Cùng bạn đọc

Sau khi nhận được thông tin của độc giả Nguyễn Thanh Nguyên cho biết tác giả của truyện „Người Vợ Hiền“, đăng trong Phụ Nử Tân Văn năm 1929 là Thới Xuyên chứ không phải Hồ Biểu Chánh, chúng tôi tạm thời rút truyện „Người Vợ Hiền“  ra khỏi trang Web hobieuchanh.com. Ông Nguyễn Thanh Nguyên đưa ra hai tài liệu dẫn chứng về tác giả của truyện này (xin xem phần dưới).

Nhóm biên tập  hobieuchanh.com

 

Thư của ông Nguyễn Thanh Nguyên gởi nhóm biên tập  hobieuchanh.com :

Kính gởi:

Ban Biên tập và Thực hiện trang web hobieuchanh.com
Đề mục :Thới Xuyên là tác giả tiểu thuyết Người vợ hiền
Ngày 01 tháng 7 năm 2009

Thưa quý Ông, Bà,

Tình cờ thấy  trên quý trang web, có ghi :

 Theo tài liệu của hầu hết các nhà nghiên cứu về nhà văn Hồ Biểu Chánh mà chúng tôi được biết thì quyển "Người vợ hiền" không có trong danh sách truyện của Hồ Biểu Chánh. Tuy nhiên chúng tôi có được một quyển sách của NXB Tổng Hợp Tiền Giang 1989, in lại theo báo Phụ Nữ Tân Văn 1929 nên phổ biến để rộng đường suy luận.

Tôi là con của người viết tiểu thuyết này, xin tỏ đôi lời :

Tiểu thuyết « Người vợ hiền », tác giả đích thực là  thầy giáo Nguyễn văn Bá, bút hiệu là Thới Xuyên, đăng trong Phụ Nử Tân Văn năm 1929.

Nhưng, năm 1989, nhà xuất bản Tổng Hợp Tiền Giang, xuất bản thành sách, không biết vì lý do gì, để thành Hồ Biểu Chánh. Nhờ một người học trò cũ của Ba tôi phát hiện sai sót, chúng tôi đã liên hệ với nhà xuất bản TH Tiền Giang, yêu cầu được sửa tên cho đúng. Nhà xuất bản TH Tiền Giang,  cử ông Trần Phượng Vân đến gặp gia đình tác giả,  tự ý trả nhuận bút, (dù chúng tôi không có yêu cầu), đồng thời, hứa sẽ đính chánh, khi tái bản.

   Nhưng  sau đó , nhà xuất bản này thôi hoạt động, vì vậy, tiểu thuyết Người vợ hiền trên  nhiều trang web, lấy nguồn từ nhà xuất bản Tổng hợp Tiền Giang,  vẫn còn mang không đúng tên tác giả. Vì uy tín của hobieuchanh.com,  vì sự trung thực, vì  lợi ích của độc giả, và  giúp việc nghiên cứu phê bình văn học có cơ sở chính xác, xin quý ông bà,  vui lòng sửa tên tác giả dùm cho đúng.

Thành thật cám ơn, và rất mong hồi âm của ban biên tập.

Nguyễn thanh Nguyên

 ________________________

1- ĐỌC “NGƯỜI VỢ HIỀN

PHAN KHÔI

Bổn tiểu thuyết nầy, tác giả là Nguyễn Thới Xuyên, trước đã đăng từng kỳ trong Phụ nữ tân văn, sau đây mới in thành tập. Bán có ba cắc.
Hồi trước nó ở trong báo Phụ nữ tôi chưa kịp đọc. Khi in xong, có vài ba người vừa đàn ông vừa đàn bà đọc qua, rồi nói cùng tôi rằng: Thật, đọc cuốn Người vợ hiền rồi, vợ chồng “dám” thương nhau hơn trước. Hãy chịu khó đọc thử coi, đừng khinh!…
Tôi đâu có khinh, nhưng dạo nầy quả không đủ thì giờ mà đọc được cuốn tiểu thuyết. Đã nghe vậy thì phải nhín vài bốn giờ ra mà đọc. Vừa đọc vừa nghiệm lời người ta nói.
Trong gia đình mỗi người có một cảnh. Nhiều khi mình đọc trong sách, thấy có cảnh giống mường tượng như cảnh mình, hay là chỉ có một chấm một nét giống mường tượng như cảnh mình, cũng đủ khiến cho mình cảm động. Huống chi cái cảnh trong bổn tiểu thuyết nầy là cảnh người đời thường gặp, làm cho kẻ đọc phải cảm động là phải.
Như vậy là nhờ tác giả khéo tả.
Thật, bổn tiểu thuyết nầy không cốt ở chuyện hay, mà cốt ở lời văn tả thấu được cái tâm sự của người trong truyện, cũng là cái tâm sự của người thế gian thường mang lấy.
Nhan là Người vợ hiền, người vợ hiền thiệt. Biết thờ cha mẹ gia nương, biết yêu quý chồng, biết dạy con, biết chiều chị dâu, biết cảm hóa đầy tớ, rõ là người hiền thục. Tuy vậy mà những điều ấy còn chưa hệ trọng mấy. Hệ trọng nhứt là chỗ ái tình, chỗ ái tình mà tác giả muốn tả.
Nhan là “gia đình tiểu thuyết” phải. Người vợ là quan hệ cho gia đình thứ nhứt, có thể nói là làm nên tự tay mà làm hư cũng tự tay. Người vợ đã hiền thì thật là cái phước cho gia đình. Nhưng cái gốc của cái phước ấy ở đâu? Ấy là ở ái tình, cái ái tình mà tác giả muốn tả.
Theo như con mắt tôi thì trong cuốn truyện nhỏ nầy, phần ái tình là trọng hơn.
Tôi bình sanh, cái gì thì tôi khuynh hướng về mới, duy có ái tình thì tôi thủ cựu rất mực. Tôi hết sức phản đối cái thuyết “luyến ái tự do”, tôi cho là đem ái tình ra dùng tầm bậy. Tôi nhận cái chơn ái tình duy có ở chỗ vợ chồng mà thôi. Tôi dám nói rằng ngoài vợ chồng không có chơn ái tình; có chăng là đồ bá giáp. Mà ngoài vợ chồng, quả có chơn ái tình chăng nữa, thì cũng đợi đến thế kỷ nào kia; còn hiện ngày nay, ở đất nầy, chơn ái tình còn cứ phải ở trong vợ chồng.
Thấy nói như vậy, chắc có người bảo tôi còn nhà quê, chưa biết ái tình là cái gì, cũng lại một phường “gia phạn thê luân” không chịu mở mắt xem thiên hạ. Nhưng họ nói vậy mặc kệ họ, tôi vẫn sống một cách êm đềm trong cái thứ ái tình cũ rích của tôi.
Có lẽ cái ái tình tôi kêu là “chơn” đó, là đồng một thứ ái tình với trong truyện nầy. Nếu vậy thì may ra tôi được đồng ý với tác giả, mà mấy người đàn ông đàn bà trên kia cũng đồng ý cùng chúng tôi nữa. Hay là hết thảy chúng tôi đều là người cũ rích?
Còn có ai đồng ý với chúng tôi nữa, hãy nên đọc bổn tiểu thuyết nầy đi. Khi đọc xong, trong ái tình, ai được thanh sạch thì nên vui mừng, ai có tội lỗi thì nhờ đó mà sám hối.
Còn có ai phản đối với chúng tôi nữa, cũng nên đọc mà. Đọc để cho biết cái mà bọn kia họ kêu là ái tình, là cái như vậy đó. Nên biết kẻo uổng!
Trong cuốn sách nhỏ nầy, tôi lại thấy một chỗ rất hay, là giảng luân lý luôn mà không làm cho người ta khó chịu, cái luân lý nó hiệp với nhơn tình.
Đến như văn thì nhiều vẻ tự nhiên, gần đến bậc thanh thoát. Khéo nhứt là hay tả những chỗ không tả. Đại khái như, tả cái “làm thinh”, tức là tả tâm sự. “Làm thinh”, ấy là không tả, mà tả.
Rốt hết, tôi phải tỏ thật tình khen tặng tác giả, và hai tay trân trọng giới thiệu cuốn tiểu thuyết nầy cho bà con.
Vạn nhứt lời xưng hứa của tôi đây có quá đáng chút nào, ấy không phải cái lỗi của tôi ở lòng mà ở óc.

Trung lập, Sài Gòn, s.6364 (4.2.1931)

Trích sưu tầm của Lại Nguyên Ân: “PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1931

Nguồn: www.viet-studies.info/Phankhoi/PKhoi_DocNguoiVoHien.htm

 

2. Nhớ thầy Thới Xuyên Nguyễn Văn Bá

Trích đoạn Bài viết của Nguyễn Ngọc, trên báo Cửu Long.

(Hiện anh Nguyễn Ngọc phụ trách giáo dục đào tạo ở Cần Thơ), email : nvtan.gdtd@gmail.com:  

Người cầm viết

Thời làm biên tập viên Nhà xuất bản Cửu Long, có một câu chuyện thật tình cờ tôi mới biết đến Nguyễn Văn Bá. Số là những thập niên 80, NXB tiền Giang in rất nhiều tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, trong đó có tác phẩm “Người vợ hiền”. Một hôm có một người trung niên tên Nguyễn Hồng Tâm, đến gặp tôi xin tư vấn về quyền tác giả của tác phẩm ấy và nói rằng ngay từ lúc học tiểu học trước năm 1950 ở xã An Hữu, đã từng đọc tác phẩm này của thầy mình là Thới Xuyên Nguyễn Văn Bá.

……..

Người học trò ấy cất công lặn lội tìm nhà thầy mình ở Chợ Lách để tìm ra bút tích tác phẩm, mặc dù thầy anh đã mất từ nhiều năm rồi.

Kết quả, sau khi chúng tôi mang các chứng cớ đến NXB Tiền Giang, họ chỉ nói một câu: “Biết tác giả, nhưng không biết gia đình, thôi để tên Hồ Biểu Chánh, bán chạy hơn!”

…….

Nguyễn Ngọc