HỒ BIỂU CHÁNH
.
COM

TIỂU THUYẾT

27-10-2012
 
Chúa Tàu Kim Qui
Chương 11

Đêm khuya lặng ngồi mà suy hết việc đời thì thấy nhộn nhàng trước mắt có kẻ sang, có người hèn, có kẻ giàu, có người nghèo, có kẻ thiên hạ khen là khôn, có người thiện hạ chê là dại, có kẻ thiên hạ chê là dở, có người thiên hạ khen là hay. Đã thấy như vậy, mà lại còn thấy bực sang giàu thì ở trên cao, còn bực nghèo hèn thì ở dưới thấp. Người mà thiên hạ khen là khôn là giỏi thường hay khua môi múa mỏ, còn kẻ thiên hạ chê là dại là dở lại thường bị ép bị đè. Ai dòm thấy trong xã hội có phân ngôi thứ như vậy thì cũng đều cho là lẽ tự nhiên, nên dầu gặp người giàu sang húng hiếp kẻ nghèo hèn chẳng biết đau lòng, dầu gặp kẻ giỏi khôn khinh khi người dở dại cũng chẳng biết tức trí.

Hỡi người ái nhơn quần, mộ đạo nghĩa, vậy chớ ai đã rõ biết sự giàu sang với sự nghèo hèn, hẳn cách nhau bao xa hay không? Vậy chớ có ai xem thấy lời khen ngợi với lời chê bai của thiên hạ đó chẳng nhằm chút nào hay không? Hiếm kẻ giàu trong giây phút đã hoá ra nghèo, hiếm kẻ nghèo rồi trở nên giàu, hiếm kẻ hèn rồi trở nên sang. Người mà họ khen giỏi khôn chưa ắt thiệt giỏi thiệt khôn, người mà họ chê là dở là dại cũng không ắt thiệt dở thiệt dại.

Ấy vậy nếu trong xã hội mà muốn phân cho có ngôi có thứ, thì thà phân ra người ngay, người phải, đứng theo một phía còn kẻ quấy kẻ tà đứng theo một bên, rồi người ngay người phải thì tôn trọng ngợi khen, còn kẻ quấy kẻ tà thì khinh khi bỉ bạc.

Chúa tàu Kim Qui đã từng lao đao lận đận, mà nay lại được vàng bạc dẫy đầy, đã thấy kẻ giàu mà bất nhơn, người nghèo mộ nghĩa, đã biết kẻ sang tham lam, người hèn thẳng ngay, nên trong lòng chán ngán cuộc đời, chẳng còn kể ai là hơn ai, chỉ biết người phải nên thương, kẻ quấy nên ghét mà thôi.

Bụng Chúa tàu đã như vậy mà may gặp Trần Mừng cũng giống ý mình, bởi vậy cho nên hai người yêu nhau, tin nhau chẳng khác chi anh em ruột. Trần Mừng thấy bụng Chúa tàu hào phóng, chưa biết mình mà dám ra mấy chục nén bạc mà cứu mình, thì thường nguyện thầm rằng sẽ đem hết tấm lòng thành mà đáp nghĩa tương tri, bởi vậy cho nên khi thấy Chúa tàu có vàng bạc nhiều chẳng hề động tâm, mà từ ấy về sau lại còn lo mà phục sự Chúa tàu hết lòng hết dạ nữa.

Trần Mừng từ khi phân rẽ Chúa tàu mà qua An Giang thì cứ một lòng lo kiếm cho được Kỉnh Chi mà thôi, bởi vì sợ kiếm không được thì chắc là Chúa tàu sầu não. Tàu tới An Giang thì nhằm lúc ban đêm. Vừa quăng neo rồi thì Trần Mừng kêu Cam với Quít vào phòng, đưa cho mỗi người một bộ quần áo Quảng Đông và biểu phải cạo đầu gióc bính rồi mặc quần áo đó cho thiện hạ khỏi nghi, chớ nếu không giả dạng người ta dòm thấy An Nam ở dưới tàu khách, chắc sao người ta cũng tra hỏi, mà hễ người ta tra hỏi thì lậu việc hai người bị tội ăn trộm mà trốn, ắt chẳng khỏi bị bắt.

Cam với Quít tuy là sợ quan bắt nên cũng giả làm người khách cho yên thân, song nghĩ vì mình An Nam mà cạo đầu gióc bính thì dị kỳ nên dục dặc không chịu tiễn phát. Trần Mừng nói rằng Chúa tàu muốn cậy hai người đi tìm Kỉnh Chi giùm cho Chúa tàu, nếu hai người không chịu thay hình đổi dạng thì làm sao mà giúp cho Chúa tàu được.

Cam với Quít không biết kiếm Kỉnh Chi làm chi mà hỏi Trần Mừng thì Trần Mừng cũng không hiểu bởi vậy cho nên hai người không biết có cần kíp chi hay không mà phải cạo đầu, nên dục dặc hoài, Trần Mừng ép riết, túng thế mới hứa để vài ngày rồi sẽ tiễn phát.

Sáng bữa sau, Cam với Quít thức dậy ra mũi tàu mà hút thuốc và bàn với nhau coi có nên cạo đầu gióc bính hay không. Lúc ấy mặt trời gần mọc. Hai Cam đương ngó vô mé bờ, bỗng thấy có một người chèo ghe hình dạng mặt mày giống Kỉnh Chi như khuôn đúc. Anh ta kêu mà chỉ cho Sáu Quít coi. Sáu Quít nhìn một hồi thiệt quả là Kỉnh Chi, chẳng còn nghi ngại chi nữa. Hai người bàn với nhau rằng: “Mấy năm trước mình còn ở Tân Châu thì có nghe họ nói Kỉnh Chi đưa đò ngang sông bến An Giang, có lẽ khi anh ta còn đưa đò đây chớ gì”. Vừa nói dứt tiếng, thiệt quả có ai đứng bên sông kêu đò rồi Kỉnh Chi chèo ghe qua mà rước.

Cam, Quít thấy rõ bèn kêu Trần Mừng mà chỉ cho anh ta coi. Trần Mừng nghe nói chèo đò đưa ngang sông trước mũi tàu đó là Kỉnh Chi thì trong lòng chẳng xiết nỗi mừng, lại sợ Kỉnh Chi nhìn biết Cam, Quít thì trái ý Chúa tàu, nên đứng coi một hồi rồi dặn Cam, Quít đừng có lên bờ, mà cũng đừng cho Kỉnh Chi thấy mặt, để đợi Chúa tàu qua rồi sẽ hay. Hai người nói rằng mình biết Kỉnh Chi là biết mặt mà thôi chớ không quen, mà xa cách nhau đã năm sáu năm rồi, không lẽ Kỉnh Chi còn nhớ mà sợ.

Trần Mừng tuy giả ý không cố đến Kỉnh Chi song trong lòng muốn biết coi Kỉnh Chi nhà cửa ở đâu đặng chừng Chúa tàu tới mà thuật lại rõ ràng cho Chúa tàu nghe, bởi vậy cho nên ở trong phòng mở cửa rình coi, đến trưa mới thấy có một đứa con trai chừng mười ba mười bốn tuổi, xách một gói cơm để dựa gốc cây da, rồi Kỉnh Chi bỏ thuyền leo lên bờ rồi chấp tay sau đít đi thơ thẩn dọc theo mé sông, có ý chờ Kỉnh Chi đi về đặng đi theo sau mà dọ coi nhà ở chỗ nào cho biết. Mặt trời gần lặn, đứa nhỏ xách cơm hồi trưa đó trở lại rồi thì Kỉnh Chi buộc thuyền lên đi với nó mà về nhà. Trần Mừng nom theo thì thấy Kỉnh Chi qua khỏi chợ rồi theo vòng vô trong mé kinh Vĩnh Tế, tới một cái chòi nhỏ bằng tranh giỡ cửa chun vào rồi nổi lửa đốt đèn, nấu cơm lăng xăng. Qua ngày sau, lúc Kỉnh Chi đương chèo đò, Trần Mừng lén đi đến cái chòi ấy thì thấy cửa gài chặt cứng, trong chòi vắng tanh.

Trần Mừng dọ biết hết rồi mới chịu nằm dưới tàu mà chờ Chúa tàu. Quan nghe tàu ngoại quốc vào có sai lính xuống hỏi, thì Trần Mừng nói rằng tàu buôn bán, song mình là từng khạo[1], ít ngày nữa Chúa tàu mới đến. Đậu tại An Giang trọn sáu ngày, Chúa tàu mới qua tới. Khi Chúa tàu tới thì mặt trời đã lặn, nên Kỉnh Chi đã về rồi. Trần Mừng vừa thấy tàu tới liền bơi tam bản mà qua, dạy đà công neo ngay chiếc tàu mình đặng hai chiếc đậu song song coi cho đẹp.

Chúa tàu vừa thấy mặt Trần Mừng thì liền hỏi coi kiếm Kỉnh Chi có được hay không; mới nghe Trần Mừng nói kiếm được rồi thì trong lòng hớn hở, ngoài mặt vui cười, coi ra đắc ý lắm. Tàu neo xong rồi, Trần Mừng với Chúa tàu mới dắt nhau vào phòng. Trần Mừng thuật lại hết các việc mình đã thấy lại cho Chúa tàu nghe rồi xin Chúa tàu đợi qua ngày mai thì sẽ thấy Kỉnh Chi xuống bến đưa đò.

Đêm ấy Chúa tàu thao thức ngủ không đặng, trông đợi cho mau sáng đặng có thấy mặt Kỉnh Chi, kẻo anh em cách nhau mười mấy năm trường, lòng rất nhớ thương, mà nghe nói anh ta vì lo bảo bọc gia quyến mình nên phải mang nghèo, mang khổ, thì lại càng kính mến lắm.

Trời vừa hừng sáng thì Chúa tàu đã thức dậy, Thu Thủy thấy Chúa tàu thức dậy thì lật đật hối bạn nấu nước, bỏ trà ngon, chế một bình đem vào phòng cho Chúa tàu uống. Chúa tàu mở cửa sổ bên tay trái, ngồi uống nước mà ngó lên bờ thấy có nhà đã mở cửa, còn có nhà còn ngủ, ngang chỗ tàu đậu có một cây da lớn đứng dựa mé sông, lá rậm rợp, nhánh sum suê, gốc lớn đến nỗi hai người ôm không giáp. Dựa gốc cây da có một chiếc ghe lườn nhỏ, nước ròng chảy mạnh nên chiếc ghe nằm xuôi theo mé bờ. Dọc theo mé sông có một cái đường, một lát thì có một người đàn bà đi ngang, kẻ thì gánh, người thì bưng, mà người nào đến đó cũng đứng lại mà ngó tàu, có người lại để gánh dựa gốc da rồi níu nhánh thòng chơn dưới sông mà rửa.

Mặt trời mọc, thiên hạ lại qua trên đường càng đông, Chúa tàu hễ thấy có đàn ông thì ngó chừng, coi phải Kỉnh Chi hay không. Đương dòm bên tay trái, bỗng nghe dưới mé sông bên tay mặt có người kêu đò inh ỏi.

Chúa tàu vói tay mở cửa sổ bên kia mà dòm, thì thấy có ba người đàn bà, hai người thì gánh, một người thì bưng thúng nói lớn rằng: “Dữ hôn! Bữa nay ngủ quên hay sao mà tới chừng nầy mới ra?”. Người ấy vừa dứt tiếng lại nghe mé bên kia có tiếng đàn ông đáp lại rằng: “Chịu phiền đợi một chút, bớ mấy chị. Để tôi tát nước rồi tôi qua đa”.

Chúa tàu nghe nói như vậy liền trở qua dựa cửa sổ phía tay trái mà coi, thì thấy có một chú đàn ông ở dưới ghe lườn buộc dựa gốc da đó, đương lum khum tát nước ghe. Chúa tàu biết đó là Kỉnh Chi nên trong lòng hồi hộp, mắt ngó chằng chằng, đợi ngước mặt lên đặng xem coi có quả là Kỉnh Chi hay không. Người ấy tát nước xong rồi liền lại trước mũi ghe mà mở dây, rồi ra sau lái gay chèo mà chèo ngang qua sông. Khi ghe day mũi ra ngoài sông, Chúa tàu dòm thấy mặt người ấy chán chường rồi liền cúi đầu xuống, hai hàng nước mắt nhỏ giọt, ngó không được nữa. Trần Mừng thấy Kỉnh Chi ra thì lật đật bơi tam bản qua, có ý chỉ cho Chúa tàu coi.

Chúa tàu vào phòng trong nằm gác tay lên trán mà thở ra, một hồi rồi mới ngồi dậy đi ra trước mũi tàu mà ngó hai bên bờ. Lúc Chúa tàu ra thì Kỉnh Chi vừa chèo đò trở lại, mắt thì ngó hai chiếc tàu miệng thì nói chuyện với ba chị đi đò. Chúa tàu thấy Kỉnh Chi mặc một cái quần vắn bằng vải đen vừa chí đầu gối nên lòi hai ống chơn mốc thích, áo cũng vải đen mà đã cũ có vá hai ba miếng, còn đầu thì chôm bôm lại có bịt một cái khăn xéo bằng vải xanh. Chúa tàu đứng ngó hoài coi Kỉnh Chi chèo qua chèo lại đến bốn lần mới chịu trở vô phòng.

Ăn cơm rồi Chúa tàu mới dạy Trần Mừng soạn ra năm cây lụa tốt, hai cân trà ngon, hai cặp ngà thiệt xứng, lại lấy giấy đỏ gói hai chục nén bạc, rồi để trên mâm, biểu bạn bưng đi theo đặng có đi tết quan Tổng đốc. Chúa tàu với Trần Mừng vào dinh thì quan Tổng đốc tiếp rước rất hậu. Quan Tổng đốc tuổi chừng năm mươi lăm, râu đã bạc hoa râm, mời uống nước rồi hỏi Chúa tàu tính mua bán vật chi, thì Chúa tàu nói dối rằng mình muốn mua lúa chở về Quảng Đông mà bán.

Quan Tổng đốc nghe nói liền lắc đầu mà đáp rằng: “Chúa tàu đến tính mua lúa mà rủi quá, năm nay tỉnh An Giang mất mùa có lúa đâu mà mua, mà dầu dân có lúa chút đỉnh muốn bán đi nữa, tôi cũng không dám cho phép Chúa tàu mua, bởi vì hiện giờ đây nhà nghèo đã không có cơm mà ăn, phải dùng khoai dùng bắp mà đỡ dạm nếu tôi cho bán lúa thì vài tháng nữa chắc là dân trong tỉnh chết đói hết thảy. Hôm tháng trước tôi nghe dân nghèo nhiều làng đã đói rồi thì tôi sai sứ đệ sớ về kinh mà tâu cho Triều đình hay và xin phép khai kho mà chẩn bần. Dân nghe một ngày một đói, mà đợi sứ hoài không thấy về tôi lấy làm bối rối lắm, không biết liệu làm sao đây?”.

Chúa tàu nghe nói thì hỏi coi hiện giờ dân ở chỗ nào đói hơn hết. Quan Tổng đốc nói trong cả tỉnh chỗ nào cũng vậy, hễ nhà nghèo là đói, bởi vì lúa thì có, mà giá thì cao, nên dân nghèo không có tiền mà mua, thậm chí khoai bắp mà mua cũng không nổi mà ăn nữa. Chúa tàu lại hỏi nếu Triều đình không cho phép mở kho mà chẩn bần thì làm sao? Quan Tổng đốc ngồi lặng thinh một hồi rồi lắc đầu mà nói: “Không lẽ không cho phép”.

Chuyện vãn được một hồi, quan Tổng đốc thấy Chúa tàu với Trần Mừng muốn kiếu mà xuống tàu thì ngài ngó mâm lễ vật rồi nói rằng: “Chúa tàu đến đây buôn bán, vào dinh mà viếng tôi thì cũng đủ lễ rồi, không cần lễ vật chi. Vậy xin Chúa tàu dạy bạn nó bưng đồ ấy xuống tàu, thiệt tôi không dám lãnh đâu”.

Chúa tàu thấy quan Tổng đốc không thâu lễ vật thì trong lòng không an, nên theo năn nỉ hoài, mà năn nỉ thế nào ngài cũng không chịu nhậm, ngài lại nói rằng từ ngày ngài ra làm quan thì ngài nguyện giữ lòng thanh liêm chánh trực, chẳng hề thâu lễ vật chi của ai, không lẽ bây giờ ngài đổi cái lòng ấy mà nhậm lễ của Chúa tàu. Chúa tàu nài nỉ không được, túng thế xin nhậm một cây lụa với một cặp ngà, mà quan Tổng đốc cũng không chịu. Chừng Chúa tàu năn nỉ quá, cực chẳng đã ngài phải nhậm một gói trà mà thôi.

Chúa tàu lúc nói chuyện thì đã biết quan Tổng đốc là người nhơn đức, chừng thấy không nhậm lễ vật thì mới hay là một người thanh liêm, nên trong lòng cảm phục vô cùng, thầm nghĩ rằng: ông quan này thiệt là đáng kính, nếu khi trước mình gặp ông quan như vậy thì có đâu mà bị hại, mình oan ức tính đến đây lập thế xin minh oan, mà nay mình gặp ông này chắc là thành sự được. Song ổng không chịu nhậm lễ vật thì mình làm sao mà làm quen?

Chúa tàu vừa nghĩ đến đó thì hội ý nên day qua nói tiếng Quảng Đông với Trần Mừng biểu Trần Mừng kiếu rồi xuống tàu lấy đem lên cho mình hai trăm nén bạc. Trần Mừng kiếu ra đi, còn Chúa tàu thì cứ ngồi đó mà nói chuyện. Một lát Trần Mừng bưng bạc lên Chúa tàu mới đứng dậy mà thưa với quan Tổng đốc rằng mình là người giàu có lớn, mà được làm giàu ấy cũng là nhờ buôn bán với người An Nam. Nay đến đây quan Tổng đốc nhơn đức thanh liêm thì kính phục vô cùng, lại nghe nói dân nghèo đói rách thì động lòng chịu không nổi. Vậy nên xin dưng cho quan trên hai trăm nén bạc, để mua lúa rồi phát cho dân nghèo ăn đỡ lúc này chớ nếu chờ cho có lịnh cho phép khai kho mà chẩn bần thì sợ dân phải chết đói.

Quan Tổng đốc nghe nói thì chưng hửng, không dè người ngoại quốc mà có lòng thương dân trong xứ như vậy. Tuy ngài giữ tánh thanh liêm, mà người ta dưng bạc đặng mua lúa cứu dân chớ không phải cho ngài nên ngài không lẽ từ chối được, bởi vậy ngài tỏ lời cám ơn Chúa tàu, rồi cho mời quan Bố, quan Án đến nhà thuật chuyện Chúa tàu tử tế cho quan Bố, quan Án nghe và dạy lập tức tống trát cho tổng làng nói cho rõ rằng Chúa tàu Kim Qui có dưng hai trăm nén bạc để chẩn bần, dạy làng tổng nếu chỗ nào có dân đói thì phải làm khai đặng đến lãnh bạc về mua lúa phát cho dân ăn.

Lúc quan Tổng đốc bàn tính với quan Bố và quan Án, thì Chúa tàu ngồi liếc xem thấy quan Bố chưa có râu, mặt thỏn, môi mỏng, tuổi chừng bốn mươi; còn quan Án thì râu dài, da đen, môi dày, già chừng sáu mươi tuổi. Chúa tàu hỏi thì quan Tổng đốc nói trấn nhậm An Giang mới hai năm, quan Bố được bảy năm, còn quan Án mười một năm rồi. Chúa tàu thầm nghĩ hồi mình bị nạn ba ông này không có ông nào ở đây hết, còn hồi Trần Mừng gởi bạc cho Trần Tấn Thân thì có đủ quan Bố, quan Án nhậm tại đây. Chúa tàu chuyện vãn đến trưa rồi mới kiếu mà đi xuống tàu với Trần Mừng.

Hai người dắt nhau về tới bến đò thì thấy Kỉnh Chi đương ngồi dựa gốc da mà cơm ăn với con. Chúa tàu thấy vậy bèn bước lại đứng gần một bên mà xem cho tường tận: Kỉnh Chi mặt da đen nám, ngó thoáng qua thì biết người dầm mưa dang nắng, lao lực cực thân rất nhiều nên mới cùi đày như vậy, còn đứa con tuy áo quần cũng không lành, nhưng mà cặp con mắt sáng trưng, hai bàn tay dịu nhĩu, má bầu cằm lặm, coi giống hệt diện mạo Thị Xuân ngày xưa.

Chúa tàu với Trần Mừng tuy giả bộ đứng chờ tam bản vô rước, song thiệt lòng muốn coi cho rõ ràng. Khi hai người đứng đó thì nghe cha con Kỉnh Chi nói chuyện với nhau như vầy:

- Bữa nay con đem cơm trễ, cha có đói bụng không?

- Chưa đói cho mấy.

- Thầy mắc dạy con ráng nghe cho hết bài sách nên bữa nay con về trễ, lật đật vo gạo nấu cơm mà nấu cũng trễ.

- Hồi sớm mai con thuộc bài hay không?

-Thưa thuộc. Thầy nói mai sáng nghe qua Kinh thơ. Cha mua bộ Kinh thơ đó thầy khen chữ rõ ràng dữ.

- Ráng học nghe con.

- Ờ, cha, gạo còn có vài nồi nữa thì hết đa cha.

- Không hại chi đâu. Cha nài bà Lý được một giạ lúa rồi, để chiều cha gánh về rồi tối sẽ giọt mà ăn… Con ăn cơm rồi về coi nhà, xế sẽ đi học, ở ngoài nầy nắng quá.

Chúa tàu nghe tới đó thì tam bản đã vô tới, nên bước xuống tàu cho bạn bơi ra tàu; tam bản bơi dang ra xa rồi mà Chúa tàu cứ ngó cha con Kỉnh Chi hoài.

Trời nửa chiều, Chúa tàu với Trần Mừng đem lễ vật đến viếng quan Bố và quan Án, đến đâu cũng được tiếp rước rất hậu song vì bởi quan Tổng đốc hồi sớm mai không nhậm lễ, mà lại Chúa tàu đã có làm ơn đối với dân nên quan Án, quan Bố cũng không nhậm lễ vật.

Nhân dân sở tại hay sự Chúa tàu xuất hai trăm nén bạc mà chuẩn bần thì ai cũng đều ngợi khen kính mến, bởi vậy cho nên hễ Chúa tàu bước chơn lên bờ thì đàn ông, đàn bà, con nít nếu ở trong nhà thì núp cánh cửa mà coi, còn như gặp ở ngoài đường thì nép một bên mà ngó.

Chúa tàu viếng quan Bố, quan Án xong rồi, bèn biểu Trần Mừng dắt mình đến nhà Kỉnh Chi coi bề ăn ở làm sao. Từ chợ lên tới vàm kinh Vĩnh Tế thì nhà cửa ở đông, mà dọc theo bờ kinh thì cách xa xa mới có một cái, mà cái nào cũng túm húm, muốn chun vô cửa phải cúi đầu. Qua khỏi hai cái nhà rồi Trần Mừng lấy tay chỉ cái nhà nhỏ kế đó mà nói rằng đó là nhà của Kỉnh Chi.

Lúc ấy mặt trời đã chen lặn, Chúa tàu chơn đi thủng thẳng, mắt ngó bao đồng, thấy trước mặt hòn núi Sam đồ sộ xanh um, còn xa xa thì là dãy núi Thất Sơn, khói tỏa mây vần, trông ra phát ngậm ngùi tâm sự.

Chúa tàu đến trước nhà Kỉnh Chi rồi mới dừng chơn đứng ngó vô, nhà cất sụt vô bờ kinh chừng ba chục thước, có dọn một cái đường vô sạch bóng, hai bên đường trồng bông trang đỏ với bông nở ngày, trước sân có một đám huệ trắng, gió chiều phưởng phất mùi bay ngào ngạt, hai bên nhà trồng khoai lang, sau hè có mấy cây ổi trái sai oằn nhánh. Nhà sập cửa gài kín mít, có một con chó mực nằm dựa gốc ổi thấy Chúa tàu với Trần Mừng đi tới thì chạy ra sửa vang tai.

Chúa tàu đứng ngó một hồi, đương buồn bực ngao ngán, bỗng nghe sau lưng có tiếng người ta nói chuyện, lật đật day lại thấy Kỉnh Chi gánh một gánh lúa đi trước, còn đứa con thì tay ôm sách, chạy lút thút theo sau. Chúa tàu sợ Kỉnh Chi nghi, nên lần chơn đi tới, làm như tuồng thừa trời mát mẻ đi theo bờ kinh mà ngó nước trông non. Cha con Kỉnh Chi vào nhà nói chuyện với nhau nho nhỏ, ở ngoài nghe không rõ, duy một lát nghe thằng nhỏ cười lên một tiếng. Chúa tàu lúc về ngang qua nhà Kỉnh Chi thì có khói lên nghi ngút, đứa con ngồi dựa hè, tay vo gạo còn miệng bình sách om sòm.

Chúa tàu thấy Kỉnh Chi nghèo khổ thì chẳng xiết nỗi thương, bởi vậy cho nên khi xuống tàu ngồi ăn cơm thì chống đũa mà ngó ra cửa sổ hoài, ăn không biết ngon. Trần Mừng ăn cơm rồi qua bên tàu mình mà ngủ. Chúa tàu dặn Trần Mừng rạng ngày đưa cho Hai Cam ít nén bạc biểu nó mướn xuồng lén về thăm nhà coi mẹ già còn mạnh giỏi thể nào, rồi trở xuống mau mau đặng kéo neo đi xứ khác.

Đêm ấy Chúa tàu ngủ không được, cứ ngồi dậy nằm xuống, trong trí tính hoài, không biết làm thế nào đặng đền ơn cho Kỉnh Chi. Ban đầu muốn thừa dịp lúc ban đêm tỏ thiệt cho anh ta rồi hỏi anh ta như muốn đi theo thì bỏ nhà xuống tàu ở với mình, còn như không chịu thì cho anh ta vàng bạc rồi biểu anh ta trở về xứ cho an nhàn, khỏi khổ thân lao lực nữa. Tính như vậy coi đã phải rồi, song nghĩ lại mình còn một nỗi lo báo oán, bởi vì những kẻ thù của mình là kẻ độc ác, không lẽ mình đành để cho nó an hưởng phú quí vinh huê, nếu mình nói thiệt với Kỉnh Chi, sợ Kỉnh Chi dằn lòng không được rồi làm bể tiếng, đã báo thù không được mà lại còn có hại nữa.

Chúa tàu tính tới tính lui, nhớ tới đứa cháu càng thương đứt ruột. Trống trên thành đã trở canh tư mà Chúa tàu cũng chưa ngủ, cứ nằm trăn trở hoài. Chúa tàu bò ra phòng ngoài rót nước uống. Thu Thủy thấy Chúa tàu ra thì ngồi dậy mà nói rằng: “Thưa, nước nguội rồi. Chúa tàu muốn uống nước nóng để em đi nấu cho”.

Chúa tàu lắc đầu rồi rót nước nguội mà uống đỡ, lại hỏi Thu Thủy coi ngày nay có lên chợ mà đi chơi hay không. Thu Thủy nói: “Xứ lạ em không dám lên. Chúa tàu ngày nay lên hai lần như vậy chớ có gặp việc chi vui hay không?”. Chúa tàu tình cờ suy nghĩ không kịp nên vụt đáp rằng: “Tới đây đã chẳng có chi vui mà lại còn buồn thêm nhiều nữa”.

Thu Thủy liếc mắt ngó Chúa tàu thì thấy nước mắt rưng rưng muốn chảy. Thu Thủy bò lại ngồi xếp chè he và lạy và thưa rằng: “Thưa Chúa tàu, em mang ơn Chúa tàu tế độ, cải tử huờn sanh, mà lại còn chiếu cố làm ơn cho em no cơm ấm áo em chẳng biết làm sao mà đền bồi ơn ấy cho được. Đêm nay em xin tỏ thiệt, dầu Chúa tàu nổi giận, chém giết em thì em cũng cam lòng, chớ hễ em thấy Chúa tàu buồn thì em ăn ngủ không được. Thiệt em chẳng dám tọc mạch đèo bồng hỏi thăm đến việc riêng của Chúa tàu, song em xin Chúa tàu một điều này là Chúa tàu nghĩ coi phận em đây có thể chi mà giúp cho Chúa tàu bớt buồn được hay không, ví như em có thể giúp được, thì dầu tan xương nát thịt em cũng vui lòng chẳng hề chi mà Chúa tàu ngại”.

Chúa tàu nghe nói mấy lời, bề ngoài thì là trung hậu mà bề trong nghĩ rất thâm tình, bởi vậy cho nên ngồi ngơ ngẩn rối loạn tâm thần, rồi giọt lụy tràn trề ngừng không đặng. Chúa tàu ngồi khóc; Thu Thủy thấy vậy cũng khóc theo. Khóc một hồi rồi Chúa tàu lau nước mắt nói tiếng An Nam với Thu Thủy rằng:

- Chẳng giấu chi cô em, có một người khi trước đã có thi ơn cho tôi trọng lắm. Người ấy nay nghèo khổ, còn tôi giàu có mà tôi không biết làm sao để đền ơn, nên tôi buồn bởi vậy, tôi không muốn chường mặt cho người ấy biết tôi. Vậy nếu cô thiệt có lòng thương tôi thì có lẽ tôi trả cái ơn ấy xong được.

- Dạ, nếu em có thể trả ơn giùm Chúa tàu được thì em xin vưng. Bây giờ em phải làm sao?

- Tôi nghĩ có một kế này thì hơn hết; nếu cô em ưng người ấy làm chồng, thì tôi giao vàng bạc cho cô đem về mà nuôi chồng, làm giàu cho chồng, đặng cho chồng khỏi cực khổ nữa, có kế ấy thì tôi bớt buồn mà thôi.

- Dạ, em chịu.

- Tôi xin nói trước cho cô biết rằng người ấy trộng tuổi rồi, mà lại xấu xa bần hàn lắm.

- Em đã nguyện dầu nát thân em mà Chúa tàu vui lòng được, em cũng làm; em đã nói như vậy, Chúa tàu còn ngại chi nữa.

- Nếu cô có lòng tốt quyết thay mặt mà đền ơn đáp ngãi cho tôi, vậy thôi để mai tôi chỉ người ấy cho cô coi.

- Thưa, Chúa tàu chẳng cần chi phải chỉ, Chúa tàu dạy em ưng thằng cùi đứa đui em cũng chịu, chẳng luận là ai.

- Người ấy chèo đò đưa ngang sông trước mũi tàu đây để mai rồi cho cô coi.

- Em đã nói như vậy, còn coi làm chi.

- Vậy thôi cô đi nghỉ đi, để thủng thẳng rồi tôi sẽ tính.

Chúa tàu trở vô phòng, bên tai hãy còn văng vẳng nghe mấy lời trung hậu của Thu Thủy hoài. Tuy kế đền ơn thật là hay, song lòng luống những bồi hồi, buồn thì thiệt bớt buồn, mà vui cũng chưa vui được.

Rạng ngày sau, Kỉnh Chi ra chèo đò, Chúa tàu dòm thấy liền kêu mà chỉ cho Thu Thủy coi. Thu Thủy nhứt định không chịu coi, mà vì Chúa tàu ép quá, biểu phải coi cho biết mặt, nên cực chẳng đã Thu Thủy phải lại cửa sổ mà dòm.

Tàu đậu tại An Giang mấy bữa, bữa nào cũng ngồi mà nhắm Kỉnh Chi. Có khi lên chợ chơi, chừng trở xuống tàu không cho bạn bơi tam bản mà rước, lại biểu Kỉnh Chi chèo đò mà đưa ra tàu rồi cho tiền, khi thì một quan, khi thì hai quan. Kỉnh Chi thấy nhiều không dám lấy, Chúa tàu ép hoài, túng thế phải lấy. Kỉnh Chi thấy Chúa tàu thì hay ngó, nhưng ngó thì ngó chớ không nghi chi hết; lại nghe nói Chúa tàu là người quảng đại, đã xuất ra hai trăm nén bạc mà cứu dân cơ cẩn, nên Chúa tàu đi đò cho một hai quan tiền nghĩ chẳng lạ gì.

Hai Cam về nhà mấy bữa rồi trở xuống tàu. Chúa tàu hỏi thăm mẹ mình mạnh giỏi thế nào, thì nói mẹ đã chết hơn một năm nay, nhà cửa bỏ hoang hư sập hết. Chúa tàu nghe nói trong bụng thương thầm, tiếc vì khi hoạn nạn nhờ mấy bữa cơm, nay giàu có mà không đền ơn đáp nghĩa được.

Chúa tàu có hỏi Sáu Quít như muốn về thăm nhà thì về, Sáu Quít nói rằng mình không còn mẹ cha mà cũng không có nhà cửa vợ con chi hết, nên về chẳng ích gì. Đã vậy mà cô bác đều ở tại Tân Châu, nếu về đó mà thăm thì chắc không khỏi Trần Tấn Thân làm hại nên không dám về.

Tàu đậu tại An Giang trót mười ngày, Chúa tàu dạy Trần Mừng kiếm lụa mua được ít chục cây rồi mới lên từ tạ các quan mà kéo neo. Hai chiếc tàu xuống tới Long Hồ, Chúa tàu dạy neo tại đó, rồi biểu Trần Mừng kiếm mua một chiếc ghe cui ba chèo và mua hàng lụa thêm ít chục cây nữa.

Ghe mua xong rồi, tối lại Chúa tàu mới kêu Trần Mừng và Thu Thủy vào phòng mà tỏ rằng ý mình muốn gả Thu Thủy cho Kỉnh Chi và cấp vàng bạc cho nhiều đặng Thu Thủy nuôi Kỉnh Chi mà đền bồi ơn trọng khi trước. Song nếu ở An Giang thì không biết phải làm sao mà gả cho được, bởi vậy cho nên phải xuống đây mua một chiếc ghe ba chèo, biểu Hai Cam, Sáu Quít và mướn thêm một tên bạn An Nam nữa chèo mà đưa Thu Thủy trở lên An Giang, giả dạng gái mồ côi đi bán hàng, lập thế làm quen rồi lần lần kết nghĩa vợ chồng, dường ấy mới gạt Kỉnh Chi được. Vả bạn thì lạ, đường thì xa, Thu Thủy là phận gái, mà vàng bạc đem theo cũng nhiều bởi vậy Trần Mừng phải thay áo đổi quần rách rưới rồi đi theo mà giữ gìn mới được.

Chúa tàu nói rồi liền biểu Trần Mừng đếm đưa cho Thu Thủy một trăm nén vàng, hai trăm nén bạc, và biểu đem hết mấy chục cây lụa mua trên An Giang và mới mua tại đây qua chiếc ghe mới, rồi sáng bữa sau, Trần Mừng, Thu Thủy mới sang ghe nhỏ cho Hai Cam, Sáu Quít và tên bạn mới mướn đò chèo lên An Giang. Lúc gần lui ghe, Thu Thủy bước vào phòng lạy Chúa tàu mà đi, thì giọt lụy dầm dề, không nói được lời chi hết. Chúa tàu thấy vậy cũng tủi lòng, song gượng làm tỉnh mà dạy Thu Thủy phải thay áo quần theo An Nam, hễ lấy chồng rồi dầu có gặp mình thì phải làm lơ như kẻ lạ và cũng dạy Trần Mừng, Cam , Quít phải cẩn thận đừng để cho Kỉnh Chi nghi.

Khi Thu Thủy bước qua ghe nhỏ mà đi, Chúa tàu nói rằng: “Xin cô ráng hết lòng trả nghĩa thế cho tôi, cái ơn của cô dầu ngàn ngày tôi cũng chẳng hề dám quên dám lạt”. Thu Thủy cúi đầu lặng thinh một hồi rồi mới đáp rằng: “Xin Chúa tàu yên tâm, em nguyện nếu em không trả nghĩa giùm được cho Chúa tàu thì em chẳng hề dám thấy mặt Chúa tàu nữa”.

Chúa tàu lại kêu với Trần Mừng mà nói rằng trong ít ngày nữa mình sẽ đem tàu lên sau, rồi đứng ngó cho đến chừng chiếc ghe chèo đã đi xa, không còn thấy dáng nữa nên mới chịu trở vào phòng.


[1] Người quản lý