hiện với quyền tự chủ, chớ không phải xuất-hiện đặng gìn-giữ sự nghiệp của ông cha. Hoàng-Tử Ánh muốn giữ-gìn ngôi Chúa thì tự lo lấy. Đông-Sơn mắc bận việc riêng, không thể giúp cho ai được”.

Minh-Giám tiếp nói: “Lời của Đỗ Chỉ-Huy mới nói đó là lời thành-thiệt, xin Hồ-quân về thưa lại với Hoàng-Tử, khuyên ngài đi ngõ cửa khác mà kiếm người nâng đỡ ngai vàng. Đất Gia-Định còn nhiều chí-sĩ tài-nhơn, nếu ngài có thiện-chí, có đại-đức, biết lấy sáng suốt mà xử sự, biết dùng nhơn-nghĩa mà chiêu hiền, thì thiếu chi người tá-trợ”.

Hồ-Văn-Lân nhận thấy hai lãnh tụ Đông-Sơn đều từ khước, vẫn còn hăng-hái liệu lo cứu nước, nhưng đã chán-nản hết muốn phò vua thì ông buồn hiu. Ông ngồi suy nghĩ một chút rồi ông than: “Hai ông nói rằng đất Gia-Định không thiếu gì nhơn-tài. Nhưng có nhơn-tài mà họ không khứng ra giúp thì cũng như không có. Tôi đến Lai-Vung, tôi có gặp được ông Nguyễn-Văn-Hoằng, rồi qua Sa-Đéc tôi có gặp hai anh em Tống-Phước-Khuông và Tống-Phước-Lương. Tôi yêu cầu mấy ông đó thì cả ba ông đều sốt-sắng chịu ra phò vua giúp nước”.

Minh-Giám vội-vã nói: “Đó, mấy người đó được rồi. Tôi có nghe danh Nguyễn-Văn-Hoằng. Họ đồn người đó khiêm-tốn, tánh-tình thuần-hậu lắm. Còn Tống-Phước-Khuông với Tống-Phước-Lương là con cháu của cụ Lưu-Thú Long-Hồ Tống-Phước-Hiệp. Vốn là nhà quan, tự-nhiên họ tận-tâm phò Chúa. Vậy thì nên cầu ba người đó ra giúp liền đi”.

Hồ-Văn-Lân dụ-dự rồi mới đáp:

- Ba người thiệt sốt-sắng, nhưng không có binh sẵn.

- Thì có tướng-sĩ rồi sẽ mộ binh, chớ làm sao mà có binh sẵn được.

- Mấy ông có binh đó. Mấy ông nói đem binh về Ba Giồng giải giáp đặng làm ruộng câu cá mà ăn. Tôi thấy ngoài mé sông cái có đồn lũy, đồn nào cũng chứa binh đông nức.

- Đời loạn phải phòng-bị chớ sao. Không lẽ nằm chờ giặc tới đặng bó tay mà chịu chết.

- Binh Tây-Sơn có tràn tới vùng nầy hay chưa ?

- Chúng tôi có ý đợi chờ, nhưng không thấy giặc lai vãng. Chúng tôi đương bàn tính vì giặc không thèm tới thì phải đi tìm giặc, chớ không lẽ chờ hoài.

- Mấy ông tính xuất binh đánh Tây-Sơn hay sao ?

- Có lẽ phải vậy. Nếu Tây-Sơn muốn tránh thì Đông-Sơn phải đi tìm, chớ nếu Đông-Sơn cũng tránh nữa thì bao giờ mới gặp mặt.

- Cha chả ! Nghe nói binh Tây-Sơn cũng nhiều lắm, vô tới mấy muôn.

Thanh-Nhân cười mà nói: “Nhiều thi đánh theo nhiều, còn ít thì đánh theo ít. Chúng tôi còn chờ tin-tức cho đầy đủ rồi sẽ tấn binh. Có lẽ trong năm mười bữa nữa chớ không lâu đâu.

Hồ-Văn-Lân vội-vã đáp: “Tôi đi đã lâu rồi, tôi phải trở về gấp kẻo Hoàng-Tử trông. Về tôi nói tôi có gặp được mấy ông, chắc Hoàng-Tử mừng lắm. Mà chừng nghe mấy ông không chịu giúp, chắc ngài sẽ thất vọng nản chí”.

Minh-Giám nói: “Hồ-quân về thưa lại với Hoàng-Tử rằng nghĩa-binh Đông-Sơn đuổi theo một chí-hướng riêng chớ không có ác-cảm gì với ngài. Vậy ngài cứ chiêu-mộ tướng-sĩ để lo cuộc trung-hưng, cũng như Đông-Sơn cương-quyết giữ-gìn đất-nước. Tây-Sơn là mối thù chung của hai đàng. Tuy hai nhóm đi hai ngã, nhưng cả hai đều nhắm một mục-đích chung là tiêu-diệt Tây-Sơn. Để đạt mục-đó đó rồi chúng ta sẽ nói chuyện với nhau. Nếu không có cớ mà phân-ly, thì sự liên-hiệp chắc không khó gì. Nếu hai bên đều lấy lòng thành-tín mà đãi nhau, không gieo ác-cảm, không gây thù hềm, thì việc khó cũng có thể hóa ra dễ được”

Hồ-Văn-Lân ở nói chuyện đến xế, không yêu-cầu binh tướng Đông-Sơn giúp Hoàng-Tử Ánh nữa, mà chừng ông từ mà về; Thanh-Nhân với Minh-Giám cũng không cầm. Chừng Võ-Nhàn đưa Hồ-Văn-Lân đi ra vàm rồi thì Minh-Giám mới nói với Thanh-Nhân:

- Ông từ, không chịu giúp Hoàng-Tử Ánh là phải lắm. Mình không phải là tay sai của họ nên có việc thì họ kêu, hết việc thì họ đuổi. Tôi cũng tiếp theo ông mà từ-khước, làm cho họ hết lên mặt ngồi cao mà khinh bạc người ta.

- Đời loạn ai mạnh thì làm chúa. Vậy mình mong làm cho mình mạnh mà thôi.

- Ông Hồ thấy mình không phục-tùng, ổng lật đật đi về liền, ông biết tại sao vậy hay không? Về cho Hoàng-Tử hay rồi xin ngài phải đích thân tới đây mà yêu-cầu mình.

- Ông nói có lý. Người ta đã biết tài lực của nghĩa-binh Đông-Sơn, nghe nói mình sắp chiến với Tây-Sơn, chắc lực-lượng của mình đầy đủ. Chắc chắn người ta sẽ đeo theo minh, chớ không chịu bỏ đâu. Nếu Hoàng-Tử có đến, để Hoàng-Tử nói thế nào, rồi mình sẽ lập thái-độ mà đối-phó.

- Hoàng-Tử có yêu-cầu phò-tá thì ông cứ từ khước. Liên-hiệp thì được, chớ phò-tá thì đừng chịu. Liên-hiệp thì còn đủ oai-quyền, tự-do hành-động, chớ phò-tá người ta sai đâu phải làm đó.

- Tôi hiểu rồi.

Trung-Cự đi do-thám về báo tin. Nguyễn-Huệ với Nguyễn-Lữ rút binh chở về Qui-Nhơn, để lại Phan-Yên có 5.000 giao cho Tổng-Đốc Châu điều-khiển.

Minh-Giám nói: “Huệ đã đem đại binh về thì mình không cần đánh gắp, Tổng-Đốc Châu với 5.000 binh bất quá giữ thành Phan-Yên, chớ không chiếm đất Gia-Định được mà mình phải lo. Để chậm chậm ít bữa cho tôi tính coi phải làm thế nào, hễ phá tan đạo binh của Châu, khắc-phục thành Phan-Yên rồi thì phải đi luôn ra chiếm Bình-Thuận, Khánh-Hòa liền, phải bành-trướng thinh-thế, cho Tây-Sơn phân tán lực-lượng mà ngăn cản, chớ nếu mình chiếm Phan-Trấn rồi cứ lục-đục ở đó mà giữ, Tây-Sơn đem toàn-lực vào mà đánh úp nữa, thì cái họa trước sẽ diễn đi diễn lại hoài, cuộc thành công bình-dịnh chừng nào mời thâu-thập được”.

Thanh-Nhân nói:

- Hiện giờ binh mình đã được ba ngàn rưỡi rồi, lương-thực đầy đủ, binh-khí sẵn-sàng.

- Chớ chi binh được 5.000, khắc-phục Phan-Yên rồi để 1.000 ở lại giữ thành, còn đem 4.000 ra đánh đàng ngoài thì mạnh-mẽ lắm.

- Vậy thì phải mộ binh thêm.

- Đó là điều cần nhứt. Nếu Đông-Sơn mà có binh đông cũng như Tây-Sơn, chúng ta sẽ hoạt-động mạnh hơn Tây-Sơn bội phần. Chúng ta có thể đánh rốc ra tới Qui-Nhơn. Nhưng đánh được chỗ nào phải có binh chiếm giữ chỗ đó, chớ đánh thắng rồi bỏ mà đi cũng thư không.

- Phải có binh tới năm ba muôn thi-hành chánh-sách đó mới được. Chúng ta có chí mà không có thế-lực nên khó mà làm việc lớn. Như chúng ta trở về đây đã gần hai năm rồi, chúng ta tuyên-truyền, chúng ta dùng đủ phương-pháp mà khuyên-dụ, nhưng chúng ta mới thêm được có một ngàn binh mà thôi. Cứ theo cái đà đó mà tiến-bộ, thì biết chừng nào chúng ta mới có đủ lực-lượng mà làm việc lớn.

- Tôi đã già rồi. Việc cần phải làm gấp không thể trì-hưởn nữa. Hôm nọ chúng ta nói chuyện với ông Hồ-Văn-Lân, chúng ta cương-ngạnh tỏ ý muốn hành-động tự-do, không chịu phục-tùng Hoàng-Tử Ánh. Mình phải nói như vậy đặng Hoàng-Tử kiêng-nể không dám bắt mình phải uật-hạ. Mình chớ quên Hoàng-Tử còn oai-tín giữa dân gian nhiều lắm. Mình cần phải dua theo ngài đặng cậy oai-tín ấy mà chiêu-mộ dân cường-tráng để lập thành quân-đội cho đông và thâu-phục sĩ-phu để tổ-chức chánh trị. Phải có quan mới có người kêu gọi nhơn-dân ra làm binh lính và cung-cấp luơng-thực cho binh-lính no mà đánh giặc. Mình lo dẹp giặc, Hoàng-Tử lo đặt quan cai-trị, hai ngành phải đi đôi với nhau mới mau thành-công.

- Nếu cần phải làm như vậy mới tổ-chức binh-đội mạnh-mẽ được thì tôi chịu hiệp-tác. Xin nhớ hiệp-tác chớ không phải phục-tùng. Mà ông Hồ-Văn-Lân đã đi mất rồi, mình làm sao gặp được Hoàng-Tử mà nói chuyện.

- Ông đừng lo. Ông Hồ-Văn-Lân thấy mình kháng-cự lật-đật đi về, ý ổng tính về rước Hoàng-Tử lên đây đặng bổn thân ngài khuyến dụ mình vì ổng không có thể nói cho xiêu lòng mình được. Trong ít ngày sẽ có Hoàng-Tử đến đây cho mà coi. Tôi dặn trước ông, nếu Hoàng-Tử đến, ông phải làm lễ tôi chúa mà nghinh-tiếp. Còn nghị-sự thì xin ông phú cho tôi thay mặt mà bàn tính. Phải làm như vậy đặng tôi mượn cớ ông không chịu phục tùng rồi tôi đòi cho Đông-Sơn có đủ quyền hành-động, tự-do về quân-sự không ai được xâm-phạm.

- Hay ! Mưu sâu-sắc thiệt. Tôi muốn hễ Hoàng-Tử chịu hiệp-tác vời Đông-Sơn thì mình phải sắp-đặt đánh với Tây-Sơn một trận đổ lửa đặng Hoàng-Tử thấy tài-lực của Đông-Sơn.

- Được. Muốn đánh bữa nào cũng được hết. Hễ đánh thì thắng.

- Vậy thì kể từ ngày mai tôi sẽ đi đến mỗi giồng mà duyệt binh và dặn các Chỉ-huy trưởng phải chuẩn-bị sẵn-sàng đợi ngày xuất binh.

Trong mấy ngày sau, bữa nào Thanh-Nhân cũng cỡi ngựa đi khắp mấy giồng mà duyệt binh, truyền lịnh, nay đi giồng nầy mai đi giồng khác. Đỗ Nương-nương xin phép đi theo cha, rồi nàng cỡi ngựa đi một bên, tướng-mạo hùng-hào, oai-khí lẫm-liệt, tướng-sĩ nào thấy cũng kiêng-nể.

Minh-Giám đoán không sai. Thiệt quả không tới mười bữa, lúc trời vừa sáng thì hai tên quân thủ đồn ngoài vàm vào báo có thuyền của Hoàng-Tử Nguyễn-Phước-Ánh và Hoàng-Tử xin cho vào thăm Tổng Chỉ-Huy với Tham-Mưu Trưởng.

Muốn cho cuộc tiếp rước có vẻ niềm-nỡ, Thanh-Nhân với Minh-Giám đồng xuống một chiếc thuyền nhỏ đi ra vàm. Thấy có một chiếc thuyền đậu gần đồn, lại có Hồ-Văn-Lân đứng trước mũi, Minh-Giám biểu trạo-phu cặp lại đó. Chủ khách vui-vẻ chào nhau, Hồ-Văn-Lân nói: “Tôi về đọc đường gặp Hoàng-Tử đi kiếm tôi. Tôi thưa cho Hoàng-Tử hay tôi tìm được thủ-lãnh nghĩa-binh Đông-Sơn tại Ba Giồng đương sắp-đặt đem binh đánh Tây-Sơn báo thù cho Chúa. Hoàng-Tử mừng quá liền dạy tôi sang qua thuyền của ngài đặng dẫn đường cho ngài đì viếng mấy ông. Vậy tôi xin mời mấy ông qua đặng giáp mặt Hoàng-Tử”.

Thanh-Nhân với Minh-Giám vừa bước qua thì Hoàng-Tử Ánh ở trong mui cũng vừa chun ra. Ba người thi lễ rồi Minh-Giám liền nói: “Hôm nọ chúng tôi nghe Hồ-quân xác-nhận hai Chúa đều tử nạn thì chúng tôi hết sức buồn, nhưng nghe nói Hoàng-Tử được thoát khỏi tai họa thì chúng tôi rất mừng cho Hoàng-Tử. Hôm nay tình cờ hay Hoàng-Tử mông-trần đến chỗ hẻo lánh nầy, chúng tôi mừng quá, vội-vã ra tiếp ngài, không kịp thay áo. Vậy anh em chúng tôi nhơn danh nghĩa-binh Đông-Sơn kính-cẩn thỉnh Hoàng-Tử vào trại nghỉ-ngơi một đôi bữa đặng đàm đạo với nhau về nạn dân ách nước”.

Hoàng-Tử nói: “Khi ở thành Phan-Yên, nghe tin Tây-Sơn đem đại binh vào đánh thì Thái-Thượng Hoàng dạy tôi với các quan xuống thuyền đặng cùng Hoàng-Thượng tỵ nạn. Tôi tâu với Hoàng-Thượng nên xuống Ba Giồng yêu-cầu mấy ông cho tá túc. Hoàng-Thượng sợ mấy ông hờn về việc trước nên không dám xuống đây, bỏ chạy thẳng tới Cà-Mau nên mới thọ hại. Tôi luôn-luôn có lòng ái-mộ nghĩa-binh Đông-Sơn, nên được thoát nạn và vừa nghe an-tịnh thì tôi cậy Hồ-quân đi tìm mấy ông. Nay được gặp nhau đây tôi hết sức vui mừng, chắc đã có người trung-thành cho tôi nương dựa. Vậy tôi yêu-cầu mấy ông cho tôi núp bóng trong lúc gió đông ồ-ạt nầy mà chờ khi an-tịnh rồi tôi sẽ lo mưu khôi-phục san-hà, đặt an xã-tắc”.

Thanh-Nhân nghe lời khiêm-tốn của Hoàng-Tử thì động lòng quên hết mưu-mô, quên lời Minh-Giám nên nói: “Nếu Hoàng-Tử không có người phò-tá thì ở đây với anh em chúng tôi. Tuy chúng tôi không có quyền Đại Nguyên-Soái như chú khách Lý-Tài, song thinh-danh Đông-Sơn cũng đủ cho bọn Tây-Sơn kiêng nể, không dám léo đến vùng nầy”.

Minh-Giám hỏi Hồ-Văn-Lân còn hai quan Hộ-giá nữa đi đâu, Hồ-Văn-Lân nói có quan Hộ-giá Hà-khâm ở trong mui, còn quan Hộ-giá Trương-Hậu thì ngồi thuyền của Lân đi lên Lai-Vung và Sa-Đéc rước Nguyễn-Văn-Hoằng với hai anh em họ Tống xuống đây hội kiến với Hoàng-Tử.