Về các thể loại viết bằng chữ quốc ngữ vào cuối thế kỳ XIX - đầu thế kỷ XX ở Việt Nam

Nguyễn Văn Trung


Vào thời kỳ này, chúng tôi nhận thấy có những tiểu thuyết viết bằng quốc ngữ chịu ảnh hưởng lối viết truyện Tàu, nhưng không phải là tiểu thuyết lịch sử, hoặc chịu ảnh hưởng lối viết tiểu thuyết phương Tây. Ngoài ra còn có thể loại ký (phóng sự, hồi ký, du ký…) cũng chịu ảnh hưởng phương Tây.
Thật ra rất khó có được một trình bày đầy đủ diễn tiến thể loại văn xuôi này, vì chúng tôi chỉ mới tìm được một vài cuốn hoặc biết có một vài cuốn khác ghi trong các lời ra đăng báo đương thời hoặc trên các trang bìa sách.
Những cuốn có được, biết được mặc dù còn quá ít cũng cho phép chúng tôi phát họa vài chiều hướng diễn biến của thể văn này hoặc những giả thuyết giải thích.

Một nét trội bật ghi nhận được khi đọc những tiểu thuyết này là tính cách Việt Nam thật rõ rệt của cốt truyên cũng như khung cảnh của truyện kể. Tuy nhiên những người am hiểu văn hóa phương Tây sẽ dễ dàng nhận ra ảnh hưởng phương Tây về đề tài, nhất là về kỹ thuật viết truyện ở nơi các tác giả thời kỳ này. Chẳng hạn đề tài ghen, tác hại của ghen (giết bạn, giết vợ) trong „Thầy Lazarô Phiền“ của Nguyễn Trọng Quản hay trong „Oan kia kéo mãi“ của Lê Hoàng Mưu đã được nhiều tác giả Âu Châu khai thác: Shakesspeare với Othello, Alexandre Dumas với Le Collier de la Raine…

Khi viết „Kim thôi dị sử“ bác sỉ Nguyễn Bính, bút hiệu Biến Ngũ Nhy có lẽ đã đọc Les Mystères de Paris của Bugène Sue và Le bossu de Notre Dame của Victo Hugo. Nhân vật „Năm Nhỏ“ là một thứ „la femme fatale“ na ná nhân vật Milady trong Les trois Mousquetaires của A. Dumas (Ba người Ngự lâm pháo thủ).
„Chồn cáo tự sự“, hồi ký về thời thơ ấu, một thứ „Chuyện đời tôi“ của Michel Tình na ná truyện David Copperfield của Charles Dickens, chỉ khác một điều: cha David chết, mẹ tái giá, cha ghẻ làm David đau khổ, còn Michel Tình thì ngược lại, mẹ mất sớm, cha cưới vợ nhiều lần. Mẹ ghẻ ác, Michel Tình phải ở với bà ngoại. Cuốn hồi ký này cũng có thể xếp vào loại tiểu thuyết phong tục kiểu Francois le Champ hay La Mare au diable của George Sand.

„Chăng cà Mun“ của Nguyễn Chánh Sát cũng như „Cay đắng mùi đời“ của Hồ Biểu Chánh đều cho thấy những tác giả trên đã đọc và phóng tác theo cuốn truyện nổi tiếng Sans famille của Hector Malot hay Tomes Jones của Henri Fielding (Anh)

Ảnh hưởng tây phương về kỹ thuật viết truyện ngắn, truyện dài càng rõ rệt


Truyện ngắn mà chúng tôi coi là sớm hơn cả ở miền Nam, truyện „Thầy Lazarô Phiền“ đã sử dụng một cách khéo léo, hầu như hoàn hảo kỹ thuật Tây phương, không thua gì những truyện ngắn viết sau này hay bây giờ. Kỹ thuật tiểu thuyết ở đây cũng tương tự kỹ thuật kịch, chỉ từ từ tiết lộ các bí mật từ nhỏ đến lớn, bắt buộc người xem phải theo dõi, hồi hộp mà không thể đoán trước được cái gì sẽ xảy ra. Thoạt tiên là gặp gỡ trên tàu, nhân vật trung tâm đau khổ, ray rứt mơ tưởng đến cái chết. Sau đó thầy Lazarô Phiền mới kể lúc thiếu thời, lấy việc triều đình nhà Nguyễn bắt đạo, diệt đạo làm bối cảnh để đưa người đọc đến kết bạn với Liễu. Rồi gia đình Liễu làm mai một người cô em họ của Liễu. Cao điểm là một bức thư nặc danh tố cáo vợ thầy Lazarô Phiền ngoại tình với Liễu, đưa đến hậu quả Lazarô giết bạn, sau đó giết vợ. Ðoạn kết thật đúng là một „coup de théâtre“ bất ngờ: bức thư của thủ phạm - vợ tên quan, bà đã yêu thầy Lazarô mà bị thầy lánh xa. Ðọc giả hoàn toàn bị bất ngờ vì ở trên, tác giả chỉ nói phớt qua một số câu về người đàn bà này.

Kỹ thuật viết truyện của Lê Hoàng Mưu cũng rất đạt trong „Oan kia theo mãi“ và „Người bán ngọc“. Tác giả biết sử dụng yếu tố hấp dẫn là treo lơ lửng cái hồi hộp, phập phồng của số phận nhân vật trung tâm. „Oan kia theo mãi“ viết theo kiểu „Ngàn lẻ một đêm“, bộ tiểu thuyết A rập nổi tiếng, mỗi đêm một câu truyện. Câu truyện Hồ Cảnh Tiên kể, nhân vật chính trong „Oan kia theo mãi“ được sắp xếp trong 32 đêm, mỗi đêm một diễn tiến, lần lượt đưa nhân vật đến bước đường cùng. Còn „Người bán ngọc“ đưa đọc giả đi sâu vào cuộc phiêu lưu tình ái của Tô Thường Hậu, người giả gái có vô được tư dinh Hồ Ðô đốc hay không? Vô được rồi, có chiếm được người ngọc như vẫn mong ước không? Dan díu rồi số phận của họ ra sao khi Ðô đốc về?

Kỹ thuật thuật sử dụng yếu tố „suspense“ càng nổi bật khi tác giả đưa ra những cảnh mà người đọc tưởng là sẽ kết thúc một cách thoải mái, thường tình thì trái lại làm cho nó căng thẳng hơn bằng cách nhấn mạnh vào những pha đấu tranh tư tưởng giữa cái thiện và cái ác, giữa cái thanh cao và cái dâm ô. Chẳng hạn đoạn lôi cuốn hơn cả là lúc Tô Thường Hậu đấm bóp cho Hồ phu nhân. Rốt cuộc cái đam mê thắng cái lý trí, nhưng không qua mặt luân lý và do đó đoạn có thể khiêu dâm, không được tác giả tả chân mà lại hướng về những giằng co trong tâm hồn con người.
Thực ra nhiều tác giả vẫn chịu ảnh hưởng Trung Quốc, đôi khi cả hai, ảnh hưởng Trung Quốc với ảnh hưởng Pháp lẫn lộn nhau như trường hợp Lê Hoàng Mưu. „Người bán ngọc“ cũng làm cho người đọc liên tưởng đến loại „Bao Công kỳ án“ hoặc những vụ xử ly kỳ của Ðịch Nhơn Kiệt…
Lối trình bày chia truyện theo hồi với hai câu thơ tóm lược những sự kiện lớn tiêu biểu của hồi „Người bán ngọc bày mưu mua ngọc, kẻ vô tình măc kế say tình“.

Phản ảnh con người xã hội miền Nam


Về phuơng diện phản ảnh con người xã hội miền Nam, chúng ta sẽ thấy một đề tài „nay được nhắc đến“ trong nhiều tác phẩm của những tác giả như Nguyển Chánh Sát, Hồ Biểu Chánh, Lê Hoàng Mưu, Bửu Ðình là đề tài trẻ con bị thất lạc vì tai nạn hay bị bắt cóc, tráo trở sơ sinh để đoạt gai tài. Truyện mô tả những cuộc lưu lạc giang hồ gian khổ của trẻ thơ nhưng vẫn giữ được tâm hồn trong sáng và nhờ „quới nhơn độ mạng“ nên cuối cùng được „trùng phùng gia đình“. Chuyện tiền hung hậu kiết, kết thúc có hậu tiêu biểu cho thái độ lạc quan tin tưởng và luôn luôn trong mọi tình huống vẫn giữ được sự trong sáng chính trực và khí tiết. Ðề tài thứ hai là về người đàn bà. Rất nhiều nét đặc biệt được thể hiện trong các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh , Lê Hoàng Mưu, Nguyễn Chánh Sát. Ngay cả trong trường hợp sa ngã như của Hồ phu nhân (Người bán ngọc) chỉ gợi niềm thương cảm hơn là kết án. Những người đàn bà ở từng lớp dưới không bị khinh khi như thấy biểu lộ trong quan điểm của vị minh quân Trang Tử Minh đối với cái chết của thế nữ Ðào Anh, nâng địa vị kẻ nô tỳ lên ngang hàng với địa vị Hồ phu nhân: „Tuy vậy cũng là một mạng người; phép công há lấy chỗ sang, hèn giàu nghèo mà bỏ qua cho đặng“. Hình ảnh người đàn bà ở miền Nam là hình ảnh một cô gái giản dị, gần gũi, không mang vẻ quí phái xa cách vì sắc đẹp hay địa vị, do đó dễ toát lên tình người, tình nhân loại. Truyện „Nghiã hiệp kỳ duyên“ của Nguyễn Chánh Sát sở dĩ được tán tụng một thời vì cái tên „Chăng cà mun“ đã gợi cho người đọc hình ảnh một cô gái Miên đen ngăm một chút nhưng thật mặn mà…

Nhưng đề tài ăn khách hơn cả ở miền Nam là đề tài „thế thiên hành đạo“. Những nhà văn được nổi tiếng, sách bán chạy, là vì khai thác đề tài này. Không phải chuyện bịa đặt, mà là có thật, được thêu dệt thêm thôi: Những vụ đánh Tây trắng, tây đen cướp của nhà giàu chia cho người nghèo của những nhân vật trong „Kim thôi dị sử“ của Biên Ngũ Nhy, hay những Bach-si-ma của Hoàng Ngọc Ẩn trong các truyện của Phú Ðức không khác gì những truyện về tướng cướp Ðơn Hùng Tín hoạt động ờ Nam Kỳ và cả đất Chùa Tháp, những chuyện của Bình Xuyên hay của Sơn Vương, người tù trên 30 năm ngoài Côn đảo hiện còn sống ở Gò Công, kể trong tập hồi ký của mình….

----------------------------------------

Nguồn: Văn xuôi Nam bộ nửa thế kỷ 20, nxb Văn Nghệ TP HCM & Trung tâm nghiên cứu quốc học, tập 1, 1999

 

 

©2006 hobieuchanh.com