Chương một
Chương hai
Chương ba
Chương bốn
Chương năm
Chương sáu
Chương bảy
Chương tám
Chương chín
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16

Toàn bộ dạng PDF

Nhơn tình ấm lạnh

Hồi thứ tư

Ở Tòa bố đi lại tòa án, đi chừng nửa đường, thấy bên tay trái có một cái nhà trệt năm căn, nền xây, nóc cũ, trước sân có mấy cây gáo lớn, sau hè có một dãy nhà nhỏ, hai bên có trồng mấy hàng lan  trổ bông đỏ, đó là dinh của quan Phủ Trần Bá Thiện.

Trời vừa đứng bóng, trong nhà Bá Kỉnh xếp tay sau lưng, đi qua đi lại miệng hút gió. Ngoài thềm có một tên lính đương ngồi, trước cửa ngõ con chó cò (chó trắng) nằm dưới bóng lim; con chó cò thấy Bá Kỉnh đứng dậy ngoắc đuôi chạy theo mừng, tên lính lật đật chạy ra xá còn Bá Kỉnh mon men đứng ra trước thềm miệng cười ngỏn ngoẻn, mắt liếc cha mẹ, tuy không hỏi, song ý muốn biết coi cha mẹ ra nhà bà Huyện Hàm, vậy đã tính việc hôn nhơn của mình xong hay chưa.

Quan Phủ về nhà lột khăn để trên bàn rồi đi thẳng lại ghế giữa ngồi. Bà Phủ đi lại bộ ván lót dựa cửa sổ và lấy trầu têm và nói:

-           Con mẹ mới học mặt làm giọng sang, giọng nó nói nghe phát ghét. Nó lại dám khinh thị mình nữa chớ! Tôi đã nói với ông rồi đa, tôi không thèm làm sui với con mẹ nhà Huyện Phan đâu.

-          Cha chả! Mình như vầy mà nó dám chê để gả nó cho quân cờ bạc! Thôi, đừng thèm, thiếu gì con nhà giàu sang bằng mười nó, nó tưởng mình cầu nó hay sao? Nầy ông phải tính sao đặng rửa hờn, chớ để nó khinh dể mình như vậy xấu hổ lắm, nói cho ông biết.

Quan Phủ vuốt râu nói:

-          Để đó cho tôi mà, để tôi làm cho nó biết sức tôi. Bếp, ra biểu đây!

Tên lính nghe kêu dạ rân lật đật chạy ra. Quan Phủ mới dạy:

-          Lát nữa mầy đi lên trên nhà khách hoặc đi ra ngoài chợ kiếm coi có cái xe hơi số G.C208 đậu đâu hay không. Như mầy kiếm được mầy mời người đi xe đó tên là Huỳnh Tú Cẩm vô đây cho tao nói chuyện, nhớ không?

Tên lính dạ, đoạn xá quan Phủ ra đi.

Lối ba giờ chiều Tú Cẩm ngừng xe hơi ngay cửa quan Phủ và vội vàng đi vô nhà. Quan Phủ ngồi trong ngó thấy lật đật ra cửa tiếp rước niềm nở lắm. Quan Phủ mời ngồi rồi hỏi:

-          Sao? Bà Huyện tính dắt thầy xuống thăm mộ ông Huyện hay không?

·        Thưa, không.

·        Hứ, sao vậy?

·        Thưa, dì tôi không muốn nhìn biết tôi. Rất đỗi là tôi xin lạy cha tôi còn không cho thay, huống chi là dắt đi thăm mộ.

·        Tình cha con người ta, có lý nào bà Huyện lại không nghĩ đến.

·        Thưa, tôi năn nỉ hết sức mà dì tôi không cho tôi lạy.

Bà Phủ đương ngủ trưa trong buồng, nghe nói chuyện giựt mình thức dậy đi ra, không kịp rửa mặt nên tóc xụ hai bên lổ tai, mặt còn sật sừ. Bà chào Tú Cẩm và kêu đứa ở lấy khăn nước đem ra cho bà lau mặt. Bà vén tóc lên để lau, và nói với Tú Cẩm:

-          Bà Huyện ở ác thiệt! Cha người ta mất đã không chịu đánh dây thép, hoặc sai người đi nói cho người ta hay, bây giờ người ta tìm đến, lại không chịu cho người ta lạy, coi còn ai nhẫn tâm như thế hay không?

Quan Phủ tiếp nói:

-         Tôi là anh em bạn thiết của ông Huyện. Thuở nay ông Huyện có việc gì cũng đều nhờ tôi hết thảy. Có tôi giúp nên mới được chức Huyện Hàm đó đa. Hồi trước ông Huyện thường nói với tôi rằng ổng có một người con trai đầu lòng ở trên Chợ Lớn. Tôi có khuyên ổng đem về nhà mà nuôi. Ổng nói bà Huyện khó lắm nên ổng không dám. Thiệt bây giờ tôi mới biết bụng của bà Huyện. Hèn chi ông Huyện không dám nhìn thầy cũng phải lắm mà!

Tú Cẩm ngồi ngó quan Phủ, bộ coi ra lo lắm. Bà Phủ lại nói:

-          Tình cha con người ta mà ở vậy coi tức quá! Hay là bà Huyện sợ thầy giành gia tài?

Tú Cẩm ngó bà Phủ trân trân, song cũng không trả lời. Quan Phủ lại tiếp nói:

-          Bà Huyện sợ liệu khỏi hay sao? Sự nghiệp của cha người ta tự nhiên phải chia cho người ta hưởng với, chớ bả giành ăn hết một mình được hay sao? Ủa! Mà hồi trước ông Huyện có làm khai sanh cho thầy đủ phép hay không?

·        Thưa, có.

·        À! Nếu thầy có khai sanh tự nhiên phải chia gia tài cho thầy chớ. Nếu bà Huyện không chịu thầy làm đơn kiện đi. Tôi chỉ dùm cho, không hại chi đâu mà sợ, ức người ta quá mà!.

Tú Cẩm nhớ tới những lời hội đồng Lâm Yên nói với bà Huyện Tú Phan hồi sớm mai thì biết quan Phủ xúi kiện ấy là vì bà Huyện không chịu làm sui với ngài, để làm sui với Lâm Yên ngài giận. Tú Cẩm muốn thừa cơ hội đặng lập thêm vi kiến (vây cánh), song lại nghĩ rằng quan Phủ tử tế với mình đây là ngài muốn cậy tay trả oán riêng dùm ngài, chớ không phải ngài động tâm vì nghĩa, người dường ấy dù thế lực bao lớn, dẫu trí thức bao nhiêu cũng chẳng nên tin cậy lắm. Vã lại, người ta là người quyền thế trong tỉnh, lại có tính hẹp lượng, hễ ai làm sai ý thì giận dữ, ai làm mất lợi thì thù hằn nay ngài nói theo mình coi dễ lắm, sợ mai ngài nói theo bà Huyện cũng chẳng khó gì, người dường ấy mình cũng chẳng nên làm mích bụng. Tú Cẩm nghĩ như vậy rồi thưa:

-          Thưa, tôi đến đây tứ cố vô thân, quan lớn có lòng thương tôi đội ơn hằng ngày. Ngặt là vì tôi phận làm con! Cha tôi mới mất, nấm mồ chưa khô, dầu dì tôi không thương tôi cũng phải chịu chớ tôi đâu dám sanh sự thưa kiện. Để thủng thẳng tôi cậy quan lớn với bà lớn làm ơn nói dùm, có lẽ lần lần hoặc may dì tôi hồi tâm mà thương tôi chăng.

Bà Phủ gật đều đáp:

-          Nói như thầy vậy phải đa. Đi kiện bây giờ đã hao tốn lại còn mang tiếng không tốt. Thôi, để ít ngày rồi vợ chồng tôi nói giúp cho, nhưng bây giờ thầy tính đi về hay còn ở dưới nầy chơi?

·        Thưa bà lớn, tôi xuống Cái Cùng tìm viếng mộ của cha tôi vài bữa rồi tôi sẽ về.

·        Ồ, nếu thầy còn ở dưới nầy, vậy để chiều hoặc mai tôi ra nói dùm với bà Huyện thử coi. Thôi, chừng thầy ở Cái Cùng về, thầy ghé đây tôi trả lời cho.

·        Dạ, nếu quan lớn với bà lớn nói giúp dùm cho tôi, tôi đội ơn ngàn ngày.

Tú Cẩm ra đi rồi, vợ chồng quan Phủ mới bàn với nhau tính dùng Tú Cẩm đặng hăm dọa Huyện Phan, nếu bà sợ Tú Cẩm giành gia tài bà khứng làm sui với mình đặng cậy thế mình sẽ hăm dọa Tú Cẩm lại rồi biểu bà Huyện cho nó năm ba trăm đồng bạc thôi, còn như bà Huyện không chịu làm sui thì dầu bà có nhìn Tú Cẩm hay không nhìn mình cũng xúi Tú Cẩm đi kiện đặng bà Huyện bái xái chơi cho bõ ghét.

Sáng bữa sau, bà Phủ ra nhà bà Huyện Hàm vừa mới bước vô cửa bà làm bộ bơ bơ bãi bãi nói rằng:

-          Bà Huyện chư chã! Việc đã tùm lum mà sao bà ngồi ở nhà đó?

Bà Huyện lật đật đứng dậy chào và hỏi rằng:

·        Thưa có việc chi mà tùm lum?

Bà Phủ ngồi rồi đáp:

·        Vậy chớ bà tính với người trai hôm đó làm sao bây giờ nó cậy đến ông Phủ đặng làm đơn giùm đặng nó đến tòa kiện bà xin tòa giao gia tài hết cho nó.

·        Thưa, nó muốn kiện tự nó, chớ tôi có tính việc gì với nó đâu.

·        Bà nói như vậy sao được.

·        Thưa, chớ tôi biết nói sao bây giờ? Thuở nay tôi không biết nó là ai, nay ổng mất rồi nó đến xưng là con riêng của ổng, tôi có biết nó thiệt hay giả mà nhìn.

Bà Phủ lết lại ngồi gần bà Huyện và nói nhỏ:

·        Nầy, nó có khai sanh và thơ từ của ông Huyện cho ông Phủ coi đủ hết. Thiệt nó là con riêng của ông Huyện chớ đâu phải là giả mạo đâu. Ông Phủ thấy nó khóc lóc năn nỉ thì động lòng nên coi ý ổng muốn giúp nó để kiện bà. Vậy phải liệu thế nào, chớ để nếu nó vào đơn rồi khó gở lắm đa.

·        Nó muốn kiện thì kiện, tôi có sợ chi đâu. Ai cũng biết vợ chồng tôi làm cháy da phỏng trán mới có được gia sản chút đỉnh nầy. Nay rủi ổng qua đời rồi mẹ con tôi hưởng; dầu có thiệt là con riêng của ổng đi nữa, có công lao gì mà bây giờ lại tranh? Quan tòa công bình lắm, nó có kiện thì kiện chớ có lý nào tòa lại dạy tôi phải giao gia tài cho nó được.

·        Bà không hiểu lề luật, bà nói ngang quá! Theo luật bây giờ hễ của cha là con hưởng, nếu bà có giỏi lắm bất quá bà giành lại chừng phân nửa là phần thật con hai đó thôi, bề nào bà cũng phải chia cho nó nửa.

·        Có được đâu.

·        Theo luật bà cãi sao được?

·        Ruộng đất của tôi, nhà cửa cũng của tôi, ai làm sao giành được?

·        Ờ, thôi, bà để rồi bà coi.

·        Thưa, tôi không sợ chi hết.

-          Bà Phủ hăm dọa quá song vẫn thấy bà Huyện không nao núng, không biết tính sao, nên suy nghĩ một hồi rồi nói ngọt:

·        Nầy, Bà Huyện, bà nói như vậy tôi nghĩ cũng phải đôi chút. Nhưng bà phải xét lại, chớ theo ý tôi hễ kiện thưa đã thất công lại hao tốn của bà lắm chớ không phải dễ. Vậy là thà bà liệu kế nào tính cho êm chẳng hay hơn sao.

·        Người ta muốn kiện, tôi biết làm sao cản được.

·        Tôi biết bây giờ có một mình ông Phủ ổng cản được? Ngặt hôm qua bà nói chuyện đó ông Phủ ổng phiền quá, bây giờ tôi có dám nói với ổng đâu.

·        Thưa, hồi ông Huyện tôi còn sanh tiền quan Phủ ăn ở tử tế với quan Huyện tôi quá? Có lý nào ông Huyện tôi mới mất quan Phủ lại đành giúp thiên hạ đoạt sự nghiệp của tôi sao?

·        Ừ, tôi cũng có nói với ổng như bà mới nói đó. Song ổng trả lời rằng bà là chị em còn thằng kia là con cháu nó cũng là máu thịt của ông Huyện; nay bà giàu có, bà không chịu nhìn nhận nó, để nó nghèo cực cũng tủi bụng của ông Huyện dưới cữu tuyền, bởi vậy nếu bà muốn hòa bà nên chịu khó vô nói phải trái với ổng đôi lời rồi hứa làm sui tôi chắt ổng hết phiền bà nữa, mà hễ ổng không dự thì thằng kia không dám kiện. Bà tính lại đi.

·        Thưa, sự làm sui ông Huyện đã có trối như vậy, tôi đâu dám cãi lời.

·        Ối, lúc hấp hối ông Huyện ổng nói càn, hơi nào bà nghe theo.

·        Thưa không được. Lời trối của chồng nếu mình cải đi, ngày sau mình chết xuống cữu tuyền còn mặt mũi nào thấy chồng nữa.

·        Nếu vậy bà nhứt định làm sui với thằng hội đồng Lâm Yên thật hay sao?

·        Thưa, tôi phải làm theo lời chồng tôi dặn.

·        À, nếu vậy thì tại bà, ngày sau chị em khỏi trách nhau.

Bà Phủ biết nói không được nữa, nên làm giận đứng dậy cáo từ ra về.

Một vị tri Phủ trong tỉnh, quan trên ngó xuống thì yêu chuộng, dân dưới dòm lên thì kính sợ, muốn việc gì cũng được hết, chẳng ai dám ngăn trở, tính việc gì cũng được hết chẳng ai dám cãi lẽ. Thuở nay được ngôn tính kế tùng đó quen rồi, nên tưởng mình cũng như thần thánh ai có món ngon vật quý đều phải đem nộp dâng; tưởng bạc vàng ruộng đất của dân sự ấy là của mình hễ chừng nào mình muốn họ phải sớt chia cho. Tâm tính của vợ chồng quan Phủ như vậy, nên tính làm sui với Huyện Hàm Tú Phan mà tính không xong, tự nhiên tức giận, không thể nào nguôi ngoai được. Tưởng lại trong lúc ấy nếu có một nhà giàu nào giàu hơn nhà Tú Phan và con gái lại dung nhan đẹp đẽ hơn Phi Phụng, đến xin làm sui với quan Phủ đi nữa, chắc vợ chồng quan Phủ chịu liền, chẳng hề tiếc Phi Phụng một chút nào hết, nhưng dầu kết được thông gia với nhà khác, giàu hơn, sang hơn tuy vui mừng thật, song trong lòng vẫn chẳng hết giận bà Huyện Phan được.

Tức! Tức lắm! Cách vài năm trước dòm thấy Tú Phan giàu lớn mà có một đứa con gái thôi, vợ chồng quan Phủ tính kết sui gia đặng cho con mình ngày sau được sung sướng.

Muốn sui gia đồng bực, khỏi ai cười dưới trèo lên, trên với xuống, nên bày mưu thiết kế đặng làm cho Tú Phan được chức Huyện Hàm, theo người khác cái công ắt có lợi nhiều, nhưng với ông Phủ, vì muốn bắt cá lớn nên chẳng nệ công ngồi câu, bởi vậy cho nên không có lợi gì, mà trong bụng mừng thầm chắc rằng cái nghĩa ấy ngày sau sẽ có lợi lớn. Nào dè công ngồi câu mệt nhọc cá vẫn vơ không chịu táp mồi lại còn nhảy vào rổ của người câu khác.

Cái giận mất oai, tuy cũng giận, song giận bề ngoài, chớ cái giận mất lợi thì giận thấu xương, vậy giận rồi sanh oán. Tánh tình người thiếu đức dục đều giống như vậy hết, duy người biết liêm sĩ, trọng danh dự mới không vì danh lợi mà giận có giận là giận người làm cho mình phạm nghĩa hoặc động đến danh giá của mình thôi. Vợ chồng quan Phủ hầm hầm, trông cho Tú Cẩm trở về đặng xúi Tú Cẩm đi kiện để làm hại bà Huyện Hàm chơi cho bõ ghét.

Cách hai bữa Tú Cẩm đi Cái Cùng ghé ý muốn dọ coi bà Huyện liệu lẽ thế nào. Bà Phủ nói rằng bà đã nói giúp hết lời nhưng bà Huyện Hàm nằng nặc quyết không chịu nhìn biết Tú Cẩm. Bà nhắc tới chuyện đó bà giận thiệt, nên luôn dịp ấy bà mới xúi Tú Cẩm đi kiện. Tuy Tú Cẩm biết bà giận đó không chắc giận dùm việc của mình, song cũng dạ dạ cầm chừng, nói rằng để về Chợ Lớn ít bữa sắp đặt viêc nhà xong sẽ tính việc thưa kiện.

Tú Cẩm qua Sóc Trăng giao tờ khai sanh cho trạng sư, rồi mướn làm đơn kiện bà Huyện Tú Phan , xin tòa phải dạy niêm yết hết tài sản và lên án giao lại cho mình hưởng. Bà Huyện Hàm ỷ lại tài sản của chồng để lại là tài sản của vợ chồng làm ra, bà chắc ý không ai tranh được, nên bà chẳng sợ chi hết. Bà vâng theo lời trối của chồng nên bà định ngày rồi cho hội đồng Lâm Yên đi hỏi, song vì trong nhà có tang, bà không muốn làm rình rang nên bà xin họ đàng trai đi ít người trong thân thôi, chớ đừng có mời đông người.

Còn 5 ngày nữa mới tới đám hỏi, bỗng đâu trưởng tòa đến trình án rồi làm sổ biên hết gia tài đồ vật trong nhà. Bà Huyện Hàm bối rối vô cùng, muốn chạy cậy quan Phủ lo tính giùm song nhớ lại quan Phủ đã nghịch rồi làm sao cậy được? Bà sai người xuống Trà Kha mời hội đồng Lâm Yên lên, rồi bà thuật lại việc nhà lại cho ông sui nghe. Lâm Yên làm mặt lạnh khuyên bà đừng lo, có mình bao bọc cho, ai làm gì cũng không được đâu sợ. Lâm Yên thiệt hết lòng bảo bọc, bởi vì quyền lợi bà Huyện bây giờ là quyền lợi của mình, nên lên Cần Thơ mướn trạng sư chống trả với Tú Cẩm.

Tú Cẩm không thèm qua Bạc Liêu nữa, vì sợ quan Phủ kể công ơn, nên cứ ở bên Sóc Trăng, để cho trạng sư đi hầu. Tuy vậy vợ chồng quan Phủ đi đâu cũng đều khoe khoang, nói tại bà Huyện không nghe lời mình nên mới sanh sự như vậy, chớ nếu bà Huyện nghe lời thì Tú Cẩm đâu dám thưa kiện. Bà Huyện không phiền quan Phủ và chẳng hề ăn năn về sự bà tự hôn bao giờ. Tuy vậy bà lo quá nên bà xin với Lâm Yên đình đám hỏi lại đợi việc nhà xong rồi bà sẽ định ngày khác. Lâm Yên thấy cá đã vào giỏ rồi, trước sau gì mình cũng ăn, chớ không ai giành được, cũng chịu đình đám hỏi.

Việc kiện dây dưa đến 5, 6 tháng tòa Bạc Liêu cũng chưa xử được. Trạng sư của bà Huyện cãi lẽ, nói rằng Tú Cẩm mạo tên chớ không phải là con, dầu con thiệt đi nữa gia sản của Tú Phan là gia sản của bà Huyện hưởng trọn đời, chừng nào bà trăm tuổi già thì Phi Phụng hưởng, chớ Tú Cẩm không có quyền gì giành được. Tòa dạy bà Huyện phải sao lục nộp một tờ hôn thú của bà và một tờ khai sanh của Phi Phụng. Bà mướn lục hết sức song trong bộ đời không có hôn thú của bà và không có khai sanh của con, Hởi ôi! Chừng ấy bà mới biết khi trước nhà nghèo không dè ngày sau có sự lớn đến nỗi chúng thèm, nên ngày nay bà mới thất lý như vậy. Bà tính cậy làng tổng chứng nhận dùm rằng bà là vợ, còn Phi Phụng là con của Tú Phan, quan Phủ hay tin liền kêu làng tổng dặn trước, nên không ai dám đứng ra làm chứng hết.

Bà Huyện thất lý nên bà lo sợ quá; bà tính cùng thế rồi mới cậy Lâm Yên đi kiếm Tú Cẩm năn nỉ dùm cho bà. Bà nhứt định nếu Tú Cẩm bãi nại dù Tú Cẩm đòi ăn năm ngàn đồng bà cũng chịu. Lâm Yên chịu đi nói dùm, nhưng vì tiếc 5 ngàn đồng bạc nên không chịu nói, đi chơi vài ngày rồi về nói dối rằng Tú Cẩm không chịu. Ðến ngày tòa xữ, tòa xét ra Tú Cẩm là con của Tú Phan có khai sanh đủ phép, còn bà Huyện xưng là vợ song không có hôn thú, Phi Phụng xưng là con lại không có khai sanh, nên tòa xử gia tài của Tú Phan chỉ một mình Tú Cẩm được hưởng thôi, song trong án có buột Tú Cẩm phải cấp dưỡng cho mẹ con Phi Phụng nếu không đem về nuôi thì mỗi tháng đóng tiền cơm một trăm đồng bạc.

Bà Huyện về nói lại cho con hay. Phi Phụng tức giận nên không chịu thua, khuyên mẹ đừng có buồn phải kiếm cớ đặng chống cự cho đến cùng, ví như thiệt thất lý thì giao hết tài sản cho Tú Cẩm và ra tay không, chớ chẳng chịu ở cho Tú Cẩm nuôi, mà cũng không thèm lãnh tiền cấp dưỡng. Bà Huyện nằm khóc hoài, tính hết sức cũng không ra kế chi hết.

Vợ chồng quan Phủ lấy làm đắc ý, ông nói: „Không nghe lời tôi tự nhiên tán gia bại sản, có gì lạ đâu”. Còn bà cũng nói:” Đáng đời lắm, có vậy đó con mẹ đó mới hết phách lối“.

Hội đồng Lâm Yên nghe bà Huyện thất kiện song không đến thăm, đợi chừng bà Huyện sai người đi mời mới chịu đến, nói dối rằng mấy bữa nay khó ở nên nghe thất kiện không đến được, bà Huyện hỏi ý Lâm Yên coi bây giờ phải liệu thế nào? Lâm Yên khuyên bà Huyện phải chống án lên tòa trên, rồi mướn trạng sư giỏi hơn cãi lẻ chắc phá án được.

Bà Huyện nghe lời liền mở tủ lấy một ngàn đồng bạc giao cho Lâm Yên và cậy đi Sài Gòn mướn dùm trạng sư đi chống án.

Qua bữa sau, lúc mặt trời mới mọc bà Huyện đương ngồi uống nước, còn Phi Phụng đương đứng gần đó cắt cuống trầu, mẹ buồn xo không nói, không cười, con cũng buồn lơ lững nhu sầu nhu não. Tuy ánh mặt trời dọi vào cửa sáng lòa gạch đỏ, tiếng chim sâu kêu bên chái réo tắt giọng đồng, nhưng nhà có việc buồn nên cảnh đẹp cũng chẳng vui, lòng có việc lo rầu dịp vui cũng không muốn. Cách một hồi lâu Phi Phụng muốn nói:

-          Không biết anh Duy Linh bây giờ ảnh ở đâu? Chớ chi mấy lúc như vầy có ảnh ở gần cậy mượn ảnh tiện quá. Chừng má đi hầu tòa trên Sài Gòn, má kiếm thử coi gặp ảnh không nghe má.

Bà Huyện gật đầu, bỗng nghe tiếng xe hơi ngừng ngoài ngõ, thấy Tú Cẩm thủng thẳng bước vô nhà. Lần nầy Tú Cẩm mặc bộ đồ Tây trắng, song trên nón và dưới cánh tay có quấn nỉ đen. Bà Huyện vừa ngó thấy thì nói:

-          Thằng đó nó còn đến đây làm chi nữa!

Phi Phụng ngó ra cửa và hỏi:

·        Ai đó má?

·        Tú Cẩm chớ ai.

·        À, vậy hay sao?

Phi Phụng nghe nói tới tên Tú Cẩm giận dữ, nên lại đầu ván dựa cửa sổ ngồi, có ý muốn biết coi anh ta đến nói việc chi. Tú Cẩm bước vô nhà, thấy bà Huyện đương ngồi ăn trầu nên đi lại đứng ngay trước mặt chào hỏi, thấy Phi Phụng ngồi phía sau liếc ngó một cái, mới lại kéo ghế ngồi, tuy cặp mắt ngó trong ngó ngoài, song ngó đâu rồi cũng ngó Phi Phụng. Bà Huyện không chào Tú Cẩm song Tú Cẩm chào bà, bà cũng không ừ, cách một hồi lâu bà mới hỏi:

-          Thầy đã đi kiện mẹ con tôi, bây giờ thầy đến đây làm chi nữa?

Tú Cẩm nghe nói mặt buồn xo, ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi mới đáp:

-          Thưa dì, phận con khờ dại, cha con mới mất, nấm mã chưa khô nay con sanh lòng bất hiếu ra thưa kiện dì, cái tội của con đó dì quở trách rầy la bao nhiêu con cũng phải chịu, chớ con không dám chối cãi. Song dì xét lại cho con nhờ. Con mà đi kiện đó chẳng phải là con có ý muốn tranh gia tài, bởi vì con cũng có cơm đủ ăn, áo đủ mặc, chớ không phải đói rách sanh tâm tà quấy. Số là hôm mới nghe tin cha con mất, con đương buồn rầu đau đớn, xuống đến đây dì giận không cho con lạy, lại dì cũng không chỉ mồ mã, con lấy làm phiền lòng, rồi lại bị thiên hạ xúi vô nữa, nên con mới đi kiện lỡ. Nay con xuống đây là để năn nỉ tạ lỗi với dì, xin dì thương phận con đừng chấp tội nghiệp. Tuy con không ở gần, song con cũng biết cha được giàu lớn như vầy là nhờ công dì cực khổ. Nếu cha con vô phước không sống trăm tuổi để hưởng phú quý vinh hoa, gia tài nầy tự nhiên phải để dì và em con hưởng, nếu dì có lòng thương con, dì cho chút đỉnh ấy là may, còn ví như dì không thương đi nữa không cho con đồng nào hết con cũng phải chịu chớ con đâu dám trách? Con lỡ làm quấy đi kiện dì bây giờ con ăn năn quá, vậy xin dì thứ lỗi cho con. Con ngồi giữa nhà nầy con thề với dì rằng tuy con đặng kiện mặc dầu, mà nếu dì thương, con cũng để hết gia tài lại cho dì và em con hưởng, chớ con đâu dám lãnh.

Bà Huyện thấy Tú Cẩm đến nhà tưởng đặng kiện rồi nên giành gia sản sự nghiệp, chẳng dè Tú Cẩm lại như vậy, làm bà ngạc nhiên không biết trả lời sao. Phi Phụng thấy mẹ lặng thinh nên rước lời đáp với Tú Cẩm:

·        Tôi sợ miệng thầy nói thủy chung như vậy chớ bụng thầy không phải như vậy. Nếu thiệt thầy không cố ý tranh gia tài thầy kiện làm gì?

·        Thuở nay anh em không ghặp nhau lần nào, không biết tánh nhau, nên em mới nghĩ bụng qua như vậy. Nhưng em nên nghĩ lại, nếu qua chủ ý quyết tranh gia tài của cha nầy qua đặng kiện rồi qua cần gì xuống đây năn nỉ dì?

·        Thầy đặng kiện là đặng kiện tòa sơ, chớ nếu lên tòa trên thầy chắc gì đặng nữa?

Tú Cẩm ngó ngay Phi Phụng miệng chúm chím cười và nói:

·        Hễ qua có ý tới đâu qua cũng đặng hết thảy, em đừng nghe lời người ta chống án tốn hao. Nhưng bây giờ qua đã biết lỗi nên qua tới đây xin lỗi dì và xin để nguyên gia tài cho dì và em hưởng trọn, vậy em còn tính chống cự nữa làm chi? Qua nói thiệt với em, dẫu dì có chống án qua cũng chẵng thèm đi hầu.

Bà Huyện nghe Tú Cẩm nói tới chừng nào bà càng ngạc nhiên chừng ấy. Khá thương người chất thiệt vì lòng ngay thẳng nên tưởng mọi người đều ngay thẳng như mình không dè thiên hạ ở đời phần nhiều đều xão trá, việc phải họ nói ra quấy, việc quấy họ xoay ra phải, họ tính một đường nhưng nói một ngả, người nầy gạt người nọ, hễ nghe hơi tiền là dẹp liêm sĩ, bỏ nghĩa nhân giành giựt nhau, đến nát thân thế, nhục danh dự, mà họ cũng vui làm, bởi hễ ai giành được là hay, ai gạt giỏi là khôn nên đua nhau gạt gẫm giành giựt. Bà Huyện tuy nay đã giàu sang, song bà gốc ở ruộng rẫy. Không nếm trải nhân tình thế thái cho lắm, bà có biết ai gian ai ngay, ai chân thật, ai giả dối. Bà nghe Tú Cẩm nói nhỏ nhẹ dịu ngọt, bà tưởng những lời nói đó là thiệt, bà tưởng giọng dịu ngọt ấy là giọng ăn năn, nên lửa giận của bà nguôi lạnh dần dần, đến chừng Tú Cẩm nói bà chống án anh ta cũng không đi hầu thì bà mừng quá, nên bà vùng nói:

-          Nếu thầy biết lỗi thầy không tranh gia tài nầy nữa thì lẽ nào tôi đành để thầy nghèo khổ hay sao?

Tú Cẩm thò tay vào túi lấy khăn lau cặp mắt rồi bệu bạo nói:

-         Thưa dì, nếu dì thương con như vậy con kính phục dì biết chừng nào. Từ nhỏ chí lớn con không có mẹ, cha con lại ở xa, lâu lâu mới về thăm giây lát, xưa nay hễ con nhớ tới thân phụ của con, con ngậm ngùi khóc tủi hoài. Ngày nay con đã lớn khôn mà cha con lại lìa trần về âm cảnh. Trên đời bây giờ con chỉ còn có một mình em con đây là máu thịt với dì là thân thuộc thôi. Vậy nếu dì thương con, con chẳng dám xin dì vật chi hết, chỉ xin dì cho con ở dưới nầy trước là hương khói cho cha con, sau hủ hỉ với dì và gẩn gũi với em đặng cho cha yên lòng nơi cửu tuyền và thân con đỡ bơ vơ trên dương thế.

Bà Huyện động lòng quá, không nói chi được hết. Tú Cẩm thừa lúc bà đương bối rối như vầy mới nói riết tới và tính để về nhà bán hết ruộng đất rồi sẽ trở xuống ở.

Tú Cẩm về rồi bà Huyện lộ sắc mừng và tỏ ý muốn sai người đi mời hội đồng Lâm Yên đặng cậy lên Sài Gòn xin trạng sư rút đơn đừng chống án nữa. Phi Phụng cản mẹ, nói rằng không biết chừng Tú Cẩm nghe mình chống án, sợ lên tòa trên mình đặng kiện nên giả mưu lập chước làm vậy đặng mình bãi nại. Anh ta đã được tòa án sơ rồi nếu mình không chống án, tự nhiên anh ta có lý rồi cách ít ngày anh ta thi hành án ấy để lấy hết gia tài mình mới nói sao được? Bà Huyện nghe có lý nên bà không tính chuyện bãi nại nữa.

Tòa trên cho hay đến rằm tháng chạp sẽ xử. Bữa mùng 8 Tú Cẩm xuống nữa nói với bà Huyện và Phi Phụng rằng có người chịu mua đất, mua nhà rồi, song hẹn ra giêng sẽ làm giấy chồng bạc. Tú Cẩm ở đó ăn cơm và xông pha trong nhà, lên trên lầu, xuống dưới bếp không ngại chi hết mà bà Huyện cũng không ngăn trở. Tú Cẩm cứ kiếm Phi Phụng đặng nói chuyện, hễ nói thì ngon ngọt, giọng thâm trầm, miệng chúm chím cười, mắt láo liên ngó. Đến tối Tú Cẩm mới nhắc đến chuyện tòa trên đòi hầu, và ướm lời xin bà Huyện đi với mình lên Sài Gòn đặng biểu trạng sư làm bãi nại. Bà Huyện không chịu đi, lại nói nếu Tú Cẩm không cần đắt thất[1] mặc tòa xử thế nào cũng được bề gì cũng đã tốn hao rồi, vậy không bãi nại.

Tú Cẩm biết ý bà Huyện không chịu bãi nại mới tính làm cho bà giải đãi[2] vội nói:

-          Dì muốn để tòa xử cũng được. Con nói thiệt bữa đó con không đi hầu, vái cho tòa xử cho con thất đặng con khỏi mang lỗi với dì.

Bà Huyện nghe nói càng mừng, bởi vậy đêm ấy bà nói chuyện với Tú Cẩm cho tới 1 giờ khuya mới đi ngủ.

Sáng bữa sau Tú Cẩm trở về Chợ Lớn. Bà Huyện xuống nhà Lâm Yên thuật chuyện Tú Cẩm không thèm đi hầu cho Lâm Yên nghe và cậy Lâm Yên thay mặt đi hầu thế cho bà, Lâm Yên bị nóng lạnh mấy bữa, trong mình không được khỏe, lại nghe Tú Cẩm nói không đi hầu không lo sợ chi nữa, nên nói với bà Huyện cho Thủ Hiệp đi hầu thế, bởi việc kiện của mình đã có trạng sư lo liệu nên đi cũng được, không đi cũng được. Bà Huyện thì giải đãi như vậy, còn Tú Cẩm hễ xuống Bạc Liêu là nói không đi hầu, mà chuồn về Chợ Lớn có ý lo lắng lắm. Ðến ngày tòa xử, hai bên trạng sư cãi sơ một hồi, rồi tòa trên bác đơn của tiên cáo và xử y án tòa sơ.

Thủ Hiệp về nói lại cho Lâm Yên hay, cha con dắt nhau lên nói cho bà Huyện nghe làm bà thất sắc. Bà hỏi bữa đó có Tú Cẩm đi hầu hay không, Thủ Hiệp nói thấy có ba người vô nghe tòa xử, và có một người theo nói chuyện với trạng sư của Tú Cẩm hoài. Bà biểu tả sơ hình dạng người ấy té ra quả là Tú Cẩm.

Hai cha con Lâm Yên về rồi bà huỵên với Phi Phụng đều lo lắng, bàn tính với nhau hoài không biết Tú Cẩm thiệt giả lẽ nào. Mùng một Tết Tú Cẩm đi xe hơi xuống mừng tuổi bộ cũng thân thiết, nói cũng nhỏ nhoi như lần trước, nhưng không nói tới chuyện kiện thưa nữa, đến tối cáo từ ra về, nói rằng đợi làm giấy bán nhà xong sẽ xuống ở chung luôn.

Mẹ con bà Huyện nửa tin nửa nghi, nên ăn không ngon ngủ không yên. Qua rằm tháng giêng Tú Cẩm chở hai rương quần áo và dắt một đứa nhỏ tên thằng Su xuống rồi lạy bà Huyện xin ở. Bà Huyện đã thất thế nên không dám chống cự, lại thấy Tú Cẩm nhỏ nhoi thật tình cũng đem lòng thương, bà dạy dọn phòng trên lầu cho Tú Cẩm ở, còn mẹ con bà ở dưới.

Trong hai tháng đầu Tú Cẩm ăn ở mềm mỏng dễ thương lắm, cung kính bà Huyện, bợ đỡ Phi Phụng coi sóc việc nhà, tử tế với tôi tớ. Lần lần anh ta nhân dịp bà Huyện xuống ruộng mới xin phép đi theo. Xuống dưới Cái Cùng anh ta mượn tá điền dắt đi chơi, hễ ra khỏi nhà thì biểu dắt đi xem cho giáp hết mấy sở ruộng của Tú Phan.

Bà Huyện thấy Tú Cẩm ăn ở như vậy, trong lòng bớt nghi, nhứt là thấy Tú Cẩm nhứt định không chịu vô chợ Bạc Liêu chơi, lại quan Phủ gởi thơ mời ba lần song anh ta cứ cáo từ không chịu đến, bà Huyện càng thêm tin nữa. Tôi tớ trong nhà ai cũng kính trọng Tú Cẩm, duy có Phi Phụng hễ thấy mặt Tú Cẩm trong lòng không yên, mặc dầu Tú Cẩm nói với Phi Phụng rất mềm mỏng ngọt ngào, song không hiểu vì cớ nào cô ta không ưa, ở một nhà lại cứ lánh mặt hoài, thậm chí ăn cơm cô cũng ăn riêng, chớ không chịu ngồi ăn chung.

Qua tháng tư Tú Cẩm tính đi Sài Gòn chơi nên xin bà Huyện một ngàn đồng bạc đặng mua đồ. Bà Huyện đưa có hai trăm anh ta lấy nhưng sắc mặt không vui và ra xe hơi đi Sài Gòn liền. Từ ấy về sau anh ta đi chơi thường, hễ đi thì xa hoặc Sóc Trăng, Cần Thơ hoặc Mỹ Tho, Sài Gòn chớ chẳng hề nào chịu chơi trong Bạc Liêu. Mỗi lần đi đều xin tiền nhiều, và lấy xe hơi nhà đi. Bà Huyện than túng anh ta nói hôm tháng giêng góp mấy chục ngàn giạ lúa thiếu gì tiền mà sợ hết.

Bữa nọ có khách ở dưới Trà Kha ghé thăm, thấy Phi Phụng bèn thử hỏi bà Huyện tính chừng nào mới cho Thủ Hiệp đi lễ hỏi. Bà Huyện ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp rằng bà có ý trông thầy hội đồng Yên, bây giờ bà đã rãnh rang việc nhà rồi vậy nên tự ý thầy muốn định ngày nào cũng được. Tú Cẩm ngồi lóng tai nghe, chừng khách về rồi anh ta mới nói với bà Huyện: ”Hồi nãy con nghe chuyện dì gả em con cho Thủ Hiệp phải hay không? Xin dì đừng thèm sui với chỗ đó, con không bằng đâu. Lâm Yên tính làm sui với dì là vì nó thấy dì giàu còn Thủ Hiệp tính cưới em của con là nó muốn bán cái bằng cấp của nó. Quân đó ra gì mà gả? Để thủng thẳng con kiếm chỗ sang trọng bằng mười nó nữa, chớ quân đó mà sang trọng gì?”

Bà Huyện ngồi ngó Tú Cẩm trên bàn, cách một hồi bà mới đáp: „Khi ổng gần tắt hơi ổng có trối phải gả chỗ đó, bởi vậy tao phải nghe lời. Thế nào tao cũng phải gả cho Thủ Hiệp chớ chỗ nào giàu sang cho mấy đi nữa tao cũng không ham“.

·        Không được đâu! Gả chỗ đó con không vừa lòng chút nào hết.

·        Con của ổng thì ổng gả, ai dám cãi? Ổng muốn gả chỗ nào tùy ổng chớ.

·        Người ta nói: „Quyền huynh thế trưởng“. Cha chết rồi, bây giờ con cầm quyền trong nhà, vậy dì phải để con định.

·        Uả! Bây giờ mầy nói nghe trái tai quá! Phi Phụng là con tao, nay ổng mất rồi tao gả nó sao mầy lại cản?

·        Không phải con cản không cho gì gả em. Tuy con là trưởng nam nên quyền trong nhà bây giờ thuộc về tay con, song dì muốn gả em thì gả. Con cản là cản không cho gả chỗ đó chớ.

Bà Huyện bỏ đi vô mùng không thèm nói chuyện nữa. Phi Phụng đã không ưa Tú Cẩm, nay nghe Tú Cẩm cãi với mẹ về sự ấy cô giận lắm, một là Tú Cẩm sao dám thị nhục người cha đã hứa hôn, mà mình cũng trộm ước gởi phận trăm năm, hai là giận Tú Cẩm đã ló ngón bất lương, mới ở có mấy tháng mà đã muốn cầm quyền, nếu ở lâu chắc chẳng khỏi đoạt hết sự nghiệp. Cô ta không lẽ nói ra, song trong bụng thầm vái Lâm Yên chọn ngày đi hỏi cho mau, đặng coi Tú Cẩm làm sao cản cho được. Đêm ấy cô nằm suy nghĩ tới suy nghĩ lui, tính dầu cô ta ưng Thủ Hiệp, Tú Cẩm có giận, chiếu án tòa ra để giành hết gia tài đi nữa, cô ta cũng không cần, bởi vì người còn thì của còn, miễn là đừng phụ lời trối của cha và miễn là có chồng xứng ý thì thôi, dầu nghèo cũng được.

Sáng hôm sau bà Huyện nằm trên ván gác tay qua trán mắt ngó ra cửa sổ. Phi Phụng ngồi thêu dựa bên giường mặt sáng trưng, bàn tay dịu nhiểu. Tú Cẩm ở trên lầu đi xuống, Phi Phụng thấy dạng xụ mặt coi bộ ghét lắm. Tú Cẩm thấy vậy cười hỏi:

-          Tại qua không chịu gả em cho con Lâm Yên nên từ hôm qua đến nay em ghét qua phải hôn? Em đừng giận. Thứ đồ chưng bằng cấp đặng kiếm vợ giàu có nên thân gì. Để thủng thẳng qua chọn chỗ xứng đáng rồi qua sẽ chỉ cho dì gả em.

Phi Phụng giận quá dằn không được, nên buông cây kim đáp sẵn:

·        Phận tôi là gái, cha mẹ định chỗ nào phải ưng chỗ ấy, anh không được phép cản trở.

·        Qua là anh cả, sao qua không được phép cản? Nếu qua không xem xét để cho dì gả em nhằm chỗ không biết điều, ngày sau em buồn rầu cực khổ trọn đời, há qua không có lỗi hay sao?

·        Tôi không cần anh lo cho tôi.

·        Qua là anh qua phải lo, chớ qua phải đợi em cầu nữa hay sao?

·        Anh ở đây miễn no cơm ấm áo là đủ rồi anh đừng có đèo bồng, anh không được phép xía vô chuyện nhà của tôi.

·        À há! Em tưởng qua bần cùng đói cơm thiếu áo nên tới đây ở nhờ ăn bám hay sao?

·        Nếu anh giàu sang anh tới đây làm gì?

·        Ủa, nhà của cha qua ở, của của qua qua ăn, chớ em biểu bỏ hết cho em ăn một mình hay sao?

·        Tôi không muốn cho anh ở đây nữa.

·        Dầu không muốn cũng không được. Có lý nào nhà của qua qua lại dành cho thằng Thủ Hiệp hay sao?  Là thằng điếm cho nó về đây ở, còn qua lại ở chỗ khác.

·        Anh lỗ mản quá, tôi nói trước cho anh biết, người ta không có mặt anh không được mắng lén người ta như vậy đa.

·        Tại sao em binh thằng đó dữ vậy?

·        Tôi không binh ai hết, song tôi không muốn ai nói lén ai.

·        Chừng qua nói dẫu qua nói trước mặt nó qua cũng nói, chớ sự hay sao qua phải nói lén?

·        Nếu có giỏi hãy đến nhà người ta nói đi

·        Thôi, em đừng có giận, để qua hỏi em một điều nầy: Vì cớ nào em ưng Thủ Hiệp, còn không chịu ưng chỗ khác?

·        Anh không được phép hỏi chuyện đó.

·        Tại sao?

Bà Huyện nằm nghe hai đằng gây gổ với nhau bà đã hiểu ý Tú Cẩm muốn ỷ thế chuyên quyền; bà chắc lần lần rồi đây Tú Cẩm chẳng khỏi giành thâu huê lợi, giành giữ chìa khóa. Bà lấy làm buồn hết sức song vì thất thế bà không biết tính sao, nên bà mới dịu ngọt trả lời thế cho Phi Phụng:

·        Tại cha nó đã gả nó cho Thủ Hiệp, bây giờ nó ưng chỗ khác sao được?

·        Tôi không chịu chỗ đó.

·        Mà tao cũng đã hứa lời với người ta rồi nữa.

·        Tự ý dì, nếu dì gả cho Thủ Hiệp tôi không cho đồng tiền nào hết. Chừng nào đám cưới thì dì làm chỗ khác chớ tôi không cho làm trong nhà nầy.

·        Mầy nói sao vậy? Tao có xin tiền mầy đâu mầy lại hăm dọa không cho tiền, còn nhà của tao tao làm đám cưới cho con tao, mà mầy cản nổi gì?

·        À, dì đi vay để làm đám cưới thì được, chớ tôi không cho xuất tiền trong tủ. Còn nhà nầy là của tôi, chớ không phải nhà của ai hết.

·        Ủa! Bây giờ mầy tính giựt hết gia tài sự sản của tao hay sao?

·        Tôi có giựt của ai đâu? Gia tài sự sản nầy của tôi tôi làm chủ có giấy tờ đủ phép, chớ!

-          Bà Huyện nghe tới đó bà nghẹn cổ, nước mắt tuôn đầm đìa, không nói chi được nữa, Phi Phụng giận run đứng dậy lại chỉ mặt Tú Cẩm nói lớn:

·        Mầy là thằng điếm chó! Mầy là quân ăn cướp! Bây giờ mầy tính đuổi mẹ con tao phải không? Trời ơi! Ngó xuống mà coi đây nè! Cha mẹ tôi làm đổ mồ hôi xót con mắt mới có ruộng vườn nhà cửa, bây giờ quân bá vơ ở đâu nó đến giựt, trời ngó xuống mà coi!

         Phi Phụng dậm chân than khóc nghe rất thảm thiết. Tú Cẩm ngồi tỉnh như thường và nói hưỡn đãi:

·        Qua có đuổi em hồi nào đâu? Quan tòa dạy phải nuôi em với dì. Nếu em ở đây qua nuôi đầy đủ chớ! Em ở đây em ăn mặc bao nhiêu qua cũng chịu hểt. Song qua không muốn cho em ưng thằng Thủ Hiệp. Em liệu lấy.

         Tú Cẩm nói dứt lời rồi bỏ lên lầu. Bà Huyện ngồi khóc không nói chi được. Phi Phụng tức giận mặt mày tái xanh, cô lau nước mắt rồi nói với mẹ:

·        Má, thôi má vô tủ lấy quần áo đi chỗ khác mà ở, con không bằng lòng ở đây nữa. Trời đã khiến cho mẹ con mình lao đao lận đận, thì mình phải chịu chớ không nên phiền trách. Mình đã mắc mưu quân khốn khiếp rồi bây giờ còn ở đây làm gì? Đi má, đi cho khuất con mắt, ở đây con thấy mặt nó con khó chịu lắm. Tại má thấy nó khóc lóc nên má tin nên bây giờ đến nỗi nầy. Thôi để nhà nầy cho nó ở.

Bà Huyện nghe con nói bà đau đớn chịu không được, bà cứ ngồi lắc đầu hoài. Cách một hồi bà kêu đứa ở đem xe hơi ra cho bà đi xóm. Phi Phụng không chịu ở nhà nên lên xe cùng đi với bà.

Bà Huyện xuống Trà Kha ghé nhà Lâm Yên thuật lại chuyện đầu đuôi mọi việc cho Lâm Yên và cậy Lâm Yên tính dùm. Phi Phụng ngồi ngoài xe không chịu vô nhà. Lâm Yên nghe nói thì gật đầu ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu mới đáp:

-          Nó kiện đặng án tòa dưới rồi tòa trên nó cũng đặng nữa, bây giờ làm sao được? Nhà là nhà của nó, nên nó ở bà không phép đuổi, còn nếu nó làm gắt bà còn phải giao hét tiền bạc ruộng đất cho nó nữa.

Bà Huyện tức ấm ức nên nói cho hả hơi bớt thôi, chớ Lâm Yên cũng tính không ra kế chi. Bà trở về đánh liều chạy vô nhà quan Phủ khóc lóc và xin vợ chồng quan Phủ làm phước cứu dùm. Quan phủ lơ láo không muốn nghe còn bà Phủ giọng thấp giọng cao, nói nói cười cười, những lời bà nói ra đều là những lời cay chua chớ không được một lời nào gọi là thương tưởng.

Mẹ con bà Huyện dắt nhau về đến nhà trời đã gần tối. Đêm ấy bà ngủ không được cứ ngồi khóc hoài. Tú Cẩm không hỏi thăm coi ngày ấy bà đi đâu, lại theo nói dã lã, làm như không có chuyện gì mích nhau. Phi Phụng thấy mặt Tú Cẩm thì giận, nghe tiếng Tú Cẩm thì ghét nên đêm ấy cứ dục mẹ xuống ruộng cất nhà lá ở đừng thèm ở chung với Tú Cẩm nữa. Bà nghe lời con, nên sáng bữa sau bà tom góp áo quần mở tủ lấy bốn ngàn đồng bạc và đồ nữ trang của bà và đồ của Phi Phụng rồi biểu gia đinh dọn ghe cho bà đi ruộng. Tú Cẩm năn nỉ xin bà ỏ lại nhà, nói rằng lúc ấy trời mưa gió bà xuống ruộng muỗi mòng cực khổ. Mẹ con bà Huyện không thèm trả lời, ăn cơm sớm mai rồi dắt nhau xuống ghe đi tuốt.



[1] được thua

[2]  dây dưa, làm lôi thôi để kéo thời giờ


| trang đầu |đầu trang | Chương: 01 02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12 13 14 15 16